Tước
quyền tư hữu đất đai là tước tất cả
12/05/2022
https://gdb.voanews.com/DC7C58D0-8D77-4D02-B545-D24CDC20924F_w650_r1_s.jpg
Ông Nguyễn Phú Trọng
đã khiến nhiều người, nhiều giới ngỡ ngàng khi loan báo: BCH TƯ đảng khóa này
thống nhất khẳng định, “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và
hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu”.
Không ai ngờ trong Hội nghị lần thứ năm, BCH TƯ đảng
khóa 13 lại tiếp tục biểu diễn “thành tâm, thiện ý” để trấn an công chúng đang
bất bình vì vô số bất cập về kinh tế - xã hội do phủ nhận quyền tư hữu đất
đai...
Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung
ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 đã kết thúc và ông Nguyễn Phú Trọng đã khiến nhiều
người, nhiều giới ngỡ ngàng khi loan báo: BCH TƯ đảng khóa này thống
nhất khẳng định, “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản
và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu” (1).
Trừ các... luật gia XHCN tại Việt Nam, chắc chắn
các chuyên gia về dân luật, về công pháp cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam sẽ phải
nghiêng mình nhận... thua thêm một lần nữa trước Tổng Bí thư đảng CSVN và các
thành viên BCH TƯ đảng CSVN khóa năm, bởi họ không thể lĩnh hội và tất nhiên
không thể dùng kiến thức, khả năng chuyên môn để lý giải cho phần còn lại của
thế giới rằng vì sao, một tổ chức chính trị lại có quyền tước bỏ quyền tư hữu về
đất đai của dân chúng trong một quốc gia? Vì sao đã gần hết ¼ thế kỷ 21 mà tất
cả thành viên của một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” chỉ có... “quyền
sử dụng đất như một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt”?.
***
Ông Trọng và các thành viên cao cấp trong đảng
của ông đã cũng như đang tiếp tục ngụy biện về việc phủ nhận quyền tư hữu về
đât đai. Trước khi “thống nhất nhận định”, rằng dân chúng Việt Nam vẫn
chỉ có quyền sử dụng đất như... “quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá
đặc biệt”, lúc trình bày “Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất
đai” tại Hội nghị lần thứ năm, ông Trong đã từng thừa nhận: Hơn 70%
số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Nhiều người giàu lên nhờ đất
nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất
cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...
Những thắc mắc của ông Trọng, chẳng hạn: Vì
sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn
lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được
đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất
đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu
lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?... Đâu là nguyên nhân thuộc
về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất
đai năm 2013?..
Rồi đề nghị của ông Trọng: Tổng kết thực
hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của BCH TƯ đảng khoá 11 về đất đai là
yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của đảng, tiếp tục đổi mới,
hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác
quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của nhà nước, người dân
và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030
nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại (2)... khiến
nhiều người, nhiều giới tin rằng, BCH TƯ đảng khóa 13 sẽ yêu cầu sửa Luật Đất
đai hiện hành đến tận gốc – công nhân quyền tư hữu về đất đai để chấm dứt thực
trạng như đã thấy và đang biết.
Không ai ngờ trong Hội nghị lần thứ năm, BCH
TƯ đảng khóa 13 lại tiếp tục biểu diễn “thành tâm, thiện ý” để trấn an
công chúng đang bất bình vì vô số bất cập về kinh tế - xã hội do phủ nhận quyền
tư hữu đất đai, giống hệt như BCH TƯ đảng khóa 11 từng biểu diễn tại Hội nghị lần
thứ sáu, cách nay đúng mười năm!
Ngày 15/10/2012, BCH TƯ đảng khóa 11 công bố
Thông báo về Hội nghị lần thứ sáu. Đây là nguyên văn phần về đất đai trong
thông báo: BCH TƯ nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên quốc gia vô
cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất
nước, là nguồn sống của nhân dân. Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rộng lớn,
phức tạp, hệ trọng, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định
chính trị, xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.
Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt
sâu sắc những quan điểm chỉ đạo và tích cực triển khai các định hướng đổi mới
chính sách, pháp luật về đất đai trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá 11, Kết
luận Hội nghị Trung ương 5 khoá 11 gắn với việc xem xét, đánh giá những vấn đề
mới trong lĩnh vực này.
Định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính
sách, pháp luật về đất đai tập trung cho các vấn đề: Quy hoạch sử dụng đất.
Giao đất, cho thuê đất. Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đăng ký đất
đai và cấp giấy chứng nhận. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá
nhân được giao quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường bất động sản. Vhính
sách tài chính về đất đai; về giá đất... BCH TƯ đã ra nghị quyết về
tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn
diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (3).
Nói cách khác, sau mười năm, bất chấp thực trạng
kinh tế - xã hội tồi tệ hơn, phủ nhận quyền tư hữu đất đai tiếp tục khiến bất
công, hối mại quyền thế, tham nhũng trắng trợn hơn, hậu quả trầm trọng hơn, đường
hướng của ông Trọng nói riêng và các thành viên cao cấp trong đảng CSVN vẫn thế.
Khác biệt chỉ nằm ở chỗ, mục tiêu đưa Việt Nam
trở thành một “nước công nghiệp hiện đại” đã được chuyển từ... 2020 đến...
2030. Vì sao lại thế? Câu trả lời rất đơn giản: Thừa nhận quyền tư hữu đất đai
thì phải xét lại nhiều thứ, thậm chí phải bồi thường những thiệt hại do thủ
tiêu quyền tư hữu đất đai, khó luận giải về chuyện phải xây dựng CNXH... Thủ
tiêu quyền tư hữu đất đai có thể khiến mọi thứ càng ngày càng tồi tệ nhưng khi
Việt Nam không... chệch hướng, vẫn tiếp tục là một quốc gia XHCN thì đảng còn
tiếp tục nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, bất kể việc thực thi quyền
đó càn rỡ tới mức nào, ví dụ như chỉ cho phép công dân có quyền... sử dụng đất!
--------------
Chú thích
(1) Tổng
bí thư: 'Quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu’
(2) Tổng
Bí thư đặt ra nhiều câu hỏi về sử dụng và quản lý đất đai tại Hội nghị Trung
ương 5
(3) Thông
báo Hội nghị Trung ương 6 khóa XI
No comments:
Post a Comment