Thursday, 26 May 2022

KHUÔN KHỔ KINH TẾ ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG : GẮN KẾT MỸ VỚI KHU VỰC (Tuần Việt Nam - VietNamNet)

 



Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vực

TUẦN VIỆT NAM

26/05/2022   07:30 (GMT+07:00)

https://vietnamnet.vn/khuon-kho-kinh-te-an-do-duong-thai-binh-duong-gan-ket-my-voi-khu-vuc-2023388.html

 

IPEF là sự khởi đầu để bảo đảm gắn kết của Mỹ ở tư cách nền kinh tế số 1 với khu vực  phát triển rất năng động của thế giới.

 

Lễ công bố khởi động thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) mới diễn ra tại Nhật Bản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu trực tuyến.

 

Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại sứ Phạm Quang Vinh, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) về IPEF.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2022/5/26/dai-su-pham-quang-vinh-142.jpg

Đại sứ Phạm Quang Vinh: IPEF tạo ra không gian cho các nước tham vấn và thương lượng để có thể đạt được thỏa thuận thương mại sau này

 

Phát triển bền vững và dung nạp

 

Xin ông cho biết Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có những trọng tâm gì?

 

Ý tưởng về IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10/2021. Khuôn khổ này là một bộ phận trong chiến lược của Mỹ nhằm gắn kết với Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

 

Điểm thứ hai cần nhận thấy, lâu nay, các nước ASEAN trong trao đổi với Mỹ đều nói rằng, sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì thiếu hụt sự gắn kết về mặt kinh tế đối với khu vực này, trong khi tiềm năng và năng lực của Mỹ rất lớn. Mỹ chú trọng về an ninh mà thiếu gắn kết về kinh tế - là phương diện các nước trong khu vực rất cần.

 

Về IPEF, tạm nhìn nhận 2 vấn đề: Nội dung là gì và cách tiếp cận, nhất là việc 13 quốc gia đã tham gia IPEF.

 

Về mặt kinh tế, Khuôn khổ này tạo ra không gian tự do, rộng mở, phát triển bền vững và dung nạp, tạo điều kiện, cơ hội cho tất cả các nước cùng thúc đẩy hợp tác. Đó là mẫu chung nhất cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng.

 

Người ta chia sẻ với nhau về 4 lĩnh vực cực kỳ quan trọng được coi là trụ cột  tập trung vào việc thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và nỗ lực ngăn chặn rửa tiền, hối lộ.

 

Nhìn vào có thể thấy Khuôn khổ này sẽ tạo ra những tiêu chuẩn cao cho hợp tác giữa các nước, bao gồm cả Mỹ và nhiều nước chủ chốt trong khu vực.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2022/5/26/khuon-kho-16.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng, tại Tokyo, Nhật Bản ngày 23/5. Ảnh: TTXVN

 

Mỹ không thể quay trở lại TPP vào lúc này, nhưng đây vẫn là nền kinh tế hàng đầu với rất nhiều tiềm năng mà các nước trong khu vực cần đến, nhất là thời điểm hiện tại, khi đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn phục hồi hậu đại dịch. Nền kinh tế Mỹ mạnh về công nghệ, chuyển đổi số và nước này đang đẩy mạnh kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm năng lượng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh... Đây là điều các nước trong khu vực rất cần.

 

Mặt khác, khu vực này sau thời kỳ ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng đang bắt đầu bước ra khỏi đại dịch để thúc đẩy kết nối các chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế và rất cần định hướng phát triển cho tương lai.

 

Trên thực tế, thành viên của IPEF là thành viên có lựa chọn. Đó là những nước có thể chia sẻ được những giá trị nêu trên, cùng nhau bàn bạc. Tuyên bố của 13 nước tại lễ công bố khởi động thảo luận IPEF cho thấy:

 

IPEF tạo ra không gian cho các nước tham vấn và thương lượng để có thể đạt được thỏa thuận thương mại sau này. Nghĩa là đây mới là không gian đối thoại và tham vấn chứ chưa hẳn là những quy định.

 

Các nước tham gia phải tiến hành theo 2 bước. Bước thứ nhất là tham vấn để cùng chia sẻ. Từ những ý tưởng và  trụ cột như vậy, sẽ dự tính trao đổi những gì, tức là tham vấn chung. Bước 2 là đi vào thương lượng tiến tới thỏa thuận.

 

Điều đáng lưu ý là sau khi tham vấn, các nước có liên quan không bắt buộc phải chọn cả 4 trụ cột. Tùy theo lợi ích của từng nước song trùng với các nước khác để chọn lựa.

 

Cuối cùng, IPEF là sự khởi đầu để bảo đảm gắn kết của Mỹ ở tư cách nền kinh tế số 1 với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi phát triển rất năng động của thế giới.

 

Cá nhân tôi cho rằng, sự gắn kết của Mỹ với khu vực thông qua Khuôn khổ này không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về địa chiến lược.

