Sử
gia Françoise Thom: ‘‘Cho đến nay, người Nga vẫn coi nước Nga là một đế chế’’
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 19/05/2022 - 19:25
Cuộc tấn công Ukraina của Nga, mở màn ngày 24/02/2022,
được nhiều nhà quan sát đánh giá như là một bước ngoặt của lịch sử thế giới
đương đại, thách thức những nguyên tắc đặt nền móng cho kiến trúc an ninh quốc
tế, hình thành từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Đâu là những động lực tinh thần đã dẫn
nước Nga vào cuộc phiêu lưu quân sự lớn này?
Ảnh
minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin, đằng sau là chân dung Stalin và Karl
Marx, cùng lá cờ của Liên Bang Nga và biểu tượng đại bàng hai đầu, lấy cảm hứng
từ truyền thống các Sa hoàng. © Copy d'écran
Nhiều
chuyên gia tập trung dò tìm cội rễ trong quan điểm cá nhân nhà lãnh đạo độc
tài, tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, theo sử gia Pháp Françoise Thom,
chuyên gia ngành Xô Viết học, những cội rễ sâu xa hơn của cuộc chiến tranh tại
Ukraina có thể tìm thấy trong tư tưởng « đế quốc Nga », mà tổng
thống Nga Putin là một đại diện tiêu biểu. Tư tưởng đế quốc hay tư tưởng đế chế
có ảnh hưởng rộng lớn và xuyên suốt lịch sử Nga: từ thời các Sa hoàng đến thời
Xô Viết và hậu Xô Viết.
Sử gia
Françoise Thom là tác giả nhiều cuốn sách về chính trị Nga và Liên Xô,
trong đó có cuốn « Comprendre le poutinisme / Hiểu về chủ nghĩa
Putin » (*). Đầu tháng 5/2021 này, sử gia Françoise Thom có bài trả lời
phỏng vấn đáng chú ý trên tuần báo L’Obs, nhan đề: « Cho đến nay, người Nga vẫn coi nước Nga là một đế chế ».
RFI xin giới thiệu một số nét chính của
bài phỏng vấn.
***
.
1/ Nhiều cường quốc ở châu Âu đều đã trải qua
giai đoạn đế quốc. Vậy truyền thống đế quốc của nước Nga có gì khác với các đế
quốc châu Âu khác?
Theo sử
gia Françoise Thom, “ở châu Âu, nước Anh hay nước Pháp bắt đầu trở thành các
dân tộc (nation), trước khi xây dựng các đế chế lớn ngoài lãnh thổ châu Âu".
Trong khi đó điểm đặc thù của Nga là nước Nga hình thành trước hết như một đế
chế. Đại công quốc Matxcơva, trở thành một đế chế vào giữa thế kỷ 16, với cuộc
chinh phục của Ivan Bạo Chúa chống lại Nhà nước của người Tatar Kazan vào năm
1552. Đại công quốc Matxcơva đã thôn tính nhiều công quốc hay các thành bang độc
lập (1).
Vào thời
điểm đó, ý thức dân tộc Nga chưa tồn tại. Sa hoàng đầu tiên, Ivan Bạo Chúa, tự
xưng là “Sa hoàng của tất cả các vùng lãnh thổ Nga”, tức bao gồm các
công quốc đã thôn tính, cũng như các vùng đất dự định sẽ thôn tính. “Đế chế
của Sa hoàng, ngay từ khi ra đời, đã coi các cuộc chinh phạt bên ngoài để mở rộng
lãnh thổ là phương tiện phát triển chế độ chuyên chế Nga”.
Có thể so
sánh để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa chế độ chuyên chế Nga với nền quân chủ
chuyên chế tại Pháp như thời vua Louis XVI chẳng hạn. Theo sử gia Françoise
Thom, khác biệt là “rất lớn”. Sau cuộc nội chiến La Fronde (1648 – 1653), chắc
chắn là giới quý tộc Pháp đã thần phục vua Louis XVI, nhưng họ vẫn giữ được một
quyền tự trị ở mức độ nhất định. Trong khi đó, giới quý tộc Nga hoàn toàn chỉ
là “nô lệ” của vua. Họ không có đất đai riêng. Sa hoàng là chủ nhân của
tất cả các vùng lãnh thổ Nga, chỉ cấp đất cho quý tộc, khi họ tham gia quân đội.
Sở hữu tư nhân và việc giới quý tộc có đất đai riêng chỉ nổi lên với các cải
cách thời Sa hoàng Catherine đệ nhị (cầm quyền từ 1762 – 1796) nhằm tạo ra một
tầng lớp “gentry” (quý tộc) kiểu Anh.
Dưới thời
các Sa hoàng, nước Nga cũng có những nỗ lực cải cách về chính trị như các cải
cách thời Alexandre đệ nhị (1855 – 1881), nhằm bước đầu xây dựng “một nhà nước
pháp quyền” tại Nga. Sau thất bại năm 1905 trong chiến tranh Nga – Nhật, Sa
hoàng Nicolas đệ nhị đã buộc phải lập ra một Hạ Viện (Duma). Tuy nhiên, nhìn
chung những vận động mang tính cải cách này rất ít dẫn đến việc xây dựng một xã
hội tự do. “Mỗi bước tiến lên lại đi kèm với nhiều bước thụt lùi”. Sắc
thái chuyên chế vẫn in dấu “rất đậm” cho đến thời điểm cáo chung của chế
độ Sa hoàng.
.
2/ Vì sao theo sử gia Françoise Thom, nước
Nga chưa hình thành một ý thức “dân tộc” thực sự, kể từ cội nguồn xa xưa cho đến
đương đại ?
“Dân tộc”
với một nội hàm cốt lõi là quyền lực xuất phát từ người dân, không phải là một
truyền thống Nga. Nước Nga của đại đa số dân Nga xưa kia, trong một thời gian
dài, hoàn toàn là một xã hội nông dân. Những người nông dân không nhìn xa quá
ngôi làng của mình. Ngược lại, trên thượng đỉnh xã hội, ngay từ sớm, chế độ Sa
hoàng đã biết dựa vào giới tinh hoa đến từ các vùng ngoại vi, ví dụ như các nam
tước vùng Baltic. Giới tinh hoa Nga thường có nguồn gốc nước ngoài, từ người
Tatar đến người Kavkaz… Vào thế kỷ XIX, đã xuất hiện một phong trào “Slavophile”
bắt chước theo mô hình Đại Đức (Pangermanisme). Mục tiêu chung của phong trào
này là khẳng định quyền thống trị của Nga đối với toàn bộ các cộng đồng người
Slav.
Sau chiến
tranh Crimée năm 1856, với thất bại của Nga trước liên quân Anh – Pháp, đã nổi
lên một “chủ nghĩa dân tộc Nga” với nhiều đặc điểm vẫn còn được duy trì
cho đến hiện nay. Đó là các tính chất “đế chế, phục thù, chống châu Âu”.
Có thể
nói, tư tưởng đế quốc in đậm trong tinh thần của giới trí thức tinh hoa của nền
văn hóa Nga. Đối với đại văn hào Dostoievski chẳng hạn, bản thân nước Nga là một
đại cường nắm giữ một “chân lý tôn giáo” : Matxcơva là một thánh địa,
là một thủ phủ của đạo Thiên Chúa, giống như Roma. Về một mặt nào đó, có
thể nói các cuộc chiến tranh do chính quyền Nga tiến hành có ý nghĩa như “một
cuộc chiến tranh tôn giáo”, được thúc đẩy bởi đức tin Chính Thống
Giáo thực sự, chống lại những kẻ dị giáo ở La Mã, hay tại Đức.
Theo sử
gia Françoise Thom, nếu giờ đây tổng thống Nga tuyên bố tiến hành chiến tranh tại
Ukraina vì “tình yêu”, thì đây chính xuất phát từ quan niệm “chiến
tranh tôn giáo” lâu đời của Nga, một quan điểm “mang tính đạo đức giả”,
bắt rễ sâu xa trong quan niệm chính trị, tôn giáo, văn hóa nói trên của xã hội
Nga.
.
3/ Tư tưởng “đế quốc” của tổng thống Nga
Vladimir Putin hiện nay có những đặc điểm tiêu biểu nào?
Sử gia
Françoise Thom nhấn mạnh đến hai nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng đế quốc của tổng
thống Nga Vladimir Putin. Thứ nhất là truyền thống Sa hoàng và thứ hai là truyền
thống thời cộng sản Bolshevik. Ông Putin có một câu nói tiêu biểu cho cách nghĩ
theo truyền thống Sa hoàng: “Biên giới của nước Nga không có điểm dừng”.
Ông Putin có thể đặt những người thân cận mình vào ghế lãnh đạo Kiev. Đối với
đông đảo người Nga, đây là chuyện bình thường. Với lãnh đạo Nga, khái niệm “dân
tộc”, “ý chí của nhân dân”, không hề có ý nghĩa gì.
Khi nhìn
qua lăng kính này, đối với lãnh đạo Nga, việc người dân Ukraina nổi lên lật đổ
chính quyền Inanoukovitch (ở Ukraina, với chính biến Maidan 2014) chỉ có thể
coi như là một hành động do sự can thiệp từ bên ngoài, từ phương Tây, chứ không
phải do nhu cầu nội tại của xã hội Ukraina. Theo sử gia Françoise Thom, với
nhãn quan “Sa hoàng” như vậy, tổng thống Nga Putin đã trở nên “hoang
tưởng” khi tin rằng tất cả các cuộc cách mạng, tại Gruzia, tại Ukraina…, đều
do người Mỹ xúi giục. Putin đã “phóng đại ảnh hưởng phương Tây”, mà
không nhận ra rằng tại nhiều xã hội thuộc không gian Liên Xô cũ, “người dân
đã thức tỉnh, giới tinh hoa thời Xô Viết giờ đây đã nhường chỗ cho một thế hệ mới
được đào tạo tại các đại học phương Tây”.
Sử gia
Françoise Thom nhấn mạnh: “trong tư tưởng của Putin, giới tinh hoa nói trên
chắc chắn phải là tay chân của phương Tây. Xét cho cùng, Putin không thừa nhận
là con người có thể là người tự do. Ông ta luôn nghĩ rằng phải có một ai đó điều
khiển họ. Nếu không phải là chính ông ta, thì phải là những kẻ thù của nước
Nga….”. Putin đối xử với lân bang như các chư hầu, bởi ông ta chỉ tin vào
quan hệ dựa trên sức mạnh, sự phục tùng, và lẽ phải thuộc về kẻ mạnh
(Françoise Thom nhắc lại câu nói nổi tiếng của Stalin năm 1935, khi chính quyền
Ý đề nghị Liên Xô mở rộng liên minh với Anh và Vatican. Lãnh đạo Liên Xô
lúc đó đã chế nhạo, với câu hỏi : Vatican có bao nhiêu sư đoàn?).
Với sử gia
Françoise Thom, tư tưởng đế quốc của tổng thống Nga Putin tiếp nối rõ ràng truyền
thống thời cộng sản toàn trị, đặc biệt là tư tưởng Stalin. Có thể coi nhà độc
tài Liên Xô Stalin là một gạch nối giữa truyền thống đế quốc Sa hoàng với giai
đoạn hậu Liên Xô. Kể từ năm 1934, Stalin đã phục hồi danh dự các Sa hoàng.
Stalin công khai thừa nhận di sản Chính Thống Giáo và Sa hoàng. Thời điểm phục
hồi Sa hoàng chính là lúc mà nhà độc tài Stalin bắt đầu tiến hành các cuộc đại
thanh trừng tàn khốc (với ước tính hàng triệu người bị giết hại). “Lá
bài chủ nghĩa dân tộc đế quốc Nga” đã giúp Stalin củng cố thêm chế độ độc
tài toàn trị của mình.
Vào thời
điểm ra đời, Liên Xô có một Hiến pháp mang tính dân chủ về mặt hình thức, nhưng
thực ra đó chỉ là vỏ bọc để che đậy một tham vọng thống trị mang tính đế quốc.
Mục tiêu là thành lập một liên minh “các nước cộng hòa theo mô hình Xô Viết
.... ở châu Âu và trên thế giới”. Nhưng đó không phải là liên minh tự
nguyện giữa các dân tộc, mà là một nền chuyên chế dưới danh nghĩa “tập trung
dân chủ”. Tất cả được chỉ đạo từ Matxcơva. Chế độ Bolshevik, ngay khi ra đời,
đã lập ra những lực lượng đàn áp tàn bạo như Tcheka (công an mật)... Các lực lượng
này đã được chế độ sử dụng "để hủy diệt trật tự xã hội, áp đặt quyền thống
trị dựa trên khủng bố và bỏ đói" (xem thêm : Nạn đói khủng khiếp ở Ukraina thời Stalin, thảm kịch bị che giấu).
Hiện tại,
chính quyền Putin muốn áp đặt trở lại “mô hình Xô Viết”. Chúng ta có thể
thấy là tại các nước cộng hòa ly khai thân Nga miền đông Ukraina, người Nga
đang đến nơi để giương cao những lá cờ của Liên Bang Xô Viết (cũ), áp dụng trở
lại các phương pháp xưa cũ: từ khủng bố giết người đến bắt cóc, tuyên
truyền nhồi sọ… để khuất phục dân chúng.
