Monday 9 May 2022

NGÀY CHIẾN THẮNG CỦA MỘT PUTIN THẤT BẠI (Hoàng Việt)

 



Ngày Chiến thắng của một Putin thất bại

Hoàng Việt

09/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/09/ngay-chien-thang-cua-mot-putin-that-bai/

 

Ngày 9/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin điều hành các hoạt động chào mừng ngày Chiến thắng Phát xít trong bối cảnh các lực lượng của Nga vẫn tiếp tục tấn công người Ukraine trong khuôn khổ một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc cách đây 77 năm.

 

Ngày 9/5 là một trong những dịp trọng thể nhất trong lịch sử của Nga. Vào ngày này, có các cuộc diễn hành quân sự trên khắp cả nước để kỷ niệm Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Phát xít Đức năm 1945. Như thường lệ, những lá cờ bay phấp phới ở hầu hết các tòa nhà và cửa sổ của các cửa hàng được trang trí bằng những ngôi sao vàng. Nhưng năm nay sẽ khác. Nga một lần nữa đang có chiến tranh – lần này là với nước láng giềng. Và Tổng thống Vladimir Putin có thể đã hy vọng sử dụng ngày kỷ niệm này để thông báo cho người dân Nga về một chiến thắng của ông tại Ukraine.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích quốc phòng Michael Clarke với BBC, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 tại Nga năm nay sẽ không đại diện cho bất kỳ hình thức chiến thắng nào ở Ukraine, bất chấp sự tô hồng từ Tổng thống Nga Putin và Điện Kremlin. Đây là một cuộc chiến mà Nga không thể chiến thắng theo bất kỳ ý nghĩa thông thường nào.

 

Ý nghĩa của Ngày Chiến thắng với Putin

 

Những năm gần đây, Putin thường tận dụng các màn ăn mừng tại Quảng trường Đỏ để chọc tức phương Tây với một màn trình diễn của các lực lượng quân đội, xe tăng, pháo binh và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

 

Một màn bay lượn qua 9 mái vòm của Nhà thờ Thánh Basil sẽ bao gồm các máy bay chiến đấu siêu thanh, máy bay ném bom chiến lược và lần đầu tiên kể từ năm 2010 có sự xuất hiện của máy bay chỉ huy “ngày tận thế” Il-80, loại máy bay sẽ chở sĩ quan quân sự cấp cao hàng đầu của Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 

Đài truyền hình nhà nước Nga từ lâu đã coi phương Tây là kẻ thù của Nga, nhưng trước Ngày Chiến thắng, những lời hùng biện và sự gây hấn đã gia tăng. Những người dẫn chương trình bày tỏ thái độ giận dữ với Mỹ và châu Âu vì đã cung cấp vũ khí của họ cho Ukraine. Nhắc lại lời Điện Kremlin, họ đổ lỗi cho phương Tây đã kích động “Chiến tranh thế giới thứ ba” và tìm cách kéo dài xung đột càng lâu càng tốt.

 

Đó là một công cụ mạnh mẽ. Một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất trong vài tuần qua là chương trình trò chuyện, trong đó một người dẫn chương trình cảnh báo Anh rằng, nếu bị khiêu khích, Nga có thể hủy diệt hoàn toàn nước này bằng vũ khí hạt nhân.

 

Vladimir Putin cũng đã tìm cách để mô tả cuộc chiến của ông như một sự “giải trừ phát xít” cần thiết đối với Ukraine. Ông ta mô tả chính phủ ở Kiev là những người theo chủ nghĩa phát xít mới. Putin đã nhiều lần ví cuộc chiến ở Ukraine – mà ông mô tả là một trận chiến chống lại những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc đầy nguy hiểm của “Đức Quốc xã” ở Ukraine – với thách thức mà Liên Xô phải đối mặt khi Adolf Hitler xâm lược vào năm 1941. Putin phát biểu trong một thông điệp gửi tới 12 nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia: “Nhiệm vụ chung của chúng ta là ngăn chặn sự phục hưng của chế độ Đức Quốc xã vốn đã mang lại quá nhiều đau khổ cho nhiều dân tộc khác nhau”.

 

Và Ngoại trưởng của ông gần đây đã gây ra sự phẫn nộ trên quy mô quốc tế khi tuyên bố Hiltler mang dòng máu Do Thái sau khi biết tổng thống Ukraine là người Do Thái. Đó là lý do tại sao ngày 9/5 là một ngày quan trọng như vậy đối với Putin. Đây là cơ hội để khai thác ký ức đau thương và lâu dài của đất nước này về sự hy sinh của người dân trong cuộc chiến chống Phát xít Đức, để tập hợp những người Nga ngày nay ủng hộ “chính nghĩa” của Putin, tận dụng quá khứ của đất nước mình, nhằm hợp pháp hóa hiện tại của mình.

 

Liên Xô đã mất 27 triệu người trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, bao gồm nhiều triệu người ở Ukraine, nhưng cuối cùng đã đẩy lùi được các lực lượng của Đức Quốc xã trở lại Berlin, nơi Hitler tự sát và những biểu ngữ chiến thắng màu đỏ của Liên Xô đã nổi lên lên tại tòa nhà Reichstag của Đức Quốc xã vào năm 1945. Bên cạnh thất bại năm 1812 của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, việc đánh bại Đức Quốc xã là chiến thắng quân sự đáng trân trọng nhất của người Nga, mặc dù cả hai cuộc xâm lược thảm khốc từ phương Tây khiến Nga trở nên nhạy cảm sâu sắc với các đường biên giới phía Tây của mình.

 

Ngày Chiến thắng là một ngày lễ thiêng liêng đối với hầu hết người Nga. Các gia đình Liên Xô, vào ngày này thường bày tỏ sự tiếc thương với những người đã mất. Mặc dù Putin đã cố gắng ngăn chặn sự suy giảm của Nga vốn từng là lực lượng vũ trang hùng mạnh, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu trong quân đội nước này. Tổn thất không được báo cáo công khai nhưng Ukraine nói rằng, thiệt hại của Nga còn tồi tệ hơn con số 15.000 người Liên Xô thiệt mạng trong cuộc chiến Liên Xô-Afghanistan từ năm 1979-1989.

 

Những thất bại của Putin

 

Cuộc xâm lược của Nga diễn tiến không theo kế hoạch và Putin thậm chí vẫn chưa hoàn thành mục tiêu được tuyên bố gần đây nhất của mình là chiếm vùng Donbass.

 

BBC dẫn phân tích của Michael Clarke, giảng viên thỉnh giảng bộ môn quốc phòng tại Đại học King’s College London, cho rằng, sau khi thất bại với Kế hoạch A – chiếm Kiev trước khi lực lượng của Tổng thống Zelensky hoặc thế giới bên ngoài có thể phản ứng, Moskva đã chuyển sang Kế hoạch B. Đây là cách tiếp cận quân sự mang tính “thủ đoạn” hơn nhằm bao vây Kiev và di chuyển gần hơn đến các thành phố khác ở Ukraine – Chernihiv, Sumy, Kharkov, Donetsk, Mariupol và Mykolaiv nhằm tiêu diệt sức kháng cự của lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi Kiev bị đe dọa phải chấp nhận thất bại nếu không sẽ bị tàn phá. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng lại thất bại.

 

Nga đã gặp khó khăn trước lực lượng quân đội Ukraine đầy lòng quyết tâm và tinh nhuệ, khiến Nga bị cầm chân trong một màn phô diễn cổ điển về “sự tự vệ di động” – không nắm được thế trận mà thay vào đó tấn công kẻ thù ở các điểm dễ bị tổn thương nhất. Nản chí, bây giờ Nga chuyển sang kế hoạch C, đó là từ bỏ Kiev và miền Bắc, thay vào đó, tập trung toàn bộ lực lượng cho một cuộc tấn công quan trọng ở vùng Donbass và trên khắp miền Nam Ukraine, có lẽ là xa đến cảng Odessa ở miền Tây Nam – nhằm cắt đường tiếp cận ra biển của Ukraine một cách hiệu quả. Đây là chiến dịch mà chúng ta hiện đang thấy tại miền Đông Ukraine, quanh thành phố Iziyum và Popasne, Kurulka và Brazhkivka.

 

Các mục tiêu chính của Nga là chiếm Slovyansk và xa hơn về phía Nam là Kramatorsk. Cả hai vùng đều là những điểm chiến lược cực kỳ quan trọng nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass. Thế nhưng quy trình này không đơn giản như vậy. Những điều xảy ra tại Donbass chỉ mang lại cho Putin sự lựa chọn về những kiểu thất bại khác nhau mà thôi.

 

Theo một cách nào đó, Nga sẽ phải tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, hoặc chống lại người dân, hoặc chống lại quân đội Ukraine, và rất có thể cả hai cùng một lúc. Và nếu Kyiv vẫn còn nắm thế trận như hiện tại, theo đó yêu cầu Nga rút quân trước khi có bất kỳ sự nhượng bộ nào, thì Putin không thể làm nhiều hơn ngoại trừ tiếp tục một cách tuyệt vọng.

 

Các cường quốc Phương Tây vẫn tiếp tục đổ vũ khí và tiền bạc vào Kyiv và sẽ không sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nặng nề nhắm vào Nga. Không có đường lui cho cá nhân Vladimir Putin và ông ta thậm chí có thể bị truy tố là tên tội phạm chiến tranh. Chiến lược chính trị duy nhất của ông là biến cuộc chiến tranh tại Ukraine thành điều gì đó – một phần trong cuộc chiến sinh tồn của Nga chống lại “phát xít” và “thực dân” phương Tây, được cho là tranh thủ cơ hội để hạ bệ Nga.

 

Putin sẽ làm gì tiếp theo?

 

Cũng theo BBC, lễ duyệt binh thường niên tại Quảng trường Đỏ ở Moscow năm nay mang một tầm quan trọng mới khi quân đội Nga tiếp tục cuộc tấn công kéo dài hơn hai tháng qua ở Ukraine. Khi những chiếc xe tăng lăn bánh trên đường phố, các đồn đoán về động thái tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin ngày càng gia tăng.

 

Chuyên gia chính trị Abbas Gallyamov, từng là người viết bài phát biểu cho Putin, nói: “Mọi người đều mong đợi điều gì đó xảy ra vào ngày 9/5, cả kẻ thù của Putin và những người ủng hộ ông. Những kỳ vọng này đã tạo ra một khoảng trống cần được lấp đầy. Nếu không, Putin sẽ thua về mặt chính trị”.

 

Câu hỏi về những gì mà Putin có thể làm đã khiến các nhà phân tích phỏng đoán và đưa ra những tin đồn. Điện Kremlin đã bác bỏ các báo cáo rằng, Putin có thể sử dụng cơ hội này để chính thức tuyên chiến với Ukraine – hoặc thậm chí với phương Tây – và tìm cách huy động quân dự bị hoặc thậm chí là dân thường để bổ sung cho đội quân đang suy kiệt của mình. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tối thiểu, Putin sẽ coi bất kỳ việc giành được lãnh thổ nào ở miền Đông Ukraine như một chiến thắng đáng được ăn mừng. Mặc dù điều đó không có nghĩa là chiến tranh kết thúc.

 

Chuyên gia Gallyamov đã đưa ra một dự đoán hấp dẫn rằng, Putin sau đó sẽ đưa ra tối hậu thư cho Ukraine – đến bàn đàm phán hoặc chọn chiến đấu và đối mặt với mối đe dọa từ một chiến thuật vũ khí hạt nhân: “Cách duy nhất để ông ấy có thể thắng bây giờ, bởi vì ông ấy chắc chắn sẽ thua nếu việc này tiếp tục, là tạo ra ấn tượng về một người hoàn toàn điên rồ. Ông ấy muốn công chúng phương Tây sợ hãi, các nhà lãnh đạo phương Tây sợ hãi và để họ bắt đầu gọi cho Zelensky và nói: ‘Đủ rồi, bây giờ hãy dừng việc này lại. Hãy đến bàn đàm phán và đồng ý với ít nhất một số yêu cầu mà ông ấy đưa ra. Bởi vì chúng tôi sẵn sàng giúp bạn nhưng chúng tôi không sẵn sàng chết vì bạn’.

 

Ông Gallyamov tin rằng, Tổng thống Putin vô cùng hối hận về cuộc xâm lược của mình và cần một lối thoát mà không tỏ ra yếu đuối.

 

Những người ủng hộ Putin đang nghĩ gì? Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhà lãnh đạo Nga được đa số ủng hộ, nhưng thật không sáng suốt nếu tin tưởng hoàn toàn vào các đơn vị tổ chức thăm dò độc lập ở một quốc gia đã chính trị hóa việc thể hiện bất cứ điều gì khác ngoài bản tường thuật chính thức – rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin là một hành động danh dự và cần thiết để tự vệ.

 

(Tổng hợp từ AFP và BBC)

______

 

Một số hình ảnh của Putin và lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng của Nga ở Moscow. Nguồn ảnh: AFP, Reuters, BBC

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/1-28-696x391.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/1-29-657x420.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/2-14-696x394.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/3-7-696x391.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/4-5-628x420.jpg

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats