Tuesday, 17 May 2022

PHẦN LAN - THỤY ĐIỂN TĂNG VIỆN CHO NATO (Anh Vũ - RFI / ĐIỂM BÁO)

 



 

Phần Lan - Thụy Điển tăng viện cho NATO

Anh Vũ  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 17/05/2022 - 16:37

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220517-ph%E1%BA%A7n-lan-th%E1%BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%83n-t%C4%83ng-vi%E1%BB%87n-cho-nato

 

Tổng thống Pháp đã chọn được thủ tướng mới cho nhiệm kỳ thứ 2, bà Elisabeth Borne, nguyên là bộ trưởng Lao Động của chính phủ trước. Thông tin rơi xuống chiều qua (16/05) đã chiếm trang nhất tất cả các tờ báo Pháp ra hôm nay, trừ nhật báo Le Monde lên trang sớm từ trưa hôm trước. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/4a86bdd2-a2f9-11ec-96a5-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP89720633250.webp

(Ảnh minh họa) - Các máy bay tiêm kích Mỹ ở miền bắc Thụy Điển trong các cuộc tập trận của NATO hồi tháng 05/2015. AP - Susanne Lindholm

 

Trang bìa các báo in phủ kín hình ảnh của bà Elisabeth Borne cùng với những dòng tựa lớn ghi nhận những đánh giá ban đầu. Các báo đều dành rất nhiều trang bài để phân tích về tính cách, năng lực và xu hướng lãnh đạo cùng những thách thức sắp tới cho tân thủ tướng Pháp dưới nhiệm kỳ 2 của tổng thống Emmanuel Macron. Cũng như sau bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào, danh tính của người lãnh đạo chính phủ mới luôn được dư luận Pháp mong chờ, nhất là lần này, tổng thống Macron dường như phải cân nhắc rất lâu để chọn được một người thực thi các chính sách và quyết định của mình, trong bối cảnh chính trị - xã hội mới của nước Pháp có rất nhiều thách thức, khó khăn.

 

Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : « Macron chọn Elisabeth Borne, một nhân vật cải cách « kỹ trị » xuất thân từ cánh tả ». Tờ báo tập trung phản ánh hậu trường của quyết định, cho thấy tổng thống Pháp đã phải chịu nhiều áp lực trong việc chọn bà Elisabeth Borne liên quan đên nhiều khía cạnh tính cách con người cũng như năng lực. Bởi vì bà sẽ là người thực thi các ưu tiên chính sách của tổng thống và nhiều cải cách gai góc sắp tới đây. Quyết định cuối cùng đã gây nhiều tranh cãi trong giới cố vấn thân cận của tổng thống. 

 

Báo La Croix nhận định : «  Elisabeth Borne, sự lựa chọn hiệu quả ». Theo tờ báo : « Emmanuel Macron đã bổ nhiệm vào phủ thủ tướng (Matignon) người phụ nữ nắm rất rõ các thách thức về vấn đề môi trường, đồng thời cũng rất nổi tiếng về năng lực làm việc và nghiêm khắc ». 

 

Nhật báo kinh tế Les Echos thì ghi nhận trên trang bìa : «  Người phụ nữ của những thách thức ». Tờ báo cho rằng « với bà Borne, ông Macron đã chọn năng lực và sự ổn định » vì bà đã từng là bộ trưởng của nhiều bộ trong nhiệm kỳ trước của ông và đã quá quen thuộc với các cải cách gai góc nhất. Theo Les Echos, bà Elisabeth Borne hội đủ các tiêu chí mà tổng thống đặt ra, nhất là bà rất thạo hồ sơ chuyển đổi năng lượng, môi trường sinh thái.

 

Trong khi đó, Libération hoài nghi, cho rằng việc bổ nhiệm bà Elisabeth Borne thay thế ông Jean Castex chẳng có gì thay đổi, « ông Emmanuel Macron chọn sự tiếp nối chính sách khi chỉ định một người từng là bộ trưởng các bộ Giao Thông, Môi Trường rồi đến bộ Lao Động ». Tờ báo cũng liệt kê những hồ sơ nóng đang ở trên bàn của bà tân thủ tướng Elisabeth Borne : Sức mua, môi trường, cải cách hưu trí.  

 

Bản thân việc bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, một người đã từng kinh qua các chức vụ quan trọng trong chính phủ của nhiều thời tổng thống, cả tả lẫn hữu, trở thành thủ tướng và đặc biệt bà là nữ thủ tướng thứ 2 trong nền Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp, đã là một sự kiện của chính trị Pháp.  

 

Phần Lan, Thụy Điển bỏ trung lập, gia nhập NATO 

 

Chuyển qua các trang quốc tế, sự kiện gây ồn ào dư luận báo chí Pháp nhất là hai nước bắc Âu, Phần Lan và Thụy Điển, quyết định gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.  

 

Đây là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa chính trang nhất « Phần Lan, Thụy Điển sẵn sàng tăng viện NATO ». Tờ báo dành nhiều bài viết đề cập đến các nội dung : Đoạn tuyệt với chủ trương không liên kết về quân sự, Stockholm và Helsinki hôm Chủ Nhật đã chính thức quyết định xin gia nhập khối NATO vì những lo ngại từ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraina. Bước ngoặt này của hai nước khiến Matxcơva không khỏi tức giận. Kremlin coi đó là mối đe dọa và hứa sẽ có biện pháp trả đũa.  

 

Về phần NATO, các thành viên tỏ ý muốn đẩy nhanh quy trình thủ tục để kết nạp hai nước, đồng thời tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ không chống lại việc hai nước gia nhập NATO.  

 

Ở một khía cạnh khác, le Monde cũng cho thấy việc hội nhập Liên Minh của hai nước cũng là một thách thức cho NATO. Một khi kết nạp Phần Lan, đường biên giới của NATO với Nga sẽ dài thêm gấp đôi, từ 1215 km lên 2555 km trong tương lai. Nhưng hai ứng viên xin gia nhập NATO cũng có những thế mạnh về quân sự. Đó là họ có ngân sách quốc phòng khá cao, được trang bị vũ khí khí tài hiện đại và là những nước có vị trí chiến lược trong vùng biển Baltic. Việc gia nhập NATO của hai nước phát triển ở bắc Âu này không hề là gánh nặng mà còn là sự chi viện cho Liên minh. 

 

Le Monde cho biết, như trường hợp của Phần Lan, dù đất nước có 5,5 triệu dân chỉ có 12 nghìn quân nhân chuyên nghiệp, nhưng lại có tới 870 nghìn quân dự bị và có thể huy động ngay lập tức 280 nghìn quân. Phần Lan có lực lượng hải và không quân hiện đại, chủ yếu trang bị vũ khí Mỹ. Phần Lan dành 1,9% GDP cho ngân sách quốc phòng hàng năm, khoảng 5,1 tỷ euro. Tháng Tư vừa qua, Helsinki thông báo tăng thêm 2,2 tỷ  trong 4 năm tới. Về phần Thụy Điển, năm 2021, chi tiêu quân sự của nước này lên tới 6,6 tỷ euro, tức chiếm 1,26% GDP. Tháng trước, chính phủ Thụy Điển dự kiến tăng ngân sách Quốc Phòng lên 2% GDP, tuy chưa cho biết vào khi nào.  

 

Le Monde trích dẫn các chuyên gia quân sự đều nhận định với việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, NATO sẽ hiện diện quân sự trên biển, trên không và trên bộ ở khắp vùng Baltic, điều này sẽ đặt ra vấn đề chiến lược lớn cho nước Nga. 

 

NATO hướng về Đông Châu Âu ? 

 

Cùng chủ đề, báo La Croix có bài : « NATO, trọng tâm Châu Âu chuyển về phía đông » đề cập đến tác động đến Châu Âu trong việc mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang diễn ra. 

 

Theo La Croix, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, hệ quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraina, sẽ không làm thay đổi đáng kể cân bằng quân sự trong NATO, nhưng sẽ góp phần làm thay đổi bàn cờ địa chính trị Châu Âu. La Croix dẫn phân tích của chuyên gia Andrew A. Michta, thuộc Trung nghiên cứu an ninh Châu Âu : « Chiến tranh Ukraina sẽ tổ chức lại việc phân chia quyền lực ở Châu Âu. Trọng tâm sẽ dịch chuyển từ phía tây sang trung tâm của lục địa. Một Ukraina tự do, phồn thịnh, nối với Ba Lan, Rumani, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic sẽ tạo ra trong không gian giữa Baltic và Biển Đen một sự ảnh hưởng kinh tế và chính trị chưa từng có. Cấu hình mới này sẽ làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng tổng thể tại Châu Âu ». 

 

Một câu hỏi La Croix đặt ra là chiến tranh ở Ukraina và việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển có làm tăng thêm sức mạnh quốc phòng Châu Âu, vốn đang bị giằng co giữa tự chủ và sự bảo hộ của Mỹ ?  Chuyên gia Jean-Yves Haine, giáo sư trường Khoa học Chính trị (Science Po) cho rằng : « Về ngắn hạn, chừng nào mối đe dọa Nga còn, phòng thủ của Liên Minh Bắc Đại tây Dương vẫn là ưu tiên. Việc này sẽ tăng cường sức mạnh của những nước ở sườn đông của NATO ». Nhưng về cơ bản, tự chủ chiến lược Châu Âu sẽ không thay đổi, vẫn cần thiết cho Châu Âu để bảo vệ lợi ích của mình. 

 

Ukraina hy vọng chiến thắng 

 

Về tình hình chiến sự tại Ukraina, các báo đều phản ánh tin, bước sang ngày thứ 81 của cuộc chiến tranh, ngày hôm qua 16/05, Kiev thông báo đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi vùng Kharkov, về bên kia biên giới nước Nga. Tuy nhiên, tình hình chiến sự tiếp diễn ác liệt ở vùng Donbass, nhất là tại các khu vực Lougansk và Donetsk, chưa thể phân định thắng thua cho bên nào.  

 

Báo Le Monde có bài « Phát ngôn chiến thắng của Kiev vấp phải những hạn chế trên thực địa ». Bài viết của Le Monde ghi nhận : « Ukraina bắt đầu mơ đến việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình, không chỉ những vùng đang bị chiếm đóng từ hôm 24/02 vừa rồi, mà cả vùng Donbass « ly khai » và cả bán đảo Crimée bị sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 ».  

 

Liên tiếp thất bại về chiến thuật, quân Nga bị cầm chân trên chiến trường Donbass từ một tháng rưỡi qua và đang làm dấy lên tâm lý và phát ngôn hân hoan chiến thắng ở Kiev. 

 

Quả thực, theo tờ báo, viện trợ quân sự của phương Tây ùn ùn đổ cho Ukraina đang tạo điều kiện thuận lợi để làm đảo lộn tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho quân đội Ukraina. Quân Ukraina từ thế phòng thủ chống đỡ đã dần chuyển sang thế tấn công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự được tờ báo trích dẫn thì đến giờ vũ khí nước ngoài cung cấp cho Ukraina vẫn không đủ để đẩy lui quân Nga trong vùng Donbass và miền nam Ukraina. 

 

Vẫn trong đề tài chiến sự Ukraina, Libération có bài « Nga trả giá đắt cho tổn thất chiến xa ». Bài viết cho biết : Ngay đầu cuộc xâm lược, trong vòng 13 ngày Nga đã mất ở Ukraina số lượng chiến xa bằng tổng số tổn thất trong 8 năm Liên Xô tham chiến ở Afghanistan. Ngày 08/03, blog Oryx, dựa trên các hình ảnh thu thập, đã thống kê được 148 chiến xa Nga bị phá hủy tại Ukraina. Từ đó đến nay, các tổn thất về chiến xa không ngừng tăng, giờ đã lên tới con số 671 chiếc, chiếm gần 20% toàn bộ lực lượng thiết giáp của Nga trước chiến tranh (khoảng 3400 chiến xa). Quân đội Ukraina còn đưa ra con số chiến xa Nga bị họ phá hủy lên tới 1195 chiếc, tuy nhiên không thể kiểm chứng được số liệu này.   

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats