Saturday, 7 May 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 06/05/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 06/05/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

06/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/06/the-gioi-hom-nay-06-05-2022/

 

Ukraine cho biết lực lượng của họ đã “đánh những trận đẫm máu căng thẳng” với quân Nga bên trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết thường dân ẩn náu trong những boongke dưới các xưởng luyện thép sẽ cần được đào lên bằng tay. Hiện Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ đang giúp tổ chức các đoàn xe rời thành phố, nhưng còn khoảng 200 người vẫn bị mắc kẹt. Trong khi đó, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Vladimir Putin, phát biểu phỏng vấn rằng cuộc xâm lược của Nga đã “kéo dài” và kêu gọi chấm dứt “chiến tranh.” Cho tới nay Nga vẫn tránh từ “chiến tranh” và gọi hoạt động của mình là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

 

Ngân hàng Trung ương Anh vừa tăng 1% lãi suất hôm thứ Năm, cao nhất kể từ năm 2009, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế Anh đang có dấu hiệu suy thoái. Họ cũng dự đoán lạm phát sẽ lên 10% vào cuối năm nay. Ngân hàng nói một phần nguyên nhân nằm ở chiến tranh Ukraine, vốn làm tăng giá năng lượng và thực phẩm và khiến một số người giảm chi tiêu.

 

Joe Biden cho biết ông sẽ thảo luận với nhóm G7 về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Trước đó Liên minh châu Âu đã đề xuất một số biện pháp cứng rắn, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. EU cũng hứa viện trợ quân sự cho Moldova, nơi gần đây xảy ra những vụ nổ bí ẩn ở vùng ly khai thân Nga, và cam kết ủng hộ nước này nộp đơn gia nhập. Ngoài ra, Ukraine cho biết họ sẵn sàng dùng vũ lực để đáp trả nếu Belarus tham chiến; được biết quân đội Belarus đã bắt đầu tập trận quy mô lớn từ thứ Tư.

 

Theo ước tính mới của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch covid-19 gây ra 15 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên con số chính thức của các nước chỉ ghi nhận 5,4 triệu ca tử vong liên quan trực tiếp đến covid-19. WHO ước tính khoảng một phần ba số ca tử vong là ở Ấn Độ, song chính phủ nước này phản bác. Mô hình của The Economist cho ra con số khoảng 18 triệu ca tử vong.

 

Các hồ sơ chứng khoán cho thấy Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Saudi sẽ giữ lại 1,9 tỷ đô la cổ phần trong Twitter sau khi Elon Musk mua lại công ty. Larry Ellison, đồng sáng lập hãng công nghệ Oracle và là nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, sẽ đóng góp 1 tỷ đô la cho thương vụ. Các cổ phần khác sẽ thuộc sở hữu của sàn giao dịch tiền điện tử Binance. Ông Musk có kế hoạch thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter, mà một số nhân vật cánh hữu cho rằng đang thiên vị đảng Dân chủ.

 

Mỹ thêm hơn 80 công ty Trung Quốc vào danh sách “không tuân thủ,” có nghĩa là họ có thể bị trục xuất khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Phố Wall. Đây là động thái trả đũa việc Trung Quốc từ chối chia sẻ hồ sơ kiểm toán của các doanh nghiệp này. Các công ty bị chỉ mặt – bao gồm hai gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và Pinduoduo cũng như công ty hóa dầu Sinopec – có ba năm để tuân thủ.

 

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu năm 2022, nhờ giá dầu và khí đốt tăng mạnh vì chiến tranh Ukraine. Tổng cộng công ty kiếm được 9,1 tỷ đô la, gần gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng họ cho biết việc thoái vốn khỏi Nga sẽ gây thiệt hại gần 4 tỷ USD. Thông tin này sẽ chỉ càng tiếp thêm động lực cho lời kêu gọi của Công đảng Anh nhằm đánh thuế lãi đột biến đối với các công ty năng lượng.

 

Con số trong ngày: hai phần ba, là tỷ lệ trẻ em trai mười tuổi ở Trung Đông và Bắc Phi không thể đọc được một câu chuyện đơn giản, so với hơn một phần hai số trẻ em gái, theo Ngân hàng Thế giới.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Nga chủ trì cuộc họp không chính thức tại Hội đồng Bảo an

Khi tổ chức một cuộc họp không chính thức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Sáu này, Nga sẽ muốn thảo luận về các chủ đề nóng như việc binh sĩ Ukraine có các hành vi “man rợ như thời Trung cổ” hay việc truyền thông phương Tây “đưa tin có chọn lọc.” Cơ chế họp như vậy của Hội đồng Bảo an, thường được gọi là “công thức Arria,” cho phép các nước thảo luận những vấn đề quan trọng trong riêng tư. Tuy vậy cuộc họp lần này do Nga triệu tập khác hoàn toàn, nơi đại diện của họ sẽ đưa ra những tuyên bố không có cơ sở rằng quân đội Ukraine đang phạm tội ác chiến tranh.

 

Đối với Nga, điều quan trọng là phát đi được tiếng nói của họ. Các đoạn video từ cuộc họp với con dấu của Liên Hợp Quốc có thể được phát tán trên phương tiện truyền thông xã hội, qua đó thúc đẩy cuộc chiến thông tin của Nga.

 

Tuy nhiên, cuộc họp có thể mang hàm ý lớn hơn. Trong những tháng trước khi xâm lược, Nga đã tổ chức một loạt các cuộc họp tương tự. Richard Gowan, một chuyên gia của Liên Hợp Quốc, cho rằng những động thái hiện tại cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một bước leo thang, có thể là tuyên bố chiến tranh chính thức. Làm vậy sẽ cho phép Vladimir Putin ra lệnh tổng động viên gọi lính nghĩa vụ, qua đó đưa cuộc xâm lược của ông bước sang giai đoạn mới.

 

Thành phố Odessa vẫn chưa bị khuất phục

Nga từng kỳ vọng Odessa sẽ là mắt xích yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Thành phố cảng đa dạng này chủ yếu nói tiếng Nga, trong khi đối với hầu hết cư dân Odessa, lịch sử và văn hóa Nga là một phần không thể thiếu trong họ. Tuy vậy, quân Nga lại không được chào đón. Hầu hết người dân Odessa coi chiến tranh là một sự phản bội. Thị trưởng Gennadiy Trukhanov đã nói: “Các binh sĩ và sĩ quan Nga phải thấy rằng đây không phải chiến dịch quân sự, mà là một cuộc chiến tranh xâm lược tàn độc và đẫm máu, với tất cả các dấu hiệu của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã.”

 

Odessa đã bắt đầu sống lại sau cú sốc chiến tranh ban đầu. Tuy nhiên, thành phố này, nơi xuất khẩu nông sản của Ukraine ra thế giới, vẫn bị hải quân Nga phong tỏa. Người dân Odessa biết rằng Nga vẫn khao khát chiếm được thành phố, với ít thiệt hại nhất có thể. Hiện các tàu Nga đã không còn xuất hiện sau vụ chìm soái hạm Moskva của hạm đội Biển Đen. Dù thế quãng thời gian yên ắng này có lẽ sẽ không kéo dài.

 

Chủ doanh nghiệp cài phần mềm theo dõi lao động làm việc tại nhà

Khi người lao động chuyển sang làm việc tại nhà trong đại dịch, nhu cầu cho các phần mềm giám sát đã tăng vọt. Các phần mềm này cho phép chủ doanh nghiệp theo dõi các lần gõ phím, truy cập micrô, quay video màn hình của người dùng và chụp ảnh định kỳ qua webcam. Mặc dù nhiều người đã quay trở lại văn phòng, nhiều nơi khác vẫn áp dụng mô hình nửa trực tiếp nửa online. Các công cụ giám sát vẫn còn.

 

Các chính trị gia đang chú ý đến vấn đề này. Theo luật mới ở New York, từ thứ Bảy người sử dụng lao động trong bang sẽ phải thông báo cho nhân viên khi điện thoại, email hoặc truy cập internet của họ bị giám sát điện tử. Như vậy New York sẽ tham gia cùng Connecticut và Delaware trong việc cấm giám sát không tiết lộ, một hành vi thực ra được cho phép rộng rãi theo luật liên bang. Do đó, người New York hoàn toàn có thể tiếp tục dùng đồ ngủ và quần thể thao mà không sợ bị phát hiện một cách vô tình.

 

Tiền giấy giả nhằm lên án tham nhũng tại Lebanon

Một loại tiền mới đang được tung ra ở Lebanon — song chính phủ sẽ không in nó. Để châm biếm, Hiệp hội Minh bạch Lebanon (LTA), một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng, đang thách thức chính phủ bằng cách in tiền giấy giả.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEj27hd7B4UA6wvn3eafU98iJiCmnl9hfGRDaOSpgFEs-aSFczgjXnFOQU9YuzbvtvArMP56MNSzKsBZNRSY2Pf7WsdHV-vwDxNe2xhHZytKeZjchFTS_oVfVjQsNpsf5jOe4P9GUvcQ4N2jeT-0IUR8lU-Z8CJ6xieX_J3a2uomoUj6pNZeNItYLnRmh_B8AN4kkd1_Z6cFq3gbImlc0Jqb56o1RJ1lbrdfcrPXSsBRCTLHEw=s0-d-e1-ft

Tiền giấy giả  tại Lebanon

 

Kinh tế Lebanon bắt đầu rơi tự do từ năm 2019. Đồng lira đã mất 94% giá trị, trong khi lạm phát năm lên hơn 200%. Hàng triệu đô la Mỹ do người dân gửi vào ngân hàng bị đóng băng, và chỉ có thể tiếp cận bằng nội tệ với tỷ giá hối đoái thấp. Số đô la bị mất này được gọi mỉa mai là “lollar” hay LOL như trong tiếng Anh. Hiện LTA đang cho in tiền lollar, được vẽ các tác phẩm nghệ thuật của Tom Young, một họa sĩ sống tại Beirut với các tác phẩm tập trung vào các cuộc khủng hoảng và nạn tham nhũng của Lebanon. Tờ tiền một trăm lollar mô tả cảnh cảng Beirut bị đổ nát từ sau vụ nổ năm 2020.

 

Dự án có thể phát triển thành một chiến dịch chính trị. Vào ngày 13 tháng 5, LTA sẽ kêu gọi công dân thanh toán các hóa đơn của chính phủ bằng tiền lollar. Chỉ hai ngày sau đó, cử tri sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra chính phủ mới. Đè nặng lên tâm trí họ chính là cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại của Lebanon.





No comments:

Post a Comment

View My Stats