.
4/ Khẳng định “bản chất” của nước Nga là đế
quốc : Liệu có cực đoan hay không ?
Sử gia
Françoise Thom bị một số người chỉ trích là đã nhấn mạnh thái quá đến đặc tính
đế quốc của nước Nga. Phản biện trở lại, sử gia Pháp cho biết, xuất phát từ các
tư liệu khảo sát, bà đã rút ra được “nhiều hằng số” xuyên suốt những biến động
lịch sử và hành động của con người, để từ đó ghi nhận : cho dù trong lịch sử
chính trị của nước Nga, đã có một số giai đoạn mang tính “đứt đoạn” (có
nghĩa là có cơ hội để ngỏ cho những cái mới), nhưng đã không đủ sâu.
Trong hai
năm 1991 – 1992, nước Nga đã từng có một thời kỳ gọi là “tự do” ngắn ngủi
dưới thời Eltsine. Nhưng ngay từ năm 1993, tổng thống Nga đã quyết định cho
quân đội tấn công nhà Quốc Hội, khi Quốc Hội Nga có thái độ chống tổng thống.
Nước Nga ngay lập tức “rơi trở lại chế độ chuyên chế”.
Chủ nghĩa
chuyên chế Nga có ảnh hưởng rất mạnh. Những nhân vật theo đuổi tự do như
Sakharov chỉ là một thiểu số. Ngay cả nhiều nhà ly khai nổi tiếng như văn hào
Soljenitsyne (giải Nobel Văn học) cũng ủng hộ Putin. Họ vẫn chia sẻ chung lý tưởng
về một Đại Nga, với các đất nước “anh em” như Belarus (Bạch Nga) và
Ukraina (Tiểu Nga).
Theo sử
gia Françoise Thom, “nền tảng tinh thần chuyên chế” của nước Nga
không hề biến mất. Ông Putin, ngay từ khi lên nắm quyền năm 1999, đã chủ trương
dựa vào đó.
Can thiệp
mang tính đế quốc hiện tại của nước Nga “rất nguy hiểm”, bởi vì đây là sự
kết hợp của “mô hình mang tính lưỡng hợp”, “các hành xử kiểu Sa hoàng
kết hợp với các phương pháp cộng sản Bolshevik”. Chính quyền Nga đương đại
tiếp nối một “quan niệm cổ lỗ về quan hệ quốc tế”, hướng tới
kiểm soát các nước láng giềng bằng cách mua chuộc giới tinh hoa, đưa lên nắm
quyền những kẻ do Nga điều khiển. Theo sử gia Françoise Thom, Putin đã đưa được
“nhân vật tâm phúc Viktor Ianoukovitch” lên nắm quyền tại Ukraina năm
2010. Việc phong trào của dân chúng nổi lên lật đổ tổng thống này bị ông Putin
coi như “một sự lăng nhục với cá nhân ông ta”, lãnh tụ tối cao của đế chế
Nga. Và đây là lý do khiến Putin “trả thù Ukraina”.
5/ Người dân Nga nghĩ gì về “tư tưởng đế quốc”
của nước Nga ?
Theo sử
gia Pháp, “vẫn chưa có khái niệm về dân tộc Nga trong hiện tại”, đông đảo
người Nga vẫn chỉ nghĩ về xã hội Nga như một đế chế. Phải thừa nhận rằng ông
Putin đã “thành công” trong việc áp đặt lên đông đảo dân Nga “quan điểm
đầy tính chất hoang tưởng của ông ấy về một nước Nga như một thành trì bị
‘phương Tây thù địch’ vây hãm” (2). Cũng cần lưu ý là quan điểm này trước hết
dã được Giáo hội Chính Thống Giáo phổ biến. Giáo hội Chính Thống Giáo Nga tự
coi là thế lực duy nhất “nắm giữ Đức Tin tôn giáo thực sự giữa một biển cả của
những kẻ dị giáo". Nhà độc tài Staline trước đây đã dựng lên quan điểm
“một không gian thù địch” với chế độ Xô Viết. Đây là quan điểm đã được sử
dụng để biện minh cho các chiến dịch thanh trừng nhắm vào những người bị coi là
“đội quân thứ 5” (người bị cáo buộc làm tay sai cho phương Tây).
