Wednesday 23 November 2022

ÁP LỰC KHÔNG TẠO ĐỘNG LỰC MÀ CHỈ GÂY CĂNG THẲNG VÀ RỐI LOẠN (Chu Mộng Long)

 



ÁP LỰC KHÔNG TẠO ĐỘNG LỰC MÀ CHỈ GÂY CĂNG THẲNG VÀ RỐI LOẠN 

Chu Mộng Long

22-11-2022  02:13   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02tvdZh8eHF3wtKMCmQfJNkgUjmpeBUNDfv8JjqHYpNbEpYBLNiNvdgB1CRpEdXnxol

 

Về bài phát biểu của Bộ trường Nguyễn Kim Sơn nhân ngày 20 tháng 11. Không đơn thuần là lời chúc mừng nhà giáo mà chứa đựng tầm nhìn và chiến lược giáo dục của người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo. Hai nội dung theo lược thuật của báo:

 

1) Dẫn dắt học trò tự tìm kiếm, phát triển tri thức

 

“Thế giới biến đổi từng giây, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết 10 dạy 1 không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo phải nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng, dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn”.

 

Luận đề này đúng, nhưng tại sao phải phủ định mô hình người thầy "biết 10 dạy 1"? Phải chăng "kiến thức cơ bản" mà ngài Bộ trưởng nói đã và đang thực hiện trong cải cách giáo dục ở Chương trình 2018? Rằng, "kiến thức căn bản" đó là trình độ sơ giản dạng tích hợp, giáo viên gì cũng biết như một học sinh tiểu học. Phải chăng từ đó mới có chủ trương một giáo viên dạy được cả ba môn khoa học: Lý, Hóa, Sinh với điều kiện chỉ cần học phương pháp? Điều này có gì mới khi sau 1975 có hệ trung cấp 9 + 1, 9 + 2, tức chỉ cần học 1 đến 2 năm sư phạm là dạy được tất? Còn bây giờ thì chỉ cần vài tháng học "chương trình tích hợp" với cái chứng chỉ gọi là "liên môn" là thành giáo viên bách khoa!

 

Không hiểu biết chuyên sâu, chỉ cần học các loại phương pháp mà Bộ giao cho các trường đại học tổ chức học thi lấy loại chứng chỉ gọi là "liên môn" trên là thầy giáo có đủ trình độ giúp học sinh "tìm kiếm và phát triển tri thức". Ôi, làm như vậy thì sao Luật Giáo dục đại học buộc giáo viên các cấp phải có bằng Cao đẳng hay Đại học trở lên? Làm như vậy có khác gì anh mù mà đòi cầm đuốc soi đường cho thiên hạ? Tôi hiểu, hiện nay, giáo viên cứ theo mẫu giáo án và giáo án mẫu 5512, thuộc lòng các hoạt động trong cái ma trận mà Bộ ban hành rồi dạy bất cứ môn học nào cũng được?

 

"Theo ông, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục". "Tự đổi mới" thế nào được, khi giáo viên không có chuyên môn sâu, chỉ học và làm theo như con vẹt các phương pháp ở giáo án mẫu, từ từng đề mục đến câu văn?

 

2) Áp lực chính là động lực

 

“Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển. Vượt qua khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện, ngành giáo dục và nhà giáo sẽ càng trưởng thành và vinh quang càng lớn lao hơn. Mong toàn thể nhà giáo cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo”.

 

Tôi đọc từ Phân tâm học đến Tâm lý học phát triển, không thấy nhà tâm lý học nào xem "áp lực cũng chính là động lực". Động lực sinh ra từ nội lực cá nhân. Áp lực áp đặt từ bên ngoài, chỉ có thể gây cản trở, dồn nén, tiêu hủy động lực, và tất yếu gây căng thẳng và rối loạn. Sự thực, áp lực hoặc là đẩy cá nhân vào bản năng sinh tồn lệch lạc, hoặc là đi đến sụp đổ tinh thần và tự sát.

 

Bộ trưởng là người có chuyên môn về văn chương, lẽ nào không thấm thía cái chất nhân văn đẫm nước mắt trên các trang văn nói về bi kịch của nhà giáo. Nam Cao từng miêu tả cái cảnh giáo Thứ và đồng nghiệp phải "sống mòn" bởi áp lực của miếng cơm manh áo trong tiểu thuyết Sống mòn. Ma Văn Kháng miêu tả đời giáo Tự như "cái vại dưa muối hỏng", giáo Thuật sống như một con chó điên bởi áp lực của miếng cơm manh áo lẫn áp bức của quan chức trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú. Áp lực tạo nên những tâm hồn khiếm huyết và bệnh hoạn, và những tâm hồn khiếm khuyết, bệnh hoạn như vậy liệu có đủ phẩm chất và năng lực soi đường cho trẻ em đi?

 

Bộ trưởng và những nhà quản lí giáo dục thừa biết, hiện nay thầy cô giáo và học sinh đều chịu áp lực nặng nề hơn cả những điều các nhà văn đã viết. Ngoài áp lực lương không đủ sống phải dạy thêm, làm thêm trái nghề, kể cả tiếp tay con buôn đi đòi nợ thuê, mỗi giáo viên đều phải tròng lên cổ bệnh thành tích của quan chức, đặc biệt là cái vòng kim cô các loại khuôn mẫu từ trên áp xuống buộc phải đối phó cả ngày lẫn đêm. Còn học sinh thì chịu áp lực từ học phí, lệ phí đến học thêm bằng cách học tủ đủ các loại bài mẫu để đối phó vô số các kì thi. Ai có con cũng thấy chúng học ngày học đêm, học đến phờ phạc, thất thần. Làm gì có áp lực nào biến thành động lực, ngoài cách đối phó lệch lạc, đầy chất lưu manh cho nhu cầu của bản năng sinh tồn. Nếu có động lực nào đó thì chỉ có thể là nhảy sông, nhảy lầu khi không còn lối thoát. Các vụ tự tử ở học đường vẫn chưa đủ cho lãnh đạo thức tỉnh để tìm cách tháo gỡ các áp lực sao?

 

Nói áp lực sinh động lực, không chừng từ nay, từ quan chức Bộ đến Phòng, Sở, Nhà trường cứ dựa vào phát ngôn này, tạo ra đủ thứ áp lực cho giáo viên và học sinh. Khi xảy ra vụ học sinh rồi giáo viên tự tử, đã có cô giáo phát ngôn trên FB một cách vô cảm, rằng cuộc sống là áp lực, giáo dục phải tạo áp lực cho trẻ em quen dần. Điều đó cũng có nghĩa là ai không quen thì chết ráng chịu? Lẽ nào ngài Bộ trưởng cũng chỉ tư duy ở tầm như vậy?

 

Trong dẫn giải của Bộ trưởng, có điều này đúng. Cả xã hội mong muốn phải đổi mới, buộc giáo dục phải đổi mới. Phụ huynh, học sinh muốn đổi mới, tôi tin, toàn thể giáo viên cũng muốn đổi mới. Nhưng đã là mong muốn thì không phải là áp lực. Đó là động lực, vì khát khao ấy xuất phát từ nội tại của từng cá nhân. Trách nhiệm của chính quyền và lãnh đạo giáo dục là phải tạo điều kiện để mong muốn ấy thành hiện thực chứ không phải gây áp lực.

 

K. Marx nói, tự do là điều kiện thiết yếu của sáng tạo. Muốn có tự do và sáng tạo, cần phải kiến tạo một xã hội cởi mở, bắt đầu từ môi trường giáo dục. Quản lý cởi mở thì nhà giáo phát huy hết tiềm năng cá nhân. Thầy giáo cởi mở thì học trò được khai phóng. Giáo dục mà độc đoán, chuyên quyền với đủ thứ áp lực đẩy thầy và trò vào trạng thái căng thẳng và rối loạn rồi cho đó là động lực thì, nói như triết gia M. Foucault, loại hình nhà trường đó không khác trại tâm thần.

 

Chu Mộng Long

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mô hình bậc thầy uyên bác biết 10 dạy 1 không còn phù hợp  

 

.

7 BÌNH LUẬN



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats