“Lạm
phát” tướng lĩnh, tiến sĩ, nói lên điều gì?
Chủ Nhật,
05/08/2022 - 06:01 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/7215
Ở VN bây
giờ có nhiều thứ “lạm phát”, gia tăng về số lượng nhưng lại giảm sút về chất lượng,
tuy nhiên có những thứ mà sự gia tăng về số lượng, sút giảm về giá trị này
đang và sẽ gây ra những tai hại không nhỏ, về lâu về dài cho tương lai đất nước.
Đó là “lạm
phát” tướng lĩnh, tiến sĩ.
Về tướng
lĩnh, dư luận đã từng đề cập đến chuyện VN có quá nhiều tướng lĩnh và sĩ quan
cao cấp từ công an tới quân đội, mặc dù quốc gia hiện trong thời bình. Từ năm
2014, vấn đề này đã được đề cập đến trong phiên họp Quốc hội và lúc đó, “Đại
tướng Phùng Quang Thanh - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết hiện nay trong
quân đội có 489 sĩ quan cấp tướng” (“Phong tướng quá nhiều”, Tuổi Trẻ).
Trước những ý kiến trái chiều, ông Bộ trưởng Quốc phòng trả lời: “Không
phong thì sợ anh em có tâm tư”! ("Phó Chủ tịch QH: Phong tướng quá
nhiều, giờ giảm xuống họ không chịu", Infonet). Trong phiên họp Quốc hội
năm 2018, vẫn lại những băn khoăn đó “đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) dẫn câu
hỏi của cử tri: "Thời chiến nhiệm vụ khó khăn thì tướng ít mà mấy năm nay
số lượng tướng lại nhiều thế?" (“Đại biểu tranh luận 'thời bình mà
phong nhiều tướng tá thế?', Tuổi Trẻ).
Nhìn lại,
trong suốt thời kỳ chống Pháp (từ 1946-1955), đảng, nhà nước và quân đội cộng sản
chỉ phong quân hàm cấp tướng cho 13 người trong quân đội đã trực tiếp chỉ huy
chiến đấu tại các chiến trường trong giai đoạn này. Kết thúc cuộc chiến tranh với
Mỹ và VNCH, quân đội cộng sản (cộng của cả Quân đội Nhân dân Việt Nam và của
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) có khoảng 50 tướng lĩnh, trong đó có 36 người
trực tiếp tham dự chiến dịch được họ gọi tên là chiến dịch Hồ Chí Minh, tức
toàn bộ chiến dịch tấn công đánh chiếm miền Nam.
Vậy mà,
bây giờ, theo Wikipedia, tính đến ngày 16 tháng 5 năm 2018, Quân đội nhân dân
Việt Nam có 415 sĩ quan cấp tướng trong đó có 3 đại tướng, 18 thượng tướng, 81
trung tướng, 313 thiếu tướng. Con số này có vẻ không chính xác lắm vì như trên
đã nói, năm 2014 ông Phùng Quang Thanh đã đưa ra con số 489 tướng trong quân đội.
Không biết cho đến giờ phút này thì con số đó có tăng lên nữa không. Chưa kể
khoảng 200 tướng bên công an.
Việc thăng
cấp như vậy thứ nhất là sẽ liên quan đến chế độ chính sách, ngân sách của nhà
nước. Tướng nhiều, lương tăng, và nếu theo nguyên tắc cứ 3 năm tăng lương một lần,
thì sẽ tạo ra một áp lực về lương rất lớn. Chưa kể bổng lộc, phúc lợi, xe cộ,
phụ cấp…Mà ngân sách nhà nước là do dân đóng góp. Hiện nay bộ máy đảng, bộ máy
chính quyền, các đoàn thể, hội này hội kia ở VN đã quá cồng kềnh, mỗi năm tiêu
tốn không biết bao nhiêu tiền thuế, phí của dân. Bây giờ lại thêm việc “lạm
phát” tướng lĩnh. Đáng nói hơn, việc phong hàm cấp tướng này không chỉ dành cho
những con người xông pha ngoài trận mạc như thời chiến, mà bây giờ ngay cả
trong những ngành nghề như nhà báo, nhà văn, trong lĩnh vực kinh doanh cũng có
tướng, tá.
Một thực tế
ở VN ai cũng biết, không phải đơn giản để mà được thăng cấp, thăng hàm như vậy,
cũng không hẳn người được thăng cấp, được phong tướng là do thành tích hay tài
năng, mà còn do chạy chọt, và cái giá đó không hề rẻ. Tướng nhiều, năng lực, phẩm
chất ra sao chưa biết, nhưng qua công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của ông Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng mấy năm nay, đã có hàng chục tướng bên quân đội, công
an, cảnh sát biển…bị kỷ luật, cách chức, bị truy tố…vì tham nhũng. Tướng tá được
phong cấp ào ạt rồi thì 10 người hết 9 người tham nhũng, khi có chiến tranh xảy
ra chả biết họ chỉ huy, đánh đấm như thế nào?
Một cái “lạm
phát” thứ hai nữa là “lạm phát” tiến sĩ. Qua vụ một luận văn tiến sĩ có cái đề
tài rất hạn hẹp, không xứng tầm được báo chí, dư luận gần đây nêu ra là "Nghiên
cứu phát triển môn Cầu lông cho công nhân, viên chức thành phố Sơn La",
nhiều ý kiến, bài báo đã xới lại vấn đề nhức nhối này. Từ công tác đào tạo
trình độ thạc sĩ, tiến sĩ với tốc độ mà có người gọi là “nhanh hơn cả gà đẻ trứng”,
những cái “lò ấp” tiến sĩ “một ngày, một Hội đồng nghiệm thu 18 đề tài khoa
học”, cho tới hàng loạt những luận văn tiến sĩ không đem lại giá trị gì cho
xã hội. Rất nhiều luận văn na ná giống nhau, và giống như là những báo cáo tổng
kết của các địa phương chứ không phải là một công trình nghiên cứu cho đúng với
ý nghĩa của một luận văn tiến sĩ. Rất nhiều đề tài vô bổ kiểu như "Hành
vi nịnh trong tiếng Việt", “Nhận thức của sinh viên sư phạm về sức khỏe
sinh sản” hoặc “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía bắc”...("Không
thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ", báo Thanh Niên)...
Tại sao lại
có hiện tượng người người tiến sĩ, nhà nhà tiến sĩ như thế này? Là vì đi kèm với
học hàm, bằng cấp tiến sĩ là được “cơ cấu” vào vị trí này vị trí kia, cho nên
nhiều người bỏ tiền ra thuê người làm giùm luận văn, bỏ tiền ra chạy bằng. Quan
chức cộng sản bây giờ người nào cũng đầy bằng cấp, học hàm học vị, nào Thạc sĩ,
Tiến sĩ, rồi bằng Cao cấp lý luận chính trị, chứng chỉ B Anh văn, B Nga văn v.v…Nếu
nhìn vào bằng cấp của toàn bộ các ông trong Bộ Chính trị, người ta thấy cao hơn
hẳn so với nội các của nhiều nước tự do dân chủ văn minh hàng đầu trên thế giới,
nhưng trình độ, tầm nhìn, tư duy của họ như thế nào?
Quan chức,
đại biểu quốc hội cộng sản không mở miệng thì thôi, cứ mở miệng là dân chỉ muốn
bật cười hoặc bật lên tiếng chửi. Còn những lãnh đạo cao cấp nhất thì sao?
Không ai trong số họ do dân bầu ra, tính cách, năng lực, điểm mạnh điểm yếu của
họ, chính sách chiến lược cụ thể của họ ra sao không ai biết. Không ai trong số
họ từng trải qua những cuộc phỏng vấn trả lời trực tiếp không hề được chuẩn bị
trước của báo chí truyền thông trong nước và quốc tế, trải qua những cuộc tranh
luận trực tiếp công khai với đối thủ chính trị về những vấn đề đối nội và đối
ngoại…như chính khách, lãnh đạo ở các quốc gia dân chủ.
Nhưng thảng
hoặc nếu có phát biểu gì đó thì hoặc là cũ kỹ, xơ cứng, lập đi lập lại những
câu khen ngợi về chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Bác Hồ, con đường đi tới chủ nghĩa
xã hội như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thậm chí tưởng chừng như đang sống
ở một thế giới khác: 'Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này
không?', “"Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc
tế như ngày nay". Hoặc hoang tưởng như ông cựu Thủ tướng, bây giờ là
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài,
người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực
tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi
thì sẽ về Việt Nam’.” v.v…
Cái chuyện
"nở rộ" tiến sĩ này một phần là do chính nhà cầm quyền khuyến khích,
đặt ra thành chủ trương, chính sách. Nhớ thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm
Phó Thủ tướng, năm 2010 ông đã ký phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ
tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu sau 10 năm sẽ
có 20, 000 Tiến sĩ trong đó 10.000 tiến sĩ trong nước và 10.000 tiến sĩ ở nước
ngoài (“Chi 14.000 tỷ đồng đào tạo 20.000 tiến sĩ", VN Express), rồi
thì “Thành uỷ Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025, 40% cán bộ diện Ban Thường vụ
Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ” (“Hà Nội đặt mục tiêu 40%
cán bộ Thường vụ Thành uỷ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”, Tiền phong). Cái bệnh
duy ý chí, chạy theo thành tích của các ông cộng sản không bao giờ thay đổi, từ
chuyện đào tạo, giáo dục cho tới chống dịch COVID-19 mà chúng ta đã thấy!
Một quốc
gia mà Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư...chạy đầy đường, nhưng đất nước thì chẳng
có nổi một công trình nghiên cứu hay phát minh tầm cỡ...Đông Á thôi chứ chưa
nói đến toàn cầu, hay những thương hiệu mà thế giới biết đến như các nước trong
khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...Tệ hại hơn, vẫn chỉ là một nước
nghèo, dựa trên xuất khẩu gạo, các sản phẩm nông ngư nghiệp, nguyên liệu thô,
hàng gia công, và “xuất khẩu lao động”!
Thêm một
cái “lạm phát” nữa là lạm phát Hoa hậu, Hoa khôi... qua rất nhiều cuộc thi sắc
đẹp được tổ chức, cái này nghĩ cho cùng thì chả hại gì cho đất nước nhưng cả ba
hiện tượng này đều nói lên cái gì? Một xã hội háo danh, chạy theo những cái bằng
cấp, học hàm học vị, danh phận, danh xưng bên ngoài. Nhưng ở VN bây giờ, như vừa
nói, danh đi kèm với lộc, lợi. Lên tướng thì lương bổng mọi thứ nhiều hơn. Là
Tiến sĩ, Giáo sư thì được ngồi vào vị trí này, cái ghế kia. Là Hoa hậu, Hoa
khôi, siêu mẫu thì sau đó giá cát xê quảng cáo, đi dự sự kiện hay làm bất cứ việc
gì cũng nhiều tiền hơn, và đã là Hoa hậu, Hoa khôi, Á khôi thì sẽ lấy được tấm
chồng “ngon lành” hơn, thiếu gia, đại gia, Việt kiều hay ngoại kiều.
Một cái
vòng luẩn quẩn mà rất thực dụng. Người ta bỏ tiền ra chạy để được phong tướng,
được trở thành Tiến sĩ, bỏ tiền đầu tư đi thi Hoa hậu để từ đó có thể nhận được
nhiều thứ hơn.
Hậu quả
cho xã hội, cho đất nước là gì? Nhiều tướng tá bất tài thì quân đội càng mục ruỗng,
nhiều Tiến sĩ, Giáo sư dỏm ngồi ở những vị trí cao thì sẽ dẫn tới những
quyết định, việc làm kém cỏi, sai lầm, gây hại cho lĩnh vực, ban ngành đó.
Còn đối với xã hội, sẽ càng làm gia tăng sự háo danh, hám lợi lộc, đồng thời
làm giảm giá trị thực của một tướng quân, một tiến sĩ, hay một hoa hậu!
No comments:
Post a Comment