TNLT
Hồ Đức Hòa: quyền tôn giáo trong trại giam bị siết chặt từ năm 2020!
RFA
2022.05.25
Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa tại Hoa Kỳ. (Hình do
ông Hồ Đức Hòa cung cấp)
Tù nhân lương tâm (TNLT) Hồ Đức Hòa, người bị
kết án 13 năm tù với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’,
đang thụ án đến năm thứ 11 thì được trả tự do và đưa đến Mỹ hôm 11/5 vừa qua,
ngay trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông đã dành
cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt, để nói về thực tế khắc nghiệt trong trại giam
tù chính trị ở Việt Nam.
RFA: Xin chào ông, trước hết xin cám
ơn ông đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn và chúc mừng ông được trả tự do để sang đến
Mỹ. Ông có thể cho biết cảm giác khi đặt chân đến Hoa Kỳ?
TNLT Hồ Đức Hòa: Trước hết tôi xin gửi lời chào đến quý đài và quý độc giả, ngay từ khi
tôi đặt chân xuống đất Mỹ tự do, điều đầu tiên là tôi nhớ đến là mẹ tôi… tôi nhớ
tới bố quá cố của mình. Bố đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ đến đứa em của
mình cũng đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ những người đã đồng hành với tôi
và vận động cho tôi được trả tự do và tôi nhớ đến những tổ chức, những người đã
tiếp nhận tôi sang Mỹ. Đó là Bộ Ngoại giao và Đại Sứ quán Hoa Kỳ. Nhân đây tôi
muốn gửi lời cảm ơn, tri ân cũng như cầu nguyện và chúc bình an tới những ai
tôi quen biết cũng như không quen biết đã luôn đồng hành với tôi cho đến lúc
tôi được trả tự do. Tôi không biết lấy gì để trả ơn, tôi chỉ nguyện xin Thiên
Chúa trả ơn bội hậu và chúc bình an cho quý vị.
.
RFA: Dạ trở lại với thời gian bị cầm
tù ở Việt Nam, bị chuyển trại giam nhiều lần thì ông thấy thực tế các trại giam
đó ra sao? Tình hình các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở đó như thế nào?
TNLT Hồ Đức Hòa: Trên thực tế, tôi đã bị chuyển đến bốn nơi giam giữ, trong đó có ba nơi
là tạm giam, một nơi là trại giam. Nơi đầu tiên mà tôi tới đó là trại tạm giam
B34 ở Sài Gòn, thứ hai là trại 34 ở Hà Nội và thứ ba là trại tạm giam tại tỉnh
Nghệ An có tên là trại tạm giam Nghi Kim. Nơi thứ tư là nơi tôi ở cuối cùng và ở
lâu nhất là trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam. Theo tôi thấy và chứng kiến được
trong bốn nơi đó thì trại tạm giam Nghệ An là nơi tồi tệ nhất trong bốn nơi tôi
bị giam giữ, ở đó họ đối xử với tù nhân rất tệ về nước uống và chế độ cũng vậy.
Nơi tôi ở là khu tù chính trị, tức là nơi dành riêng đặc biệt với những khu
khác. Ngay từ khi tôi đến thì khu này đã bị phân biệt đối xử, chúng tôi phải ở
buồng nhỏ chật hẹp, nóng, toillet không khép kín… có nghĩa là toillet nằm sát cạnh
chỗ nằm của chúng tôi. Nước tắm thì rất là bẩn, mỗi lần tắm là bị ngứa và đau mắt,
chúng tôi đã đề nghị rất nhiều, có việc đề nghị được đáp ứng, nhưng có nhiều vấn
đề cho đến bây giờ chúng tôi cũng không được đáp lại sự cải thiện nào…
.
RFA: Ông có thể cho biết các trại
giam đối xử với tù nhân có tôn giáo như ông chẳng hạn ra sao? Ví dụ như có được
nhận Kinh sách? Yêu cầu được thực hành tín ngưỡng có được đáp ứng?
TNLT Hồ Đức Hòa: Trên thực tế, ngay từ khi tôi vào các trại tạm giam thì họ đều cho nhận
sách Kinh thánh và cho đọc hằng ngày cho đến khi vào trại tạm giam Nam Hà thì đến
năm 2020 họ bắt đầu siết chặt lại. Tôi kết luận rằng vấn đề tôn giáo, quyền tôn
giáo ở trại giam Nam Hà ngày càng bị siết chặt, chỉ được đọc một ngày một tuần
vào chủ nhật. Chỉ vì tôi đòi hỏi được đọc Kinh thánh hàng ngày mà tôi bị lập
biên bản vi phạm nội qui của trại giam. Sau đó tôi đã tuyệt thực 10 ngày đã đòi
hỏi việc đọc Kinh thánh hàng ngày. Bởi vì theo tôi, vấn đề tôn giáo hoặc đọc
Kinh thánh chính là quyền, chứ không phải là ân huệ xin cho. Nhưng cuối cùng họ
cũng không thay đổi việc siết chặt đối với người có tôn giáo. Trong thời gian
tôi tuyệt thực phản đối, sức khỏe tôi rất là yếu và từ đó sức khỏe của tôi xuống
cấp trầm trọng hơn.
Tù nhân lương tâm Hồ
Đức Hòa (giữa) kh vừa đến Hoa Kỳ. Hình do ông Hồ Đức Hòa cung cấp.
\\
.
RFA: Ông có thể chia sẻ thêm về việc
đấu tranh đòi hỏi quyền lợi trong trại giam của các tù nhân khác, cho đến nay
có đạt thêm kết quả gì không ạ?
TNLT Hồ Đức Hòa: Ngay từ khi bước chân vào các trại giam thì chúng tôi luôn luôn đòi hỏi
các vấn đề mà nó phi lý hoặc không đúng với quy định của trại giam. Có vấn đề họ
đáp ứng được, nhưng có nhiều vấn đề đến bây giờ vẫn chưa đáp ứng được đó là quyền
đọc Kinh thánh của tù nhân trong trại giam trong bảy ngày. Vấn đề thứ hai là nước
bẩn khi tắm làm ngứa và đau mắt anh em nào cũng thế. Vấn đề thứ ba là toillet nằm
trong khu giam, khi có người dùng thì những người còn lại trong buồn đều phải
hưởng cái khí không dễ chịu gì. Thứ tư là chúng tôi đề nghị được chuyển sang một
cái buồng lớn hơn, thoáng hơn để chúng tôi có điều kiện không khí và ánh sáng
thì những vấn đề tôi nêu đó vẫn chưa có gì thay đổi cho đến lúc tôi được thả tự
do. Trong đó tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề Kinh thánh là rất cần nhưng mà
vẫn không được.
.
RFA: Ngoài ra, những tù nhân được gọi
là ‘mồ côi’, tức người thiểu số hay người không được thăm nuôi thì như thế nào ạ?
TNLT Hồ Đức Hòa: Đúng rồi, người ‘mồ côi’ là người không có thân nhân thăm nuôi, không
có ai quan tâm chăm sóc hay rất ít. Những người đó chỉ dựa vào khẩu phần ăn của
trại phát hoặc các chế độ của trại phát cho mình mà thôi, không dựa vào vào đâu
được. Mà anh biết đấy, dinh dưỡng mà trại phát cho tù nhân thì chắc chắn là
không đủ dinh dưỡng, trong khi đó tù nhân phải làm việc hàng ngày. Thức ăn hàng
ngày thì có ngày tạm được, có ngày không có hay có rất ít, không đủ dinh dưỡng.
Bởi thế những người đó sức khỏe càng ngày càng yếu đi. Những người không có người
thăm nuôi cũng có người kinh và đa số là anh em dân tộc thiểu số… họ cũng bị kết
án về chính trị. May thay, ở trong đấy có một số người có lòng, họ có chia sẻ
phần ăn của mình cho cho những người mà không có người thăm nuôi, nhưng chỉ
mang tính động viên chứ không đủ… Đó là vấn đề các tù nhân ‘mồ côi’ phải chịu đựng
cho đến lúc này.
.
RFA: Nếu có một lời nhắn nhủ cho những
người còn ở lại Việt Nam, những người tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, thì
ông muốn nhắn gửi gì ạ?
TNLT Hồ Đức Hòa: Ngay khi được tự do, trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh những người
tù mà tôi biết hay không biết đang bị giam cầm ở nhà tù Việt Nam. Người tôi có
thể liệt kê đầu tiên đó là anh Lê Đình Lượng, anh Nguyễn Năng Tĩnh, anh Phạm
Văn Trội đang ở cùng tôi, anh Nguyễn Văn Nghiêm đang ở với tôi, anh Nguyễn Viết
Dũng cũng đang ở với tôi, anh Võ Quang Thuận cũng đang ở với tôi… Trước khi tôi
bước chân sang Mỹ, đây là những người mà tôi biết, ngoài ra còn nhiều người mà
tôi không biết… Tôi muốn nhắn nhủ tới các anh rằng các anh cứ yên tâm giữ gìn
tinh thần và sức khỏe, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành kêu gọi và cầu nguyện
cho các anh. Đặc biệt là vận động cho các anh được tự do, nhất là những người
đang bị bệnh nặng hoặc bị một tình trạng nguy hiểm nào đó, để các anh được quan
tâm hơn, sớm tự do về chữa bệnh. Tôi sẽ cầu nguyện cho các anh và chúc các anh
luôn giữ gìn được tinh thần và sức khỏe trong môi trường khắc nghiệt đấy.
.
RFA: Bây giờ sang Mỹ, trước mắt ông
có kế hoạch sẽ làm gì không ạ?
TNLT Hồ Đức Hòa: Như mọi người biết, lần này tôi sang Mỹ vấn đề chính là vì sức khỏe. Sức
khỏe tôi bị suy sụp đi xuống khá trầm trọng từ năm 2017 cho đến giờ, bởi thế
khi bước chân tới Mỹ tôi chưa có dịp lên sóng để mà nói lời cảm ơn đến quý khán
thính giả. Hôm nay tôi cảm thấy khá hơn một chút… cho nên tôi mới mới có điều
kiện để nói lời cảm ơn và chia sẻ đôi chút về nhà tù Việt Nam. Kế hoạch của tôi
trước nhất và quan trọng nhất chắc chắn là về sức khỏe và tĩnh dưỡng để hồi phục
lại tinh thần cũng như thể chất. Tôi cũng đã có đặt lịch để đi bệnh viện vào thứ
năm tuần này để được thăm khám.
RFA: Cám ơn ông rất nhiều vì đã dành
cho RFA cuộc phỏng vấn hôm nay. Mong ông luôn khoẻ mạnh và mau chóng hoà nhập
cuộc sống mới.
--------------------
Tin, bài liên quan
Mạo
danh nhân viên y tế chống dịch COVID-19 để bắt người bất đồng chính kiến
Dịch
bùng phát tại các khu tập trung, nhà tù có thể tránh khỏi?
Thêm
tù nhân lên tiếng về tình trạng các quyền trong trại giam bị xâm phạm
Vì
sao các phiên phúc thẩm tù chính trị tại Việt Nam hiếm khi giảm án?
Tù
chính trị tại Trại giam Xuân Lộc lại phải tuyệt thực đấu tranh đòi quyền của họ!
No comments:
Post a Comment