Tuesday 15 November 2022

ASEAN - TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TIẾN TRIỂN VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ BIỂN ĐÔNG (Người Việt Online)

 



ASEAN – Trung Quốc không có tiến triển về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông

Người Việt Online

November 14, 2022

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/khong-co-tien-trien-ve-dam-phan-bo-quy-tac-ung-xu-bien-dong/

 

PHNOM PENH, Cambodia (NV) – Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC) tuy có được đề cập trong cuộc hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Cambodia nhưng “không có tiến triển.”

 

Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói với báo ABS-CBN hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, như vậy khi được hỏi về vụ đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC – Code of Conduct) tại Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc đàm phán ì ạch hơn chục năm qua hiện vẫn chưa đi tới đâu.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/VN-ASEAN-China-summit-PhnomPenh-TangChhinSothy-AFP-111122-1536x932.jpg

Lãnh đạo chín nước ASEAN chụp hình với thủ tướng Trung Quốc tại thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Cambodia. (Hình: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)

 

Không thấy truyền thông Việt Nam đề cập gì về vấn đề này dù Việt Nam bị Trung Quốc cướp biển đảo và chèn ép hiếp đáp suốt nhiều chục năm qua.

 

CSVN cho ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh ASEAN với các đối tác khu vực, gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc…

Báo chí tại Việt Nam chỉ đưa tin ông Chính tiếp xúc, gặp gỡ, chụp hình với 17 lãnh tụ của các nước trong hai ngày tham dự các cuộc họp và tiếp xúc bên lề ở thủ đô Cambodia, 11 và 12 Tháng Mười Một.

 

Theo ABS-CBN, tuy có nhiều nhà lãnh đạo nêu vấn đề cần phải kết thúc thương thảo cho một bộ COC nhưng “không có tiến bộ gì cả.”

 

Ông Marcos là một trong những lãnh đạo đặt vấn đề với phía Trung Quốc tại cuộc họp ASEAN-Trung Quốc. Thủ Tướng Lý Khắc Cường là người cầm đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh kỳ này.

 

Theo nguồn tin trên, không những các lãnh đạo ASEAN mà ngay cả lãnh đạo Trung Quốc “đều nói họ tuân thủ Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng như các luật lệ quốc tế.” Điều này hàm ngụ một điểm mấu chốt khác, nền tảng khó khăn để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm gần hết Biển Đông theo chín vạch nối lại giống hình “lưỡi bò” mà họ nhiều lần ngang ngược nói rằng do tổ tiên của họ để lại từ xa xưa. Nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước khác (theo công ước UNCLOS mà Trung Quốc cũng ký cam kết công nhận).

 

Khi bị chất vấn về các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhiều hơn một lần tuyên bố những vùng biển đảo đó thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ, họ muốn làm gì thì làm, và họ không tranh chấp với ai. Nếu nước nào có hoạt động gì trong vùng biển đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Đó là lý do họ cản trở các hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam trong phạm vi “lưỡi bò” trên Biển Đông, thậm chí dọa đánh cướp luôn các vị trí mà Việt Nam đang trấn giữ.

 

Dù ký bản “Tuyên Bố Ứng Xử” (DOC – Declaration of Conduct) trên Biển Đông năm 2002 cam kết giữ nguyên trạng và đàm phán cho một Bộ COC hầu ngăn chặn xung đột võ trang, Trung Quốc vẫn ngang nhiều bồi đắp bảy bãi đá ngầm tại Trường Sa cướp của Việt Nam năm 1988 thành bảy đảo nhân tạo.

 

Đồng thời cơi nới mở rộng các đảo tại quần đảo Hoàng Sa mà họ cướp của Việt Nam năm 1974. Những nơi này nay là các căn cứ quy mô trên biển giúp họ khống chế toàn bộ Biển Đông.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/VN-Da-BaDau-AMTI-110222.jpg

Không ảnh Đá Ba Đầu với những chấm nhỏ có vẻ là các tàu dân quân biển Trung Quốc vẫn đậu lỳ ở khu vực cụm Sinh Tồn. (Hình: AMTI/CSIS)

 

Các cuộc đàm phán cho Bộ COC ì ạch khi có khi không chỉ vì Bắc Kinh cố ý cản trở, trì hoãn để xây dựng các căn cứ vừa kể dù vẫn tuyên bố cố gắng đàm phán để hoàn thành sớm COC. Không ảnh cho thấy các căn cứ đó quy mô, tân tiến như thế nào.

 

Bản tuyên bố chung giữa các nước hội viên ASEAN họp tại Phnom Penh, ngày 11 Tháng Mười Một, chỉ có một ít chữ viết bâng quơ rằng ASEAN “tôn trọng luật lệ quốc tế, chẳng hạn Hiến Chương LHQ, Công Ước 1982 LHQ về Luật Biển, và các thỏa hiệp liên quan khác và các công ước.”

 

Bản Tuyên Bố Chung ASEAN-Trung Quốc sau cuộc họp thượng đỉnh ở Phnom Penh đề ngày 11 Tháng Mười Một không hề có một chữ nào dù chỉ là bóng gió về tranh chấp Biển Đông cũng như đàm phán về Bộ COC.

 

Tháng Tám, năm 2021, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du tới thủ đô Cambodia đã tuyên bố ở đây rằng hy vọng COC có thể được ký khi Trung Quốc-ASEAN họp thượng đỉnh vào Tháng Mười Một, 2022. Nay cuộc họp đã xong, mọi người đã về nước, ông Marcos nói “không có tiến triển.” (TN) [kn]

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats