Hà Sĩ Phu
23/05/2022
https://baotiengdan.com/2022/05/23/ngoi-buon-tu-phong-van-choi/
“Tôi đứng
về phe “nước mắt”, nhưng có nước mắt cá sấu đấy nhá!” (HSP)
***
.
HỎI: Anh nghĩ gì về cái khẩu hiệu
“TRÍ-PHÚ-ĐỊA-HÀO – đào tận gốc trốc tận rễ” của Tổng Bí thư Trần Phú?
ĐÁP: Nhiều người cứ tưởng Trí Phú Địa Hào
là 4 kẻ thù căn bản nhất của CS, thực ra đó là 4 giá trị mà người CS khao khát
nhất, nhưng 4 quyền lợi ấy đang nằm trong tay kẻ khác nên CS phải diệt họ đi để
chiếm đoạt lấy!
.
HỎI: Nhưng trong 4 điều mà CS khao khát ấy
thì TRÍ là thứ khó chiếm đoạt nhất phải không?
ĐÁP: Đúng vậy, lá cờ CS nhân danh búa liềm Công Nông,
nên thoạt đầu Công Nông tưởng mình sẽ thu hoạch được cả thế giới, nên đem hết
công sức giúp CS nổi dậy, nhưng nổi dậy xong thì Đảng đứng ra đại diện và thâu
tóm hết. QUYỀN thì sinh ra TIỀN! Giành được quyền rồi thì đảng Vô sản tự biến
thành PHÚ-ĐỊA-HÀO hữu sản một cách dễ dàng, đảng viên có quyền bây giờ biến
thành Phú Địa Hào thật sự. Nhưng biến thành TRÍ là điều không dễ, dù cố mua bán
để làm những “lò ấp Tiến sĩ” thì vẫn lòi đuôi là những Tiến sĩ giả, chẳng ai
tin. Còn Công và Nông thì vẫn là 2 tầng lớp chịu khó khăn nhất hiện nay.
.
HỎI: Anh có viết những suy nghĩ ấy ra giấy
chưa?
ĐÁP: Viết hết ra rồi. Nhưng dễ nhớ nhất là bài thơ Trí
Phú Địa Hào mà nhiều người đã thuộc.
.
HỎI: Anh đọc lại cho nghe bài thơ ấy đi!
ĐÁP: Xin đọc (Bài ca Trí Phú Địa Hào):
Bốn anh
Trí Phú Địa Hào
Chỉ
riêng anh Trí lao đao đến giờ
Đảng ta
thương Trí ngu ngơ
Cho
Công Nông Trí chung cờ liên minh
Trông
lên Liềm Búa hai hình
Trí ta
vẫn chẳng thấy mình ở đâu
Quay
sang tìm Phú Địa Hào
Thấy ba
bụng phệ…đã vào Đảng ta! (HSP)
Ba cái “bụng
phệ” Phú Địa Hào chẳng những “đã vào đảng ta” mà còn thực sự điều hành xã hội,
khiến cho những đảng viên tử tế phải bật ra ngoài hoặc bật vào nhà tù! (Những đảng
viên bị bật khỏi đảng như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Phùng Quán,
Phùng Cung, Bùi Tín, Tô Hải, Lê Hiếu Đằng, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Huỳnh
Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Phạm Chí Dũng, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Mạc Văn Trang,
Nguyễn Kim Chi v.v… kể cả những người bỏ đảng không tuyên bố thì nhiều vô kể,
và đến một lúc nào đó giác ngộ thì cuộc bỏ đảng có thể sẽ “vui như ngày hội”
chưa biết chừng?).
.
HỎI: Bài thơ nói “Công Nông Trí chung cờ
liên minh” là thế nào?
ĐÁP: Hòn đá tảng của chủ nghĩa CS coi
“đấu tranh giai cấp không khoan nhượng” là động lực của sự Tiến hóa. Phải
đem Công Nông làm những cuộc lật ngược, lật đổ giai cấp Tư sản, Địa chủ, Cường
hào bên trên. Còn Trí thức là giai cấp Tiểu tư sản bấp bênh, cần phải giáo dục,
đoàn kết và sử dụng. Vì thế trong lá cờ CS vẫn chỉ có 2 cái búa liềm.
