Sunday, 8 May 2022

ÔNG NGUYỄN BẮC TRUYỂN LIÊN QUAN GÌ ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ANH EM DÂN CHỦ? (Nguyễn Nam / Việt Nam Thời Báo)

 



ÔNG NGUYỄN BẮC TRUYỂN LIÊN QUAN GÌ ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ANH EM DÂN CHỦ?

Nguyễn Nam  -  Việt Nam Thời Báo

08.05.2022 4:45

https://vietnamthoibao.org/vntb-ong-nguyen-bac-truyen-lien-quan-gi-den-hoat-dong-cua-hoi-anh-em-dan-chu/

 

(VNTB) – Ông Nguyễn Bắc Truyển đã rời ngay từ khi vừa gia nhập Hội Anh em dân chủ.

 

“Như một Phật tử tốt, tôi có thể thực hành tôn giáo của tôi. Trong ý nghĩa đó, tôi mong muốn mọi công dân của cộng đồng ASEAN ở khu vực Đông Nam Á cũng đều được hưởng đặc quyền này. Tôi mạnh mẽ hối thúc chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông [Nguyễn Bắc Truyển] ngay lập tức”.

 

Đó là phần mở đầu trong lời kêu gọi của “Chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho Nguyễn Bắc Truyển” của tổ chức Boat People SOS, viết tắt là BPSOS – một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận của những người Mỹ gốc Việt có lĩnh vực hoạt động về dân sự và chính trị, được thành lập vào năm 1980.

 

Hỗ trợ quyền tự do tôn giáo phải được khuyến khích thay vì ngăn trở

 

“BPSOS cùng với một số tổ chức bạn phát động phần truyền thông của Chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho Nguyễn Bắc Truyển với phát biểu của cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya.

 

“Như một Phật tử tốt, tôi có thể thực hành tôn giáo của tôi. Trong ý nghĩa đó, tôi mong muốn mọi công dân của cộng đồng ASEAN ở khu vực Đông Nam Á cũng đều được hưởng đặc quyền này”, ông nói. “Tôi mạnh mẽ hối thúc chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông [Nguyễn Bắc Truyển] ngay lập tức”.

 

(…) Chiến dịch toàn cầu cho các tù nhân lương tâm tôn giáo, bao gồm các hồ sơ tiêu biểu ở nhiều quốc gia, là bộ phận quan trọng của hội nghị thượng đỉnh.

 

“Chúng tôi sẽ chọn 10 tù nhân lương tâm tôn giáo ở nhiều quốc gia để giới thiệu tại hội nghị; mỗi hồ sơ sẽ là tâm điểm để tạo sự chú ý của quốc tế đến hiện trạng đàn áp tôn giáo nói chung ở các quốc gia này. Nguyễn Bắc Truyển là một trong số 10 người này – trích thông cáo báo chí đề ngày 06-05-2022 của BPSOS.

 

Theo truyền thông của Nhà nước Việt Nam, ngày 4-6-2018, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

 

Đây là những đồng phạm của ông Nguyễn Văn Đài có kháng cáo sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án và tuyên án sơ thẩm.

 

Kết luận của Hội đồng xét xử phiên hình sự phúc thẩm cho rằng lời khai của các bị cáo trong vụ án trước sau thống nhất và phù hợp với các tài liệu đã thu thập được thể hiện: Các bị cáo Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Đài đều là các thành viên sáng lập ra tổ chức Hội Anh em dân chủ và do Nguyễn Văn Đài là người khởi xướng, cầm đầu.

 

Hội Anh em dân chủ do các bị cáo thành lập ngày 24-4-2013 có tên gọi, có logo, biểu tượng, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, theo đó Hội có chủ tịch và các phó chủ tịch, có trưởng đại diện của các vùng, miền Bắc, Trung, Nam và Hải ngoại.

 

Trên cơ sở Cương lĩnh vắn tắt, Hội đã thực hiện hàng loạt các hành vi như: xây dựng cơ cấu tổ chức, thành lập và phân công nhiệm vụ cho các ban, tổ chức họp các hội viên vào tối thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần; có kế hoạch đào tạo hội viên, phát triển lực lượng, có nhiều hình thức tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động ủng hộ tài trợ kinh phí cho hội hoạt động, lập dự án xin tài trợ cho hoạt động của Hội; lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền.

 

Do đó, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Phạm Văn Trội. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo; tuyên bố các bị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

 

Trên thực tế thì “kêu oan” ở đây đối với ông Nguyễn Bắc Truyển là ông đã rời ngay từ khi vừa gia nhập Hội Anh em dân chủ, do đó các hoạt động của Hội này không liên quan đến ông Nguyễn Bắc Truyển.

 

Thế giới nhìn nhận ông Nguyễn Bắc Truyển là nhà hoạt động tôn giáo

 

Trước đó, ngày 09-02-2014, ông Nguyễn Bắc Truyển, cựu doanh nhân, cựu tù nhân lương tâm, giải thưởng nhân quyền Hellman/ Hammet 2011 bị công an tỉnh Đồng Tháp huy động súng ống phối hợp với cảnh sát hình sự TP.HCM bắt điều tra với lý do “công nợ” (tham khảo liên quan: https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-dung-luat-thue-de-dan-gioi-bat-dong-chinh-kien/).

 

Sau khi được trả tự do, ông Nguyễn Bắc Truyển khẳng định công an tỉnh Đồng Tháp nhiều lần đe dọa tính mạng ông và gia đình vợ sắp cưới vì các hoạt động nhân quyền và tôn giáo của ông. Ông Nguyễn Bắc Truyển cũng cho biết đã gặp một “chủ nợ” là bà Quý Loan. Người chủ nợ này rất mừng, xác nhận là không hề thưa kiện ông Nguyễn Bắc Truyển nhưng cho biết có công an đến tận nhà ép bà ký đơn.

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển là thành viên đảng Dân chủ Nhân dân có trụ sở tại hải ngoại vào thời điểm bị bắt năm 2006. Ông bị mang ra xử tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, vào năm 2007. Lần đó ông lãnh án 4 năm tù giam.

 

Tháng 5-2010 ông được ra tù và chịu lệnh quản chế thêm một thời gian. Ông Nguyễn Bắc Truyển đã có một số bài viết kêu gọi đa nguyên đa đảng, mở rộng dân chủ trước khi bị bắt.

 

Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục tham gia hoạt động đấu tranh dân chủ, gần đây ông điều hành Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo.

 

Tuy nhiên việc ông bị cáo buộc các hành vi được cho là vi phạm pháp luật hình sự của Hội Anh em dân chủ là gán ghép khó thuyết phục vì ông đã nhanh chóng rời khỏi Hội này này từ đầu, và có thể dễ dàng kiểm chứng qua các tin tức đăng tải suốt thời gian hoạt động của Hội này dưới thời Chủ tịch Hội là ông Nguyễn Văn Đài.

 

Như vậy cho thấy rất có thể vì không thể xác lập một chuyên án tôn giáo riêng đối với các hoạt động hỗ trợ quyền tự do tôn giáo của ông Nguyễn Bắc Truyển, nên giải pháp tình thế là ‘gán ghép’ ông Truyển vào hoạt động của Hội Anh em dân chủ để kết án.

 

Xem ra cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya có cái lý của mình khi kêu gọi: “Như một Phật tử tốt, tôi có thể thực hành tôn giáo của tôi. Trong ý nghĩa đó, tôi mong muốn mọi công dân của cộng đồng ASEAN ở khu vực Đông Nam Á cũng đều được hưởng đặc quyền này. Tôi mạnh mẽ hối thúc chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông [Nguyễn Bắc Truyển] ngay lập tức”.

 

Một số căn cứ khác cho thấy củng cố cách nhìn ở trên:

 

Hạ tuần tháng 10-2020, Chủ tịch Ủy ban trao giải Stefanus, ông Ingvill Thorson Plesner, ghi nhận việc ông Nguyễn Bắc Truyển đã “nhiều lần mạo hiểm tính mạng bản thân và an toàn của gia đình cho cuộc đấu tranh vì quyền của những người có tín ngưỡng khác với mình”.

 

“Chúng tôi rất vui mừng trước quyết định của hội đồng trao Giải thưởng Stefanus cho ông Nguyễn Bắc Truyển”, Tổng thư ký Liên minh Quốc tế Stefanus Ed Brown nói. Theo ông, những khó khăn mà ông Truyển đã và đang trải qua vì dám đứng lên bảo vệ cho quyền của thiểu số tôn giáo tại Việt Nam đã làm cho ông Truyển trở thành “một người rất xứng đáng giành giải thưởng”.

 

Liên minh Quốc tế Stefanus cho biết vào tháng 1 năm 2019, liên minh đã tổ chức một chiến dịch viết thư để động viên ông Nguyễn Bắc Truyển trong nhà giam, nhưng hàng trăm bức thư gửi đi đã bị các cán bộ trại giam An Điềm ngăn chặn tất cả nên ông Truyển không nhận được bất cứ lá thư nào.

 

Hồi đầu tháng 10-2020, ba dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda, Zoe Lofgren và Alan Lowenthal đã gửi thư cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo, thúc giục ông kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

 

Vào tháng 4-2020, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng kêu gọi Hà Nội phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển, sau khi nhận bảo trợ cho ông vào tháng 11 năm trước đó.

 

Giải Stefanus là giải thưởng được tổ chức tôn giáo – nhân quyền của Na Uy lập ra vào năm 2005. Giải thưởng kèm theo 10.000 euro này được trao cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp đặc biệt cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. Ông Truyển đã được đề cử bởi tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) của Anh.

 


Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’?

 

VNTB – Cái giá ngày càng tăng của tự do tôn giáo ở Việt Nam

 

VNTB – Tổng Thư Ký LHQ lên tiếng về việc nhà nước Việt Nam đe dọa và trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền

 

RFA – Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được trao giải Stefanus

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats