Monday, 16 May 2022

TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ, NGƯỜI THÁI ĐANG VƯỢT VIỆT NAM (Nguyễn Duy Nghĩa / Kinh Tế Saigon Online)

 



Trên mặt trận kinh tế, người Thái đang vượt Việt Nam 

Nguyễn Duy Nghĩa   -  Kinh Tế Saigon Online

16/05/2022 09:12

 https://thesaigontimes.vn/tren-mat-tran-kinh-te-nguoi-thai-dang-vuot-viet-nam/

 

(KTSG) – Bóng đá là môn thể thao mà giữa Việt Nam và Thái Lan có sự ganh đua và so kè nhau quyết liệt. Nhưng trong lĩnh vực kinh tế thì người Thái đang làm mưa làm gió ngay cả trên “sân nhà” của Việt Nam.

 

https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/05/14-1.jpg

Một quầy hàng Thái trong trung tâm thương mại ở Tân Phú. Ảnh: H.T

 

Việc kết nối các đường bộ qua Lào, Campuchia, tuyến vận chuyển ven biển quá cảnh hai nước, chương trình hợp tác thông tin và bí quyết công nghệ… góp phần làm cho dòng chảy đầu tư – thương mại Việt – Thái ngày càng nhộn nhịp.

 

Người Thái không chỉ đánh giá cao tiềm năng từ thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam, mà các yếu tố về tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa gia tăng và dư địa thị trường ở hầu hết lĩnh vực còn lớn, cộng với những tương đồng về văn hóa – xã hội giữa hai nước là những điều kiện tốt khiến cho các hãng buôn cùng nhà đầu tư Thái Lan đã chọn Việt Nam là bến đỗ và thực tế đã không phụ lòng họ.

 

Thương mại: Việt Nam nhập siêu

 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan nổi lên ba điểm: (1) Thương mại hai chiều chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khối ASEAN. (2) Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN. Ngược lại trong cộng đồng này, Thái Lan là đối tác số 1 của Việt Nam. (3) Việt Nam luôn nhập siêu từ Thái Lan, và là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Từ năm 2020 tới quí 1-2022, mọi chuyện vẫn như hơn một chục năm qua.

 

https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/05/15-1-1024x352.jpg

THƯƠNG MẠI HAI CHIỀU VIỆT NAM – THÁI LAN

 

Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai bên là yếu tố dẫn tới Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan. Việt Nam xuất khẩu sang Thái khoảng 10 mặt hàng chủ lực, nhưng mặt hàng lớn nhất chỉ đạt khoảng 700 triệu đô la Mỹ. Ngược lại, trong 10 mặt hàng Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam, ô tô nguyên chiếc đứng đầu hơn 1 tỉ đô la; linh kiện phụ tùng ô tô khoảng 800 triệu đô la. Trong cặp các mặt hàng hai bên cùng đổi trao như điện, điện tử, quang học…, kim ngạch xuất khẩu phía Thái Lan sang Việt Nam đều cao hơn chiều ngược lại. Hai nước cùng có nông lâm phẩm tương đồng như gạo, trái cây, cao su…, và cùng được xuất khẩu. Song về phẩm cấp, các sản phẩm này của Việt Nam còn thua hàng Thái. Người Việt ăn gạo Thái, ăn xoài vỏ xanh mà ngọt của Thái. Thanh long của ta nhạt, mít múi dày nhưng… sượng. Đồ gỗ tinh xảo Việt trang trí nội thất khách sạn nhiều sao của Thái, nhưng không lớn để bù một phần cho khối lớn hàng của họ đổ vào.

 

Xúc tiến thương mại của Thái Lan vào Việt Nam hiệu quả và chuyên nghiệp hơn hẳn việc tương tự ta làm sang Thái. Hà Nội, TPHCM, các thành phố khác, đến hẹn lại thấy người Thái Lan mở hội chợ mang hàng tiêu dùng đến. Các cửa hàng ở những khu kinh tế cửa khẩu từ Lao Bảo, Quảng Trị trở vào Nam, hàng Thái “hành quân” qua Campuchia, Lào chất đầy quầy sạp. Ngược lại, ta chưa thể đối đáp trong màn “hát đối” đầy duyên nợ này…

 

Đầu tư Thái áp đảo

 

Thái Lan là một trong những nhà đầu tư FDI vào Việt Nam sớm nhất. Hiện Thái Lan đứng thứ hai trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore) và thứ 8 trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

 

Thái Lan vừa cung cấp các sản phẩm cho nông nghiệp, chăn nuôi để kiểm soát tận gốc nguồn nuôi trồng; vừa đầu tư để thâu tóm lĩnh vực phân phối, đồng thời đưa hàng Thái Lan vào thay thế hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thái cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu từ Việt Nam.

 

Thái Lan cũng nằm trong tốp 10 đối tác có hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) giai đoạn 2019-2021 tại Việt Nam. Trước đó, trong các thương vụ mua bán, sáp nhập, hoành tráng nhất là thương vụ gần 4,8 tỉ đô la vào cuối năm 2017 với bia Sài Gòn, và hàng loạt thương vụ lớn khác trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí.

 

Nhận thấy hàng Thái bán chạy, nhiều hãng bán lẻ quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam như Aeon, BigC, Lotte Mart đã bắt đầu tăng tỷ lệ hàng Thái. Trên đà này đại gia bán lẻ Thái mua lại những thương hiệu nước ngoài có tên tuổi đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam.

 

Năm 1993, Tập đoàn C.P – thành lập năm từ 1921, đã đến và ra mắt Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV), năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV), xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai. CPV kinh doanh ba nhánh khép kín, gồm: thức ăn chăn nuôi, trang trại, thực phẩm, và luôn được mở rộng. Ngay từ năm 2014 CPV đã đạt doanh thu 2,07 tỉ đô la, là con số không dễ gì các doanh nghiệp khác đầu tư vào nông nghiệp nước ta đạt được.

 

Năm 1994, Tập đoàn Amata của ông Vikrom Kromadit (Thái Lan), nhà phát triển thành phố công nghiệp lớn của châu Á, đã tạo tiếng vang lớn tại Việt Nam khi đầu tư xây dựng khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai với diện tích khoảng 700 héc ta. Tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp thuộc hạng “kiểu mẫu” này tới hơn 1,9 tỉ đô la.

 

Ngược lại, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Thái Lan chỉ với 15 dự án, vẻn vẹn 32 triệu đô la, và không có tên tuổi nào sánh được với các đồng nghiệp Thái như CPV, Amata…

 

Chuyện hôm nay

 

Đó là chuyện hôm qua. Còn hôm nay, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm năng, vị thế như bây giờ, thì mọi chuyện phải khác để “Phát huy vai trò “nòng cốt” của ta trong ASEAN, từng bước dẫn dắt ASEAN vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu “kép” vừa giữ vững đà xây dựng cộng đồng, củng cố đoàn kết nội khối vừa nâng cao khả năng thích ứng trước thời cuộc”(*).

 

———

(*) Báo Điện tử Chính phủ – Văn phòng Chính phủ, thứ Ba, ngày 5-4-2022 “Trong thách thức, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN đi đúng hướng”




No comments:

Post a Comment

View My Stats