Ukraine
trong cuộc tranh cử 2024
16/05/2022
https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-trong-cu%E1%BB%99c-tranh-c%E1%BB%AD-2024/6574315.html
https://gdb.voanews.com/03190000-0aff-0242-8c8c-08da36634a55_w650_r1_s.jpg
TT Volodymyr Zelenskyy (trái), bắt tay
nghị sĩ Mitch McConnell tại Kyiv, 14 tháng May.
Chính
phủ Ukraine có thể an tâm. Nước Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ Ukraine, ít nhất từ
nay đến năm 2024! Như kinh nghiệm Việt Nam Cộng Hòa cho thấy, nguồn viện trợ đó
còn tiếp tục bao lâu, phải chờ coi hồi sau mới rõ!
Nghị sĩ
Mitch McConnell dẫn một phái đoàn các nghị sĩ Cộng Hòa bất ngờ bay qua Kyiv, thủ
đô Ukraine, bắt tay Tổng thống Volodymyr Zelensky. Mấy bữa trước, ông Zelensky
đã gặp bà Nancy Pelosi (California) và một phái đoàn dân biểu đảng Dân chủ. Cả
hai cuộc viếng thăm đều nhằm chứng tỏ Quốc hội Mỹ ủng hộ dân Ukraine trong cuộc
chiến chống quân Nga xâm lược. Nhưng đó cũng là những hoạt động nằm trong khuôn
khổ cuộc vận động tranh cử quốc hội Mỹ cuối năm nay.
Ông Zelensky
đã nhiệt liệt cảm ơn nhân dân Mỹ ủng hộ dân Ukraine và các đại biểu thuộc cả
hai đảng, cùng chung sức bảo vệ các giá trị dân chủ tự do trên thế giới.
Nhưng
trong lúc đó, một dự luật $40 tỷ đô la để giúp Ukraine đang bị kẹt cứng trên
Thượng viện, vì một vị nghị sĩ phản đối, theo nhật báo The Wall Street
Journal ngày 13 tháng Năm.
Cả hai ông
Chuck Schumer (Dân Chủ, N.Y.) và McConnell (C.H., Kentucky), trưởng khối đa số
và thiểu số trong Thượng viện, đếu muốn thông qua ngay dự luật này với toàn thể
100 nghị sĩ cả hai đảng, chứng tỏ quyết tâm của quốc hội. Nhưng Nghị sĩ Rand
Paul (Cộng Hòa, Kentucky) không đồng ý. Ông Paul muốn sửa bản dự luật
để thêm điều khoản cho Uỷ ban Kiểm soát Tái thiết Afghanistan quyền theo dõi việc
chi tiêu và số vũ khí giúp Ukraine. Nghị sĩ Chuck Schumer sẽ phải theo thủ tục
thông thường, đưa dự luật ra biểu quyết trong tuần sau.
Đây là một
bài học cho chính phủ Ukraine khi trông đợi Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự. Trước
năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và dân miền Nam không hiểu, hoặc không biết
rõ về quá trình thông qua chính sách ngoại giao của “nước Mỹ” phức tạp như thế
nào. Không có một người hay một đảng quyết định cho cả nước Mỹ. Ông tổng thống
có thể tuyên bố, hứa hẹn điều gì ông muốn, như ông Richard Nixon có thể cam kết
với ông Nguyễn Văn Thiệu; nhưng có viện trợ hay không còn tùy thuộc quốc hội,
là định chế đóng vai chi tiền.
Một điều
khác mà chính phủ các nước nhận viện trợ Mỹ thường hay quên nữa, là các đại biểu
quốc hội quyết định cấp tiền viện trợ hay không cũng còn tùy thuộc ý kiến của
người dân bỏ phiếu bầu cho họ. Đây không phải “dân Mỹ nói chung” mà là các cử
tri trong mỗi đơn vị bầu cử cho mỗi đại biểu quốc hội. Một ông hay bà dân biểu
muốn chi tiền, nhưng đa số cử tri trong đơn vị không muốn, thì họ sẽ bỏ phiếu
“không.” Ngay trong các cuộc bầu cử sơ bộ, khi cử tri mỗi đảng chọn ứng cử viên
sẽ đại diện cho mình, đó cũng là một yếu tố quan trọng.
Một sự thật
khác trong chính trị nước Mỹ mà người nước ngoài không để ý mấy, là khi bỏ phiếu
thì dân Mỹ không quan tâm đến các vấn đề quốc tế, đến các lựa chọn về ngoại
giao. Chiến tranh ở Việt Nam, Ukraine hay Iraq, Afghanistan không ảnh hưởng đến
lá phiếu của dân Mỹ bằng các vấn đề trước mắt họ. Mối quan tâm lớn nhất của họ
nằm ở chung quanh mình, từ vật chất đến tinh thần: thất nghiệp lên hay xuống, lạm
phát cao hay thấp, bình đẳng giữa các màu da, trợ cấp xã hội, trường học, phá
thai, nam nữ đổi giới tính, vân vân. Mỗi vấn đề trên được cử tri mỗi đơn vị suy
xét để lựa chọn lá phiếu khi bầu đại biểu quốc hội.
Đại đa số
dân Mỹ, với tỷ số 80%, nhiệt liệt ủng hộ bảo vệ thể chế dân chủ tự do của dân
Ukraine. Nhưng ba tháng trước đây, khi biểu quyết về Ukraine lần đầu tiên, yêu
cầu ông Vladimir Putin ngưng bắn, có ba dân biểu Cộng Hòa phản đối. Tuần trước,
số dân biểu Hạ viện chống dự luật giúp Ukraine tăng lên tới 57 người mặc dù được
368 dân biểu khác ủng hộ. Một số người phản đối vì họ không muốn giúp Ukraine,
nhưng phần lớn nêu lý do khác, nhất là nạn lạm phát.
Những người
chống viện trợ Ukraine thường kêu gọi “Nước Mỹ trước hết” (America First) muốn
nước Mỹ đứng ngoài Đại chiến Thứ Hai. Cựu Tổng thống Donald Trump lập lại khẩu
thiệu này khi tranh cử năm 2016.
Nghị sĩ Rand Paul mới nói, “Lời thề của tôi là với hiến
pháp Mỹ, không với một nước ngoài nào cả.” Ông cũng nói thêm rằng đem chi số tiền
$40 tỷ mỹ kim sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên (số tiền này nhỏ hơn 0.2 phần
trăm Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ). Một ứng cử viên Thượng viện năm nay ở Arizona,
ông Blake Masters cũng phản đối:
“Chúng ta không thể cứu Ukraine nhưng làm cho kinh tế Mỹ suy yếu” và không thể
“đem tiền bảo vệ biên giới Ukraine trong khi bỏ mặc biên giới nước mình.”
Ông Thomas Massie, Kentucky, là một trong ba dân biểu Cộng
Hòa bác bỏ quyết nghị ủng hộ Ukraine ngay lần đầu, đã bỏ phiếu 16/16 lần chống
viện trợ Ukraine. Lần này, ông nói rằng số tiền $40 tỷ là “điên khùng”
(insane). Hơn nữa, những biện pháp cấm vận Nga chỉ làm cho nạn lạm phát ở Mỹ trầm
trọng thêm.
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (C.H.-Ga.) đã bỏ phiếu chống 15 lần
trên 16, nhắc đến tình trạng khan hiếm sữa bột ở Mỹ, “Sữa bột! Sữa bột! Người
ta không kiếm đâu ra sữa bột. Nhưng quốc hội lại muốn chi $40 tỷ cho một nước
khác!” Bà Green đặt câu hỏi: “Liệu Vladimir Putin có ngưng đánh Ukraine vì bị cấm
vận hay không? Không hề thấy! Cấm vận không ích lợi gì cả! Thế thì quý vị nghĩ
sao? Tôi chỉ lo cho nước mình, nước Mỹ, nhân dân Mỹ thôi!”
Các dân biểu
Cộng Hòa ở Arizona, Andy Biggs và Paul A. Gosar chống viện trợ Ukraine 11 và 10 lần.
Họ đều là những người triệt để ủng hộ Tổng thống Trump, không công nhận Tổng thống
Biden đắc cử năm 2020.
Nhưng ông Massie là người cổ động chủ
trương “America First” mạnh mẽ nhất trong suốt 5 nhiệm kỳ. Ông hãnh diện khoe mình còn cương quyết
hơn cựu Tổng thống Trump trong vấn đề NATO: “Ông ấy chỉ đòi các nước khác trong
NATO tăng thêm chi phí quân sự; còn tôi, tôi muốn rút ngay ra khỏi NATO.”
Massie đề nghị nhường một phần của nước Ukraine cho Nga, để chiến tranh chấm dứt,
giúp “hàng chục ngàn người thoát chết.” Ông muốn thấy một phần phía Đông nước
Ukraine sẽ tùy thuộc Putin, phần phía Tây theo Âu châu và Mỹ.
Những người
như Massie, Green chỉ là một thiểu số
trong đảng Cộng Hòa, nhưng họ đã lôi kéo được hơn 50 đại biểu quốc hội khác. Họ
vẫn là một tiếng nói quan trọng khiến chiến tranh Ukraine vẫn là một đề tài
trong cuộc vận động tranh cử quốc hội năm 2022.
Năm 2020,
ông Massie đã bỏ phiếu chống dự luật cấp cứu $2 ngàn tỷ mỹ kim chống Covid-19 của
Tổng thống Trump. Khi quốc hội thông qua $2 ngàn tỷ, ông Trump đề nghị trục xuất
Massie ra khỏi đảng Cộng Hòa. Ông Massie cũng bỏ phiếu công nhận ông Biden đắc
cử. Nhưng gần đây hai người đã giải hòa vì cùng chủ trương “Nước Mỹ trước hết!”
Ông Trump mới tuyên bố chính thức ủng hộ ông Massie trong cuộc tranh cử năm
nay.
Hơn 70 phần
trăm các đại biểu Cộng Hòa vẫn chủ trương phải ủng hộ Ukraine khi bỏ phiếu cho
ngân sách $40 tỷ. Khi các nghị sĩ Mitch McConnell, Susan Collins (Maine), John
Cornyn (Texas) và John Barrasso (Wyoming) cùng đến Kyiv gặp Tổng thống Volodymyr
Zelensky; chính phủ Ukraine có thể an tâm. Nước Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ
Ukraine, ít nhất từ nay đến năm 2024! Như kinh nghiệm Việt Nam Cộng Hòa cho thấy,
nguồn viện trợ đó còn tiếp tục bao lâu, phải chờ coi hồi sau mới rõ!
No comments:
Post a Comment