Saturday 14 May 2022

HỎI ĐÁP XUNG QUANH CUỘC CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE (Đào Tiến Thi)

 



Hỏi đáp xung quanh cuộc chiến tranh Nga – Ukraine (Phần 2)

Đào Tiến Thi

14/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/14/hoi-dap-xung-quanh-cuoc-chien-tranh-nga-ukraine-phan-2/

 

 

Câu hỏi 6: Có phải chính phủ của Tổng thống Zelensky không khôn khéo, đã dại dột “hướng Tây” chứ không chịu “hướng Đông” (theo Nga), nên rước chiến tranh về?

 

Trả lời: Trước khi trả lời câu này xin quý vị đọc lại các câu hỏi và trả lời 3, 4 và 5. Vì vấn đề thực chất đã đề cập một phần khi trả lời các câu 3, 4 và 5. Xin tóm tắt ý và nhấn mạnh thêm một chút: Việc “hướng Tây” không những là quyền của người Ukraine mà còn là xu thế tất yếu, nếu muốn đất nước phát triển. Có thể nói lịch sử các nước chậm phát triển trong khoảng hai trăm năm qua là lịch sử “hướng Tây”. Nước nào “hướng Tây” sớm và mạnh thì nước ấy phát triển sớm và nhanh. Nhật Bản là một ví dụ. Cụ Phan Bội Châu buổi đầu tìm đường cứu nước đã “hướng Đông” (Đông du) nhưng thực chất cũng là “hướng Tây” một cách gián tiếp. Chính Việt Nam hiện nay cũng ngày càng “hướng Tây” một cách mạnh mẽ.

 

Bây giờ xin trở lại nội dung chính của câu trả lời: Trong quan hệ với nước lớn, khôn khéo là giải pháp, còn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc. Giải pháp phải phục tùng nguyên tắc.

 

Nói về khôn khéo, hỏi ai hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1945 –1946? Trước các thế lực thực dân hung hăng, Hồ Chí Minh đã tìm mọi đường “lùi”, nhưng “lùi” có giới hạn, chứ không phải vô điều kiện. Quá giới hạn sẽ thành đầu hàng, bán nước. Có thể tóm tắt quá trình từ nhân nhượng đến tuyên chiến của Hồ Chí Minh hồi ấy như sau:

 

Tháng 8/1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, nhà nước Việt Nam mới hầu như không có gì trong tay, cụ Hồ đành phải “đánh đu” với các thế lực ngoại xâm: quân Pháp (và sau quân Pháp có quân Anh, Nhật) từ Nam đánh ra và quân Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) từ phía Bắc tràn xuống. Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ (26/9/1945) “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” nhưng đồng thời cũng đề nghị ngừng bắn, và cũng tạo được một cuộc ngừng bắn kéo dài được nửa tháng nhưng bị mang tiếng với nhân dân là “Chính phủ Việt Minh chạy trốn”.

 

Quân Pháp đánh ra Nam Trung Bộ và chuẩn bị ra Bắc Bộ. Hồ Chí Minh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) cho phép quân đội Pháp vào Bắc Bộ thay quân Trung Hoa. Mục đích chính là đẩy 20 vạn quân Trung Hoa về nước và kéo dài thời gian chuẩn bị cho ta. Tuy nhiên việc này cũng đồng thời phải chấp nhận điều nguy hiểm khi cho phép Pháp đóng quân ở một số nơi từ vĩ tuyến 16 trở ra. Đương thời, một số nhà phân tích đã dự báo Pháp có thể dùng kịch bản từ một chỗ đóng quân lấn chiếm ra xung quanh, sau đó biến một cuộc hành quân thành một cuộc đảo chính.

 

Hội nghị trù bị Đà Lạt (4/1946) thất bại vì đòi hỏi phi lý của Pháp, sau đó Pháp còn ngang nhiên lập nước Cộng hòa Nam Kỳ Tự trị, 1/6/1946 (có khác gì ngày nay Nga xui phiến quân Donbass nổi dậy sau đó công nhận hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk). Tại Hội nghị Fontaineurbleu, Pháp tiếp tục lập trường cứng rắn, đặc biệt tiếp tục vi phạm Tạm ước 6/3/1946 (Đánh chiếm Phủ Toàn Quyền và mở rộng đánh chiếm Tây Nguyên). Cố gắng thương lượng cuối cùng của Hồ Chí Minh là ký Tạm ước 14/9/1946. Theo Tạm ước, vấn đề Nam Bộ sẽ được “trưng cầu dân ý”.

 

Từ cuối tháng 12/1946, quân Pháp càng ra sức khiêu khích, và cuối cùng, sáng 19/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội.

 

Vì vậy đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ (…) Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước“.

 

Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã phát động cả một cuộc chiến tranh lớn, huy động cả dân tộc Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

 

*

Câu hỏi 7: Có người nói đây không phải là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà là cuộc chiến giữa Nga và NATO, có phải vậy không?

 

Trả lời: Có một phần đúng. Như ta thấy những gì đã và đang diễn ra, đằng sau Ukraine là sự trợ giúp đắc lực của cả châu Âu chứ không chỉ NATO. Nhưng nhớ là chỉ một một phần đúng thôi. NATO vẫn có những mục đích riêng, nhưng có phần cơ bản “trùng khít” với Ukraine. Như câu 3 đã khẳng định, cuộc kháng chiến của Ukraine là chính nghĩa, người Ukraine trước hết bảo vệ độc lập tự do của mình, nhưng đó cũng là những giá trị chung của châu Âu. Và không chỉ châu Âu mà còn là các giá trị chung của nhân loại.

 

Chúng tôi lại thấy cần nhắc lại ở đây một ý đã trả lời ở câu 3 bài trước: Trong Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), sau khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Dân tộc Ukraine đang bảo vệ các quyền con người và quyền dân tộc tự quyết. Cuộc chiến đấu của dân tộc Ukraine chống xâm lược Nga hiện nay là cuộc chiến giữa công lý, tự do với áp bức và bạo tàn. Ukraine thắng là lương tri thời đại thắng.

 

Sự trợ giúp của NATO có thể để lại cho Ukraine những hệ lụy nhất định, nhưng trong tình thế bị Nga, một nước lớn, có kho vũ khí đồ sộ và hiện đại vào hạng nhất thế giới, bất ngờ tấn công, thì Ukraine không có một sự lựa chọn nào khác, nếu muốn giữ độc lập. Nhưng đây cũng là cơ hội “thoát Nga”, dù phải trả giá đắt. Nếu sau này, chẳng hạn bị NATO “o ép” thì cũng vẫn tốt hơn sống dưới nanh vuốt của Nga, vì như trên đã phân tích, về cơ bản phương Tây ngày nay vẫn là một thế giới văn minh, tiến bộ mà đến nay nhân loại chưa có một mô hình nào thay thế được.

 

*

Câu hỏi 8: NATO và châu Âu có sai lầm gì không?

 

Trả lời: Có. Trước hết, NATO và châu Âu đã chủ quan, không tính hết sự phản ứng của Nga khiến Ukraine chịu hậu quả hết sức nặng nề.

 

Trong cuốn sách “Những tù nhân của địa lý”, ký giả người Anh Tim Marshall, người có 25 năm nghiên cứu địa chính trị, đã phân tích khá sâu sắc tính đặc thù về chính trị của Nga hiện nay trong tương quan với địa lý và truyền thống đế quốc của mình. Tim cho rằng, vùng trung tâm của Nga (Moskva) là một vùng đồng bằng trống trải, có thể bị tiến công từ bốn phía. Tuy nhiên, sự tấn công từ phía đông rất ít, trong lịch sử, Nga chỉ một lần từ người Mông Cổ, và từ khi đế quốc Nga bành trướng qua dãy Ural sang tận Sibir thì mối đe dọa từ phía đông coi như không có. Cho nên từ thế kỷ XVIII, các Sa hoàng “luôn nhìn về hướng tây”, họ chiếm lấy các nước vùng Baltik và Ukraine để làm “vành đai an toàn”. Thời Liên Xô, theo Tim, cũng chỉ là đế quốc Nga mà thôi, rồi sau khi Liên Xô tan vỡ thì nước Nga “co rút về hình dạng của thời kỳ tiền cộng sản, với biên giới phía châu Âu kết thúc ở Estonia, Latvia, Belarrus, Ukraine, Georgia và Azerbaijan“.

 

Nhìn chung, Tim muốn NATO và châu Âu không nên coi thường truyền thống độc tài và đế quốc của Nga. Tim viết: “Hoa Kỳ và châu Âu nóng lòng chào đón Ukraine nhập vào thế giới dân chủ với tư cách là thành viên chính thức của các thiết chế tự do và pháp quyền của mình, và Moskva không thể làm gì để chống lại điều đó. Đó là quan điểm không tính đến thực tế rằng địa chính trị vẫn tồn tại trong thế kỷ XXI và Nga không chơi trò pháp quyền“.

 

Như vậy có thể nói lỗi thứ nhất của NATO và châu Âu là chào đón Ukraine  gia nhập thế giới dân chủ với tư cách là thành viên chính thức của các thiết chế tự do và pháp quyền nhưng lại không tạo điều kiện đầy đủ để Ukraine  đảm bảo việc đó.

 

Với “Bản ghi nhớ Budapest” ngày 5/12/1994, Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đã thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraine nếu Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân từ thời Lên Xô. Từ khi ký Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bằng cách chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới đó, cho đến khi “tay không” thì bị Nga tấn công.

 

Một bản ghi nhớ như thế về mặt pháp lý chưa đủ mạnh để đảm bảo cho hòa bình Ukraine. Lẽ ra, ít nhất phải là một hiệp ước giữa NATO, Ukraine và Nga, có những điều kiện ràng buộc rõ ràng một khi Ukraine bị đe dọa từ bất cứ phía nào. Và như ta thấy, Nga đã lợi dụng sự lỏng lẻo này mà ngang nhiên đánh chiếm bán đảo Crime của Ukraine (2014). Ukraine thành nạn nhân đáng thương.

 

Thứ hai, NATO đã nhu nhược một thời gian dài với Nga.

 

Với việc đánh chiếm bán đảo Crime, liền đó xúi giục phiến quân vùng Donbass nổi dậy thành lập hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk (rồi Nga công nhận hai nước cộng hòa này), Nga thực sự đã đánh vỗ mặt NATO, thế mà NATO vẫn chỉ có một số hành động trừng phạt cục bộ. Một nước Mỹ (thời TT Trump) ích kỷ và một châu Âu nhu nhược và không thống nhất hành động, một thái độ gần như đứng ngoài của Đức (nước lớn nhất trong thế giới phương Tây ở châu Âu), đã tạo điều kiện cho tham vọng của Nga, kích thích sự hung hăng của Nga. “Cái tường thấp mời gọi kẻ trộm” (tục ngữ Anh), và cái gì đến đã phải đến, Nga đã huy động tổng lực tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022. Lần thứ hai, Ukraine thành nạn nhân đáng thương gấp bội lần thứ nhất.

 

*

Câu hỏi 9: Việt Nam học được gì qua cuộc chiến Nga – Ukraine?

 

Trả lời: Việt Nam từ mấy chục năm nay cũng rơi vào tình thế bị đe dọa bởi một nước lớn láng giềng. Có rất nhiều điều học được qua cuộc chiến này. Tuy nhiên ở đây chỉ xin nêu ba điểm căn bản.

 

1. Ban đầu bị Nga tấn công, Ukraine rơi vào tình cảnh khá đơn độc, chỉ có Ba Lan và mấy nước nhỏ vùng Baltik trợ giúp tích cực. Nếu nhân dân Ukraine và TT. Zelensky không dũng cảm đương đầu với cuộc tấn công ồ ạt của Nga thì Ukraine đã nằm dưới gót giày của quân Nga chỉ sau nhiều nhất một tuần. Sức mạnh từ lòng yêu nước và ý chí bất khuất của người Ukraine nằm ngoài tất cả dự kiến của Nga lẫn phương Tây. Như vậy, nắm được lẽ phải, tin chắc ở lẽ phải, tự lực cánh sinh, cứu mình trước khi trời cứu, đó là yếu tố hàng đầu.

 

2. Tuy nhiên, nếu rơi vào cảnh bị xâm lược thì tự lực cánh sinh vẫn chưa đủ. Để kháng chiến lâu dài và chiến thắng không thể thiếu sự trợ giúp quốc tế. Ukraine hiện nay là như thế và Việt Nam trong quá khứ cũng đã từng như thế. Chỉ trong hơn hai tháng qua, ta thấy Ukraine càng đánh càng mạnh, trái lại, Nga càng đánh càng sa lầy. Là vì đằng sau Ukraine là châu Âu, và nhìn chung là cả nhân loại tiến bộ, trong đó có cả nhân dân Nga. Còn đằng sau tập đoàn hiếu chiến Nga đứng đầu là Putin, hầu như chẳng có ai, kể cả Trung Quốc.

 

3. Có những ý kiến nói tại sao Ukraine không chọn vị trí trung lập. Thực ra hiểu như thế là hết sức ấu trĩ, cho nên chúng tôi thấy cần làm rõ hai khái niệm “trung lập” và “liên minh”.

“Trung lập” theo nghĩa đen là “đứng giữa”, trong quan hệ quốc tế thuật ngữ này dùng để chỉ những nước không tham gia các xung đột quân sự, không tham gia các liên minh quân sự. Tuy nhiên, trung lập không có nghĩa là không phản ứng gì trước mọi đúng sai, phải trái. Giống như ra đường thấy một kẻ cướp giật thì ta phải giúp người bị nạn chống lại, chí ít là tri hô lên, chứ không phải bình thản cứ thế mà đi.

 

Thời Việt Nam đang kháng chiến chống xâm lược, nhiều nước trung lập đã ủng hộ Việt Nam cả tinh thần lẫn vật chất. Ví dụ như thái độ của Thụy Điển (một nước được coi là trung lập) trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Trung Quốc của Việt Nam, tháng 2/1979. Hồi ấy, người viết bài này đã rất cảm động khi thấy những người dân Thụy Điển xuống đường biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.

 

Vị trí trung lập không phải muốn là được. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thấy có lẽ Việt Nam chưa bao giờ trung lập và khi đứng trước tình thế tồn vong của dân tộc, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các liên minh. Ví dụ, trước khi quân Mông Nguyên đánh Đại Việt lần thứ hai (1285), vua Nguyên hỏi mượn đường Đại Việt để hành quân tiến đánh Chiêm Thành và yêu cầu Đại Việt cung cấp lương thực nữa (về danh nghĩa lúc đó Đại Việt là chư hầu của nhà Nguyên). Nhưng nhà Trần đã từ chối cả hai yêu cầu này. Chưa kết, nhà Trần còn đem quân vào giúp Chiêm Thành kháng chiến. Thực sự lúc ấy đã hình thành Liên minh Việt – Chiêm và và liên minh này đã góp phần quan trọng cho chiến thắng của cả hai dân tộc. (Nên nhớ là trước đó, Việt – Chiêm luôn luôn xung đột)

 

Hồi đang xảy Thế chiến II, tổ chức Việt Minh (tên đầy đủ: Việt Nam Độc lập Đồng minh), tiền thân của Chính phủ Lâm thời Việt Nam hồi Cách mạng tháng Tám, đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ các nước Đồng minh chống phát xít, cụ thể là Việt Minh đánh phát xít Nhật đang chiếm đóng Đông Dương lúc đó. Và cũng ngay từ lúc đó, Việt Minh đã đặt vấn đề “Phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII của Đảng CSVN, 19/5/1941).

 

Trong quan hệ quốc tế, xưa cũng như nay, phải có những điều kiện nào đó mới có thể trung lập. Nhìn chung, chỉ có thể chọn vị trí trung lập khi không có nhiều mối đe dọa và các bên đối lập phải cam kết giữ trung lập cho quốc gia thứ ba, coi nước này như một ranh giới an toàn cho cả hai bên. Còn liên minh, khi cần có gì mà ngại, nhất là khi phải chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn mình?

 

                      =================================

 

Hỏi đáp xung quanh cuộc chiến tranh Nga – Ukraine (Phần 1)

Đào Tiến Thi

08/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/08/hoi-dap-xung-quanh-cuoc-chien-tranh-nga-ukraina/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/1-26-696x392.jpg

Ảnh: Bản đồ Nga xâm lược Ukraina những giờ đầu tiên của ngày 24/2/2022, ngày đầu tiên Nga tấn công Ukraine. Nguồn: Sky News

 

Xung quanh cuộc chiến tranh Nga – Ukraine tôi thấy có quá nhiều ý kiến lầm lạc của người Việt Nam. Ngoại trừ số cố tình xuyên tạc, bóp méo vì động cơ nào đó, thì có một số khác, quả thực, thiếu hụt kiến thức nền lẫn những thông tin cần thiết. Vì vậy, chúng tôi muốn giúp độc giả nói chung, biết thêm sự thật, qua hình thức một số câu hỏi và trả lời.

 

Tuy nhiên, trong phạm vi hỏi và trả lời như vậy, thật khó mà nói cho đầy đủ. Hãy coi các câu trả lời này như những gợi ý để quý vị tìm hiểu tiếp. Mặt khác, rất có thể chúng tôi sai sót, quý vị nào biết, xin hãy bổ sung, góp ý để chúng tôi sửa chữa, đính chính kịp thời.

 

*

Câu hỏi 1: Nga và Ukraina có quan hệ với nhau như thế nào?

 

Đáp: Nga là nước có lãnh thổ nằm ở cả hai châu lục – Âu và Á. Phần châu Âu nhỏ hơn nhưng là trung tâm văn minh của nước Nga, cho nên Nga có quan hệ với châu Âu nhiều hơn hẳn châu Á. Phần châu Âu của Nga tiếp giáp với các nước Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Belarus, Ukraine. Ngoại trừ Phần Lan, năm nước còn lại đều từng nằm trong Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô) trong thời gian tồn tại của nhà nước này. Trong năm nước láng giềng trên của Nga, Ukraine là nước lớn nhất, còn nếu đặt trong cả 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô thời đó thì Ukraine là nước lớn thứ hai, chỉ sau Nga (Kazakhstan tuy có diện tích lớn hơn Ukraine nhưng dân số ít hơn và vai trò trong Liên bang thấp hơn).

 

Tháng 7/1990 khi Ukraine “rục rịch” ngỏ ý muốn ra khỏi Liên Xô thì số phận của Liên Xô cũng coi như sắp được định đoạt, vì vai trò thứ hai của Ukraine như đã nói.

 

Tại hội nghị Brest (Belarus) ngày 8/12, tiếp sau là hội nghị Alma Ata (Kazakhstan) ngày 21/12/1990, lãnh đạo ba nước Belarus, Nga và Ukraine chính thức tuyên bố giải tán Liên Xô mà không cần đến ý kiến của 12 nước còn lại. Điều này càng chứng tỏ vai trò của Ukraine trong Liên Xô.

 

Ukraine có đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, vựa lúa mì, nguồn cung cấp lương thực chính cho cả Liên Xô trước đây. Thời chiến tranh, miền Bắc Việt Nam ta đói triền miên, phải nhận nhiều viện trợ lương thực của Liên Xô và các nước XHCN, chắc hẳn trong số bột mì mà những người tuổi 50 trở lên hiện nay đã từng ăn để sổng qua những năm đói khát đó, chủ yếu do nhân dân Ukraina chia sẻ.

 

Đáng tiếc, nhiều người cho đến nay vẫn đồng nhất Nga với Liên Xô, đồng thời lại tưởng Ukraine nằm ngoài Liên Xô. Sai lầm thứ nhất có thể tha thứ ít nhiều nhưng sai lầm thứ hai thì không thể, càng không thể chấp nhận khi có người còn coi Ukraine là một nước lạc hậu, tương tự Afganistan và TT. Zelensky như kẻ khủng bố và kỳ thị dân tộc.

 

*

Câu hỏi 2: Trong lịch sử, Nga và Ukraine từng có quan hệ với nhau như thế nào?

 

Đáp: Đây là hai nước láng giềng có nhiều tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, đều có chung một gốc. Đại để như sau:

 

Khoảng thế kỷ V, VI, người Slav sinh sống khắp vùng Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu và sau này trở thành thủy tổ của nhiều dân tộc (Nga, Ukraine, Ba Lan, Séc, Bungaria,…) Đến thế kỷ IX, khu vực Ukraina ngày nay là trung tâm của người Slav, tại đây quốc gia Kiev được thiết lập, đời sau thường gọi là nước Nga Kiev hay nước Nga cổ.

 

Đến thế kỷ XII, nước Nga Kiev tan rã thành các công quốc nhỏ và sau đó đều bị người Mông Cổ thống trị. Thế kỷ XIV, vùng đất Ukraine ngày nay rơi vào tay Ba Lan và Litva.

 

Đầu thế kỷ XV, phần đất phía đông bắc Ukraine, công quốc Moskva lớn mạnh dần, rồi họ đánh đuổi được quân Mông Cổ (1480) và thành lập nhà nước Nga Moskva. Nước Nga Moskva ngày càng lớn mạnh, đến đầu thế kỷ XVII, thôn tính miền tây Sibir, nhiều nước ở Trung Á, Ukraine. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, Nga trở trở thành một đế quốc lớn. Ukraine khi thuộc Nga, khi thuộc Ba Lan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhìn chung là thuộc địa hoặc lệ thuộc Nga.

 

Năm 1917 nổ ra Cách mạng tháng Mười ở Nga, sự kiện này cũng chấn động sang Ukraine. Trong hy vọng giải phóng khỏi áp bức giai cấp lẫn áp bức dân tộc, người dân Ukraine đã chào đón Cách mạng tháng Mười. Năm 1921, bị Ba Lan tấn công, Nga giúp Ukraine đánh bật Ba Lan ra khỏi lãnh thổ và năm 1922 Ukraine gia nhập Liên Xô.

 

Nói về Nga, suốt mấy thế kỷ, là đế quốc lớn nhưng kinh tế, khoa học, kỹ nghệ của Nga vẫn chậm phát triển, lạc hậu hơn nhiều so với Tây Âu cùng thời kỳ. “Lịch sử đế chế Nga là một chuỗi các cuộc chinh phục quân sự liên miên đan xen với những cải cách nội bộ” (nhận định của tác giả “252 quốc gia và vùng lãnh thổ, NXB Thế giới, 2005). Các cuộc “cải cách nội bộ” đó do những Sa hoàng có tài tiến hành, như Pier Đại đế (trị vì 1682 –1725), Nữ hoàng Ekateril II ((1762 –1796), Alesandr I ((1801–1825) nhưng cũng chỉ giúp Nga chấn hưng một thời gian và chủ yếu làm cho Nga lớn mạnh về mặt quân sự. Đế quốc Nga mấy trăm năm là “nhà tù của các dân tộc”. Thời cận, hiện đại, nước Nga luôn bế tắc, chỉ chạm đến lằn ranh cải cách theo mô hình phương Tây, để rồi sau đó tư tưởng bảo thủ muốn duy trì chế độ độc tài vẫn thắng thế.

 

*

Câu hỏi 3: Có người nói, Ukraine là nước láng giềng vốn có nhiều quan hệ với Nga, văn hóa tương đồng với Nga, thế mà gần đây lại xích gần với phương Tây, thật đáng bị Nga “chinh phạt”, nói như thế, đúng hay sai?

 

Trả lời: Mở đầu Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

 

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do“.

 

Như vậy, việc chơi với nước nào là quyền của dân tộc Ukraina, đó là chân lý hiển nhiên và bất khả xâm phạm. Hãy nghĩ đến việc một gã hàng xóm của bạn bỗng nhiên tức tối, hằn học chỉ vì bạn chơi với ai đó mà hắn không ưa. Hắn cấm bạn chơi với người kia, bạn không nghe, thế là hắn lao vào đánh bạn bằng những đòn tàn bạo nhất. Như thế bạn có có chịu nổi không?

 

Mặt khác, một Ukraine tương đồng về văn hóa, vốn có nhiều quan hệ với Nga trong lịch sử, đặc biệt mới cách đây chưa lâu, còn là một nước anh em cùng nằm trong Liên bang Xô viết, thế mà nay họ muốn tránh xa Nga, xích lại với phương Tây, thì Nga phải xem lại mình, “mình thế nào người ta mới thế chứ”?

 

*

Câu hỏi 4: Tại sao Ukraine không chịu thân Nga mà lại thân phương Tây?

 

Đáp: Từ sau Thế chiến II, thuật ngữ “phương Tây” được sử dụng với nghĩa rộng bao gồm toàn bộ thế giới tư bản (thế giới theo chính thể dân chủ) trong thế đối lập với thế giới XHCN và một số nước, theo thói quen, không được coi là phương Tây, như Nga, Nhật Bản. Ấn Độ.

 

Không hiểu sao nhiều người khi luận bàn chuyện chính trị, hễ cứ nói đến phương Tây thì họ mặc định ngay đó là một thế giới xấu xa, thế giới thuộc về kẻ thù, trong khi tất cả các mặt khác họ đều hướng về trời Tây: muốn làm ăn với Tây, muốn được Tây tài trợ của cho một dự án giáo dục, khoa học, văn hóa,… Thậm chí trước một hành động ngang ngược của Tàu với Việt Nam, họ chỉ muốn Tây trừng phạt Tàu thay cho mình. Những chuyện thiết thân với quyền lợi cá nhân, sự hướng Tây càng mãnh liệt hơn: mua sắm đồ Tây, mua nhà bên Tây, tiền gửi ngân hàng bên Tây, cho con đi du học Tây với ý định “một đi không trở lại”, có khi còn lo “lót ổ” cho cả gia đình nữa!

 

Những điều trên không chỉ diễn ra ở thời mở cửa với phương Tây mà diễn ra ngay từ hồi còn sự đối lập giữa hai phe. Cái thời các trí thức Việt Nam được một suất đi Liên Xô hay các nước Đông Âu (nghiên cứu sinh, hội thảo, tham quan, dự một khóa tập huấn,…) đã là dịp tràn may hiếm có, được họ gọi là đi “cứu nước cứu nhà”, nhưng sẽ sung sướng hơn nhiều, nếu đi một nước phương Tây. Lúc ấy có câu “Một tháng đi Pháp bằng cả một giáp đi Nga”, mặc dù đi Pháp (hay phương Tây nói chung) đầy oái oăm, hệ lụy, như bị tra xét rất kĩ lý lịch, đi đâu có công an mật theo dõi từng bước.

 

Phương Tây bao gồm nhiều nước lớn, có nền văn hóa, văn minh mà mấy trăm năm nay có sức chi phối đến toàn nhân loại, như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Canada, Australia. Sau khi Liên Xô và Đông Âu XHCN sụp đổ, đồng nghĩa với Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng lúc, toàn cầu hóa bắt đầu, thì chính Việt Nam cũng dần có quan hệ rộng rãi với thế giới phương Tây. Trong quan hệ Việt Nam – phương Tây hiện nay, các chính phủ phương Tây nhìn chung đã bỏ qua rào cản thể chế chính trị, không những hợp tác mà còn tích cực giúp đỡ Việt Nam. Hàng trăm triệu liều vaccine phòng dịch covid-19 vừa qua là một ví dụ. Ngoài hợp tác, giúp đỡ trên phương diện chính phủ là hàng loạt sự hợp tác, giúp đỡ khác qua các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân. Tiền từ các công dân phương Tây gốc Việt gửi về Việt Nam hằng năm cho thân nhân hoặc làm từ thiện không hề nhỏ.

 

Phương Tây cũng có nhiều cái xấu, nhiều vấn đề nan giải, nhưng đó đều là những vấn đề chung của nhân loại thời hiện đại, không loại trừ nước nào (văn minh tiến bộ đến đâu thì cái xấu, cái ác cũng “tiến bộ” đến đấy, đó là quy luật). Trong hành động cụ thể, phương Tây cũng có không ít sai lầm, tuy nhiên, nhìn chung phương Tây vẫn tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của nhân loại.

 

*

Câu hỏi 5: Tại sao nhiều nước châu Âu muốn gia nhập NATO?

 

Đáp: NATO là một phần của thế giới phương Tây, về mặt liên minh quân sự. Tên đầy đủ của NATO là “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương” (North Atlantic Treaty Organization) ban đầu chỉ lo việc phòng thủ cho Mỹ và một số nước ở Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu, trong thế đối đầu với khối Warszawa của phe XHCN nhưng về sau NATO được mở rộng hơn.

 

Nhiều người cho rằng lẽ ra khi khối Warszawa giải thể thì khối NATO cũng phải giải giải thể. Nghĩ như thế là không hiểu hiện tình châu Âu sau khi Liên Xô giải thể. Liên Xô giải thể nhưng Liên bang Nga được luật pháp quốc tế công nhận là nhà nước kế tục của Liên Xô, do đó Nga nghiễm nhiên được là một trong “ngũ cường” (bốn nước kia là Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc) làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Trong suốt thế kỷ XVIII và XIX, Nga là cường quốc và đã nhiều lần đối đầu với các cường quốc châu Âu để giành ngôi vị khu vực, nay Nga lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, vì vậy thế đối đầu Nga – phương Tây lập tức hình thành ngay sau khi giải thể Liên Xô. Không những một phương Tây cũ vẫn sợ Nga mà hàng loạt nước XHCN Trung – Đông Âu trước kia và các nước độc lập tách ra từ Liên Xô, nay không đi theo quỹ đạo của Nga, càng sợ Nga. Vì vậy, lần lượt họ xin gia nhập NATO để được bảo vệ: Ba Lan, Séc, Hungaria, Bungaria, Estonia, Latvia, Litva, Rumaina, Slovakia, Albania,…. Gần đây, sau khi Nga đánh Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan là những nước muốn giữ vị thế trung lập, cũng xin ra nhập NATO. Trước khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Ukraina cũng đề nghị gia nhập NATO nhưng bị từ NATO từ chối.

 

Việc các nước đồng minh cũ của Liên Xô và các nước thành viên trong Liên Xô (cũ) không muốn vào “khối Nga” mà muốn vào khối NATO thì chính Nga phải tự trách mình, “mình thế nào người ta mới thế chứ”?

 

(Còn nữa)





No comments:

Post a Comment

View My Stats