Ukraina
: Mỹ tận dụng cơ hội hiếm có để chận Nga và răn đe Trung Quốc
Thụy My - RFI
Đăng ngày:
21/05/2022 - 19:45
Quân Nga sau khi rút khỏi Kiev lại tiếp
tục thất bại tại Kharkov, còn trận Donbass được loan báo rầm rộ vẫn chưa thực sự
khởi đầu. Giờ đây có thể ngăn chận mối đe dọa từ Matxcơva, « cơ hội duy
nhất chỉ đến có một lần trong một thế hệ ». Biden đã thắng Putin, và
việc Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Ukraina còn nhằm dằn mặt Tập Cận Bình.
https://s.rfi.fr/media/display/33a02256-d92d-11ec-b8ce-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/jill_01.webp
Đệ
nhất phu nhân Mỹ Jill Biden tặng hoa cho bà Olena Zelenska, phu nhân tổng thống
Volodymyr Zelensky tại một trường học ở Uzhhorod, Ukraina ngày 08/05/2022. Đến thăm một đất nước đang chiến
tranh, phía Mỹ tự tin cho thấy Putin đang bất lực trong cuộc chiến.
REUTERS - POOL
Phần Lan, Thụy Điển và NATO : Chuyện gì
phải đến đã đến
Sự kiện Phần
Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO tiếp tục được các tuần báo chú ý. Trong
bài « Phần Lan, Thụy Điển, hồi kết của trung lập », L'Express nhắc
đến cuộc tập trận Locked Shield của NATO ở Estonia.Ít nhất 8.000 vụ tấn công phối
hợp vào 5.500 hệ thống vi tính dân sự và quân sự của Berylie, một đảo quốc ảo :
đó là thách thức mà 24 ê-kíp phải đối phó trong. Ê-kíp thắng trận chính là Phần
Lan, quốc gia vừa xin gia nhập NATO. Đất nước Bắc Âu có một trong những quân đội
được chuẩn bị chu đáo nhất châu Âu với 280.000 quân có thể huy động lập tức,
trang bị vũ khí hiện đại, một chế độ « quốc phòng toàn dân » và dư luận nhạy cảm
với mối đe dọa từ Nga.
Le
Figaro Magazine nhận
xét người Phần Lan « nhớ dai ». Năm 1939, Stalin tung 450.000 quân tấn
công « xứ tuyết » nhỏ bé, tưởng rằng nuốt chửng ngay, nhưng một tháng
sau Phần Lan vẫn chống chọi được. Tờ báo cánh hữu Pháp đề ngày 24/12/1939 chạy
tựa « Ở phía bắc hồ Ladoga, người Phần Lan giành hai trận thắng, một phần
quân xô-viết bị bao vây ». Nhưng cuối cùng sau khi ngưng bắn, hồ
Ladoga rộng nhất châu Âu thuộc về Liên Xô cho đến nay. Trung lập « kiểu Phần
Lan » có cái giá của nó, và nay Helsinki đã quyết định chia tay.
Theo The
Economist, ông Vladimir Putin chỉ có thể tự trách chính mình. Nhật báo Thụy
Điển Aftonbladet (Courrier International trích dịch) khẳng định « Nếu
Putin không xâm lược Ukraina, chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra ». Tờ
Expressen hoan nghênh « Rốt cuộc Thụy Điển trở thành một quốc
gia bình thường » và cổ vũ « Đừng sợ hãi, nhưng hãy sẵn sàng »
đối phó với Nga.
Đức, Nhật vốn chủ hòa, sắp tới sẽ có bom
nguyên tử ?
Không chỉ
hai nước Bắc Âu. Le Point lưu ý đến « Đức và Nhật, các nước
chủ hòa tái vũ trang ». Cú sốc Ukraina có thể thúc đẩy Tokyo và Berlin
trở thành cường quốc quân sự thứ ba và thứ tư thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhà bình
luận Luc de Barochez cho rằng không có gì mang tính biểu tượng hơn sự đảo lộn địa
chính trị do cuộc xâm lăng Ukraina gây ra, khiến hai nước lớn bại trận trong Đệ
nhị Thế chiến năm 1945 phải thay đổi quan điểm. Tại Đức và Nhật Bản, ngân sách
quân sự tăng vọt, phe diều hâu thắng thế trước bồ câu. Thủ tướng Olaf Scholz
cam kết dành 100 tỉ euro trong 5 năm, và tại Tokyo, đồng nhiệm Fumio Kishida
thuyết phục phe đa số diễn dịch lại Hiến Pháp chủ hòa.
Berlin và
Tokyo tăng ngân sách quốc phòng lên 2 % GDP thay vì lần lượt là 1,3 và 1 % như
hiện nay. Như vậy Nhật Bản với 100 tỉ đô la/năm sẽ có ngân sách quân sự thứ ba
thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, còn Đức theo bén gót với 85 tỉ đô la.
Trật tự sức mạnh thay đổi, khiến Pháp bị bỏ xa phía sau. Nhưng theo tác giả
thì chẳng có gì phải lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu sẽ an ninh hơn, với một nước Đức
có quân đội xứng tầm với trọng lượng kinh tế. Tương tự, châu Á cũng ổn định hơn
với một Nhật Bản mạnh mẽ, vào lúc sự bành trướng của Trung Quốc và những khiêu
khích của Bắc Triều Tiên biến châu lục này thành thùng thuốc súng. Tokyo cần phải
hành động nhiều hơn để bảo vệ không gian dân chủ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Sự chuyển
đổi từ « loài ăn cỏ » sang « loài ăn thịt » liệu có bền vững ?
Phe chủ hòa lâu nay vẫn nhiều ảnh hưởng tại Đức và Nhật, nhưng bỗng dưng chỉ
trong vài tuần lễ, quan niệm của chính giới Đức thay đổi hẳn, ý tưởng thương mại
sẽ thuần hóa được gấu Nga trở thành ảo tưởng. Ở Nhật, sự thay đổi có chậm chạp
hơn, nhưng tại đất nước kịch liệt chống hạt nhân sau hai quả bom nguyên tử thả
xuống Hiroshima và Nagasaki, ông Shinzo Abe vừa đòi hỏi việc Nhật trang bị đầu
đạn hạt nhân Mỹ. Tại Berlin, các chuyên gia còn đi xa hơn, nếu Donald Trump
quay lại năm 2024, lực lượng răn đe có thể là của châu Âu hay Đức thay vì Hoa Kỳ ?
Lời đe dọa vũ khí nguyên tử
của Vladimir Putin đã để lại dấu ấn, và với nhịp độ này, không loại trừ
một ngày nào đó Đức và Nhật Bản sở hữu bom nguyên tử.
Lịch sử lặp lại : Nga thất bại ở Kharkov
như quân Stalin 80 năm trước
Trên thực
địa Ukraina, The Economist nhận thấy « Tại Kharkov,
Nga một lần nữa lại kiệt sức », lực lượng Ukraina đang phản công. Tuần
báo Anh nhắc lại cách đây 80 năm, Hồng quân cũng đã từng tấn công vào Izyum,
thành phố phía nam Kharkov ngày 12/05/1942 nhưng đại bại, trên 170.000 người
lính xô-viết tử trận. Về sau Nikita Khrushchev đã mỉa mai « thiên
tài » của người tiền nhiệm Stalin. Giờ đây một lần nữa quân Nga lại tập
trung xung quanh Izyum, và đang phải rút khỏi Kharkov, ở một số nơi phải lui hẳn
sang bên kia biên giới.
Nga cũng
có một số thành công nho nhỏ, chẳng hạn đã gần như chiếm trọn Luhansk, và hai
thành phố kỹ nghệ Slovyansk, Kramatorsk. Thế nhưng mỗi ngày chỉ tiến được một,
hai kilomet, và thiệt hại rất nhiều. Đôi bên đấu pháo với nhau thay vì xung trận
bằng xe tăng. Việc quân Nga tiến chậm không có gì đáng ngạc nhiên, vì trên lý
thuyết lực lượng tấn công phải nhiều gấp ba quân phòng thủ, trong khi Nga rất
thiếu người dù đã huy động cả các cựu quân nhân, hứa trả lương cao.
Còn phía
Ukraina hết sức tự tin, các chiến đấu cơ hoạt động trên bầu trời Donbass dù rất
gần lực lượng phòng không của quân Nga ở miền đông. Tuy nhiên trải dài lực lượng
trên hàng trăm kilomet – chỉ riêng ở Donbass, và trên tổng cộng 1.300
kilomet ; chuyển từ thế thủ sang thế công là một thách thức lớn. Thế nên
hiện « chưa mèo nào cắn mỉu nào », cơ quan tình báo Mỹ cho là đang
trong ngõ cụt. Nhưng Kiev không tin vào tuyên bố này, và trước chiến tranh
Ukraina cũng đã từng bị đánh giá thấp.
Chính quyền Biden chiến thắng Putin ở Ukraina
Cũng về cuộc
xâm lăng Ukraina, L'Express đánh giá Mỹ chiến thắng, còn Sa
hoàng Putin đã thất bại. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã chọn một thời điểm
mang tính biểu tượng là Ngày của Mẹ 08/05 (theo thông lệ Mỹ) cho chuyến viếng
thăm bất ngờ Ukraina. Bà đã gặp Olena Zelenska, phu nhân tổng thống Volodymyr
Zelensky - ôm hôn, tặng hoa, chụp ảnh, tuyên bố chung trước báo chí...Nhà sử học
Françoise Coste nhận định : « Việc Nhà Trắng để cho đệ nhất phu nhân đến đất
nước Ukraina đang chiến tranh là một cái tát thẳng cánh cho Putin. Đó là cách để
nói rằng ông ta chẳng chủ động được gì trên thực địa, và chứng tỏ chính quyền
Biden rất tự tin ».
Sắp bước
sang tháng thứ ba của cuộc chiến, nỗi sợ đã chuyển bên. Sau khi đẩy lùi quân
Nga khỏi thủ đô Kiev hồi tháng Tư, đến giữa tháng Năm quân Ukraina đã buộc đội
quân của Putin tiếp tục nếm mùi thất bại ở Kharkov, thành phố lớn thứ nhì. Còn
trận « đại tiến công » Donbass được loan báo cách đây một tháng
thì vẫn chưa bắt đầu. Mariupol dù đã bị san bằng thành bình địa, những người
hùng ở Azovstal vẫn bám trụ, và Kiev vẫn chưa công nhận kết thúc cuộc di tản. Tổng
cộng số thiệt hại nhân mạng của Nga là khổng lồ : 20.000 lính tử trận,
theo Ukraina, còn xe tăng, trực thăng bị các hỏa tiễn Javelin, Stinger bắn cháy
vô số kể.
Tướng Ben
Hodges, từng tham gia chiến tranh Irak và Afghanistan dự báo « Trước cuối
mùa hè này, Nga sẽ đạt mức huy động tối đa năng lực quân sự. Ukraina không chỉ
chận được đà tiến của địch mà còn tổng phản công, và đến tháng Chín, sẽ tìm lại
đường biên giới ngày 23/02 ». Ông cho rằng giờ đây có khả năng chận đứng
hẳn mối đe dọa từ Matxcơva, « cơ hội duy nhất chỉ đến có một lần trong
một thế hệ ». Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng từng tuyên bố « muốn
làm Nga yếu đi đến mức không thể tái diễn việc xâm lược như ở Ukraina ».
Mỹ ủng hộ Ukraina chống xâm lăng còn nhằm răn
đe Trung Quốc
Để đạt mục
đích này, Washington và các đồng minh đã bóp nghẹt kỹ nghệ quốc phòng Nga, cấm
bán cho Matxcơva tất cả phụ tùng và vật liệu bán dẫn (cần cho hỏa tiễn). Thế
nên Uralvagonzavod, nhà máy xe tăng lớn nhất nước đã phải ngưng sản xuất. Nhưng
mục tiêu chiến lược của « sen đầm quốc tế » Mỹ vượt quá chiến trường
Ukraina, « sự ủng hộ mạnh mẽ Kiev còn nhằm răn đe các nhà lãnh đạo
khác ». Theo nhận xét của chuyên gia Max Bergmann, đây còn là thông điệp
cho Tập Cận Bình và các nước châu Phi.
Trong viễn
cảnh đó, việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO đóng vai trò quan trọng.
Thật là thảm hại cho Putin : Phần Lan mang lại thêm 1.340 km đường biên giới
chung với NATO, và biển Baltic đang trở thành « ao nhà của NATO ».
Còn Hắc Hải, đường xuất khẩu chính cho ngũ cốc Ukraina và Nga, đóng vai trò chủ
chốt cho an ninh lương thực thế giới, các nhà chiến lược Mỹ đã nghĩ đến việc ổn
định lâu dài.
Muốn vậy,
theo tướng Hodges, cần cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, gắn bó hơn với Rumani,
ủng hộ Ukraina và hỗ trợ cho nền dân chủ non trẻ Gruzia. Diễn tiến tình hình được
Bắc Kinh theo dõi sát, hy vọng sưởi ấm lại quan hệ với Washington và đang thông
qua một kênh ở Canada để mong Mỹ bỏ một số cấm vận dưới thời ông Donald Trump.
Khi truyền hình Nga đổi giọng
Về đối nội, Le
Point chú ý đến sự kiện một đại tá về hưu công khai phê phán quân đội
Nga trên truyền hình, nhưng sau đó đã bị Kremlin nhanh chóng chấn chỉnh. Ông
Mikhail Khodaryonok, 68 tuổi, hôm 17/05 trên kênh Rossiya1 đã kêu gọi : « Hãy
ngưng uống thuốc an thần thông tin, nói thẳng ra là tình hình ngày càng tệ hơn
cho chúng ta (…). Ukraina có thể huy động trên một triệu quân đã được huấn luyện,
sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc ».
Những người
tham dự sững sờ. Người dẫn chương trình Olga Skabeiva, được mệnh danh là
« búp bê sắt của Putin » vì tài tuyên truyền, cắt ngang : « Nhưng
đó không phải là một quân đội chuyên nghiệp » - « Chẳng sao, Ukraina
sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng ». Cũng theo vị đại tá, « Trên
chiến trường, chiến thắng thuộc về bên có tinh thần chiến đấu cao nhất » và
ông nhấn mạnh « Cả thế giới đang chống lại chúng ta ».
Vladimir
Putin không thể hình dung được một quảng cáo ngược chiều như vậy trong chương
trình truyền hình có nhiều người xem nhất. Chuyên gia Andrei Kolesnikov của Viện
Carnegie cho rằng ông đại tá không thể xuất hiện trước ống kính trong thời điểm
kiểm duyệt gắt gao như thế, nếu không phải là người bảo thủ. Đơn giản là
Khodaryonok phản ánh suy nghĩ của những người ủng hộ Putin.
Người dẫn
chương trình nổi tiếng hiếu chiến là Vladimir Soloviev sau khi soái hạm Moskva
bị đánh chìm cũng đã chỉ trích gay gắt. Các blogger thân chính quyền như Yuri
Podolyaka với 2,1 triệu người theo dõi trên Telegram bị chấn động nặng nề, đả
kích các cấp chỉ huy sau vụ một tiểu đoàn bị thiệt hại lớn khi cố vượt qua sông
Severski Donets, có thể trên 400 lính đã thiệt mạng và gần 80 xe bọc thép bị
phá hủy. Kremlin đã ra tay. Trong một chương trình sau đó, vị đại tá về hưu đã
đổi giọng, và « búp bê sắt của Putin » không phải cắt lời.
Matxcơva phải nói lời từ biệt với năng lượng ở
Bắc Cực
Tuần báo L'Express cũng
giải thích « Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã ảnh hưởng đến tham vọng của
Nga tại Bắc Cực như thế nào ». Dự án Arctic LNG 2 ở bán đảo Gydan, Xibêri,
nơi nhiệt độ có thể xuống đến -60°C, lẽ ra sẽ cho ra sản phẩm khí hóa lỏng
(GNL) vào năm 2023 và ba năm sau đạt sản lượng gần 20 triệu tấn/năm. Nhưng do
xâm lăng Ukraina, tập đoàn Total của Pháp dưới sức ép đã rút lui, và Linde của
Đức cũng vậy. Không có tài chính và công nghệ phương Tây, dự án này đành dở
dang. Giải pháp duy nhất là quay sang Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chỉ ủng hộ bằng
miệng vì không muốn bị phương Tây trừng phạt.
Hòa bình nào cho Ukraina ?
L’Express
tuần này đặt vấn đề
« Phải chăng thế hệ baby-boomer đã làm kiệt quệ đất nước ? ».
L’Obs đề cập đến « Hồi kết của tham vọng » : sau đại
dịch, quan niệm về việc làm đã thay đổi. Le Point đăng ảnh tân thủ tướng
Pháp, bà Élisabeth Borne trước cuộc khủng hoảng nợ, lạm phát, cải cách…Riêng
Courrier International nhìn sang « Ukraina : Liệu có thể có
hòa bình ? ». Tuần báo Pháp dịch bài viết của tờ Der
Tagesspiegel ở Berlin kêu gọi « Đừng quên giải pháp ngoại giao
». Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeir, từng giữ chức ngoại trưởng
hai nhiệm kỳ dưới thời bà Merkel, và ngoại trưởng hiện nay, bà Annalena
Baerbock có thể dùng phương cách ngoại giao con thoi, hy vọng nước chảy đá mòn.
The
Observer xuất bản
ở Luân Đôn thì cho rằng « Nhượng lãnh thổ không hẳn là thất bại
». Theo tờ báo Anh, nên tách biệt khái niệm « độc lập » và « toàn vẹn
lãnh thổ », như Ba Lan, Hungary, Gruzia đã từng bị mất đất nhưng vẫn là các quốc
gia độc lập. Đàm phán hòa bình chắc chắn sẽ tập trung vào việc vẽ lại các đường
biên giới, và nguy hiểm nằm ở đây. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuy đã lãnh đạo
một cách can đảm cuộc kháng chiến, nhưng nếu ông chấp nhận nhượng Crimée để chấm
dứt chiến tranh chẳng hạn, sẽ có nguy cơ bị kết tội phản bội lại độc lập của đất
nước.
Courrier
International cũng
trích dịch The Atlantic, kể lại câu chuyện một gia đình ở
Lukachivka, một ngôi làng miền bắc Ukraina phải sống chung với năm người lính
Nga trong hầm nhà vào lúc quân Nga chiếm đóng. Nhà Horbonos gồm hai vợ chồng và
người con trai ban đầu rất sợ hãi, năm người lính Nga gồm bốn từ Xibêri và một
người Tatar cũng không bao giờ rời vũ khí. Ban đầu họ nói cùng giọng điệu tuyên
truyền : họ đến để cứu người Ukraina, chống Mỹ, và một khi « chiến dịch đặc biệt
» kết thúc, tất cả có thể sống hạnh phúc dưới chế độ Putin. Nhưng bà chủ nhà
Ukraina đáp trả rằng không cần ai cứu vớt, cũng chẳng có một người lính Mỹ nào ở
Ukraina.
Dần dà những
người lính Nga tỏ ra thất vọng trước thực tế chiến trường. Đối thoại bắt đầu dễ
dàng hơn với những câu chuyện về các món ăn truyền thống, và rồi những người
lính thổ lộ họ theo binh nghiệp chỉ vì tiền, người thì nợ nần, người do chi phí
thuốc thang...Rốt cuộc họ đã xin lỗi gia đình vì những gì đã gây ra. Tác giả
cho rằng đây là trường hợp hiếm hoi người Nga phải đối mặt với thực tế và nạn
nhân trực tiếp.
No comments:
Post a Comment