Wednesday 4 May 2022

THÁNG TƯ, NHỚ MỘT KẺ SĨ CAN TRƯỜNG (Phúc Tiến)

 



Tháng Tư, nhớ một kẻ sĩ can trường   

Phúc Tiến

21:05 | Thứ hai, 02/05/2022

https://nguoidothi.net.vn/thang-tu-nho-mot-ke-si-can-truong-34698.html?fbclid=IwAR00Z2GyqGjZ_u3-Pijdls9Nd07mgMESfigQMyFVLV7r49C3TDuCa9IBuTA 

 

Mấy năm trước, tôi được mời dự đám giỗ một giáo sư bấy lâu chỉ nghe tên qua sách vở. Ông là bậc khoa bảng nổi tiếng đã đạt được văn bằng luật cao nhất ở Paris, trở thành người thầy luật khoa hàng đầu của nhiều thế hệ ở miền Nam.

 

Nhà ông là một biệt thự trên đường Sương Nguyệt Anh, quận 1. Ngôi nhà vẫn giữ kiểu dáng chân phương của những năm cuối 60 - đầu 70 thế kỷ trước. Trong nhà từ cánh cửa sắt hay gạch bông lát nhà đến bàn ghế, chén bát đều trông xưa cũ. Trên bàn thờ là chân dung ông, một người có vầng trán cao, đôi mắt tinh anh, gương mặt hiền hậu và phong thái lịch lãm.

 

Gần đấy có mấy bức tranh sơn dầu do chính ông vẽ, được treo trang trọng trên tường. Trong đó nổi bật là bức vẽ một phụ nữ thanh tú mặc áo dài, có chiếc khăn voan quàng cổ tựa như một làn sương mỏng. Đấy chính là hiền thê của ông, có cái tên rất đẹp - Hoàng Thị Nguyệt My, đã qua đời ở tuổi trung niên. 

 

Viết sách trong lúc ở ẩn

 

Trong không gian tĩnh mịch của gian phòng còn có một tủ kiếng thật cao. Phải có đến hai ba chục quyển sách bọc vải cùng cỡ, xếp hàng ngay ngắn trong tủ. Những quyển sách đều bọc vải màu xanh lá cây đậm, trông quen quen. Phải chăng là sách dạy học của vị giáo sư? Tôi xin phép mở ra xem mới hay đó là những trang sách đánh máy trên giấy vàng úa. Quyển nào cũng thế, tất cả đều đánh máy, không phải là bản in hay bản quay ronéo hoặc photocopy. Lạ hơn nữa, đó không phải là giấy trắng dày cứng cáp hay giấy trắng mỏng thanh nhã. Ngược lại, đó là những trang giấy thô cộm, không hẳn vàng, không hẳn nâu mà rất lâu rồi không còn thấy nữa và chỉ ra đời vào cái thời khốn khó sau chiến tranh.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn//content/d14f341d-36bb-49bf-acdc-f5e6e0b2d6dc.jpg

Giáo sư Vũ Văn Mẫu trong lễ phục đến trình quốc thư cho Nữ hoàng Anh khi làm đại sứ tại nước này năm 1964. Ảnh: TL

 

Vâng, thế hệ tôi không thể nào quên những ngày ấy, cơm không đủ mà ăn, quần áo thiếu thốn, huống chi là sách vở và giấy viết. Người đói, nhà máy giấy cũng “đói” hóa chất và “đói” nguyên liệu. Ở Sài Gòn có nhà máy giấy đã thu gom cả “cỏ Mỹ” - thứ cỏ ở Củ Chi sinh sôi do tác động của hóa chất Mỹ trong cuộc chiến, để nghiền thành bột rồi trộn với các loại giấy phế thải để làm giấy mới. Thời đấy, phần lớn sách báo đều là giấy tái chế từ nhiều loại phế liệu. Ngay cả giấy viết thư, giấy đánh máy và giấy tập học trò được “phân phối” cũng khoác màu vàng khè hay thâm nâu. Trên trang giấy có nhiều chỗ còn lợn cợn những vẩy đen như sợi rơm, sợi rác còn sót lại.

 

Vậy mà chính những quyển sách làm bằng những trang giấy “hoang hóa” lại chuyên chở những con chữ biên khảo của vị giáo sư về một loạt đề tài sâu rộng. Thật bất ngờ, đó là các sách chuyên về nhân văn như Lịch sử dân tộc Việt Nam lược khảo, Lịch sử văn minh Việt Nam, Trên đường Nam Tiến, Tiếng nói và chữ viết dân tộc, Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Kể cả sách về luật học và xã hội học như Nền pháp luật Việt Nam cổ truyền, Gia đình Việt Nam cận đại. Hết thảy đều là những đề tài sâu sắc, đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và bút lực uyên thâm.

 

Càng ngạc nhiên hơn nữa khi giở xem những quyển sách và được chạm tay vào bìa vải xanh, tôi nhớ ra cái chất liệu “quen quen” đến từ đâu. Hóa ra đó chính là loại vải pha nylon có chạm những đường gân dễ co giãn thường dùng làm màn cửa khá phổ biến ở nhiều nhà khá giả tại Sài Gòn trước 1975. Có khi chúng còn dùng để làm vải bọc các tấm nệm salon gỗ. Song chưa thấy ai dùng làm vải bọc bìa sách thay cho vải nhung hay bìa da! 

 

Vào cái thời túng bấn sau 1975, hầu như mọi thứ đều được người Sài Gòn “nhanh trí” tận dụng để duy trì cái ăn, cái mặc. Và chao ôi, tận dụng cho cả cái học và cái nghiên cứu! Chính trong những ngày vất vả đó, vị giáo sư - người không còn được đến giảng đường, đã miệt mài ngồi viết sách từ sở học kinh nghiệm giàu có của mình. Ông viết và giữ gìn chúng một cách thầm lặng trên những trang giấy tái chế và những quyển sách được bọc vải màn cửa. Tôi chắc rằng đến nay giá trị những quyển sách hiếm lạ ấy càng lớn lao vô cùng. 

 

Một chính khách thương dân và chính trực

 

Ông Vũ Hoàng Dũng, năm nay ngoài bảy mươi, con trai thứ của giáo sư đã mời tôi dự đám giỗ thân sinh. Duyên may, tôi quen ông Dũng tại buổi khai mạc triển lãm “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập”. Tại triển lãm có nhiều bức ảnh chụp các quan chức chính phủ miền Nam vào cuối những năm 1950 đầu 1960. Trong đấy có một bức ảnh chụp Tổng thống Ngô Đình Diệm đang bước đi cùng Phó tổng thống Mỹ Johnson. Ông Dũng chỉ tôi xem hình một người đàn ông trung niên, đeo kính, dáng hình nho nhã, đi phía sau hai “VIP”. Đó là cha ông, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu của chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ 1955 - 1963.

 

Vị ngoại trưởng xuất thân là một tiến sĩ luật và là giáo sư trường luật, được ông Diệm luôn trân trọng gọi là “ngài”, có thể coi là “đại thần” hay “khai quốc công thần” của chế độ suốt 9 năm liền. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3690be22-a433-450d-aaf8-25e5fe941223.jpg

Năm 2018 tác giả còn gặp ông Vũ Hoàng Dũng ở Paris, ông là giáo sư kinh tế. Hình chụp ông Dũng - con trai giáo sư Vũ Văn Mẫu trước bức tranh tự họa của giáo sư và bàn thờ tổ tiên tại Paris. Ảnh: Phúc Tiến

 

Vậy mà con người trí thức đang có quyền cao chức trọng ấy dám tỏ thái độ phản kháng chính quyền khi họ làm điều sai trái. Đó là việc xảy ra vào tháng 8 năm 1963, khi chế độ gia đình trị Diệm - Nhu ra sức đàn áp phong trào Phật giáo. Hành động phản kháng của giáo sư Vũ Văn Mẫu - một Phật tử thuần thành, rất thẳng thắn và độc đáo, đã đi vào sách sử: ông cạo đầu, rồi gởi đơn từ chức ngoại trưởng và xin đi hành hương ở Ấn Độ - thực chất là chấp nhận bỏ hết mọi quan tước để đứng về phía người dân, kể cả phải sống kiếp lưu vong xa quê hương và gia đình! 

 

Ông Dũng kể khi nhận được tin này, Tổng thống Diệm đã gọi điện can ngăn và đề nghị “ngài ngoại trưởng” hoãn lại việc từ chức nhưng giáo sư cương quyết không thay đổi quyết định. Trong khi ấy, ông Ngô Đình Nhu - em trai và là cánh tay mặt của ông Diệm cũng gọi điện, nhưng để dọa nạt giáo sư. Thậm chí, khi ông Mẫu cùng con trai ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi Ấn Độ theo kế hoạch thì quân lính của ông Nhu chận xe bắt cả hai đưa vào trại an ninh quân đội để giam cầm và có thể hành hạ. Song, ngoại giao đoàn ở Sài Gòn, tiên phong là khâm sứ Vatican đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, buộc chính quyền phải thả hai cha con.

Ngưỡng mộ hành động của một nhà ngoại giao chân chính, ngay lập tức chính phủ Ấn Độ can thiệp, bảo trợ cho cả gia đình ông Mẫu cùng đến nước họ vài ngày sau đó. Sự phản kháng can trường của giáo sư Vũ Văn Mẫu trở thành tấm gương khích lệ cho nhiều trí thức và người dân trong cuộc đấu tranh chống độc tài hà khắc ở miền Nam. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3ffb2f25-9d83-42d4-b25a-b0b778c3e3a3.jpg

Giáo sư Vũ Văn Mẫu sau khi cạo đầu và từ chức ngoại trưởng để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, gặp gỡ sinh viên Luật khoa Sài Gòn tháng 8.1963. Ảnh: báo The Observer, gia đình cung cấp

 

Tháng 11 năm đó, chế độ Diệm - Nhu sụp đổ sau một cuộc đảo chính đẫm máu. Tuy nhiên, giáo sư Mẫu vẫn ở lại nước ngoài, không tham gia chính phủ mới, chỉ nhận làm đại sứ ở Anh và một số nước châu Âu nhưng sau đấy lại từ chức để phản đối chiến tranh lan rộng ra cả nước. Khoảng năm 1965 - 1966, giáo sư mới trở về Sài Gòn, tiếp tục dạy học và được bầu làm Chánh án Tòa Thượng thẩm. Năm 1970, vị cựu ngoại trưởng cạo đầu ngày nào tham gia chính trường, đắc cử thượng nghị sĩ. Ông và nhiều chính khách khác chủ trương hòa bình, chống tham nhũng và bất công.

 

Năm 1974, giáo sư Mẫu cùng ông Dương Văn Minh và nhiều nhân sĩ, trí thức thành lập lực lượng hòa hợp hòa giải dân tộc. Và rồi, tháng 4 năm 1975, giáo sư nhận lãnh trách nhiệm thủ tướng của chính phủ cuối cùng. Ngày 30.4.1975, thay vì bỏ chạy ra nước ngoài, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng Tổng thống Dương Văn Minh ở lại và chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để mở đường cho hòa bình, thống nhất.

 

Sau chiến tranh, ông vẫn ở Việt Nam, hầu như ẩn cư, chỉ chuyên chú viết sách và vẽ tranh. Từ năm 1988, mỗi năm một lần ông cụ qua Pháp thăm con cháu vài tháng. Trong chuyến đi năm 1998, giáo sư Mẫu lâm bệnh và mất tại Paris, thọ 84 tuổi. Ông Dũng kể với tôi cha mình ra đi với nỗi buồn không được nằm xuống trên quê hương yêu quý. Trước khi nhắm mắt, tay ông còn run rẩy viết ra dòng chữ cuối cùng: “Tôi muốn về Việt Nam”. 

 

Gần đây, một nhà xuất bản tại TP.HCM đã đề nghị gia đình giáo sư Vũ Văn Mẫu cho in thành sách chính thức các tác phẩm của ông. Rất mong các sách viết của giáo sư sẽ sớm đến với các thế hệ hôm nay, như là lời tri ân một người thầy trí dũng. Và hơn thế nữa, còn là cách lan tỏa tấm gương làm việc và nhân cách chính trực của một trí thức xưa.

 

Giáo sư Vũ Văn Mẫu không chỉ là một nhà giáo uyên bác mà còn là một KẺ SĨ can trường “dấn thân” vào đời sống chính trị, đem tài trí phụng sự quốc gia. 

 

Người thúc giục dùng ngoại giao và pháp lý để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa 

 

Là một nhà luật học và ngoại giao am hiểu công pháp quốc tế và lịch sử Việt Nam, trong nhiều năm liền, giáo sư Vũ Văn Mẫu đã tìm cách khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên các diễn đàn trong và ngoài nước.

 

Theo phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Cương (Đại học Harvard), trên Công báo Quốc hội Việt Nam Cộng hòa còn lưu toàn văn thông báo ngày 19.7.1971 của nghị sĩ Vũ Văn Mẫu - đại diện nhóm Hoa Sen và nhóm Dân tộc trong Quốc hội, long trọng kêu gọi các nước tôn trọng pháp lý quốc tế, không được vi phạm chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo trên.

 

Văn bản thông báo bằng những lời lẽ ngắn gọn nhưng đanh thép đã lược thuật quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc công pháp quốc tế. Bản thông báo còn dẫn ra sự kiện vào năm 1895 và 1896, chính quyền Trung Quốc thời đó là nhà Thanh đã chính thức trả lời với Anh Quốc là Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của họ. Chính vì vậy, “các thái độ hiện tại của Trung Hoa lại càng hoàn toàn vô lý”.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/8a95040c-561d-4206-8824-631bfb5f41f6.jpg

Bản chụp thông báo 19.7.1971 của nhóm nghị sĩ do giáo sư Vũ Văn Mẫu đại diện lên tiếng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: TL


Đặc biệt, bản thông báo nhấn mạnh về mặt địa chất dưới mặt biển “có một dải cao nguyên” nối liền bờ biển Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Cho nên chủ quyền và quyền lợi của đất nước đối với từng khu vực biển đảo cụ thể cần được nhìn nhận toàn diện hơn. Vào thời điểm Liên Hợp Quốc chưa thông qua Công ước về Luật Biển (một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong hội nghị về luật biển Liên Hợp Quốc lần thứ 3, diễn ra từ năm 1973 đến 1982), bản thông báo đã thể hiện được quan điểm pháp lý rất sâu sắc và tầm nhìn chiến lược rất quan trọng!

 

Ngày 14.3.1974, hai tháng sau khi Trung Quốc trắng trợn đánh chiếm Hoàng Sa, một lần nữa, tại nghị trường, giáo sư Vũ Văn Mẫu lên tiếng thúc giục chính quyền phải tổ chức vận động ngoại giao, sử dụng các diễn đàn của Liên Hợp Quốc để mạnh mẽ phản kháng “các hành vi xâm phạm chủ quyền và sự vẹn toàn của lãnh thổ đất nước”, kể cả việc phải đưa ra tố tụng tại tòa án quốc tế. Giáo sư Vũ Văn Mẫu cho rằng nếu chính quyền kiên quyết làm các việc này từ năm 1971 thì đã không lâm vào tình thế như năm 1974. Vị cựu ngoại trưởng thẳng thắn phê phán “hành pháp đã thụ động, Bộ Ngoại giao đã thụ động”, “các đại sứ cũng ngồi yên” và rồi quốc dân và lịch sử sẽ phán xét!

 

Càng không thể quên, nhiều năm trước đó, vào ngày 1.6.1956, chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà vị ngoại trưởng chính là giáo sư Vũ Văn Mẫu, đã ra thông cáo xác nhận chủ quyền cố hữu đối với Hoàng Sa và Trường Sa về cả mặt lịch sử và pháp lý.

 

Phúc Tiến





No comments:

Post a Comment

View My Stats