Thursday, 12 May 2022

UKRAINE : PUTIN THỬ THÁCH SỰ ĐOÀN KẾT XUYÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG (Hiếu Chân)

 



Ukraine: Putin thử thách sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương

Hiếu Chân
11 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ukraine-putin-thu-thach-su-doan-ket-xuyen-dai-tay-duong/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239297531-1-1024x683.jpg

Sự đoàn kết ủng hộ Ukraine của phương Tây bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt khi cuộc chiến gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế các nước, đẩy lạm phát lên cao và gây thêm khó khăn cho cuộc sống người dân. Trong ảnh Thủ lĩnh phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa, California) diễn trình tình trạng lạm phát để bác bỏ cách giải thích đổ lỗi cho Putin của Tổng thống Joe Biden; Washington DC, ngày 18 Tháng Ba 2022 (ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)

 

Sự đoàn kết vô tiền khoáng hậu giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Vladimir Putin có nguy cơ bị rạn nứt nếu cuộc chiến tranh kéo dài, gây ra những tổn hại to lớn về kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân các nước lớn ở hai bờ Đại Tây Dương.

 

Khi thực hiện cuộc chiến xâm lược Ukraine ngày 24 tháng Hai vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nhắm làm suy yếu các nước phương Tây, xói mòn sức mạnh của liên minh NATO. Đến nay có thể nói mục tiêu đó của Putin đã thất bại. Hoa Kỳ và EU đã nhanh chóng đồng tâm hiệp lực giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược, bảo vệ nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là các nước không được sử dụng bạo lực quân sự để thay đổi các đường biên giới quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, dù nhỏ hay lớn. Đánh giá sai lầm về sự đoàn kết và quyết tâm của phương Tây là một trong những thất bại cay đắng nhất của Putin.

 

Nhưng sau hai tháng rưỡi chiến tranh, với tổn thất nặng nề của cả hai phía và triển vọng kết thúc cuộc chiến ngày càng xa vời, quan điểm của phương Tây đang bắt đầu có dấu hiệu thay đổi và có sự cách biệt giữa Hoa Kỳ và EU.

 

Hoa Kỳ coi cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và xâm lược; trong đó Mỹ dốc sức hỗ trợ Ukraine không chỉ để nước này tự vệ được mà còn làm suy yếu quân đội Nga, nước Nga đến mức Moscow sẽ không còn liều lĩnh thực hiện những hành động xâm lược tương tự trong tương lai. Ý tưởng đó của Hoa Kỳ đã được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói thẳng trong chuyến thăm bất ngờ của ông tới Kyiv và tại hội nghị bộ trưởng 40 nước trong và ngoài NATO diễn ra trong một căn cứ quân sự của NATO trên đất Đức mới đây. Một biểu hiện rõ trong ý chí của Hoa Kỳ là Hạ viện – cơ quan nắm hầu bao ngân sách của nước Mỹ- đã thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine $40 tỷ, cao hơn cả mức $33 tỷ mà Tổng thống Biden đề nghị.

 

Ngược lại, các cường quốc châu Âu không muốn cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài hoặc có nguy cơ leo thang. EU vẫn tiếp tục viện trợ mạnh cho Ukraine, vẫn chống Nga quyết liệt nhưng không muốn dồn Nga vào đường cùng, không muốn gây ra cho Putin một sự sỉ nhục nguy hiểm. Thay vì làm suy yếu nước Nga, châu Âu tập trung nhiều hơn vào việc bảo đảm ngừng bắn ở Ukraine và rút quân Nga, ít nhất là về các vị trí trước ngày 23 tháng Hai, tức là trước khi chiến tranh bắt đầu. EU tin rằng điều quan trọng là phải duy trì đối thoại ngoại giao với Tổng thống Nga Putin.

 

Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hồi đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói không nên để cho ý tưởng sỉ nhục đối phương cám dỗ, không nuôi ước vọng trả thù vì “ trong quá khứ, chúng tàn phá các con đường hòa bình.” “Chúng tôi không chiến tranh với Nga. Chúng tôi đang làm việc ở châu Âu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và vì sự trở lại hòa bình trên lục địa của chúng tôi,” ông Macron nói thêm.

 

Một phụ tá cao cấp của ông Macron nói với ký giả Roger Cohen của báo The New York Times rằng Pháp thất vọng với quan điểm của Mỹ là trang bị vũ khí cho Ukraine, duy trì các lệnh cấm vận Nga vô thời hạn. Quan chức ẩn danh này cho biết Pháp muốn thúc đẩy mạnh các cuộc đàm phán vì không có cách nào khác để đảm bảo an ninh Ukraine và an ninh chiến lược trên lục địa châu Âu. Ông này cũng cho rằng cuối cùng, mối quan hệ với ông Putin là khó tránh khỏi.

 

Trong cuộc gặp Tổng thống Biden ở Washington hôm thứ Ba 10 tháng Năm, Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng nêu quan điểm tương tự. “Chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine… Nhưng chúng ta cũng phải tìm kiếm hòa bình. Tất cả các bên phải nỗ lực để ngồi lại xung quanh một cái bàn, ngay cả Hoa Kỳ,” ông Draghi nói.

 

Nhìn chung, quan điểm của EU – hay đúng hơn là của các cường quốc ở xa biên giới với Ukraine như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha – là việc bảo vệ Ukraine chống xâm lược không nên biến thành việc đánh cho tan nát nước Nga của ông Putin mà phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt.

 

Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ dường như không nhìn thấy cơ hội ngoại giao nào ở thời điểm hiện tại. Bà Avril D. Haines, Giám đốc Tình báo quốc gia Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Quân Vụ Thượng viện trong tuần này rằng ông Putin đang “chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và có ý định xâm chiếm các vùng lãnh thổ ngoài khu vực Donbass.” Putin rất có thể đánh giá rằng Nga có khả năng và sẵn sàng chịu đựng thách thức lớn hơn các đối thủ phương Tây. Và ông ấy có lẽ đang tin rằng quyết tâm của Hoa Kỳ và EU sẽ suy yếu khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và giá năng lượng trở nên tồi tệ hơn,” bà Haines nói.

 

Các nhà phân tích bên ngoài chính quyền cũng nghĩ ông Putin đang tính toán rằng phương Tây sẽ mệt mỏi trước nước Nga nếu cuộc chiến kéo dài, phương Tây phải trả giá đắt cho việc hỗ trợ Ukraine với lạm phát cao, nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn, ngân sách quốc gia bị thâm thủng còn dân chúng thì thất vọng và chán ngán.  

 

Bản thân ông Putin cũng phải chịu những áp lực như vậy do kinh tế Nga bị cấm vận ngặt nghèo, hàng hóa thiếu thốn, giá cả tăng đẩy lạm phát hiện lên tới 20% cùng những tổn thất về quân sự. Nhưng có thể ông Putin tin rằng, việc kích thích chủ nghĩa dân tộc Đại Nga lên cực độ như hiện nay, cùng với guồng máy đàn áp và việc độc quyền thông tin của nhà nước có thể giúp ông yên tâm kéo dài cuộc chiến tranh thêm nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa dù việc kéo dài chiến tranh có thể hút cạn nguồn lực của quân đội Nga, cả về nhân lực lẫn vũ khí.

 

Giống như trò chơi trẻ con thi đua xem ai nháy mắt trước, Nga và phương Tây đang đua nhau xem ai có đủ quyết tâm, nguồn lực và lòng kiên nhẫn để theo đuổi trò chơi chiến tranh. Với bản chất xã hội mở, đa nguyên và tự do, phương Tây có thể sẽ phải “nháy mắt” trước.

 

Bởi vậy, điều cần thiết là Mỹ và EU tạm gác những khác biệt về quan điểm, dồn lực để gia tăng trừng phạt kinh tế, bóp nghẹt ngân quỹ chiến tranh của Nga, kết thúc cuộc chiến tranh khi những điều kiện bảo đảm lợi ích cho Ukraine về độc lập, lãnh thổ được đáp ứng trên bàn đàm phán hoặc trên chiến trường. Để cho chiến tranh kéo dài là rơi vào chiếc bẫy mà ông Putin đã giăng ra. Ông Michael A. McFaul, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga nhận định: “Tôi lo ngại sự mệt mỏi của phương Tây. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo thế giới tự do cần phải làm nhiều hơn nữa ngay bây giờ để đẩy nhanh việc kết thúc cuộc chiến”.

 

-----------

Đọc thêm:

 

·         Cuộc chiến của Putin

 

·         Vladimir Putin tìm lối thoát ra khỏi bãi lầy Ukraine




No comments:

Post a Comment

View My Stats