Đây là cả
một chuyện rất căn bản đấy.
Ngay từ
bài viết đầu tiên “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ”
tôi đã thấy chỗ thiếu sót chí tử của CS chính ở cái “hòn đá tảng”
này. Vì, thực ra đối với loài người, loài động vật cao cấp nhất có tiếng nói và
chữ viết, thì sự Tiến hóa là SỰ TÍCH LŨY và GIA TĂNG của TRÍ TUỆ,
trong đó tầng lớp Trí thức phải có vai trò cực kỳ quan trọng. Có tiếng nói và
chữ viết nên những gì mà thế hệ trước thu hoạch được có thể ghi lại, truyền lại
để thế hệ sau “ngồi lên vai” thế hệ trước mà tiếp tục đi lên cao hơn. Về bản chất,
sự Tiến hóa là kế thừa chứ không phải lật đổ. Còn sự tranh chấp bằng bạo lực để
lật đổ nhau thì vẫn xảy ra bất cứ khi nào mà sự giành giật QUYỀN và LỢI trở nên
đối kháng, có khi lợi cho Tiến hóa, có khi hại cho Tiến hóa.
.
HỎI: Có phải ngay trong lý thuyết về “Giá
trị của lao động, giá trị của hàng hóa” thì Mác cũng chưa thấy giá trị của Trí
tuệ?
ĐÁP: Đúng vậy. Sự quá khích mù quáng, muốn quật đổ mọi
thứ để giành quyền lợi ngay tức khắc mà không biết điều đó rất tai hại về sau.
Tâm lý của tầng lớp “dân cày” này đã cộng hưởng với cái lý thuyết của ông tổ sư
CS Karl Marx.
Bức xúc
trước các bất công do sự bùng phát của nền văn minh công nghiệp và kinh tế hàng
hóa, Mác đã “đứng về phe nước mắt” để lý giải mọi chuyện.
– Giá trị
của hàng hóa không thể chỉ tính theo giờ lao động thô sơ, mà còn ở chất lượng
trí tuệ, ở năng lực tổ chức và khả năng tập trung tư bản tức tập trung vốn. Chủ
Tư bản có quyền hưởng lợi từ những giá trị ấy chứ không phải họ chỉ ngồi không
mà bỗng dưng cướp được giá trị lao động của thợ thuyền. Mối quan hệ
giữa chủ và thợ là quan hệ tương sinh tương hỗ chứ không phải chỉ đối kháng phải
tiêu diệt nhau như Mác quan niệm. Đi vào thực tiễn, người CS cũng nhận
ra cái thiếu sót đã coi nhẹ Trí thức nên phải bổ sung bằng “khối liên minh
CÔNG-NÔNG-TRÍ”, nhưng đó chỉ là sự vá víu hình thức, chưa phải sự thay đổi bản
chất tư duy trong “hòn đá tảng” của cái chủ nghĩa cứ lấy “đấu tranh giai cấp một
mất một còn” làm động lực của Tiến hóa.
– Yêu cầu đặt
ra là phải có sự phân phối công bằng giữa chủ và thợ, muốn vậy xã hội phải có nền
Dân chủ pháp trị, chứ không phải là sự Công hữu hóa mọi tư liệu sản
xuất và vứt bỏ cả quyền lực lãnh đạo xã hội (Mác còn nghĩ sẽ phải
làm cho các Chính phủ cũng tự tiêu vong, để giới lao động tự quản lý). Tấm lòng
thì đáng quý, nhưng một giải pháp vớ vẩn như vậy đã gây ra những hậu quả tai hại
về sau, phản tác dụng, chống lại ý định tốt đẹp ban đầu. Cứu cánh究竟 (kết quả khách quan sau cùng) đã ngược
với mục đích.
.
HỎI: Có phải vì lấy đấu tranh giai cấp
không khoan nhượng làm động lực mà các đảng CS luôn tạo ra những kẻ thù?
ĐÁP: Lấy đấu tranh giai cấp làm cái cột sống của xã hội
thì phải hận thù thôi. Lập trường giai cấp là thứ sắt đá, là không khoan nhượng!
Sống trong xã hội CS mà bị quy là “mất lập trường” thì hãy coi chừng, bị coi là
thù địch dễ như chơi.
– Ngay
trong tuyên ngôn thì CS đã quyết “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các
giá trị truyền thống”, như thế là họ không kế thừa, không giống với ai cả,
thì ai khác họ là chống họ, là thành thù địch.
– Đấu
tranh giai cấp “một mất một còn” chính là gây những cuộc nội chiến tang thương
mà người CS gọi là “nội chiến cách mạng”. Gây nội chiến trong nội bộ dân tộc
thì làm sao thực hiện sự đoàn kết dân tộc? Thành lập khối “Công Nông Trí” dưới
sự lãnh đạo CS chỉ là sự vá víu, thậm chí vô tích sự. Ngày nay những Trí thức
phản biện luôn đứng về phía những dân oan trong giới Công Nông thì đó mới thực
là “liên minh Công Nông Trí” tử tế, nhưng ngược với ý muốn của người CS nên dễ
bị quy là các “thế lực thù địch”.
.
HỎI: “Thế lực thù địch” đúng là một chủ đề
tối quan trọng trong giai đoạn mà người CS cầm quyền. Nay những người bị đưa
vào lò của Tổng Bí thư lại toàn những tướng tá và quan chức cấp cao của ĐCS. Hiện
tượng đó phản ánh điều gì vậy?
ĐÁP: Hề hề… (cười). Kẻ thù kinh điển của ĐCS thì nay biến
hết rồi. Này nhé, những địa chủ, tư sản, cường hào ngày trước thì diệt hết từ
lâu rồi. Bọn Tư bản giãy chết thế giới thì nay ta “hợp tác đa phương” đã thành
bạn bè cả. Tên ‘đế quốc Mỹ’ đầu sỏ thì lại đang muốn thành “đồng minh chiến lược”
với CSVN để chống Tàu!
Chơi đẹp với
cả thế giới, nhưng trong nội bộ Dân tộc thì “Kẻ thù mới” mọc ra toàn là từ đám
dân oan, từ các trí thức phản biện, từ những đảng viên còn giữ “tấm lòng CS” tốt
đẹp thuở ban đầu, và một loại “kẻ thù” hoàn toàn khác nữa là các quan chức nội
bộ – tham nhũng – thoái hóa biến chất của ĐCS.
.
HỎI: Anh phải phân tích rõ thêm về những
“kẻ thù” phát sinh từ nội bộ ấy!
ĐÁP: Trước hết là do sự độc quyền lãnh đạo, không có đảng
nào tồn tại để cạnh tranh, không có tự do bầu cử. Mà chân lý phổ quát là “quyền
lực tuyệt đối thì sẽ tham nhũng tuyệt đối”. Có quyền trong tay, muốn
làm gì cũng được thì chỉ có bậc chí thánh hay cục đất mới không biết vơ vét.
Các khúc củi đưa vào lò toàn là quan chức cầm quyền của ĐCS, gọi là thù nhưng
cũng chẳng phải là thù, họ là đồng đảng đánh lẫn nhau thôi!
(Người đốt
lò nói chống tham nhũng là chống giặc nội xâm là sự ví von không đúng. Tham
nhũng là tội kinh tế, xâm lược là tội chính trị. Đất nước là của dân, kẻ xâm lược
mà ở bên trong tức là kẻ cầm quyền độc tài chiếm mất quyền làm chủ đất nước của
dân, làm cho dân bị mất nước vào tay một nhóm cầm quyền. Vậy kẻ nội xâm đó là
ai, thiết tưởng quá rõ. Đảng cầm quyền đã thành giặc nội xâm thì mỗi đảng viên
đều là kẻ theo giặc mà không biết đấy thôi).
– Quan chức
đã vơ hết đất đai và phúc lợi công cộng, lại vào hùa với các đại gia chủ xí
nghiệp-công ty để bóc lột công nhân và cùng ăn chia, thì giới Công Nông tất
nhiên chịu oan khuất đầy đọa, họ phải đứng lên phản ứng lại. Họ biểu tình chống
tham quan ô lại, họ có phải kẻ thù không? Tòa hỏi tên của phạm nhân Cấn Thị
Thêu thì được trả lời “Tôi tên là nạn nhân Cộng sản”, kẻ thù đấy!
– Nền tảng
của chủ nghĩa đã có những điều phi lý, phi khoa học để kẻ cầm quyền lợi dụng,
nên giới Trí thức tử tế đã phát hiện ra những phi lý ấy, không chịu làm văn nô,
họ phải phản biện, phải dấn thân, phải “đứng về phía nước mắt” để đấu tranh, tức
đứng về phía những người lao động cùng khổ. Những Trí thức dấn thân như Phạm
Thành, như Phạm chí Dũng, như Phạm Đoan Trang… là kẻ thù của ai? Ba loại kẻ thù
ấy thật sự là như vậy.
.
HỎI: Nhưng tại sao sự phân hóa nội bộ
trong đảng và dân lại quá nhiều như vậy chứ?
ĐÁP: Vâng, xét các đối tượng “thù địch” cụ thể thì tôi vừa
nói riêng như vậy. Nhưng đó không phải những hiện tượng riêng lẻ rời rạc. Nói một
cách tổng quát thì ta sẽ thấy tất cả đã xuất phát từ hai điều lớn rất chung như
sau:
– Một là
vì ĐCS áp dụng cái mẹo “qua cầu thì rút ván”. Bọn phát xít ngày trước toàn giết
kẻ thù của chúng, nhưng các ĐCS chủ yếu diệt các ân nhân của mình. Bởi họ mọc
ra từ hai bàn tay trắng, sở dĩ chiếm lĩnh được hết thảy là do đã lừa dối được
đám đông dân chúng tốt bụng, hăng hái nhưng nông cạn, và có sự ủng hộ rất hấp dẫn
của những Trí thức Văn nghệ sĩ đầy lý tưởng nhưng duy cảm và nông nổi. Thì khi
đã qua cầu để giành được mọi chiến thắng rồi họ phải phá ngay 2 ân nhân, 2 chiếc
cầu đã giúp họ đi đến thắng lợi, để người khác không thể sử dụng để thành sức mạnh…
dời non lấp biển như họ được nữa. Nghĩa là phải canh chừng và khống chế chính
những dân chúng lương thiện và giới Trí thức tử tế.
– Hai là
chính từ sự khôn ngoan láu cá để thoát hiểm của ĐCS. Mác-Lê gốc thì vốn ghét tư
bản, ghét Thị trường, ghét tiền bạc, ghét nhân quyền tự do. Nhưng trước sự bế tắc
và lụn bại, họ đã phải bỏ thứ kinh tế kế hoạch, bỏ bớt kinh tế tập thể và quốc
doanh để theo “Kinh tế thị trường”. Nhưng nếu tự do thật thì CS sẽ thua, sẽ mất
ngai vàng, nên muốn giữ chặt quyền bính thì phải thêm cái đuôi “định hướng
XHCN”. Nhưng một nửa tự do lại nằm dưới một nửa độc tài thì hai nửa ấy tự chống
nhau. Cũng là CS nhưng nửa làm Kinh tế thị trường thì ăn bẫm, nửa giữ XHCN kinh
điển thì không ăn gì. Nên phải đốt lò thiêu nhau, để giành lấy sự độc quyền điều
hành và hưởng thụ.
– Chính vì
cái đuôi XHCN nên Hiến pháp mới chủ trương công hữu hóa hết đất đai do nhà nước
thống nhất quản lý. Nhưng Nhà nước hoàn toàn trong tay Đảng nên đảng viên nắm
quyền sẽ chiếm đất để làm giàu. Các vụ đốt lò hầu hết là hành hạ nhau vì cái tội
cướp đất, nhưng càng cấm thì những đám sau càng ăn to hơn và khôn hơn! Thế là kẻ
thù toàn từ trong nội bộ Đảng mà ra! (Xin xem bài “Luật đất đai và tài chơi chữ Siêu đểu” và
bài “Đất
đai và bản chất ăn cướp của một điều luật”). Cách đây mấy năm HSP
cũng đã viết “Nội bộ Đảng ta tự phải đánh nhau thôi!” đã được
lưu truyền trên mạng!
Tóm lại: Kẻ
thù từ bên ngoài hầu như không còn. Kẻ thù của ĐCS hiện nay toàn phát sinh từ
trong nội bộ nhân dân và nội bộ ĐCS mà ra thôi, và điều ấy xuất phát từ bản chất
của ĐCS và các chính sách phát sinh cùng hệ quả của nó mà ra. Liệu kẻ thù của Đảng
có hoàn toàn trùng khớp với kẻ thù của Dân?
.
HỎI: Sau khi hiểu rõ ngọn ngành, anh có
muốn nói gì thêm về cái khẩu hiệu “đào tận gốc, trốc tận rễ” ấy?
ĐÁP: Phú-Địa-Hào thì tượng trưng cho 3 cái Quyền và Lợi,
phải đấu tranh để có sự phân phối cho hợp lý, công bằng, chứ không không phải để
vứt bỏ. Nhưng muốn thế phải có tự do dân chủ pháp trị. Kẻ nào hiện đang độc quyền
nắm giữ 3 thứ ấy thì nó là “kẻ thù” của nhân dân, của công lý xã hội.
Nhưng gộp cả TRÍ vào đám “kẻ thù” ấy thì thật lạ. Có thể thông cảm vì ngày xưa
cái đám có chút học thức thì phần lớn phục vụ bọn có quyền có tiền. Những Trí
thức chân chính như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ… là quá hiếm.
Nhưng nếu hiểu TRÍ là TRÍ TUỆ thì vấn đề lại khác, quan trọng hơn nhiều.
.
HỎI: Ở trên anh đã nói TRÍ TUỆ là động lực
cho sự Tiến hóa. Thế còn ‘Trái tim là sức mạnh’ thế nào?
ĐÁP: TRÍ TUỆ là một giá trị tinh thần, một tinh hoa của
bộ não con người, là yếu tố quyết định sự Tiến hóa của xã hội, điều mà trước
đây chưa mấy khi được làm sáng tỏ.
Giới có học
thường hay nhắc đến TRÍ và TÂM, tượng trưng bởi khối óc và trái tim. Trái tim
thì làm nên sức mạnh. Nhưng hướng đi cho sức mạnh ấy là ở cái đầu. Một trái tim
lớn thì chẳng những cho người đó sức mạnh mà còn lôi cuốn cả số đông, nên sự
thành hay bại sẽ được khuyếch đại lên nhiều lần. Trường hợp Trái tim lớn, đầy sức
thu hút, mà Cái đầu không đủ lớn thì nguy hiểm lắm, có thể dẫn cả đoàn người nối
nhau lao xuống vực.
.
HỎI: Hay quá, nhưng xin ngắt lời: Còn trường
hợp ngược lại thì sao?
ĐÁP: OK, tức là có kẻ Trái tim thì ngoắt ngoéo nhỏ mọn
nhưng cái Đầu nó lại lớn lao chứ gì? Thế thì đáng sợ vô cùng. Đầu óc nó lớn, nó
tinh ranh, nó làm được cả Trái tim giả, chảy nước mắt giả nhưng mắt vẫn ráo hoảnh,
nhìn rõ địch ta, và có thể vẽ ra một con đường đầy hoa thơm cỏ lạ… nhưng tịt đường
về với đất tổ quê cha!
Vâng, vì
thế tôi vẫn tự nhủ mình: “Tôi đứng về phe ‘nước mắt’, nhưng có nước mắt cá sấu
đấy nhá!”. Chính hay tà? Rẽ lối nào đây? Chưa bao giờ sự thử thách của
Trí tuệ lại quan trọng và tinh tế như cái thời khắc @ gốc CS
này phải không ạ?
No comments:
Post a Comment