Saturday, 21 May 2022

"MADMAN THEORY" và CUỘC CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE (Lê Hồng Anh)

 



“Madman Theory ” và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Lê Hồng Anh

20/05/2022

http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/05/le-hong-anh-madman-theory-va-cuoc-chien.html

 

(NCTG 20/05/2022) “Thể chế tư hữu có bản chất dân chủ bắt buộc phải tôn trọng nhân quyền - tức mạng người, vì thế nó hướng đến giảm thiểu mạng lính khi chế ra vũ khí chính xác hay huấn luyện lính công nghệ. (…) Vũ khí của bên tư hữu thường nhắm đến sự chính xác và ổn định (tức hiệu quả), còn thể chế cộng sản (hoặc tàn dư cũng vậy) chú trọng nhiều hơn đến sức mạnh, sao cho giết càng nhiều người càng tốt”.

 

 

Chiến tranh - những cột mốc của lịch sử

 

Lịch sử cận đại từ đầu thế kỷ 20 đến nay được hình thành bởi mạng lưới gần 200 quốc gia trên thế giới luôn xáo động, đánh dấu bằng các sự kiện lấy đi hàng loạt mạng người vô tội bởi các cuộc cách mạng, thiên tai và chiến tranh. Trong thế kỷ 20 và 21, tính từ năm 1910 đến nay, thế giới đã trải qua hơn 80 sự kiện như vậy, tương đương thời gian an bình trên toàn thế giới dồn lại không quá 20 năm, có vẻ ngắn nhất trong lịch sử nhân loại suốt hai thiên niên kỷ qua.

 

Cuộc đối đầu lớn nhất trong hơn 100 năm này còn là cuộc đối đầu ý thức hệ giữa dân chủ tập trung (chủ nghĩa cộng sản - CNCS) và dân chủ nhân quyền.

 

Nhiều người sẽ hỏi lại: bên cộng sản (CS) cũng có dân chủ chứ? Trả lời: rằng dân chủ của người CS do Lenin tạo khái niệm và gọi là “Tập trung dân chủ”, về bản chất là dân chủ ngụy trang bằng hình thức tập thể qua đảng phái và vì thế mâu thuẫn với bản chất dân chủ nhân quyền: do quyền dân chủ nằm trong tay một thiểu số lãnh đạo chứ không phải cá nhân thành viên, mà điều này chính là gắn với quyền con người (tức dân chủ nhân quyền), điều mà chế độ tư hữu tự nhiên phải hướng đến.

 

Về bản chất, dân chủ và nhân quyền không thể có đại diện toàn quyền theo nhóm, vì vậy nếu chỉ nằm trong tay một thiểu số lãnh đạo thì không thể đại diện cho toàn bộ, bởi những người đại diện có đặc quyền chỉ luôn phản ánh cá nhân họ, và những người còn lại chỉ có thể có dân chủ và nhân quyền giả hiệu!

 

Sự phân hóa của lịch sử

 

Lịch sử cận đại cũng cho thấy đến nay, nền chính trị thế giới chia ra 3 khối đặc thù: khối dân chủ nhân quyền của thể chế tư hữu hình thành sơ khai đầu thế kỷ trước đang ngày càng hoàn thiện gần hoàn chỉnh, khối dân chủ tập trung (tức CNCS - CNXH) đối lập thì ngược lại định hình rõ nhất ngay khi xuất hiện đầu thế kỷ 20, phát triển mạnh nhất giữa thế kỷ rồi tan rã ngay vào cuối thế kỷ (nhưng đến nay vẫn còn sót lại tàn dư). Khối thứ ba là các nước đang tìm cách lựa chọn và định hình dân chủ nhưng nền kinh tế (tức thực lực) chưa cho phép.

 

Về nền kinh tế, chính là mức độ văn minh, cũng thấy rõ rằng đi trước nhất là khối dân chủ nhân quyền. Xét tổng sức mạnh kinh tế thì khối dân chủ nhân quyền và tập trung dân chủ là tương đối ngang bằng, nhưng chất lượng nền kinh tế thì thực tế tỷ lệ thuận với mức độ văn minh. Đây là tự nhiên vì dân chủ nhân quyền tạo điều kiện giải phóng cao nhất trí tuệ cá nhân trong mọi hoạt động từ trí óc đến chân tay thủ công.

 

Cái mà “phương ta” gọi là chủ nghĩa tư bản thì bên Phương Tây không có khái niệm này. Chế độ xã hội đối với họ xưa nay chỉ đơn giản là chế độ tư hữu, đặt cá thể con người lên cao nhất bằng quyền con người, xây dựng cơ chế xã hội vận hành phục vụ con người và gọi đó là dân chủ nhân quyền. Để dễ hiểu, từ đây ta gọi thể chế bên giãy chết là thể chế tư hữu - là danh từ phản ánh bản chất rõ ràng hơn là từ “Tư bản” của Marx.

 

Trong khi xã hội dân chủ chưa hoàn thiện thì thế kỷ 19 ra đời Học thuyết Marx về CNCS: Marx tưởng tượng ra một xã hội loài người tương lai tiến đến mức mọi cá nhân đều gần như đồng nhất về đạo đức và dân trí - trí tuệ, nhưng trên bước đường đi đến CNCS còn qua một giai đoạn hình thành gọi là chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nếu Cách mạng Tháng Mười không kịp xảy ra năm 1917 trong thời gian Thế chiến thứ Nhất thì cũng sẽ xảy ra vào thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế thế giới sau đó chừng 20 năm.

 

Học thuyết Marx vốn thực tế không có sẵn theo sự phát triển tự nhiên của xã hội, tức là CNXH không thể tự nhiên từ trên Trời rơi xuống, nên ông Lênin ở nước Nga lại bày ra cách để cưỡng ép tạo ra CNXH, nhờ làm cách mạng cướp từ thể chế tư hữu đang hình thành lộn xộn, để lợi dụng tạo dựng những hình thái tập trung quyền lực gọi là tập thể, do những nhóm lãnh đạo coi là tinh hoa chỉ huy.

 

Xã hội loài người trước đó đã trải qua thể chế phong kiến - do một người tinh hoa (gọi là Vua) điều hành nhà nước - nay chuyển sang tay một nhóm người. Chủ thuyết này không xét đến những đặc thù Tham - Sân - Si luôn tồn tại trong tính cách con người khi có quyền lực tồn tại lâu dài trong tay mình, bất kể là ai, vì thế trong thực tế chỉ dẫn đến sự quay ngược lịch sử về thời phong kiến, thay một “ông Vua” bằng một “nhóm Vua”, nhưng cuối cùng thì trong nhóm vua vẫn luôn sinh ra một ông trùm vua đích thực.

 

Cái khác cơ bản với phong kiến là nền kinh tế CNXH phải tạo dựng theo kế hoạch từng chu kỳ (phổ biến là 5 năm). Dựa trên lực lượng không phải tinh hoa mà là sức mạnh của công nông. Lênin từng chỉ ra rằng giai cấp công nông có dân trí chưa cao nên dễ bị kích động và chỉ huy để làm lực lượng cách mạng lật đổ thể chế khác vốn chưa định hình, tức là xã hội có thể chế tư hữu chưa phát triển.

 

Để đảm bảo an toàn và trung thành cho bộ máy lãnh đạo thì nên chọn cán bộ từ đó (giai cấp công nông), nhưng thực tế cái gốc công nông chỉ là hình thức, các lãnh đạo cao cấp của thể chế CS đều từ giới trí thức nhưng chưa đạt tinh hoa, hoặc chỉ tự coi là tinh hoa, nhưng lại muốn sử dụng mô hình CNXH là phương tiện tốt nhất để đạt đến quyền lực cho cá nhân.

 

Khi chế độ tư hữu dần hoàn thiện, cục diện thế giới đã phân hóa lại sau Thế chiến thứ Hai và phải đối mặt với hệ tư tưởng CS trong cuộc đua Chiến tranh Lạnh vào nửa sau thế kỷ trước, nước được lợi nhất sau cuộc Thế chiến này là Mỹ có điều kiện phát triển khoa học - công nghệ mới nhận ra chính họ thiếu hụt một Học thuyết định hướng, cũng là để đoàn kết các quốc gia có thể chế tư hữu.

 

 

Chính Mỹ đã đổ nhiều tiền của trong Thế chiến thứ Hai để giúp Liên Xô và khối đồng minh bằng Lend - Lease nhưng lại bị Liên Xô lấy đi một nửa Châu Âu tại Hội nghị Yalta. Còn may là nhờ Lend - Lease để Mỹ/ Anh đổi lại được một phần Châu Âu, thậm chí một phần Beclin cùng nước Đức. Cũng do những tranh chấp này, một số nước Châu Âu phải cam kết thể chế trung lập: Thụy Sĩ, Thụy Điền, Phần Lan…

 

Các học thuyết

 

Học thuyết Marx - Lenin ra đời đã tạo ra Liên Xô từ năm 1922. Sau Thế chiến thứ Hai, khối XHCN được mở rộng nhiều ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, tình trạng lưỡng cực được hình thành và một rừng hai hổ tất nhiên tạo ra chiến tranh lạnh từ khi Liên Xô chạy đua làm được vũ khí hạt nhân. Rút kinh nghiệm từng phải “làm ơn mắc oán”, Mỹ đối phó Chiến tranh Lạnh bằng “Học thuyết Truman” (Truman Theory) ra đời cuối 1947, nhằm ngăn chặn CNCS lan rộng, hệ quả đã chia thế giới ra hai hệ tư tưởng chính đối đầu nhau.

 

Biện pháp của “Học thuyết Truman” là cấm vận khối XHCN, dẫn đến cường độ ngầm của chiến tranh lạnh ngày càng tăng, các bên theo đuổi đều rất nhanh cảm thấy mệt mỏi. Sức mạnh quân sự thời này vẫn chủ yếu là sắt thép, người lính thiện xạ tinh ranh cũng chỉ có thể giết địch từ xa một vài kilômét. Thiện chiến như Đức rồi cũng tan tác dưới biển người của Liên Xô được hỗ trợ vũ khí Mỹ, vinh quang này quá lớn đến nỗi đủ nuôi khối XHCN và nước Nga đến tận ngày nay!

 

Chỉ hơn 15 năm ra đời “Học thuyết Truman” thì nước Mỹ đã sa lầy vào chiến tranh Việt Nam và đứng trước các lời giải để lựa chọn: làm sao thắng một cuộc chiến khi có cả khối XHCN đứng sau? Thật ra Mỹ đã chậm chân một bước trước Xô - Trung dù đã bắt tay với Hồ Chí Minh ngay sau 1945.

 

Cái xui từ chỗ Mỹ để mặc cho Pháp - một Đồng minh - quay lại Việt Nam hy vọng nhặt lại xứ thuộc địa cũ đã làm rơi (vào tay Nhật) trước đó. Nhưng khi Pháp đánh quá đà sắp chiếm nốt căn cứ địa Việt Bắc, khinh thường nói chuyện với Việt Minh thì đã có một chuyến vượt biên xin vũ khí thành công của Hồ Chí Minh: Stalin biết đến một góc nhỏ Nam - Trung Quốc có một xứ thuộc địa cũ của Pháp cũng có Đảng thiên hướng CS, vì vậy giao cho Mao Trạch Đông nắm xứ này và cấp luôn số vũ khí mới được Liên Xô viện trợ sang cho nhanh.

 

Có vũ khí mới, Việt Minh mở chiến dịch biên giới thành công năm 1950 rồi từ đó củng cố căn cứ địa, sau đó dưới sự giúp đỡ tận tình về người và của từ Trung Quốc thu được chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954… và CNXH đã lan đến Đông Nam Á.

 

Tại nhiệm kỳ của Nixon (1969-1974) đã ra đời một học thuyết đối ngoại thay thế “Học thuyết Truman”: “Học thuyết kẻ điên” (Madman Theory - HTKĐ). Nội dung là những cách cần để xử sự với các lãnh đạo CS giữ va-li hạt nhân, và xử sự với khối XHCN phải bằng vũ khí kinh tế, bởi Truman Theory đã thất bại khi dùng biện pháp đối đầu bằng chiến tranh. Mục đích của HTKĐ nhằm đến kết quả dài hơi để chiến thắng CNCS (không phải xóa bỏ bằng quân sự - tức lấy mạng người - mà bằng kinh tế: tỏ ra ưu việt hơn trong cạnh tranh để lôi cuối khối XHCN đi theo), trong đó nút thắt đầu tiên về quân sự là phải rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam.

 

Tất cả đã diễn ra như ta đã thấy lúc đó và sau này: dân ta đã tự hào tưởng tự đuổi được Mỹ rút chạy, nhưng thật sự mang nợ lớn không công khai từ sự giúp đỡ của các anh cả trong khối XHCN, khiến đất nước suýt rơi về thời đồ đá phải tìm cách cải tổ sang phía tư hữu một phần để giải phóng sức sản xuất. Sau khi Liên Xô tự sụp đổ, khối XHCN cũng tan rã gần hết, khái niệm tư hữu bắt đầu áp dụng rộng hơn nhưng độ bền chỉ tạm thời và hình thức.

 

Điều lộ rõ nhất là với thể chế công hữu, con người không đủ điều kiện phát triển nên theo đó nền khoa học kỹ thuật cũng bị kéo chậm theo. Mỹ và Phương Tây đều biết và sử dụng “Học thuyết kẻ điên” hơn nửa thế kỷ nay, rõ nhất là khi xử lý các sự kiện nóng trên thế giới: bắt đầu là Việt Nam, sau này đến Trung Đông, rồi Nam Tư, Bắc Hàn… và nay là Ukraine - Nga.

 

Vài nguyên tắc của “Học thuyết kẻ điên”

 

Thắng CNCS phải bằng hòa bình, vì đã là “madman” (kẻ điên) thì không sợ chiến tranh (sẵn sàng chén sành đổi chén kiểng, kiểu gì kiểng cũng thiệt).

 

Không nên thay đổi thể chế CS nắm quyền của nước nào đó mà vẫn mở rộng thị trường tư bản sang đó được bằng ưu việt của kinh tế (giữ CS mới có lợi vì nó phát triển kinh tế rất ì ạch, chả bao giờ sợ nó vượt mặt).

 

Kinh tế quyết định chính trị của quốc gia (thực mới vực được đạo! chính CS sẽ tự chuyển biến theo thể chế tư hữu).

Tìm sở đoản của đối thủ để giải quyết mâu thuẫn bằng sở trường của mình! (Cái này giống kiếm hiệp Tàu thì phải). Để làm vậy chỉ cần cho thể chế CS thấy rõ lợi ích và sức mạnh khi chuyển sang cơ chế tư hữu và dân chủ nhân quyền, nắm hầu bao của đối thủ là số 1.

 

Quân sự và kinh tế

 

Sức mạnh quân sự đảm bảo cho nền kinh tế phát triển. Nhưng muốn quân đội mạnh phải đi kèm vũ khí mạnh và ưu việt, mà vũ khí lại phản ánh tinh hoa công nghệ của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật.

 

Với thể chế tư hữu và công hữu, cuộc chạy đua quân sự thì chưa bao giờ dừng lại, dù có trương chiêu bài kinh tế lên to đến mấy, đơn giản vì đối diện một bên lại có kẻ điên, và những cuộc chiến tranh là không thể tránh được vào lúc thăm dò hay kết thúc. Dù khối XHCN tan rã về cơ bản, thể chế công hữu phải chuyển nửa vời sang tư hữu, nhưng dù bỏ tên gọi XHCN như Nga hay còn giữ lại bằng cái tên chung chung “Nhân dân” như Trung Quốc thì cơ chế tập thể - tập trung dạng phong kiến trá hình vẫn tồn tại, vì độc tài chính trị vẫn được giữ nguyên và đương nhiên dẫn đến độc tài lãnh đạo.

 

Thể chế tư hữu đối lập với công hữu - tức khối XHCN - chạy đua trên nền cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 3 từ sau Thế chiến thứ Hai đã có ít nhất hai lần suýt bấm nút hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân là điều chế độ tư hữu không muốn nhất, đơn giản là do những gì “tư hữu” sẽ trở về cát bụi. Thể chế công hữu thì dễ quyết tử để làm anh hùng hơn, vì suy cho cùng thì một cá nhân cũng chả có gì nhiều để mất. Máu yêng hùng thì lại càng có sẵn với nền dân trí thấp!

 

Vậy thì nói về quân sự

 

Chủ thuyết quân sự thì nhiều và thay đổi theo dòng lịch sử, nhưng tất cả vẫn dựa trên hai yếu tố: vũ khí và con người, điều này thì ai cũng biết. Trong lúc vũ khí thay đổi từ hữu hình sang vô hình thì người lính cũng thay đổi từ kéo cò sang bấm nút. Cái còn lại là hiệu quả thì tùy thuộc vào… thể chế.

 

Thể chế tư hữu có bản chất dân chủ bắt buộc phải tôn trọng nhân quyền - tức mạng người, vì thế nó hướng đến giảm thiểu mạng lính khi chế ra vũ khí chính xác hay huấn luyện lính công nghệ. Có sẵn trong tay các thành quả tiên tiến của cách mạng khoa học kỹ thuật, vũ khí của bên tư hữu thường nhắm đến sự chính xác và ổn định (tức hiệu quả), còn thể chế CS (hoặc tàn dư cũng vậy) chú trọng nhiều hơn đến sức mạnh, sao cho giết càng nhiều người càng tốt.

 

Tuy nhiên giống như trong cuộc đua kinh tế, các công nghệ - tức thành quả cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - lại hạn chế ở khối XHCN, vì thế chúng ta đang thấy hai bên đối phương ngày nay tuy cùng nguồn gốc dân tộc, nhưng hiệu quả trong cuộc chiến Nga - Ukraine lại đang ngày càng cách biệt.

 

Vũ khí đại diện cho tinh hoa của công nghệ và khoa học kỹ thuật, và cũng là hàng hóa đặc biệt được kiểm soát để không cấp cho đối thủ (CS) trọn vẹn, tức hạn chế phạm vi và tính năng vũ khí.

 

Giải mã một số sự kiện cuộc chiến Nga - Ukraine

 

Tuy đã đoán trước sẽ xảy ra cuộc chiến, nhưng Mỹ và Phương Tây không biết chắc diễn biến tương lai, chỉ chọn chuẩn bị cho phía Ukraine từ khi tin vào tiến trình hướng đến dân chủ của chính thể Zelensky trong bối cảnh bàn tay kiểm soát của Nga còn mạnh: tâm lý người dân nói tiếng Nga, mạng gián điệp Nga còn can thiệp vào xã hội Ukraine, kế hoạch giành lại xứ Ukraine khỏi kết quả bầu cử dân chủ…

 

Từ khi nắm quyền, phe Zelensky đã hiểu không thể ổn định phát triển theo hướng dân chủ khi còn đầy rẫy thù trong giặc ngoài, nhưng tương lai kinh tế nằm trong gọng kìm của Nga thì càng sẽ bết bát hơn. Muốn thoát ra phải trước hết có tinh thần dân tộc, mà điều này chỉ có thể có được nếu sử dụng tiếng bản xứ đi kèm độc lập nhất định về kinh tế.

 

Cơ sở quân sự của Ukraine vốn đã què quặt và thiếu thốn do hậu quả Hiệp ước Budapest chỉ kéo lại được một phần nhỏ nhờ một số vũ khí chống tăng cá nhân của Mỹ và Phương Tây nhập trang bị bổ sung. Các vũ khí nặng quy ước và không quân chiến lược hầu như không còn do bị giải giáp phần lớn. Quân đội thường trực chỉ còn dưới 300 ngàn người cả trực tiếp cầm súng và gián tiếp (phục vụ). Đội quân thứ hai Châu Âu sau Nga chỉ còn lại cái bóng mờ, chính phủ lại đổi chủ liên miên, thậm chí phải ký thêm Thỏa ước Minsk để tự xóa sổ chính mình, hy vọng vào lời hứa suông đảm bảo an ninh của nước Nga tham lam…

 

Khi Nga thay vì đảm bảo an ninh lại bất ngờ tấn công với một lực lượng quân ngang bằng nhưng sung túc vũ khí gồm cả tên lửa hành trình tầm xa, đoàn xe tăng bò lổm ngổm và máy bay rợp trời, những đồng minh quy ước của Ukraine đều chẳng thể hy vọng sẽ thấy một cuộc đấu đồng cân ngang tài. Điều này dễ thấy qua thể hiện bằng các phát biểu và tuyên bố của Mỹ và Phương Tây trong vài ngày đầu. Những người ái ngại cho xứ Ukraine thì chỉ biết nín thở chờ tin chiến sự, kể cả Mỹ và Phương Tây cũng lo lắng quan sát và phối hợp…

 

Nhưng rồi rất nhanh, mạng Starlink tân tiến phối hợp vệ tinh cùng tên lửa chống tăng -chống máy bay tầm thấp tỏ ra ưu việt trên thực chiến. Sai lầm chiến thuật chí mạng của Nga cũng lập tức bộc lộ: hậu cần sơ sẩy dựa trên tư tưởng ngạo mạn về chiến thắng nhanh trong 72 giờ… Các đồng minh đứng sau người Ukraine đã tỉnh ngộ và kịp điều chỉnh, chiến lược đối phó lập ra ngay dựa trên nguyên tắc đối mặt với “kẻ điên”: sử dụng kinh tế lẫn ưu việt công nghệ, còn đối đầu trực tiếp thì người Ukraine được tin tưởng đứng ra gánh vác với tinh thần và lòng dũng cảm vượt trội.

 

Điều đáng giá nhất là ngay giai đoạn một (“phase 1”) đã tìm ra hầu hết mạng gián điệp Nga giúp chỉ điểm mục tiêu, hóa ra độ chính xác của vũ khí Nga lại không nằm ở công nghệ mà chỉ đơn giản là sức người như ngàn đời nay, vậy là đủ…

 

Cũng vì là học thuyết cho đối ngoại, trong điều kiện nền dân trí trên thế giới hiện nay đã khá cao, mạng thông tin nắm quyền chủ động, việc phối hợp các biện pháp song song với quân sự cũng khác biệt rõ: kết hợp ngay quân sự với các đòn trừng phạt, cấm vận, tịch thu theo luật quốc tế có nghị quyết Liên Hiệp Quốc chống lưng. Bởi vậy, thay vì đổ trách nhiệm cho Mỹ và Phương Tây thì người Nga nên tự trách mình đã hành xử thế nào mà đánh mất niềm tin của thế giới văn minh đi đã!

 

Thể chế CS cũng dần chuyển sang tư hữu nhưng chỉ nửa vời, nhân quyền thì hình thức… vì thế kinh tế luôn tự trói mình. Chiến tranh mà chỉ biết tính dựa trên số lượng thì tất nhiên ôm hận! Nguy cơ chiến tranh giữa các xã hội dân chủ là thấp nhất, và ngược lại nguy cơ cao nhất là giữa thể chế độc tài với nhau và với các thể chế khác.

 

Chuyện đơn giản như Trung đoàn Azov ở Mariupol, thử hỏi nếu thay vào là lính Nga bị vây, cắt tiếp tế tương tự thì chống cự được bao lâu? Những chiến binh Ukraine có từng đợt ra hàng, chủ yếu vì thiếu hụt đạn dược và lương thực phẩm nên đó là cách tốt nhất dồn chúng cho những người còn lại. Với mục đích cầm chân quân Nga thì những đợt ra hàng đó không hề ô nhục mà là chiến thuật khéo léo đúng nhất, lợi dụng ngay luật chiến tranh.

 

Đến nay, đã rõ rằng nếu là lính Nga thì chắc đã chẳng còn thương binh bởi sĩ quan của họ đã loại ra từ trước, lời nói “cần những anh hùng còn sống” không nên suy diễn là đầu hàng. Nga chắc chắn không thể đưa họ ra xử về tội phạm chiến tranh vì đơn giản là không xử cách nào được, kể cả kết tội phát-xít gì đó, bởi đơn giản chính tòa án quốc tế sẽ xử lính Nga về điều này với đầy đủ bằng chứng thu thập hơn hai tháng qua.

 

Cuối cùng, ta thấy Mỹ và Phương Tây vừa đấm vừa xoa tổng thống Putin, nào là Ukraine nhường chút lãnh thổ cho thể diện của ông già Putin, nào là Phần Lan - Thụy Điển dấm dứ với NATO dù bị Thổ phản đối, nào là phong tỏa tài sản vợ bé Putin nhưng tìm không thấy người… Có vẻ như để cho Putin quen với chuyện có thua chiến dịch cũng là bình thường. Mà thật ra muốn giữ “gấu Nga” mãi ở mức lạc hậu thì nên giữ luôn Putin, dù lúc này Putin muốn bấm nút hạt nhân thì còn hai cái va-li phối hợp khác đang vô chủ nên khó thể thành công!

 

Ở phía kia, Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc vẫn luôn luôn khôn và thức thời, không tham dính vào việc tai tiếng lúc này vì nguồn lực cũng chưa đủ, và vì học thuyết quân sự vẫn đang na ná Nga dựa trên số lượng, và vì muốn xem xét thực tế bản chất sức mạnh quân sự Mỹ. Có thể như sau vụ 1979, họ Tập lại có cớ nâng cấp quân đội này nọ, nhưng chuyện này… hồi sau sẽ rõ!

 

LÊ HỒNG ANH

 

----------------------------

Tham khảo:

(*) “Stalin tìm cách tiêu diệt Ukraina bằng nạn đói: 4 triệu người chết”





No comments:

Post a Comment

View My Stats