 

Mỹ không thể không quay trở lại khu vực

 

Vậy vì sao cách đây 5 năm Mỹ rút khỏi TPP, còn bây giờ lại khởi xướng IPEF?

 

Có lẽ Tổng thống Trump chỉ quyết định rút khỏi TPP, nhưng trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2016, cử tri Mỹ đã thay đổi cách nhìn nhận về việc Mỹ tham gia các hiệp định thương mại tự do trên thế giới.

 

Người dân Mỹ cảm giác bị thua thiệt khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do này. Chính vì vậy, đến bây giờ Mỹ khó quay trở lại được một hiệp định thương mại tự do kiểu như TPP. IPEF nếu sau này có thể tạo ra những thỏa thuận sẽ dựa nhiều hơn vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của ông Biden.

 

Nước Mỹ không thể không quay trở lại với Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cả về mặt địa chiến lược lẫn địa kinh tế. Nếu cộng lại 13 nước thành viên thì kinh tế đã chiếm 40% GDP của thế giới. Nghĩa là nếu đạt được thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực mà cho cả thế giới. Các nước, nhất là ASEAN, cũng trông đợi Mỹ đầu tư nhiều hơn về mặt kinh tế, thương mại với khu vực này. Ngược lại, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng cực kỳ quan trọng với Mỹ.

 

Hỗ trợ chứ không loại trừ nhau

 

Trong Khuôn khổ này, châu Á có vị thế như thế nào, thưa ông?

 

Trong Tuyên bố tại lễ công bố IPEF có mấy điểm:

 

Đề cao khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, coi đây là động lực phát triển của kinh tế thế giới, động lực của tăng trưởng thế giới.

 

Người ta cũng muốn không chỉ chia sẻ hợp tác kinh tế với nhau, mà còn chia sẻ những khung pháp lý và chính sách để có thể cùng nhau hợp tác làm ăn về mặt kinh tế, thương mại, hạ tầng, đầu tư tài chính, công nghệ… để bảo đảm tính bền vững, tin cậy.

 

Trong khu vực không chỉ có IPEF mà còn rất nhiều sáng kiến kinh tế và thương mại khác. Điều này chứng tỏ sự phát triển năng động của khu vực, có thể dựa trên nhiều thỏa thuận thương mại, kinh tế khác nhau, ở những tầng nấc khác nhau, thậm chí là với những chuẩn mực khác nhau.

 

Tất cả hỗ trợ chứ không loại trừ nhau.

 

Trong IPEF có một số nền kinh tế quan trọng nhưng chưa tham gia TPP trước đây hay CPTPP sau này như Ấn Độ, Hàn Quốc, trong ASEAN thì có Indonesia, Thái Lan và Philippines. Sự xuất hiện của họ trong bối cảnh hiện nay sẽ tạo được động lực mới, bổ sung cho các thỏa thuận thương mại có trong khu vực, sẽ tạo ra không gian hợp tác kinh tế rất lớn.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2022/5/26/khuon-kho-1-17.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF. Ảnh: VGP

 

Phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam

 

Theo ông, tại sao Việt Nam tham gia khuôn khổ này và chúng ta có lợi gì?

 

Khuôn khổ này định hướng cho phát triển và hợp tác kinh tế với nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, cũng là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tương lai, mang tính bền vững và đảm bảo cạnh tranh. Điều này là phù hợp với định hướng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Đơn cử như thương mại mang tính bền vững, công bằng rồi chuyển đổi số là điều Việt Nam đang hướng tới. Rồi năng lượng sạch cũng là lĩnh vực ta hướng tới với những cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Hay Việt Nam cũng cần đến công nghệ và sáng tạo, cả những hành lang pháp lý để bảo đảm công nghệ tin cậy, chất lượng cao, bền vững...

 

Nhìn chung, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng là tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số… đều phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.

 

Tham gia vào Khuôn khổ này thể hiện việc chúng ta tham gia vào nhiều tầng nấc liên kết, hợp tác kinh tế khu vực và trên thế giới, cùng bổ sung cho nhau tạo động lực phát triển.

 

Sáng kiến IPEF hình thành trong một quá trình trao đổi với rất nhiều bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Chúng ta có thể đóng góp tiếng nói, định hướng những lĩnh vực hợp tác phù hợp.

 

Đây mới là bước đầu, trong thời gian tới, chắc chắn các nước đều phải chuẩn bị tích cực để chủ động nêu ra đề xuất của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực.

 

IPEF nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia ký kết như Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

 

Diệu Thúy

 

Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Quyền lực mềm để giải quyết vấn đề

Dường như các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden dựa trên rất nhiều giả định, bao gồm: Quyền lực mềm có thể giải quyết hầu hết các vấn đề; Các nguồn lực và khả năng hiện tại đủ để ngăn chặn các đối thủ của Mỹ.

 

Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Đại sứ Mỹ: Chúng tôi mong có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam

Thủ tướng thăm, làm việc tại Mỹ: Thông điệp của Việt Nam




No comments:

Post a Comment

View My Stats