Nguy
cơ khủng hoảng kinh tế Trung Quốc ở phía trước
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 24/05/2022 - 16:46
Mùa
xuân 2020 Trung Quốc tự hào tuyên bố là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới « sang
trang » dịch Covid-19 trong lúc các nhà máy tại Âu, Mỹ phải đóng
cửa vì virus corona. Gần đúng hai năm sau, biến thể Omicron len lỏi vào những
thành trì công nghiệp, vào những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc. Chính
sách Zero Covid của Bắc Kinh đẩy nền kinh tế thứ hai toàn cầu đến « bên bờ
vực thẳm » ?
Do
dịch Covid-19, một đại lộ vắng bóng người ở Khu Trung Tâm Thương Mại Thượng Hải,
Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 16/04/2022. REUTERS - ALY SONG
Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo hàng loạt các biện pháp hỗ trợ kinh tế khắc
phục hậu quả Covid gây nên và chính phủ nỗ lực « duy trì ổn định
kinh tế, bởi đây là một vấn đề gắn liền với ổn định trong xã hội ».
David Baverez,
một nhà đầu tư Pháp đã hoạt động từ 10 năm nay tại Hồng Kông trên đài truyền
hình France 24 hôm 12/05/2022 vừa qua nhận định : « Hiện tại khoảng
5 % dân số Trung Quốc bị phong tỏa nghiêm ngặt và kèm theo là những tác động về
kinh tế nghiêm trọng bởi vì đó là những vùng tạo ra đến 30 % của cải cho đất nước.
Hệ thống vận chuyển tại Trung Quốc bị tê liệt gây nhiều ách tắc ».
Dồn dập những « báo động đỏ »
Thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI tại Bắc
Kinh đưa ra thêm một số
thông tin khác cụ thể hơn như là một chuỗi nhà hàng ở Bắc Kinh đã phải đóng cửa
20 % các chi nhánh ; các doanh nghiệp sa thải nhân viên vì không ký
thêm được hợp đồng ; những toán công nhân tại những khu vực ở thủ đô Trung Quốc
còn chưa bị phong tỏa khoanh tay ngồi nhìn và chờ đợi được giao công việc.
Bắc
Kinh chưa bị phong tỏa toàn bộ nhưng từ nhiều tuần qua dân cư ở đây đã chuẩn
bị tâm lý cũng như Thượng Hải.
Các số liệu
gần đây nhất của Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc cho thấy chỉ số bán lẻ trong
tháng 4/2022 giảm 11 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Chỉ số thất nghiệp tăng mạnh,
cao gần bằng so với đỉnh điểm Covid-19 hồi tháng 2/2020 khi mà Vũ Hãn bị phong
tỏa hoàn toàn. Sản xuất công nghiệp tụt giảm mạnh.
Lĩnh vực địa
ốc lún sâu vào khủng hoảng : thêm một đại tập đoàn mua bán nhà đất của
Trung Quốc là Sunac mất khả năng thanh toán gần 30 triệu đô la nợ đáo hạn của
tháng 4/2022. Các hợp đồng mùa bán nhà giảm 39 % so với cùng thời kỳ năm ngoái
trong lúc mà địa ốc là một trong những động lực tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào
đó là hình ảnh hàng ngàn tàu chở hàng ách tắc tại hải cảng lớn như Thượng
Hải, Thâm Quyến hay Hồng Kông – ba trong số 10 bến cảng lớn nhất của thế giới,
hàng loạt các nhà máy phải đóng cửa hay chỉ hoạt động tối thiểu. Theo thẩm định
của giới chuyên gia Trung Quốc, sau một tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt, hoạt động
tại thành phố Thượng Hải giảm 40 % so với hôm 28/03/2022.
Trong bối
cảnh đó Trung Quốc đã dự báo một tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất từ thập niên
1990 tới nay, là 5,5 %. Giới trong ngành đồng thanh cho rằng ngay cả mục tiêu
khiêm tốn này cũng khó có thể đạt được.
David Baverez :
« Mục
tiêu 5,5 % hoàn toàn ngoài tầm tay của Bắc Kinh. Chúng tôi đang chuẩn bị công bố
báo cáo về thực trạng kinh tế Trung Quốc và dự phóng là GDP nước này chỉ tăng
khoảng 2 % mà thôi và có thể là còn thấp hơn một chút. Dù vậy điều quan trọng
là kinh tế có thể bị sa sút nhưng đà phục hồi của Trung Quốc vẫn có thể tăng
lên mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nhưng khoản đầu tư đó không đem lại lợi nhuận và đó là cả một vấn đề đối với
Trung Quốc ».
Tiêu thụ, xuất khẩu : cả hai đầu máy
cùng bị hỏng
Giáo sư kinh tế đại học Paris I-Panthéon-Sorbonne
bà Anne Sophie Alsif phân
tích thêm :
« Tôi
cũng cho là sẽ khó duy trì được tăng trưởng 5,5 %, nhất là trong bối cảnh mà những
khách hàng lớn của Trung Quốc như là Mỹ và Châu Âu cũng đang gặp khó khăn, phải
đối mặt với lạm phát và đang chuẩn bị siết chặt chính sách tiền tệ. Thêm vào đó
là những thách thức tồn tại từ đại dịch Covid-19 làm xáo trộn chuỗi cung ứng
toàn cầu … Dù vậy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, có thể không đạt được
mục tiêu 5,5 % nhưng đó không phải là một sự sụp đổ, và cũng không phải là một
sự hoảng loạn ».
Nhà kinh tế Jean Paul Chang, cũng trên đài truyền hình France 24
nhấn mạnh đến quyết tâm của Bắc Kinh triệt để bài trừ Covid bất chấp những hậu
quả tai hại về kinh tế, ngay cả trong trường hợp đối với một thành phố có trọng
lượng lớn như Thượng Hải :
« Kịch
bản Vũ Hán cách nay hai năm tái diễn. Nhưng đây không phải là quyết định do
chính quyền hốt hoảng trước làn sóng dịch lần này. Trái lại Trung Quốc tiếp tục
áp dụng các biện pháp cứng rắn, gây trở ngại cho một thành phố lớn như Thượng Hải
trong các sinh hoạt hàng ngày. Hậu quả theo là tăng trưởng suy giảm mạnh trong
quý 2 năm nay. Điều đó đã được thấy rõ ngay từ cuối tháng 4. Chỉ số trong hoạt
động của ngành công nghiệp đã sụt giảm mạnh. Lĩnh vực dịch vụ mất đến 7 điểm
trong vỏn vẹn một tháng. Đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng
của cả năm. Thí dụ như hồi 2020, quý 1 cũng rất tệ hại nhưng rồi Trung Quốc vẫn
giữ được tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm là 3,3% »
Tuy vậy Jean Paul Chang cảnh báo,
chủ trương zero Covid của Bắc Kinh đang hủy hoại động cơ hiệu quả nhất để đem về
tăng trưởng là tiêu thụ nội địa trong lúc mà xuất khẩu gặp khó
khăn :
« Trong
quý 1 năm nay, GDP Trung Quốc tăng thêm 4,8 % , trong đó 3,3 % có được là nhờ
tiêu thụ nội địa ; 1,3 % là nhờ đầu tư và chỉ có 0,2 % là nhờ xuất khẩu.
Tiêu thụ do vậy là động lực tạo ra tăng trưởng cho Trung Quốc. Thế nhưng trong
quý hai, các đợt phong tỏa liên tiếp khiến tiêu thụ giảm mạnh, thất nghiệp tăng
lên và đương nhiên là sẽ đè nặng lên tỷ lệ tăng trưởng trong cả năm ».
Tại nơi được
mệnh danh là công xưởng của thế giới thì hàng loạt các nhà máy đã phải đóng cửa.
Là nguồn xuất khẩu hàng hóa cho thế giới nhưng các hải cảng lớn đang bị tê liệt,
tàu bè trong thế « nội bất xuất, ngoại bất nhập ».
Thêm vào
đó là những tác động phụ từ chiến tranh Ukraina tràn sang đến tận các nhà máy
Trung Quốc như giải thích của chuyên gia kinh tế Jean Paul Chang :
« Những
rối loạn trong chuỗi cung ứng xuất phát từ Covid-19, điều đó vẫn còn tính thời
sự và vẫn ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia chứ không riêng gì Trung Quốc. Kế tới
là những căng thẳng về địa chính trị và hậu quả kèm theo là giá năng lượng,
nguyên liệu bị đẩy lên cao. Trung Quốc cùng chung số phận với tất cả các nền
kinh tế khác trên địa cầu. Trung Quốc nhập khẩu từ dầu khí đến nguyên liệu của
các quốc gia khác, nên giá thành các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ đắt
hơn. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị tác động lây ».
Trung Quốc mất điểm với giới đầu tư nước
ngoài
Báo tài chính Anh Financial Times (ngày 20/05/2022) trích dẫn thăm dò của
Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh cho thấy 23 % trong số hơn 1.800
thành viên của cơ quan này cho biết có ý định đi khỏi Hoa Lục và 77 % đánh giá« Trung
Quốc không còn hấp dẫn như xưa ».
Có nhiều yếu
tố giải thích cho sự « đổ vỡ » đó giữa các doanh
nhân châu Âu và Trung Quốc. Về ngắn hạn ngày nào mà Bắc Kinh còn duy trì chính
sách zero Covid, thì vẫn còn rủi ro các nhà máy lại bị đóng cửa, nguy cơ các hoạt
động giao thương bị gián đoạn. Nhiều doanh nhân nản lòng.
Bên cạnh
đó, tại một quốc gia mà hơn một nửa các doanh nghiệp đã được đặt dưới sự lãnh đạo
của Nhà nước và nửa còn lại càng lúc chính quyền càng can thiệp nhiều hơn
là một trở ngại không nhỏ.
Giáo sư Anne Sophie Alsif, đại học kinh tế Paris I-Panthéon-Sorbonne
cho rằng, chính sách của ông Tập Cận Bình gần đây muốn thâu tóm kinh tế tư nhân
là gáo nước lạnh dội lên các dự án đầu tư nước ngoài :
« Trung
Quốc là một nền kinh tế tập trung mà ở đó Đảng và Nhà nước định đoạt tất cả.
Chúng ta đừng nên quên điều này bất luận là những hệ quả về mặt kinh tế có ra
sao đi chăng nữa. Thái độ quyết đoán và mang tính « tập trung » đã được kiểm
chứng qua những quyết định của Trung Quốc từ việc tiêm chủng cho đến việc xử lý
đại dịch Covid. Trái lại thì phương Tây luôn lý luận dưới lăng kính của những « được, thua
». David Baverez
bồi thêm : mọi người lo kinh tế đen tối, đói kém. Ông Tập Cận Bình muốn rằng
sau này sử sách viết lại rằng, Covid cướp đi hơn một triệu sinh mạng ở Hoa Kỳ,
nhưng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông, chỉ có « vài ngàn người chết
vì virus corona ».
Thế giới vẫn cần Trung Quốc
Về câu hỏi
liệu rằng nền kinh tế thứ hai toàn cầu có đang đứng bên « bờ vực thẳm »
hay không, trước mắt, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh
cuộc đọ sức về thương mại Mỹ -Trung vẫn kéo dài. Mùa thu này là một cột mốc
chính trị hết sức quan trọng đối với cả chính quyền của tổng thống Joe Biden lẫn
chủ tịch Tập Cận Bình : Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ và Đại Hội Đảng ở
Trung Quốc. Vì những tính toán chính trị ở trong nước, đấy có thể là cơ hội để Mỹ-Trung
Quốc xuống nước một chút, làm lành lại với nhau hay không ? Bắc Kinh cần
khởi động lại cỗ máy xuất khẩu và sản xuất. Washington cần hàng rẻ của Trung Quốc
để hạ nhiệt lạm phát.
Giáo sư Philippe Le Corre giảng dậy tại trường thương mại Pháp
ESSEC lưu ý :
« Thực
tế là thế giới vẫn cần Trung Quốc » hơn nữa, « bản thân người
dân Trung Quốc vừa chịu khó, vừa giỏi xoay xở, có đầu óc kinh doanh
với nhiều sáng kiến ». Đó có thể là một lá chủ bài giúp Trung Quốc vượt
qua được thử thách kinh tế lần này. Tác động của Omicron về phương diện chính
trị hay đối với tương lai sự nghiệp của ông Tập Cận Bình là một chuyện khác.
No comments:
Post a Comment