Trong phần
khép lại cuộc trả lời phỏng vấn L’Obs, sử gia Françoise Thom có nêu một nhận định
mang tính khái lược: Đông đảo dân Nga hiện tại “đồng cảm” với tổng thống
Putin. Điều khiến họ “gắn bó hết sức mật thiết với nhau” là “tham vọng
thống trị và hạ nhục người khác”, bởi những “thần dân” bị khuất phục
như họ vốn “căm thù các cộng đồng của những người tự do”. Có thể
nói đây là những động lực sâu xa dẫn đến chủ nghĩa bành trướng Nga hiện nay. Sử
gia Françoise Thom lưu ý là “thất bại quân sự” hiện nay tại Ukraina có
thể là một điều tốt cho nước Nga, bởi về mặt lịch sử, tại Nga luôn có các
cải cách “sau mỗi lần thất bại về quân sự”.
Sử gia
Françoise Thom cũng nhắn nhủ với công chúng: tại nhiều quốc gia nơi các nền dân
chủ tự do gây nhiều thất vọng, đã có nhiều người ngưỡng mộ “người hùng”
Putin. Giống như trong những năm 1930, đã có nhiều người hâm mộ Stalin hay
Hitler, Mussolini, do “chán ghét chế độ đại nghị và những trò lừa đảo chính
trị”. Hy vọng là “những chiến tích mới đây của nhà độc tài
chuyên chế Nga” giúp chúng ta biết trân trọng “những giá trị khiêm
tốn của nền dân chủ”.
***
Ghi chú
(*) Cuốn “Comprendre
le poutinisme” (Nxb Desclée De Brouwer, Paris/Perpignan) xuất bản năm
2018. Sử gia Françoise Thom cho ra mắt năm ngoái cuốn ''La Marche à
rebours. Regards sur l’histoire soviétique et russe / Ngược dòng lịch sử.
Khảo cứu về lịch sử Liên Xô và Nga", Nxb Sorbonne Université
Presses, Paris.
(1) Đế chế
các Sa hoàng, với tiền thân là Đại công quốc Matxcơva, chịu ảnh hưởng lớn của
thời kỳ cai trị kéo dài hai thế kỷ rưỡi trước đó của các thủ lĩnh Tatar - Mông
Cổ (đầu thế kỉ 13 đến cuối thế kỉ 15), với đặc điểm tiêu biểu là “một chính
quyền tàn bạo, dân chúng bị coi như nô lệ”. Giáo hội chỉ là “nô tài”,
các thân hào địa phương chỉ là “tôi tớ” của thủ lĩnh tối cao. Khi Ivan
III (còn gọi là Ivan Đại đế) chinh phục thành Novgorod năm 1478, ông ta đã “triệt
tiêu các quyền tự do của dân chúng, hành quyết hàng loạt, đưa nhiều người đi
đày biệt xứ”.
Novgorod
là thành phố miền tây bắc, hơn 1.000 năm tuổi, được coi là một trong các cố đô
của nước Nga (UNESCO xếp hạng di sản nhân loại). Trước khi bị Ivan Đại đế triệt
hạ, Novgorod tham gia vào mạng lưới liên minh giới thương nhân các đô thị ven
biển Bắc Âu mang tên “Hanse”, tồn tại cho đến giữa thế kỷ XVII (bao gồm
hàng chục thành phố nằm rải rác tại các vùng lãnh thổ ven biển miền nam nước
Anh, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Nga, Phần Lan, Estonia,
Latvia, Litva hiện nay).
(2) Theo sử
gia Françoise Thom, quan điểm bóp méo về giai đoạn lịch sử Liên Xô sụp đổ, được
Putin và những người cùng tư tưởng cổ vũ, đã được đông đảo người Nga chia sẻ.
Theo đó, sự tan rã của Liên Xô không phải do tự thân Nhà nước Xô Viết sụp đổ,
mà là do giới tinh hoa Nga bị Hoa Kỳ mua chuộc. Tổng thống Nga Putin muốn “tái
diễn cuộc Chiến tranh Lạnh, để giành chiến thắng” với mục tiêu phục thù. Với
cuộc xâm lăng Ukraina, ý đồ của Putin là “một mũi tên nhắm hai cái đích”,
vừa khuất phục Ukraina, vừa khuất phục giới tinh hoa Nga, bị coi là “quá
thân thiết với nước ngoài”. “Giải Âu hóa” (hay gột bỏ ảnh hưởng châu
Âu) cho Ukraina và cho cả nước Nga là tham vọng của chính quyền Putin.
No comments:
Post a Comment