Sunday, 1 May 2022

THÁNG 4-1975 : NHỮNG 'ĐỨT GÃY' và CÂU CHUYỆN CỦA MỘT GIÁO SƯ ĐỆ NHỊ CẤP (Khánh An - VOA)

 



Tháng 4-1975: Những ‘đứt gãy’ và câu chuyện của một giáo sư đệ nhị cấp

Khánh An-VOA

30/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6551551.html

 

https://gdb.voanews.com/33CD392B-1671-443B-B5D5-B359915FD86A_w650_r1_s.jpg

Học sinh Việt Nam sau năm 1975 luôn được khuyến khích phấn đấu để trở thành "cháu ngoan Bác Hồ" và để được vào Đoàn, vào Đảng.

 

Như một công trình xây dựng, sau gần nửa thế kỷ, người ta bắt đầu nhìn thấy giá trị thực và chất lượng kết cấu của nó sau khi lớp sơn màu đẹp đẽ trôi dần đi. Việt Nam sau 47 năm miền Bắc Cộng sản chiến thắng và “thống nhất” với miền Nam, những mảng vỡ nứt từ cốt lõi nền giáo dục đang lộ dần lên bề mặt cấu trúc xã hội và mọi mặt đời sống…

 

Những câu chuyện nhỏ “rất quen” dưới đây của một cô giáo từng đau đớn tận trong tim khi trải qua những năm tháng trên bục giảng, từ một “giáo sư đệ nhị cấp” thời Việt Nam Cộng Hoà trở thành một giáo viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, cho thấy phần nào những “đứt gãy” ấy...

 

Mời quý vị nghe cuộc trò chuyện của Khánh An với cô giáo đã trải qua cuộc chuyển đổi giáo dục này.

 

Tháng 4-1975: Những ‘đứt gãy’ và câu chuyện của một giáo sư đệ nhị cấp

by VOA

 

VOA: Xin chào cô. Trước tiên xin cô giới thiệt một chút về cô nhé. Cô làm gì trước năm 1975?

Cô Nguyên Thiện: Trước tiên, xin chào Khánh An và xin chào tất cả quý vị thính giả của đài VOA. Xin cho tôi tự giới thiệu với pháp danh, là vì tôi đã nương vào Phật pháp để giữ được thân mạng của mình được tồn tại đến ngày hôm nay. Tôi là Nguyễn Thiện. Tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn năm 1973, ngành huấn luyện giáo sư đệ nhị cấp. Những trường mà tôi đã đi dạy qua là trường Lương Văn Can ở quận 8 Sài Gòn, trường Lê Quý Đôn ở quận 3, và gần cuối là trường Hai Bà Trưng. Nó mang tên Hai Bà Trưng bây giờ nhưng trước đây nó là trường Thiên Phước Học Đường, sát bên nhà thờ Tân Định.

 

VOA: Được biết cô đã đi dạy từ trước năm 1975, sau năm 1975 cô có tiếp tục làm nghề giáo viên hay không?

Cô Nguyên Thiện: Trước năm 1975, đời sống của một giáo sư đệ nhị cấp tuy không giàu nhưng mà nó đủ để cho mình tươm tất và tự tin khi bước lên bục giảng, là hình tượng mẫu mực cho học sinh nhìn vào. Nhưng sau năm 1975 thì thầy cô giáo hầu hết bị sàng lọc, đuổi việc, đi vùng kinh tế mới, ra đạp xích lô hoặc là đi bán chợ trời, hay làm bất cứ việc gì để có đồng tiền đặng tồn tại. Tôi thì được cái may mắn là vì họ thiếu giáo viên ngoại ngữ cho nên được giữ lại với cái đồng lương gọi là lương chết đói, mà người ta thường ví von với câu vè dân gian là “Muốn sang thì lấy thợ tiện, muốn diện thì lấy thợ may, muốn ăn mày thì lấy thầy giáo”.

 

VOA: Vâng, nghe rất chua xót. Sau năm 1975, cô tiếp tục được giữ lại làm giáo viên thì cô thấy có những thay đổi nào so với thời trước năm 1975? Có những thay đổi nào đáng nhớ và đáng lưu ý?

Cô Nguyên Thiện: So sánh với trước năm 1975 thì học sinh có điểm số là do tự lực cá nhân của mỗi em. Nhưng sau năm 1975 thì giáo viên chủ nhiệm cho điểm học sinh bằng lý lịch từ ban giám hiệu gửi xuống. Hễ con cán bộ thì được cho lên thắng. Lúc đó, họ dùng những từ như “cho lên thẳng” và ở lại lớp thì gọi là “lưu ban”. Nhưng đã có lý lịch là con cán bộ thì được lên thẳng, giáo viên chủ nhiệm không được phép cho con cán bộ lưu ban. Còn có lý lịch là con của nguyên quân, nguỵ quyền là bị đánh rớt. Rất rõ ràng.

 

Tôi lấy ví dụ là có một lớp 12 do tôi làm chủ nhiệm lúc đó, học sinh của lớp năm đó rất giỏi. Nó học ban toán và nó rất xuất sắc, nhưng mà cái lớp năm đó bị đánh rớt gần hết cả lớp, chỉ vì cái tội là có cha đang ở trong tù cải tạo. Và còn một điểm nữa là cô giáo dạy môn toán năm đó, cô ấy là cán bộ miền Bắc vào. Lớp này là học sinh ban toán lúc đó, nó rất giỏi, nên khi cô cho bài toán trên bảng mà cô chứng minh không ra đáp số. Thế là có một em nó dám lên nó giải bài toán thay cho cô giáo, thì bà ta hơi bị quê. Từ đó, bà đì mấy đứa trong lớp. Em đó bị bà đì hỏng luôn, không được lên lớp ngay trong năm đó, mà bị loại ra khỏi trường luôn, với lý do là lý lịch em đó không trong sạch, có cha đi tù cải tạo.

 

VOA: Khi cô chứng kiến những trường hợp như vậy, mà bản thân cô là một giáo viên chủ nhiệm phải đánh rớt những học trò như vậy, cảm giác của cô lúc đó như thế nào?

Cô Nguyên Thiện: Tôi hơi cứng đầu. Tôi hơi bướng bỉnh, ở chỗ là cứ mỗi lần lên lớp là phải có soạn giáo án đàng hoàng, mà giáo án thì phải soạn luôn luôn phải đúng tiêu chuẩn là phải có ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ. Cho nên, nhiều khi soạn giáo án thì mình soạn một đường cho nó duyệt, nhưng mà khi lên lớp thì mình giảng theo trái tim của mình, theo kiến thức trung thực của mình, thì dễ bị Ban Giám hiệu nó khó dễ lắm.

 

VOA: Cô đã bị khó dễ như thế nào?

Cô Nguyên Thiện: Có một đứa học trò tên là Nguyễn Ái Quốc. Nó học dốt vô cùng, mà khi họp để xét cho học trò lên lớp thì chỉ vì nó có tên Nguyễn Ái Quốc nên phải xét cho nó lên lớp. Chứ nếu mà giữ nó lại thì coi như bôi nhọ Bác Hồ, tại vì nó cùng tên với Bác Hồ. Có chi tiết rất buồn cười như vậy đó. Mà hầu hết con cán bộ lúc đó học dốt mà cứ phải cho lên lớp… Rồi thi đua lúc nào cũng ép học sinh, đưa vô khuôn mẫu là tụi nó phải phấn đấu để thành “cháu ngoan Bác Hồ”. Mà muốn thành cháu ngoan Bác Hồ là phải lao động tốt, học tập tốt, chữ gì cũng mang cái chữ tốt tốt… nhưng nó không cụ thể, chỉ lẩn quẩn ca ngợi Đảng với ca ngợi Bác Hồ, thì tôi làm cái đó không được. Cho nên, lớp của tôi lúc đó luôn luôn là hạng chót.

 

Nếu tham gia tiết mục văn nghệ, thì làm cô giáo, tôi chỉ biết dạy tụi nó đóng kịch thí dụ như “Ngao Sò Ốc Hến” hoặc những cái bài hát như “Bạch Đằng Giang”, hoặc bài hát “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…” thì nó không có tính Đảng, không những vậy còn bị ghép cho là “phản động” bởi vì hầu hết học trò trong lớp nghe lời cô giáo. Học trò của mình hầu hết cha mẹ của nó đi cải tạo. Cho nên, ai có lâm vào cảnh thì mới hiểu được người trong cảnh. Mình thấy là mình dạy học trò lúc đó bằng cái tâm của một người thông cảm với nỗi đau của đồng loại. Có vậy thôi, nên không làm được cái việc là cho học trò thi đua để ca ngợi Bác, để được “cháu ngoan Bác Hồ”, nên hầu hết học trò trong lớp của tôi không có danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”.

 

Mấy anh trong trong trường thì nói “thứ nhất là ngồi lì, thứ nhì là đồng ý”, chớ đừng nên nói ngược lại mà bị khó khăn rắc rối. Nhưng mà tôi không làm được những cái ngược lại lương tâm của mình. Thành ra không bao giờ có được danh hiệu “Giáo viên tiên tiến”. Không những vậy còn bị ban hiệu mời lên thường xuyên để nhắc nhở. Có cái may là không bị đuổi. Nhưng sự thật, họ không đuổi không biết là may hay rủi. Bởi vì người ta bung ra chợ trời người ta bán buôn, người ta còn giúp được con cái ăn học, tồn tại được. Còn mình với cái đồng lương chết đói mà mà cứ ráng chịu đựng, vừa nuôi con vừa đi làm trong hoàn cảnh đồng lương chết đói, thì cô Khánh An có biết là lúc đó tôi nuôi con bằng cách là, với đồng lương lãnh ra không đủ để nuôi con trong một tuần lễ chứ đừng nói chi một tháng, thành ra tôi cho tụi nó ăn gạo lứt muối mè. Cháo cũng muối mè, cơm cũng muối mè. Rồi nó đi học. Rồi trời cũng thương, lúc đó tụi nó khỏe mạnh, cũng học giỏi, cũng tròn trịa. Nhờ gạo lứt muối mè mà tụi nó sống. Ban Giám hiệu thì nói bà này có chồng đi nước ngoài mà bả nói bả cho con ăn gạo lứt muối mè để bả qua mặt mình thôi. Chứ họ không tin.

 

VOA: Cô đã giảng dạy ở mái trường xã hội chủ nghĩa. So với mái của thời Việt Nam Cộng hòa, cô thấy có những điểm gì mà cô là cô cho là đáng tiếc, hoặc ngược lại, cô cảm thấy nó tốt hơn?

Cô Nguyên Thiện: Bây giờ nói không phải mình chê hay mình vạch lá tìm sâu đâu. Mà những cái tệ hại của nhà trường sau năm 1975 đến bây giờ, mình nhìn thấy nó đau lòng hơn là các điểm tốt. Không thấy điểm tốt. Chưa có bao giờ mà thầy cô giáo lại có thể làm những việc như phải có tiền đút lót thì mới được đi vào trường, rồi đút lót thì con mới được tốt nghiệp, nhiều thứ…

 

Rồi học trò hồi xưa thì tình thầy trò thương yêu quý trọng lẫn nhau. Học trò rất kính trọng thầy giáo không phải vì có hay không có tiền, mà nó kính trọng vì phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Bởi vì nhà giáo lúc đó được huấn luyện là mình làm việc dạy học không phải là vì đồng tiền, mà dạy học là vì thích “thiên chức”. Hồi xưa gọi là “thiên chức của nhà giáo”, phải có lương tâm nghề nghiệp. Còn bây giờ, học trò trong lớp, chưa bao giờ có hình ảnh mà học trò xăn quần xăn áo lên, con gái mà nắm đầu nắm cổ rồi quần thảo nhau như là bề hội đồng. Thấy mà thương tâm! Mà không phải một chỗ, mà gần như khắp nơi, rồi cách dùng từ ngữ bây giờ nó hoàn toàn khác với từ ngữ mà mình dùng cho học trò dạy ở học đường trước 1975…

 

Trong bài giảng, trong giáo án lúc nào cũng không thể thiếu hai cái tính là ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác. Cho đến những cái bài Toán của học trò học ở trong trường, mà sách giáo khoa nhà trường cũng soạn là hôm nay diệt được bao nhiêu lính Mỹ, hôm qua diệt được bao nhiêu lính Mỹ, như vậy trong tuần lễ này diệt được bao nhiêu lính Mỹ. Chỉ như vậy thôi thì mình thấy tính nhân bản, lòng nhân đạo đã không có, nó đã bị giết chết từ trong trứng rồi…

 

Từ trong môi trường giáo dục như vậy thì con người ta chỉ biết là ganh đua. Ganh đua chứ không phải thi đua. Người ta ganh nhau, rồi lòng đố kỵ… Bây giờ thì ai cũng muốn học làm giàu. Học trò nó học với mục đích làm sao ra trường là để nó chiếm được vị trí, nhất là làm sao phấn đấu để nó vô đảng. Vô Đoàn, vô Đảng là để nó ngồi trên, ngồi trước, đặng nó làm giàu. Chứ còn cái lương tri của con người thì bây giờ hiếm có…

 

VOA: Vâng, cám ơn cô đã dành thời gian cho VOA.

Cô Nguyên Thiện: Rất cảm ơn Khánh An đã tạo cho tôi cơ hội mà trong nước chưa bao giờ tôi có được điều kiện để nói như thế này. Cảm ơn quý vị thính giả đã lắng nghe. Xin chân thành cảm ơn quý đài.

 

Cô Nguyên Thiện đã giảng dạy tại Việt Nam cho tới năm 1988, khi cô được bảo lãnh sang Hoa Kỳ định cư. Hiện cô đang sống tại bang Florida.

 

------------------

 

LIÊN QUAN

Môn lịch sử sẽ là môn học tự chọn

Ép học sinh lớp 9, ép trẻ con, họa từ đó mà ra

Những câu chuyện về mại dâm – bản án dành cho xây dựng CNXH

Vài vấn đề sử nhân ngày 30 tháng Tư





No comments:

Post a Comment

View My Stats