Wednesday, 11 May 2022

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI DÂN NGA ĐỐI VỚI CHIẾN TRANH UKFRAINE (Andrei Kolesnikov  -  Foreign Affairs)

 



Thái độ của người dân Nga đối với Chiến tranh Ukraine

Andrei Kolesnikov  -  Foreign Affairs   

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

10/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/10/thai-do-cua-nguoi-dan-nga-doi-voi-chien-tranh-ukraine/

 

Sự hung hăng của Putin đã khiến một quốc gia tự chống lại chính mình.

 

Đầu tháng 4, quan tài chứa thi thể của Vladimir Zhirinovsky, 75 tuổi – một nhà dân túy cực đoan, người từng là trụ cột quan trọng của nhà nước Nga suốt hai thập niên – đã được đưa đến Sảnh Cột (Hall of Columns) ở trung tâm Moscow để mọi người có thể đến viếng. Cách đây 69 năm, thi hài Stalin cũng được quàn tại đây, và vì thế dẫn đến cái chết của hàng loạt người Nga, những người đã bị giẫm đạp đến chết trong đám đông khổng lồ tụ tập để tiễn biệt nhà độc tài Liên Xô.

 

Đã không có đợt giẫm đạp nào ở đám tang Zhirinovsky, nhưng nó gợi lại một khoảnh khắc khác trong thời kỳ Liên Xô. Thi thể của ông đã được đưa đến Sảnh Cột trong một chiếc Aurus Lafet – dòng xe tang đen phiên bản siêu giới hạn, được sản xuất bởi Aurus Motors, nhà sản xuất xe hơi hạng sang mới nổi của Nga. Trong tiếng Nga, lafet có nghĩa là “xe tang”, và đối với những người Nga như tôi, những người đủ lớn tuổi để nhớ được giai đoạn đầu thập niên 1980, tên của chiếc xe gợi lên một câu chuyện đùa tăm tối: khi các nhà lãnh đạo cao tuổi của Liên Xô, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko liên tiếp qua đời, sự kiện đó đã được gọi là Cuộc đua của những chiếc xe tang (Race of the Lafets).

 

Phải chăng đang có một cuộc đua của những chiếc xe tang mới xuất hiện trong vòng tròn thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Điều chắc chắn là có rất nhiều nhân vật của Điện Kremlin sẽ bước vào cùng độ tuổi với những người đồng cấp trong những năm cuối của Liên Xô: Putin sẽ 70 tuổi vào tháng 10 này; Alexander Bortnikov, người đứng đầu FSB, và Nikolai Patrushev, thư ký hội đồng an ninh, đều đã 70 tuổi. Sergei Lavrov, Ngoại trưởng, thì đã 72 tuổi. Tương tự như việc Bộ chính trị cao niên của Brezhnev quyết định xâm lược Afghanistan, theo đó phá hủy những gì còn sót lại của nền tảng đạo đức của đế chế Liên Xô, quyết định phát động chiến tranh ở Ukraine của những vị bô lão này đã nhanh chóng trở thành một thảm họa cho nước Nga – đặc biệt là cho giới trẻ của nước này.

 

Hiện tại, dư luận Nga đang đứng về phía chế độ, và chế độ có thể tiếp tục tự huyễn hoặc mình, hệt như khi họ huyễn hoặc người dân, rằng họ có thể biến nước Nga thành một quốc gia bất hảo với khả năng tự cung tự cấp, tự cô lập, và xu hướng bành trướng, dựa trên ý tưởng về sự vượt trội của Nga so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, “chiến dịch quân sự đặc biệt,” theo cách gọi mà Putin liên tục nhấn mạnh, dường như chắc chắn sẽ làm suy yếu tất cả các nền tảng chính trị, kinh tế, và đạo đức của Nga.

 

Một cuộc chiến với chính mình

 

Chế độ Putin dường như đang đối xử với người dân Nga bằng một thái độ gần giống như với người dân Ukraine. Để minh chứng cho điều này, người ta chỉ cần nhìn vào áp lực từ các cơ quan công quyền và cảnh sát lên bất kỳ ai ở Nga dám suy nghĩ khác đi, việc đóng cửa hoặc thanh trừng hầu hết các cơ quan truyền thông và tổ chức nghiên cứu độc lập, và cuộc đàn áp bất kỳ ai phản đối, hay chỉ đơn giản là không đồng ý với ‘tinh thần cuồng loạn thể hiện lòng yêu nước.’ Người Ukraine được mô tả như một khối dân vô diện, đồng nhất, những người buộc phải khuất phục trước Điện Kremlin bằng các biện pháp phi phát xít hóa, một quá trình mà trong thực tế có nghĩa là “phi Ukraine hóa”, điều mà bộ máy tuyên truyền của Putin giờ đây đã công khai thừa nhận. Nhưng người Nga cũng bị các nhà lãnh đạo của họ coi là một đám đông thiếu suy nghĩ, những người phải mù quáng đi theo lãnh tụ của mình. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hành chính hoặc hình sự và sự tẩy chay của xã hội. Những người lính Nga – một nhóm không chỉ gồm những quân nhân nhiệt thành, mà còn gồm hàng chục nghìn lính nghĩa vụ rất trẻ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc – đã trở thành bia đỡ đạn, bị đưa vào chỗ chết mà không hề được chuẩn bị. Những ý tưởng vô nghĩa của Putin đang phải trả giá bằng mạng sống của các thanh thiếu niên Nga.

 

Trong một số bài phát biểu trong những tuần gần đây, Putin đã tuyên bố công khai về “bọn phản bội quốc gia” và về “đạo quân thứ năm” được cho là đã phá hoại sự thống nhất quốc gia. Để loại bỏ tận gốc những kẻ xấu này, ông kêu gọi một sự “tự thanh lọc xã hội.” Người Nga đã nhanh chóng chú ý đến lời kêu gọi ấy: sau bài phát biểu, đã có một làn sóng tố cáo, với việc học sinh lên án giáo viên của họ – và ngược lại – cũng như việc đồng nghiệp tố cáo lẫn nhau. Tổng thống Nga cũng khuyến khích những hành động man rợ chống lại những người chỉ trích ông. Alexei Venediktov, biên tập viên của Echo of Moscow (Tiếng vọng Moscow), đài phát thanh độc lập đã bị chính phủ của Putin đóng cửa ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, đã phải nhìn thấy cảnh một cái đầu lợn treo bên ngoài cửa nhà mình, cùng với những hình vẽ bậy bài Do Thái. Trên một chuyến tàu rời Moscow, một người đàn ông đã tấn công Dmitry Muratov, tổng biên tập tờ Novaya Gazeta đồng thời là người nhận giải Nobel Hòa bình năm ngoái, bằng cách ném sơn đỏ trộn lẫn với acetone độc hại lên người ông.

 

Putin đã chia rẽ đất nước. Cả nhóm phản đối lẫn nhóm ủng hộ nhà lãnh đạo Nga đều trở nên cực đoan hơn. Tất nhiên, hầu hết những người phản đối chiến tranh là những người chỉ trích Putin và những người trẻ tuổi. Một số binh sĩ đã từ chối chiến đấu ở Ukraine, và một số gia đình có thân nhân là lính thiệt mạng đã nổi giận với Putin. Nhiều người trẻ đã dũng cảm xuống đường để phản đối chiến tranh, bất chấp việc đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ ngay lập tức, cùng viễn cảnh mất việc làm hoặc bị đuổi khỏi trường đại học. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn người Nga đã tập hợp lại xung quanh Putin, ngay cả khi, theo thông tin từ một cuộc thăm dò độc lập được tiến hành vào năm ngoái, hầu hết người Nga đều sợ chiến tranh và không tin điều đó có thể thực sự xảy ra. Ngày nay, công chúng, hoặc ít nhất là đông đảo dân thường Nga, có vẻ là đang có tâm trạng ủng hộ cuộc chiến.

 

Tất nhiên, rất khó để đo lường ý kiến trong một hệ thống chỉ có một nhà lãnh đạo, và nơi trên thực tế đã không còn bất kỳ phương tiện truyền thông tự do nào nữa. Nhưng rõ ràng là người Nga cảm thấy bị bao vây, và thường thì, họ cũng cảm thấy chán nản như chính Putin.

 

Hãy xem xét dữ liệu từ cuộc thăm dò gần đây nhất của Trung tâm Levada độc lập. Trái ngược với những gì các nhà phê bình khẳng định, những người được hỏi đã không từ chối trả lời câu hỏi nhiều hơn so với các cuộc khảo sát trước đây, và bản thân nghiên cứu này đã được tiến hành, như thường lệ, bằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp thay vì phỏng vấn qua điện thoại. Kết quả rất rõ ràng: 81% người được hỏi cho biết họ ủng hộ “chiến dịch đặc biệt”, với 53% “chắc chắn” ủng hộ, và 28% “khá” ủng hộ. Cũng cần lưu ý một con số khác: liên quan đến chiến dịch đặc biệt, đa số nhỏ – 51% – những người được hỏi nói rằng họ cảm thấy “tự hào về nước Nga.” Những người không thấy tự hào – nhiều trong số này là những người trẻ tuổi – mô tả cảm xúc của mình là “lo lắng, sợ hãi, kinh hoàng,” hoặc đơn giản hơn, là “sốc”.

 

Đồng thời, cũng theo Levada, mức độ ủng hộ Putin, đã vọt lên 83% vào tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ tháng trước. Sự gia tăng mức độ ủng hộ của công chúng là tương tự như những gì xảy ra sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014; nhưng hồi đó, bầu không khí hòa dịu hơn, và những người phản đối hành động của Putin không phải đối mặt với sự sỉ nhục từ các đồng nghiệp. (Tuy nhiên, trong một bài phát biểu vào thời điểm đó, Putin cũng gán cho bất kỳ ai dám chống lại các chính sách của mình tên gọi “kẻ phản bội quốc gia”). Hơn nữa, trái ngược với các hành động của Nga ở Ukraine hiện nay, việc sáp nhập đã được thực hiện mà không có đổ máu, và nhiều người coi việc “thống nhất” Crimea với Nga, như cách gọi của Điện Kremlin, là nhằm khôi phục và nâng cao sự vĩ đại của nước Nga.

 

Ngày nay, phản ứng chủ yếu của những người Nga bình thường đối với cuộc chiến là sự hung hăng. Nó được củng cố bởi những gì dường như là một nỗ lực trong tiềm thức để ngăn chặn bất kỳ tin xấu nào, và theo đó cũng ngăn chặn bất kỳ ý nghĩ nào rằng đất nước có thể đã sai. Nỗi sợ hãi nhà chức trách không chỉ ngăn cản người dân phản đối một cuộc chiến tranh man rợ; nó cũng khiến họ không thể thừa nhận với bản thân mình rằng nước Nga của Putin đã phạm phải một tội lỗi khủng khiếp. Thật đáng sợ khi đứng về phía cái ác. Thật đáng sợ khi phải nhìn những bức ảnh và đoạn phim tàn bạo xuất phát từ Ukraine – được truyền đi bằng một mạng riêng để vượt qua mạng Internet bị kiểm soát của Điện Kremlin – cũng như khi khám phá ra sự thật nguy hiểm đến mức nào. Và vì thế, đối với nhiều người, sẽ dễ dàng hơn nếu lựa chọn thấm nhuần nội dung tuyên truyền chính thức và tin rằng mình đứng về phía cái thiện: người Ukraine sẽ tấn công chúng tôi; chúng tôi chỉ đang tấn công phòng ngừa; chúng tôi đang giải phóng một dân tộc huynh đệ khỏi chế độ Quốc xã do phương Tây hậu thuẫn; tất cả các báo cáo về những hành động tàn bạo mà quân đội chúng tôi làm đều là giả mạo. Như một phụ nữ trong nhóm phỏng vấn của Trung tâm Levada nói, “Nếu tôi xem BBC, có lẽ tôi sẽ nghĩ khác, nhưng tôi sẽ không bao giờ xem BBC, bởi vì đối với tôi, những gì tôi đang xem là đủ rồi.”

 

Hội chứng Moscow

 

Putin đang bị dồn vào chân tường, nhưng cả đất nước của ông cũng vậy. Người Nga nói chung đang trải qua một phiên bản của Hội chứng Stockholm, đồng cảm với kẻ bắt giữ họ nhiều hơn là với những nạn nhân khác của hắn. Trong khi đó, các chính trị gia – những người được cho là bị ràng buộc với Điện Kremlin – đang bị chia rẽ về bước đi tiếp theo. Một số người, chẳng hạn như trưởng đoàn đàm phán của Putin, Vladimir Medinsky, và người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng họ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình. Những người khác, như nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, chủ trương “nhìn thấu đáo đến cùng” – nhưng đến cùng là như thế nào? – và coi bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng là một hình thức phản bội. Sự đa dạng về quan điểm này cũng được phản ánh trong xã hội nói chung: đối với một số người, chiến thắng có nghĩa là một thỏa thuận hòa bình mang lại cho Nga một vùng lãnh thổ mới đáng kể; đối với những người khác, chiến thắng đòi hỏi phải dốc hết sức lực và chinh phục toàn bộ Ukraine, tất nhiên, nó có nghĩa là một cuộc chiến vĩnh viễn.

 

Những người ủng hộ Putin, say sưa với những gì họ coi là lòng yêu nước, đã tấn công bất cứ ai dám chỉ trích cuộc chiến, và tuyên bố không thể hiểu tại sao một số người lại phản đối chiến tranh: 32% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò khác của Levada cho biết họ tin rằng những người biểu tình đã được trả tiền để làm vậy. Bởi còn cách nào khác để giải thích việc hàng nghìn người xuống đường phản đối ‘giải phóng Ukraine khỏi tay phát xít’? Bất chấp việc họ không thể giải thích hàng ngàn người này đã được ai trả tiền, và trả bằng cách nào, để họ chấp nhận mạo hiểm tự do và sinh kế mà phản đối cuộc thảm sát. Nhưng những khẳng định phi logic như vậy không phải điều gì mới: trong thời gian gần đây, một bộ phận trong nhóm chủ đạo cứng rắn của Nga thường sử dụng lập luận này để nói về những người biểu tình chính trị.

 

Đối với người Nga, thuật ngữ “chủ nghĩa phát xít” từ lâu đã trở thành một cái nhãn tiện lợi cho hầu hết mọi điều xấu xa. Thời Xô-viết, người ta thường nói rằng “những kẻ phát xít” và “những kẻ phục thù” đã “ngóc đầu dậy” ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Đức. Đôi khi, một thuật ngữ thậm chí còn khắc nghiệt hơn, “Quốc xã,” đã được sử dụng. Không hề có ý châm biếm, tuyên truyền của Liên Xô đã lần đầu sử dụng thuật ngữ này để miêu tả Israel: sau Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, khi Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, người Israel đã bị gọi là bọn Quốc xã. Đối với Putin, bóng ma Đức Quốc xã đã cung cấp một cách tuyên truyền cho cả nước, để khẳng định rằng Ukraine không có quyền tồn tại. Putin cần lịch sử của Thế chiến II để chính danh hóa chế độ của mình, nhưng người Nga vẫn chưa nhận ra rằng, khi làm như vậy, ông ta cũng đã phá hủy nền tảng của nhà nước hậu Xô-viết. Mọi thứ đều được xây dựng dựa trên việc đè bẹp chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cách người Nga gọi Thế chiến II. Tuy nhiên, trong con mắt của người Ukraine – và phần lớn phần còn lại của thế giới – chính người Nga mới là người đang hành xử như những kẻ phát xít. Người Nga khó có thể sử dụng kinh nghiệm chống lại Hitler của đất nước họ để biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt tàn bạo của chính họ. Ngược lại, họ đang trở thành người Đức sau Thế chiến II. Đây là những gì Putin đã làm: Nga không còn ở bên chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại; họ không còn ở lề phải của lịch sử nữa.

 

Phần lớn dân số Nga không nhận ra điều này. Và tất nhiên, năm nay, trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng (ngày 09/05) – một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Nga, kỷ niệm sự kết thúc của Thế chiến II – Putin chắc chắn sẽ đánh đồng chiến thắng của Liên Xô năm 1945 với chiến thắng của chính ông trước sức mạnh của lý trí. Đến ngày 09/05 này, Putin sẽ phải tìm ra từ ngữ để mô tả các thông số cụ thể của chiến thắng mới ở Ukraine. Và chúng phải đủ thuyết phục để làm cho chiến thắng trở nên giống với năm 1945. Nhưng nhiều người Nga dường như đã xem những gì Nga đang làm bây giờ tương đương với việc đánh bại Hitler: chữ Z, biểu tượng của chiến dịch đặc biệt, thường được mô tả bằng hình ảnh Ruy băng Thánh George, biểu tượng của chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi người đều cảm thấy bị mắc kẹt: phương Tây trở nên thù địch với họ hơn bao giờ hết, nhưng ở Nga lại chẳng còn gì cho họ. Họ ủng hộ Putin với tư cách là chỉ huy tối cao của đội quân hùng mạnh của đất nước, nhưng trong thâm tâm, họ bắt đầu hiểu rằng tổng thống đã đưa họ đến nơi không thể trốn thoát. Đối với người Nga, đó là một cảm giác đã có từ rất lâu. Năm 1863, nhà tư tưởng cách mạng lỗi lạc Alexander Herzen đã chỉ ra căng thẳng này: “Vị thế của người Nga đang trở nên khó khăn không dứt ra được,” ông viết khi đang ở Ý. “Người Nga cảm thấy ngày càng xa lạ hơn ở phương Tây, trong khi lòng căm thù của họ đối với những gì đang xảy ra ở quê nhà ngày càng sâu sắc hơn.” Khi ấy, cũng như lúc này đây, sự thù hận là bí mật chứ không được công khai. Và người Nga không thể thừa nhận điều đó với chính họ.

 

Trốn chạy thực tế

 

Nhiều người Nga có lương tâm, có ý thức về bản thân, và có nghề nghiệp – và phương tiện để làm như vậy – đang tỏ ý phản đối và rời khỏi đất nước. Rất khó để thu thập con số chính xác, và trong phần lớn các trường hợp, những người ra nước ngoài nói rằng đó chỉ là tạm thời: họ đang ngồi ngoài cuộc chiến và chờ đợi sự thay đổi xuất hiện ở Nga, nhưng họ không có ý định bắt đầu cuộc sống mới vĩnh viễn ở một quốc gia khác. Thứ thúc đẩy họ không phải là nỗi sợ bị đàn áp, mà là việc thiếu niềm tin vào triển vọng của Nga và ghê tởm với những gì mà chế độ đã trở thành. Kết quả là, Nga đang bị chảy máu tầng lớp chuyên gia, những người từ lâu đã là trụ cột cho khát vọng về một nền kinh tế hiện đại, đa dạng hóa. Nếu điều này trở thành một xu hướng dài hạn, thì cuộc di cư về cơ bản sẽ gây hại cho nguồn nhân lực của đất nước. Và những người dân bị bỏ lại phía sau có thể thậm chí còn ít cởi mở hơn với các giá trị và tư tưởng tự do của phương Tây.

 

Đối mặt với thảm họa kinh tế đang rình rập, nhà nước Nga dường như đang hướng nỗ lực của mình vào những người Nga có thể ủng hộ chế độ, với điều kiện họ được cung cấp đầy đủ tiền bạc và các phần thưởng cơ bản khác để làm điều đó. Đây là những khối quần chúng mà lòng trung thành của họ phải được mua bằng trợ cấp xã hội và tiền lương trong các khu vực phụ thuộc vào nhà nước, những người phải liên tục được nghe những tuyên truyền ổn định để có thể giữ trật tự. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng ngày càng tăng của các lệnh trừng phạt, dự án này đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều và các nguồn lực để hỗ trợ nhóm này có thể bắt đầu cạn kiệt. Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu Nga mất khả năng bán dầu mỏ và khí đốt.

 

Theo thời gian, những tác động tích tụ của chiến tranh có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Putin. Trong lúc chiến dịch quân sự và bộ máy tuyên truyền khổng lồ đi cùng với nó tiếp tục hoạt động hết công suất, sự gắn kết xã hội sẽ bắt đầu tan vỡ, và các lực lượng vốn có truyền thống duy trì nền kinh tế sẽ không còn hoạt động. Nhưng hiện tại, người Nga có vẻ hài lòng khi đẩy sự bất mãn của họ cho kẻ thù. Đối với câu hỏi, Ai là người đáng bị đổ lỗi?, họ trả lời: Mỹ và Châu Âu.

 

Putin đã đi vào ngõ cụt, và kết quả là Ukraine, cùng với phần còn lại của thế giới, đang phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, đó cũng là một thảm họa đối với người dân Nga. Đất nước đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa thế giới – nơi đã sản sinh ra rất nhiều tiểu thuyết gia và nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như ba người đoạt giải Nobel Hòa bình – giờ đây sẽ gắn liền với Vladimir Putin suốt một thời gian dài. Phương Tây phải hiểu rằng, dù là điều hiểu nhiên, nhưng chế độ của Putin và nước Nga không phải là một. Và hiểu được này là cực kỳ quan trọng để xây dựng một nước Nga thời hậu Putin. Nếu không, nước này sẽ tiếp tục bị coi là một vùng đất thù địch, bị thế giới xa lánh. Tuy nhiên, sau cùng, người Nga sẽ tự chứng minh bằng hành động của mình rằng đất nước của họ còn nhiều điều lớn lao hơn Putin và những gì ông ta mang lại.

 

---------------

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

 

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Russians at War,” Foreign Affairs, 18/04/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats