Sunday, 15 May 2022

KHI KHOA HỌC KHÔNG TRUNG THỰC, LIÊM CHÍNH (Đoàn Khắc Xuyên)

 



Khi khoa học không trung thực, liêm chính    

Đoàn Khắc Xuyên 

13/05/2022 14:35

https://thesaigontimes.vn/khi-khoa-hoc-khong-trung-thuc-liem-chinh/

 

(KTSG) – Khi khoa học không liêm chính, trung thực, nghiên cứu khoa học không thực chất, đó không chỉ là sự lãng phí tiền ngân sách – tiền thuế của dân – đầu tư cho khoa học nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh mà còn tạo ra những giá trị giả, những thành tựu khoa học giả, một xã hội tri thức giả…

 

·         Thẩm định hàng loạt luận án tiến sĩ: nhiệm vụ bất khả thi

 

Từ những đề tài nghiên cứu không đóng góp gì cho khoa học

 

Trước vụ luận án “tiến sĩ cầu lông” làm xôn xao dư luận không lâu, Thanh tra Chính phủ đã công khai kết luận thanh tra về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Kết luận cho thấy thực trạng đáng buồn của việc nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở một tổ chức mà nghe đến tên ai cũng nghĩ là nơi đáng kính trọng, nơi làm việc khoa học, nghiêm túc hơn bất cứ đâu.

 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết: có bảy nhiệm vụ, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên nhưng lại được phê duyệt dưới dạng “đề tài” cấp cơ sở, cấp bộ và bố trí kinh phí để thực hiện (một hình thức ăn gian, rút ruột ngân sách); có ba đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, nhiệm vụ khoa học cấp bộ của các đơn vị, căn cứ vào các quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.

 

Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm), xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra.

 

Đáng chú ý, tình trạng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở bất thường trong cùng một ngày tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Thí dụ, tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với một hội đồng khoa học đã nghiệm thu 18 đề tài trong ngày 6-12-2016, 18 đề tài trong ngày 12-12-2017, 16 đề tài vào ngày 5-12-2018 và 15 đề tài vào ngày 25-11-2019. Tại Viện Ngôn ngữ học, chỉ với hai hội đồng khoa học đã nghiệm thu 13 đề tài vào ngày 17-12-2018 và 22 đề tài trong ngày 19-11-2019. Viện Sử học đã nghiệm thu 7 đề tài trong vòng một buổi chiều 13-1-2019 và 11 đề tài trong ngày 15-11-2019 chỉ với hai hội đồng.

 

“Lò ấp tiến sĩ”, “nghiệm thu đề tài khoa học như máy”… dư luận đánh giá công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội quả không sai. Nó cho thấy việc nghiên cứu và đào tạo chuyên gia khoa học ở đây đã biến chất, trở thành môi trường mua bán để những kẻ sính bằng cấp nhằm khoe mẽ hoặc tiến thân có thể bỏ tiền mua mảnh bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, còn những người làm đào tạo trở thành những bán bằng cấp. Thiệt hại là nền khoa học nước nhà, là sự phát triển của đất nước, và tất nhiên ngân sách nhà nước để “nuôi” các cơ quan nghiên cứu này.

 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015 tổng chi ngân sách nhà nước cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội là 504,5 tỉ đồng (tương đương 22,6 triệu đô la Mỹ). Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cả Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội là 380, trong đó có 175 người có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Còn theo trang web của viện, viện có hơn 700 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội.

 

Với con người và nguồn lực như nêu trên, năm 2015 Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội có tổng cộng 5 bài công bố khoa học trong danh mục ISI của Web of Science, với số lượt trích dẫn là 8 và số lượt trích dẫn trung bình là 1,60. Nếu tính cả quá trình 5 năm từ 2011-2015, tổng số công bố ISI của viện là 22 bài, một thành quả chỉ tương đương con số bài báo khoa học tối thiểu để được bổ nhiệm giáo sư ở Malaysia.

 

Đến lũng đoạn và lừa đảo trong nghiên cứu khoa học công nghệ

 

Nhưng thao túng, gian lận trong nghiên cứu khoa học không chỉ xảy ra ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, trong lĩnh vực khoa học xã hội mà cả trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Vụ án xảy ra tại công ty Việt Á với sự hợp tác giữa Học viện Quân y và công ty nói trên trong một đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước với số tiền đầu tư gần 19 tỉ đồng, là một thí dụ.

 

Việc ký kết tài trợ cho đề tài nghiên cứu kít xét nghiệm Covid-19 bắt đầu từ ngày 3-2-2020, khi dịch Covid-19 mới chỉ bắt đầu, và dự kiến thời gian thực hiện đề tài là 18 tháng. Thế nhưng, mọi thứ đã được thực hiện “siêu tốc”: Ngày 30-1-2020, Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) tổ chức họp, mời các chuyên gia hiến kế ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đúng ba ngày sau, Bộ KH-CN đã giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện vi rút Corona chủng mới (2019-nCoV)”. Ba tuần sau (kể từ ngày đề tài được Bộ KH-CN giao nhiệm vụ và ký tài trợ), nhóm nghiên cứu đã có bản thảo bài báo nộp cho tập san khoa học Journal of Medical Virology (?), bài báo quốc tế duy nhất của đề tài bởi sau đó, nhóm nghiên cứu không có thêm một bài báo nào.

 

Và rồi, bộ kit hoàn chỉnh lập tức được ra mắt ngày 5-3-2020 trong cuộc họp báo giới thiệu sản phẩm và công bố kết quả đề tài. Lúc đó, số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam còn rất ít, vậy làm thế nào để các nhà nghiên cứu có thể đánh giá trên cơ sở thực nghiệm độ chính xác của kit xét nghiệm dựa trên số lượng mẫu lớn? Học viện Quân y và Công ty Việt Á lại không phải là những đơn vị có thế mạnh về các sinh phẩm chẩn đoán. Vậy, làm thế nào để có thể tạo ra bộ sản phẩm xét nghiệm hoàn thiện trong thời gian chỉ khoảng một tháng? Vậy mà sản phẩm vẫn được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong khi đề tài nghiên cứu chưa được nghiệm thu (Học viện Quân y chỉ tổ chức nghiệm thu sau khi vụ án Việt Á được khởi tố).

 

Đến nay thì đã rõ cái gọi là công trình nghiên cứu hợp tác giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á thực chất là một vụ gian lận, lừa đảo trong nghiên cứu khoa học, là sự lũng đoạn bộ máy nhà nước với việc bịa đặt ra đánh giá đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng bộ kit, bịa đặt ra việc nhiều nước đặt mua bộ test kit của Việt Nam, trong khi “nhà máy sản xuất” của Việt Á chỉ rộng 10 mét vuông và, sản phẩm nghiên cứu tức bộ xét nghiệm thực tế là được nhập từ Trung Quốc với giá chỉ khoảng 21.560 đồng/bộ nhưng được thổi giá, bán khoảng 470.000 đồng/bộ. Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 9-12-2021, Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ kit của Trung Quốc, giá khai báo 0,955 đô la Mỹ/bộ (khoảng 21.560đồng/bộ ), tổng trị giá 64,7 tỉ đồng. Việt Á đã bán, thu về 4.000 tỉ đồng, lại quả các nơi 800 tỉ đồng và thu lợi 500 tỉ đồng.

 

Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đến nay đã khởi tố tổng cộng 26 bị can liên quan đến những sai phạm trong vụ “thổi giá” kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á về các tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Tham ô tài sản. Các bị can gồm: 4 lãnh đạo chủ chốt của Công ty Việt Á; 5 Giám đốc CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương; 2 sĩ quan cao cấp thuộc Học viện Quân y; 3 lãnh đạo và cựu lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH-CN và 14 người khác liên quan. Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 2 bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y; thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện bị Ban bí thư Trung ương Đảng cách tất cả chức vụ trong Đảng.

 

Nhiều năm trước, mốt thời thượng là nói về kinh tế tri thức, xã hội tri thức; gần đây là cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng với việc một số tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cho ra lò những con người rổn rảng bằng cấp, ngồi ở những vị trí cao nhưng không đóng góp gì cho xã hội, thậm chí còn làm hại do “kiến thức” không thực chất của họ, người dân có quyền tự hỏi chúng ta sẽ tiến lên xã hội tri thức cách nào, làm cách mạng 4.0 cách nào khi ngay tại những tổ chức khoa học “đáng kính” nhất lại thiếu cả sự trung thực lẫn liêm chính trong nghiên cứu?





No comments:

Post a Comment

View My Stats