Monday, 16 May 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/05/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/05/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

16/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/16/the-gioi-hom-nay-16-05-2022/

 

Các thành viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố sẽ ủng hộ nước này nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO, nhưng không ủng hộ việc triển khai vũ khí hạt nhân và các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Thụy Điển. Đây là quyết định mang tính bước ngoặt khi sẽ chấm dứt hai thế kỷ trung lập của quân đội Thụy Điển. Trong khi đó vào Chủ nhật, tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã thông báo nước ông cũng sẽ chính thức nộp đơn gia nhập, với quốc hội Phần Lan dự kiến xác nhận quyết định trong những ngày tới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sẽ là “lịch sử” nếu cả Thụy Điển và Na Uy cùng gia nhập.

 

Giới chức Ukraine nói cuộc phản công của họ nhằm vào thành phố Izyum là nhằm cắt đứt nguồn cung hậu cần của Nga tại các khu vực chiếm đóng ở Donbas. Ukraine cũng cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi lực lượng Nga ở phía bắc Kharkiv, thành phố lớn thứ hai đất nước. Ngoài ra một đoàn xe lớn từ thành phố Mariupol đã đến Zaporizhzhia, thành phố do Ukraine kiểm soát. Trong khi đó, 4 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ do thủ lĩnh phe thiểu số Mitch McConnell dẫn đầu đã gặp Volodymyr Zelensky ở Kyiv. Tổng thống Ukraine gọi chuyến thăm là “tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự ủng hộ của lưỡng đảng [ở Mỹ].”

 

Người Lebanon đã đi bỏ phiếu bầu quốc hội vào Chủ nhật, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Nổi bật trong tâm trí của hầu hết cử tri là cuộc suy thoái kinh tế mấy năm qua, với nhiều người muốn mượn lá phiếu để trừng phạt các chính trị gia mà họ cho là có phần trách nhiệm. Tuy vậy, giới phân tích không kỳ vọng cuộc bầu cử sẽ mang lại bất kỳ thay đổi lớn nào trong nền chính trị chia rẽ của Lebanon.

 

Giống như các công ty dầu mỏ khác, Aramco của chính phủ Ả Rập Saudi đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu năm nay. Thu nhập ròng của công ty tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,5 tỷ đô la, nhờ giá dầu thô tăng mạnh, mà một phần là do chiến tranh Ukraine. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Aramco kể từ khi công ty lên sàn vào năm 2019.

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Bắc Ireland vào thứ Hai, với hy vọng khai thông thế bế tắc xoay quanh các quy định thương mại hậu Brexit của khu vực này. Đảng thân Anh của Bắc Ireland muốn loại bỏ nó, và đang cản trở tiến trình của nghị viện vừa được bầu ở Belfast. Hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Ireland đã cảnh báo Anh không nên đơn phương thay đổi hiệp ước thương mại, sau khi người đồng cấp Anh đe dọa sẽ làm như vậy.

 

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin thêm 15 trường hợp tử vong do covid-19, nâng con số chính thức lên 42. Sau hai năm khẳng định không có ca nhiễm nào nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới, hôm thứ Năm Triều Tiên thông báo ghi nhận ca đầu tiên của biến thể omicron. Tỷ lệ tiêm chủng thấp và hệ thống y tế yếu kém đồng nghĩa người nghèo ở nước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 

Ngoại trưởng Malaysia đã gặp người đồng cấp của chính phủ dân sự tạm thời của Myanmar, vốn được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021. Đây là cuộc họp công khai chính thức đầu tiên giữa Chính phủ Thống nhất Quốc gia và một thành viên của ASEAN. Động thái này đánh dấu thêm một bước cô lập nữa của ASEAN đối với các nhà lãnh đạo đảo chính.

 

Con số trong ngày: 1 tỷ đô la, là số tiền Nga vẫn kiếm được hàng ngày từ xuất khẩu năng lượng.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Mỹ và châu Âu hợp tác về an ninh kỹ thuật số

Với sự kiên nhẫn chiến lược tuyệt vời, Trung Quốc đang tạo ra một thế giới kỹ trị chuyên quyền dựa trên công nghệ cao. Đấu tranh với các nỗ lực đó là một cam kết ngoại giao xuyên Đại Tây Dương mà hầu hết mọi người chưa biết đến: Hội đồng Thương mại và Công nghệ. Vào thứ Hai, một loạt nhân vật cấp cao, bao gồm ngoại trưởng Mỹ và các ủy viên EU về thương mại và cạnh tranh, sẽ tề tựu về ngoại ô Paris cho cuộc họp thứ hai của tổ chức này. Đây là địa điểm chính mà người Mỹ và châu Âu họp để phối hợp về chính sách cho lĩnh vực kỹ thuật số.

