Monday, 9 May 2022

KHERSON TỎ RA THÁCH THỨC KHI NGA TÌM CÁCH SIẾT CHẶT CÁC VÙNG UKRAINA BỊ CHIẾM ĐÓNG (Financial Times)

 



Kherson tỏ ra thách thức khi Nga tìm cách siết chặt các vùng Ukraina bị chiếm đóng

Cù Tuấn dịch từ Financial Times

Nghiên Cứu Lịch Sử

Tháng Năm 9, 2022

https://nghiencuulichsu.com/2022/05/09/kherson-to-ra-thach-thuc-khi-nga-tim-cach-siet-chat-cac-vung-ukraina-bi-chiem-dong/

Matxcơva ép Kherson dùng tiền rúp và quản lý internet khi nước Nga mở rộng đến vùng lãnh thổ được coi là một phần chiếm được của cuộc xâm lược.

 

Bức tượng Lenin được dựng lại tại quảng trường chính của Kherson là biểu tượng cho thấy một trong những trung tâm kháng chiến của Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Matxcơva giờ đây đã trở lại trong tay Nga.

 

Các cuộc biểu tình tự phát nổ ra vào tháng 2 đã giảm dần khi các lực lượng của Matxcơva siết chặt hơn, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ​​và áp đặt một chính quyền bù nhìn của Nga ở các vùng lãnh thổ phía nam bị chiếm đóng.

 

Một cựu nghị sĩ thân Nga, Volodymyr Saldo, đã được bổ nhiệm làm thống đốc khu vực này, trong khi một chính quyền hợp tác mới được Nga hậu thuẫn, đã bắt đầu đưa đồng rúp vào thay thế đồng hryvnia của Ukraina. Các giáo viên đã được yêu cầu áp dụng chương trình giảng dạy và ngôn ngữ Nga khi các lớp học bắt đầu trở lại sau mùa hè.

 

Các kết nối Internet đã được định tuyến lại một phần thông qua vùng Krưm do Nga sáp nhập, cho phép các cơ quan kiểm duyệt Nga giám sát và kiểm soát thông tin liên lạc. Thậm chí, một bức tượng của Lenin đã được dựng lại ở quảng trường chính của Kherson.

 

Trong khi đó, những người biểu tình đã bị giam giữ trong các “trại thanh lọc”, sau khi bị quân Nga bắt giữ trên đường phố hoặc tại nhà.

 

“Những người đang bị giam giữ là những nhà hoạt động, những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ. Quân Nga đưa họ vào các trại thanh lọc.” Serhiy Rybalko, một chính trị gia địa phương và người đứng đầu một doanh nghiệp nông nghiệp lớn gần Kherson, nói từ bên ngoài khu vực này, rằng rất nhiều người trong số họ đã không quay trở lại.

 

Ivan Antypenko, một nhà báo đã bỏ trốn khỏi Kherson nhưng vẫn giữ liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp ở đó, cho biết nhiều người đã bị bắt bớ ở Kherson cũng như các thành phố bị chiếm đóng Melitopol, Berdyansk và Enerhodar. Ông nói: Các nhân viên quân sự và an ninh cũng như những người Ukraina bình thường đã bị bắt giữ.

 

“Họ đang bắt giữ những người dân thường sau các cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina. Tôi biết ít nhất 100 vụ bắt cóc,” ông nói. “Một số người đã được thả, một số người vẫn đang bị giam giữ. Họ bị tra khảo và bị tra tấn”.

 

Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, cho biết chính quyền ở Kyiv đã nhận được báo cáo về các vụ cưỡng hiếp và hành động bạo lực ở các thị trấn phía nam nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

 

Các quan chức Ukraina cho biết Nga đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở các khu vực Kherson và Zaporizhzhia, đồng thời đưa các thành phần của chế độ nhà nước Nga vào đó để xóa bỏ bản sắc Ukraina và củng cố các tuyên bố lịch sử của nước này.

 

Họ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm kiếm những thành tựu khi ông kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã vào ngày 9 tháng 5.

 

Việc khôi phục địa vị nhà nước Nga sẽ phù hợp với câu chuyện xuyên tạc của Putin rằng các khu vực phía đông và phía nam của Ukraina thuộc về Nga – một khu vực có tên Novorossiya – từng là một phần của đế chế Nga trong thế kỷ 18 và 19.

 

Arestovych cho biết Matxcơva đã có ý định tuyên bố một “chế độ quản lý miền Nam nước Nga… một vùng độc lập với các ranh giới có tính lịch sử ”.

 

Trước đó, người Nga muốn mở rộng sự chiếm đóng của mình đến toàn bộ ranh giới hành chính của các khu vực Kherson và Zaporizhzhia, giống như họ đã cố gắng thực hiện ở các khu vực bán chiếm đóng là Donetsk và Luhansk. Nhưng sự phản kháng mạnh mẽ của người Ukraina khiến họ đã không giành được nhiều lãnh thổ như mong đợi, ông nói.

 

Ông nói rằng Kyiv không có ý định để các khu vực phía nam nằm trong tay Nga quá lâu, và nhấn mạnh rằng khi các lực lượng Ukraina phản công, họ sẽ tìm cách chiếm lại Melitopol và phá vỡ “cây cầu trên bộ” của Nga giữa các vùng Krưm và Donbas bị chiếm đóng.

 

Antypenko nói rằng bất chấp sự đàn áp, Nga sẽ rất khó thực thi quyền lực của họ ở vùng phía nam, nơi hầu như không có sự hỗ trợ của Matxcơva, không giống như ở Donbas hay Krưm. Ông nói: “Dù Nga cố gắng tuyên truyền đến cỡ nào, mọi người dân đều biết họ đang sống tại Ukraina.”

 

Ví dụ, trong số nhiều giáo viên mà ông biết qua công việc của mình trong các dự án xóa mù chữ trên phương tiện truyền thông, rất ít giáo viên sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu về chương trình giảng dạy của Nga, ông nói.

 

Những người dân sống ở miền nam bị chiếm đóng vẫn có quyền truy cập vào truyền hình Ukraina và thông tin liên lạc di động, với các nhà cung cấp dịch vụ đã khôi phục lại sau khi tạm ngừng hoạt động vài ngày.

 

Người dân địa phương từ chối sử dụng đồng rúp, nhưng hiện tại không có đủ tiền mặt của Ukraina để trả lương hưu, Rybalko nói. Ông nói, một trong những lý do để định tuyến lại internet dùng dây cố định qua Krưm là chặn các giao dịch đầu cuối thanh toán bằng tiền hryvnia.

 

Cuộc sống đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, với tình trạng thiếu thuốc men và hàng tạp hóa, giờ đây chúng phải được chuyển đến từ Krưm. Inna Zelena, một nhân viên chính quyền địa phương đã rời Kherson khi chiến tranh nổ ra, nói rằng các cuộc biểu tình đã giảm bớt.

Thay vào đó, cô nói: “Người dân Kherson đã quyết định kháng chiến một cách thầm lặng, treo những dải ruy băng màu vàng và xanh lam xung quanh thành phố, vẽ một dải ruy băng màu vàng [trên tường], dán tờ rơi và nhắn nhủ thông điệp cho những người chiếm đóng rằng người dân không vui gì khi họ ở đây.”

 

Trong khi đó, hàng nghìn cư dân của Kherson và Zaporizhzhia đã phải bỏ trốn, đôi khi phải chờ đợi nhiều ngày để đi qua các trạm kiểm soát của Nga, nơi họ phải đối mặt với các cuộc thẩm vấn kéo dài. Theo thống đốc Zaporizhzhia Oleksandr Starch, tại một số nơi trong vùng, một nửa số cư dân tại đó đã rời đi.

 

Antypenko cho biết quân Nga cho phép những người đàn ông rời đi vì họ muốn “không có người dân thân Ukraina nào trong thành phố có thể chống trả lại quân Nga khi quân Ukraina phản công”.

 

Ảnh: Người dân Kherson biểu tình phản đối quân Nga chiếm đóng vào tháng 3.

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/05/6.jpg?w=551&h=306





No comments:

Post a Comment

View My Stats