Thursday, 12 May 2022

THỦ TƯỚNG VN NÊU LẬP TRƯỜNG về QUAN HỆ VIỆT - MỸ, BIỂN ĐÔNG và UKRAINE (RFA)

 



Thủ tướng VN nêu lập trường về quan hệ Việt-Mỹ, Biển Đông và Ukraine

RFA

2022.05.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-pham-minh-chinh-remarks-at-csis-05112022230508.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-pham-minh-chinh-remarks-at-csis-05112022230508.html/@@images/3de7d4e1-28a9-49b2-a633-f24d6f9675f4.png

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS.  CSIS

 

Trong bài phát biểu dài khoảng 40 phút tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) vào chiều ngày 11/5 (giờ miền đông nước Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc nhiều lần lại rằng “lòng tin, chân thành và trách nhiệm” là chìa khoá để xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ và để giải quyết các vấn đề toàn cầu bao gồm đại dịch COVID-19 tranh chấp ở Biển Đông và cuộc chiến đang diễn ra ở Nga-Ukraine.

 

Tôn trọng hệ thống chính trị

 

“Trong trong ba thập kỷ sau khi bình thường hóa, chúng ta chứng kiến sự phát triển phi thường của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mối quan hệ đó đã nảy nở và đơm hoa kết trái, có thể nói là nhờ nỗ lực của cả hai bên, được vun đắp bằng sự chân thành, tin cậy và tinh thần trách nhiệm, sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với lợi ích và mong muốn của hai đất nước, hai dân tộc và nhân dân.” - ông Chính mở đầu cho bài phát biểu.

 

Về quan hệ Việt - Mỹ, ông Chính cho biết cả hai nước đã vượt qua những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng chung cho mối quan hệ này. Điều đó được đưa ra trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Tuyên bố nhấn mạnh việc tôn trọng  độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

 

Theo ông Chính, Quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam. Năm ngoái, bất chấp khó khăn do COVID-19, kim gạch thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt gần 112 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 280 lần so với năm 1995, khi hai nước mới bắt đầu bình thường hoá quan hệ. 

 

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề cập đến việc hai bên cần duy trì sự chân thành, tôn trọng và trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh, mà ông cho là có thể hàn gắn vết thương lòng cho nhân dân hai nước và là “cơ hội cho mối quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới”:

 

“Trong khi Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu phát triển, thì hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để nâng mối quan hệ này lên tầm cao hơn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo, chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh và mối quan hệ giữa con người với con người.”

 

Giới chức Mỹ đã nhiều lần đề nghị phía Việt Nam đưa mối quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện nhưng Hà Nội vẫn chưa đồng ý. Trong khi đó, các quan chức ngoại giao của Việt Nam vẫn nói rằng quan hệ thực chất giữa hai nước cũng tương tự như đối tác chiến lược rồi, chỉ khác ở cái tên.

 

Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là trách nhiệm chung

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Minh Chính cũng không quên đề cập đến vấn đề Biển Đông mà ông chia làm hai vấn đề chính bao gồm tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải và hàng không.

 

Biển Đông là vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích và là nơi có nhiều căng thẳng trong thời gian gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bao gồm Việt Nam. Ông Chính tuyên bố về lập trường của Việt Nam trên Biển Đông rằng:

 

“Việt Nam không chọn phe nào cả, mà chọn sự công lý, công bằng và sự tốt đẹp. Dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.”

 

Chính vì lẽ đó, trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực, Việt Nam luôn tìm cách duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng cách đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Việt Nam ủng hộ sự hiệu quả và việc chấp hành đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). 

 

Khi nói đến sự an toàn và an ninh của hàng hải và hàng không, ông Chính dẫn chứng rằng 60% thương mại hàng hải đi qua châu Á và Biển Đông, vì vậy, bảo vệ an toàn cho các tuyến hàng hải trọng yếu này là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

Khẳng định lập trường về Ukraine

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Đây cũng là một khác biệt trong chính sách giữa Mỹ và Việt Nam. Trong khi Mỹ ủng hộ Ukraine, lên án Nga, Chính phủ Việt Nam duy trì lập trường trung lập, không lên án Nga, thể hiện qua hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống ở LHQ cho các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine.

 

“Liên quan đến vấn đề Ukraine. Việt Nam ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực và sáng kiến của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại giữa các bên liên quan  để tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững.

Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như lợi ích hợp pháp và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.”

 

Ông Chính đồng thời nhắc lại số tiền Việt Nam đã viện trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine được phía Việt Nam tuyên bố nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Hà Nội hồi tuần trước. 

 

Theo lịch trình, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm và làm việc tạo Mỹ kéo dài bảy ngày, bắt đầu từ ngày 11/5. Ông Chính sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai vào hai ngày 12 và 13/5.

 

Cùng ngày ông Chính khởi hành đi Mỹ, tù nhân lương tâm là Hồ Đức Hoà, bị tuyên án 13 năm tù giam vào năm 2013, và bà Trần Thị Thúy, từng thụ án tám năm tù giam và mãn án hồi năm 2018 cùng được sang Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của đảng Việt Tân.

 

Việt Nam chưa đưa ra lý do vì sao cả hai người đấu tranh cho nhân quyền này được sang Mỹ, đặc biệt là ông Hồ Đức Hoà còn đang chịu án ở năm thứ 11.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

·         Quan hệ Việt Mỹ sẽ thế nào trong năm 2022?

·         Cựu Đại sứ Ted Osius: hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông giúp thăng tiến quan hệ Mỹ Việt

·         Hoa Kỳ sẽ tăng cường tương tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

·         Làm sao chính quyền của Joe Biden vừa có thể thắt chặt mối quan hệ Mỹ-Việt, vừa thúc đẩy nhân quyền?

·         Câu chúc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp nhiều chỉ trích





No comments:

Post a Comment

View My Stats