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ hồi tháng 9 chủ yếu là để cho những người tham gia tìm hiểu nhau. Lần gặp mặt này sẽ đặt ra mục tiêu cho hai năm tới. Hai bên đã thành lập mười nhóm làm việc chung, với các chủ đề từ “tiêu chuẩn công nghệ” cho đến “khí hậu và công nghệ sạch”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi vì cuộc chiến ở Ukraine, những đề xuất gay gắt nhất trong bản dự thảo “tuyên bố chung” sẽ được công bố vào cuối cuộc họp có liên quan đến vấn đề an ninh.

 

Chiến tranh Ukraine trở thành cuộc chiến tiêu hao

Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi Nga mở một cuộc tấn công lớn vào khu vực Donbas ở miền đông Ukraine. Thế nhưng, cho đến nay Nga tiến quân rất chậm và tốn kém, gần như chưa đến một hay hai km một ngày. Vấn đề có thể là do thiếu nhân lực: tình báo quốc phòng Anh cho biết vào hôm Chủ nhật là Nga có thể đã mất một phần ba lực lượng tác chiến mặt đất họ đổ vào Ukraine từ ngày 24 tháng 2.

 

Ngược lại, các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine, gần như đã đẩy lùi quân đội Nga qua bên kia biên giới. Nhưng lặp lại thành công đó ở những nơi khác không hề đơn giản. Lực lượng Ukraine ở Donbas đã bị ghìm chặt tại các vị trí phòng thủ suốt nhiều năm qua. “Khả năng để họ … tiến hành các cuộc điều động quy mô lớn và đấu với người Nga, nhằm đẩy [Nga] ra khỏi toàn bộ khu vực … là vẫn còn hạn chế vào lúc này,” một quan chức phương Tây cho biết. Một cuộc chiến tranh tiêu hao đang diễn ra.

 

Cánh tả Pháp hợp lực để đấu Macron

Liên minh cánh tả mới của Pháp sẽ bắt đầu đi vận động cho cuộc bầu cử quốc hội tháng tới với tinh thần lên cao. Trong một thỏa thuận làm đảo ngược cán cân quyền lực tồn tại nửa thế kỷ qua, phe cánh tả cấp tiến của Jean-Luc Mélenchon đã “nuốt chửng” những người cánh tả ôn hòa. Nhóm mới, với cái tên NUPES, bao gồm đảng của ông và đảng Cộng sản, đảng Xã hội và đảng Xanh. Mục tiêu của tổ chức chính trị lạ thường này chỉ có một: đưa ông Mélenchon lên làm thủ tướng.

 

Liên minh tương đối được ủng hộ, đặc biệt từ những người trẻ tuổi. Song nhiều người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa phản đối. Cựu tổng thống François Hollande đã gọi thỏa thuận này là không thể chấp nhận được. NUPES cần cố gắng rất nhiều để thắng đa số tại cuộc bỏ phiếu Quốc hội hai vòng vào ngày 12 và 19 tháng 6, dù thăm dò cho thấy họ có thể trở thành lực lượng lớn thứ hai trong quốc hội. Tuy nhiên, đảng trung dung của tổng thống Emmanuel Macron và các đồng minh, hiện đang vận động dưới cái tên Ensemble, vẫn đang dẫn đầu.

 

Mỹ hỗ trợ một số nhà máy điện hạt nhân

Đảng Dân chủ Mỹ đang dần dần chấp nhận năng lượng hạt nhân nhằm giải quyết biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden đã gia hạn đến tuần này để cho phép các bang nộp đơn xin quỹ 6 tỷ USD nhằm giải cứu các nhà máy điện hạt nhân bị đứng trước khả năng đóng cửa. Trong số đó có California, nơi Diablo Canyon, nhà máy hạt nhân duy nhất của bang, dự kiến ​​đóng cửa vào năm 2025. Thống đốc Gavin Newsom, một người Dân chủ, đã tuyên bố ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ cho cơ sở này, vốn cung cấp tới 6% lượng điện tiêu thụ năm ngoái của bang.

Các quy định, cạnh tranh từ khí đốt tự nhiên và việc không được nhiều người ủng hộ đã khiến năng lượng hạt nhân ở Mỹ rơi vào khó khăn. Hiện điện hạt nhân chỉ chiếm 8% sản lượng điện cả nước, thấp hơn nhiều so với năm 1989 vì các nhà máy cũ bị đóng cửa. Kể từ năm 1996 chỉ có một lò phản ứng mới được xây dựng. Do vậy, cho dù Diablo Canyon có được hoạt động thêm một thời gian nữa, thì tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ vẫn còn mờ mịt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats