Sunday, 1 May 2022

HÒA GIẢI DÂN TỘC : HIỆN TRẠNG và TRIỂN VỌNG (Đỗ Kim Thêm)

 



Hoà giải Dân tộc: Hiện trạng và Triển vọng

Đỗ Kim Thêm

01/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/01/hoa-giai-dan-toc-hien-trang-va-trien-vong/

 

Hiện trạng

 

Kể từ ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, sau 47 năm, nhìn chung thời gian đã quá đủ để cho Việt Nam có thể hàn gắn mọi vết thương chiến tranh và lật qua một trang sử mới cho sự an bình, thịnh vượng và phát triển.

 

Ngược lại, thực tế cho đến ngày 30/4/2022, những nỗ lực hòa giải dân tộc đã thất bại. Phe thắng cuộc thu tóm được lãnh thổ nhưng không chinh phục lòng người miền Nam và dân miền Bắc càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu xa của “giải phóng”.

 

Thành quả của chiến thắng vinh quang là toàn dân đại bại và những người thành tâm chưa hề có chỗ đứng trong lòng dân tộc. Tuy thế, nhà cầm quyền vẫn chưa bừng tỉnh mà lại còn tiếp tục né tránh sự thật. Do đó, mối quan hệ của nhà cầm quyền đối với đại gia đình dân tộc vẫn mờ mịt và còn tiếp tục thất bại hiển nhiên là khó tránh.

 

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận là không có những nỗ lực hòa giải từ hai phía thắng lẫn thua, mà những thí dụ sau đây là điển hình.

 

Phe thắng cuộc

 

Ý thức hòa giải không thể hiện ngay sau Hiệp định Paris hay ngày 30/4/1975 vì phe thắng cuộc còn đang say men chiến thắng. Về sau, có ít nhiều nhà lãnh đạo càng tiếp xúc nhiều với dân miền Nam, đã bắt đầu có ý thức này, mà tiêu biểu nhất là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Về mặt tình cảm, ông đã nhận xét rất đúng về hậu quả chiến tranh: “… khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành, thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.

 

Khi so sánh nỗ lực hòa giải của nhà cầm quyền với kẻ thù Mỹ và toàn dân, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngạc nhiên khi tự hỏi: “Sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài … gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta, thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà … thì lại chưa hòa giải được với nhau”.

 

Dù một vài nhân vật của phe thắng cuộc nhận thức được vai trò của hòa giải, nhưng lúc đầu, họ vẫn chưa tạo được các chuyển biến cho tiến trình hòa giải, vì còn cần đến cả một trào lưu.

 

Về sau, khi Nghị quyết 36, một chính sách mới của Đảng ra đời để chiêu dụ các “khúc ruột ngàn dậm”, thì mới có một sự thay đổi đáng kể.

 

Thực ra, Nghị quyết của Đảng là quyết định có thái độ ban phát một chiều, không phải là sự tương thuận của hai phía trong tinh thần hòa giải và tôn trọng lẫn nhau. Đảng cũng không có một khuôn khổ pháp luật nào để xây dựng cho tiến trình thêm vững chắc, mà chỉ xem số lượng kiều hối hằng năm làm thước đo xem hòa giải có thành công hay không.

 

Tuy biết thế, nhưng một vài khuôn mặt quan trọng của phe thua cuộc cũng tham gia qua nhiều hình thức khác nhau, mà các trường hợp sau đây là các thí dụ.

 

Phe thua cuộc

 

Tiêu biểu nhất cho tiếng nói phe thua cuộc là cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Khi về nước để làm chiếc cầu nối khởi đầu cho người Việt hải ngoại, ông tuyên bố: “… nhiệm vụ của mỗi công dân trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai”.

 

Sau nhiều lần vận động dư luận, ông Kỳ thú nhận là không đạt kết quả: “… cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai… tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái… muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.

 

Kết quả là ông Kỳ không giúp được gì cho mục tiêu chính của nhà cầm quyền. Ông mất năm 2011 và không được ca tụng hay thương tiếc; nhưng ông đã tạo thêm phân hoá cho người Việt hải ngoại, hầu hết kết án ông là phản bội, thiếu liêm khiết và can trường của người chiến bại.

 

Có nhiều giải thích về động lực của ông Kỳ khi về nước, không ai có thể tin là ông có tinh thần tự nguyện, mà do sự thu xếp của nhà cầm quyền, trực tiếp nhất là ông Nguyễn Đình Bin. Về sau, Trịnh Xuân Thanh khi trốn chạy sang Đức có lên tiếng tố giác là ông Kỳ bị mua chuộc bằng rất nhiều tiền cho việc trở về này.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy, dù không phải nhà một nhân vật quan trọng trong chính giới miền Nam, nhưng là một cây đại thụ trong làng âm nhạc. Ông theo Việt Minh tham gia kháng chiến rồi lại bỏ quay về Hà Nội. Sau năm 1954, ông di cư vào Nam và năm 1975 sang Mỹ tỵ nạn. Trong các thời kỳ khác nhau, ông có những nhạc phẩm đấu tranh nổi danh.

 

Tuổi già xế bóng, ông không còn quan tâm đến chính trị và muốn trở về Việt Nam sống, nhưng gặp phải phản ứng dữ dội của nhiều người yêu nhạc. Cuối cùng, bất chấp dư luận, ông quyết định: “người Việt Nam ở Mỹ, hay đi hải ngoại rồi, muốn nghĩ gì thì nghĩ, tôi không quan tâm”.

 

Đối với sự thay đổi trên quê hương, ông không lo cho đại cuộc hòa giải, mà chỉ nhận xét đơn thuần: “Đời sống của dân mình tôi thấy đã thay đổi hoàn toàn, ngay cả làng mạc nay cũng khang trang, sạch sẽ. Người nông dân tuy còn đi cày, nhưng trên bờ ruộng lại có chiếc Honda, không phải lội bộ như ngày xưa”.

 

Ông qua đời năm 2013 và không có một đóng góp đáng kể nào cho việc hòa giải ngoài việc làm sống lại một số nhạc phẩm đã bị cấm phổ biến trước đâyTrào lưu thưởng ngoạn của thế hệ hậu chiến thay đổi, họ không còn hâm mộ nhạc của ông, mà là nhạc Boléro.

 

Một cao tăng Phật giáo lừng danh quốc tế trong phong trào kêu gọi cho hòa bình Việt Nam và có nhiều công đức hoằng pháp qua phép tu Chánh niệm tại phương Tây là Thiền sư Nhất Hạnh cũng về nước.

 

Không trực tiếp dấn thân cho việc hòa giải mà thực ra Thiền sư Nhất Hạnh muốn chấn hưng Phật giáo đang suy đồi bằng cách truyền dạy Pháp môn Làng Mai và xây dựng chùa Bát Nhã ở Đà Lạt, Lâm Đồng làm nơi tu tập cho môn sinh.

 

Lúc đầu, Thiền sư được các cấp lãnh đạo hoan nghênh chào đón, hội kiến và cho phép Làng Mai hoạt động. Sau khi Làng Mai bắt đầu hoạt động từ năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh có yêu cầu là Ban Tôn giáo Chính phủ và công an không có quyền can dự sinh hoạt của tu viện Bát Nhã, Làng Mai không cần liên hệ đến Giáo hội Phật giáo Quốc doanh và chịu sự lãnh đạo của Đảng.

 

Từ sự dị biệt quan điểm này, nhà cầm quyền quyết định giải tán tu viện vì xem Bát Nhã là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và xem thiền sư Nhất Hạnh là “vi phạm pháp luật” và có “ý đồ chính trị”.

 

Biến cố Bát Nhã gây nhiều chấn động trong công luận vì công an không chính thức ra tay mà lại mượn côn đồ gây mọi trò bỉ ổi để không cho tu viện hoạt động, buộc tăng sinh phải ra đi và cuối cùng để chiếm đoạt toàn bộ cơ sở khang trang trị giá nhiều triệu đô la.

 

Một sự kiện liên hệ đến hòa giải là Phật giáo Quốc doanh trực tiếp can thiệp nghi thức cầu siêu, do Thiền sư Nhất Hạnh đứng ra tổ chức. Trong cả ba buổi cầu siêu, Thiền sư muốn cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân trong chiến tranh, trong đó có các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và tù nhân bị cải tạo và thuyền nhân vượt biên. Ngược lại, Hoà thượng Thích Trí Quảng, hiện đang là Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Trung ương, lúc đó dựa theo quan điểm chính thức của Đảng để phản đối và yêu cầu các buổi lễ chỉ nên riêng dành cho những “liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

 

Nhiều vấn đề liên quan đến Thiền sư trong chuyến về nước đã được công luận bàn cải sôi nổi mà các điểm có liên quan đến hòa giải cần nêu lên ở đây.

 

Một là, Việt Nam không có chủ trương hòa giải, cụ thể là không cho phép cầu siêu những người khác chiến tuyến đã nằm xuống. Ban Tôn giáo cũng không phân biệt hai phạm vi tự do tôn giáo và chính trị.

 

Hai là, Thiền sư Nhất Hạnh thất bại trong việc hòa giải giữa Giáo hội Quốc doanh và Giáo hội Thống nhất, một tổ chức tiền thân do Thương Toạ Thích Quảng Độ lãnh đạo.

 

Ba là, Thiền sư Nhất Hạnh đã không dám công khai đối đầu với nhà cầm quyền để tranh đấu cho tự do tôn giáo. Khi tu viện Bát Nhã bị tịch thu và các môn sinh bị trục xuất, Thiền sư sử dụng tên Nguyễn Lang, một bút danh trước đây, để viết thư thỉnh nguyện. Đây là một việc làm ôn hòa, nhưng né tránh, không mang chính danh, chính ngữ và đạt hiệu quả.

 

Các thí dụ điển hình cho thấy, nỗ lực hòa giải thất bại đối với thế hệ trước đây. Ngược lại, thế hệ hậu chiến không có vấn đề quá khứ nên không có nhu cầu hòa giải, nhưng việc xây dựng đất nước và dân chủ hoá mang nhiều sắc thái khác hơn, nếu thành công, Việt Nam sẽ không còn việc hòa giải. Người Việt hải ngoại và du học sinh là những đối tượng tiêu biểu cho trào lưu này.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/2-696x415.jpg

Bức ảnh “Hai người lính” VNCH và CSVN mang thông điệp hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nguồn: Internet

 

Người Việt hải ngoại

 

Người Việt hải ngoại không trực tiếp nêu lên nhu cầu hòa giải chính trị, mà chỉ lo đóng góp vật chất cho việc xây dựng đất nước, dù có một số không nhỏ có quá khứ tham chiến. Hai lĩnh vực mà nhà cầm quyền luôn tự hào về các thành quả của người Việt hải ngoại là đầu tư kinh tế và kiều hối.

 

Tính đến cuối năm 2020, người Việt hải ngoại đã có trên 360 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn 1,6 tỉ đô la. Số lượng kiều hối trong năm 2021 đạt 18,06 tỉ đô la, tương đương 5% GDP của Việt Nam.

 

Thực tâm, người Việt hải ngoại muốn dùng kiều hối để giúp cho thân nhân là chính, nhưng hậu quả cuối cùng là tiếp tay dung dưỡng cho chế độ. Đối với nhà cầm quyền, kiều hối là ân huệ trời ban, vì không phải lo các điều kiện hoàn lại và bị kiểm soát như khi phải đàm phán với các nước phương Tây trong các chương trình viện trợ phát triển.

 

Nếu đem hai thành tích này so với số trên năm triệu người gốc Việt đang sinh sống và làm việc khắp thế giới, thì phải xem đây là một đóng góp còn quá khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng. Chính vì thế mà nhà cầm quyền còn mong tìm nhiều cơ hội khác để khai thác nhiều hơn.

 

Lý do chính là tài sản của người gốc Việt không phải chỉ có nơi kho báu vật chất, mà là tài năng trí tuệ. Hiện nay, trên 700.000 chuyên gia khoa học khác nhau làm rạng danh cho người Việt tại các nước đang định cư. Nếu tất cả đồng loạt trở về để cống hiến tài năng cho đất nước, thì Việt Nam vừa không mất phí tổn đào tạo, vừa sử dụng ngay các kinh nghiệm quốc tế. Đó là lợi thế tối ưu để chấp cánh thiên thần bay cao trong nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã ý thức vấn đề này và đưa ra nhiều chương trình thu hút nhân tài, nhưng không gây được tiếng vang.

 

Thực tế là trái lại. Theo một ước lượng, số người về nước làm việc mỗi năm chưa đến một ngàn, vài trăm là chính xác hơn, đa số chỉ tham gia trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế và hầu như không có ý định sống lâu dài ở Việt Nam.

 

Mặc dù yếu tố văn hoá, kinh tế, thời tiết có thuận lợi cho người Việt hải ngoại, nhưng thể chế chính trị vẫn là mối bận tâm chính. Chế độ độc tài đảng trị, thái độ gia trưởng trong hệ thống công quyền, quốc nạn tham nhũng, vi phạm nhân quyền là các thí dụ.

 

Nhà cầm quyền phải thú nhận rằng, có nhiều người Việt hải ngoại “còn thành kiến, mặc cảm đã thể hiện sự bất mãn, tiêu cực, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, tuyên truyền sai sự thật, kích động kiều bào, phá hoại mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước”.

 

Du học sinh

 

Du học sinh không bị ràng buộc bởi quá khứ chia rẽ, nên việc hòa giải không cần đặt ra. Nhiều người thiết tha với việc dân chủ hóa cho đất nước, cho rằng khi họ ra nước ngoài, sẽ hấp thụ giá trị dân chủ và về nước sẽ làm ngọn đuốc soi đường để giúp dân chủ hoá quê hương. Với thời gian, việc đổi mới cho đất nước có cơ may thành tựu và việc hòa giải cũng nhờ thế mà âm thầm kết thúc.

 

Theo một thống kê gần đây, hiện đang có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Úc 30.000, Mỹ 29.000, Canada 21.000, Anh 12.000, Trung Quốc 11.000.

 

Sự thật về các thành tựu của du học sinh cũng làm cho các nhà đấu tranh dân chủ đau lòng và nhà cầm quyền cũng thất vọng không kém. Nguyện vọng của hầu hết các du học sinh đều không muốn về nước để phục vụ. Có nhiều lý do để giải thích cho thái độ này, không hẳn là lựa chọn cá nhân mà phản ảnh một thái độ chính trị.

 

Các quốc gia phương Tây có chủ trương thu hút nhân tài, không quan tâm đến chính kiến hay lối sống riêng tư, không phân biệt nguồn gốc hay gia thế, mà mục tiêu chính là tạo điều kiện để phát triển chuyên môn. Chủ trương này khác hẳn với chính sách “hạt giống đỏ” của Việt Nam hiện nay. Vì “hồng hơn chuyên”, nên các “thái tử Đảng” có ưu quyền để chiếm ưu thế trong các chức vụ lãnh đạo.

 

Lý do ở lại của các du học sinh còn có tiềm ẩn khác. Hầu hết tìm cách nhập cư, tìm việc và kết hôn, mọi hình thức hợp pháp nhằm tạo cầu nối “đoàn tụ” cho cha mẹ và anh em.

 

Do cách hạ cánh an toàn này mà nhà cầm quyền nhận ra một thất bại khác. Du học sinh lạm dụng tiền đóng thuế của dân qua hình thức ngân sách tài trợ, cuối cùng, có kết quả là việc đoàn tụ gia đình tại hải ngoại ngày càng gia tăng và cả hai việc thất thoát nhân tài và tiền ngân sách không có cách thu hồi.

 

Tóm lại, người Việt hải ngoại và du học sinh sẽ không đóng góp gì nhiều cho hai mục tiêu xây dựng đất nước và dân chủ hoá. Do đó, vấn đề hòa giải cũng còn tồn động.

 

Triển vọng

 

Trước hiện tình này, vấn đề được đặt ra là liệu nhà cầm quyền có đủ can đảm để cải thiện tiến trình hòa giải dân tộc không. Cho đến nay, câu trả lời là không, hay đúng hơn là vẫn còn né tránh.

 

Né tránh là một thái độ khôn ngoan vì thế hệ tham chiến lần lượt ra đi và thế hệ hậu chiến không quan tâm đến quá khứ lịch sử. Với thời gian trôi qua, nhu cầu hòa giải sẽ được kết thúc trong âm thầm.

 

May mắn lớn nhất cho nhà cầm quyền là trào lưu quốc tế vô cùng biến động, dịch bịnh COVID-19 hoành hành và kinh tế suy sụp là những thách thức mới, nên các tiếng nói chống Cộng ở hải ngoại hay hòa giải trong nước không còn nhiều và quốc tế không còn quan tâm như trước.

 

Do đó, mọi ước vọng của người dân trở nên thực tế hơn, đó là sức khoẻ cá nhân và bình yên gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Trực diện đấu tranh với nhà cầm quyền chỉ khi nào quyền lợi bị trực tiếp bị tổn thương.

 

Công nhân có thể còn tranh đấu cho quyền lợi, nông dân còn lên tiếng nói để đòi bồi thường trong các cụ tranh chấp đất đai thoả đáng hơn. Nhưng các đòi hỏi vật chất này không có nguy cơ làm náo động xã hội nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

 

Nhìn chung, toàn dân có một ước muốn là đất nước an bình và thịnh vượng, được nhà cầm quyền bảo vệ dân quyền. Đó là một khuôn khổ để xây dựng lại các mối quan hệ cho toàn xã hội.

 

Chính một tinh thần đồng thuận về mọi giá trị chính trị trở thành niềm tin trong việc tạo lập một cộng đồng xã hội cho tương lai. Trong tiến trình này, luật pháp đóng vai trò quan trọng nhất.

 

Tuân hành luật pháp là điều kiện tiên quyết để cho thể chế chính trị bảo vệ các thành phần dị biệt trong xã hội. Khuôn khổ tuân hành là nhà cầm quyền phải tạo điều kiện cho tất cả các thành phần dân tộc, các xu hướng chính trị, các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật, thực thi dân chủ, tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Sự đồng tình của toàn dân trong bối cảnh mới sẽ đem lại ý nghĩa cho sự chung sống.

 

Nhìn lại quá khứ, một thực tế không thể tranh cãi là các vấn đề khuất tất lịch sử đã không được soi sáng. Kết quả là cho đến ngày nay, nhà cầm quyền vẫn còn tranh đoạt trắng trợn thành tích giành độc lập dân tộc, dùng các thủ đoạn gian dối, né tránh, độc quyền giải thích lịch sử, tìm mọi cách khơi dậy thù nghịch và đe dọa sử dụng bạo lực đảng quyền. Đó cũng chính là điểm bi thương nhất cho lịch sử cận đại.

 

Điều may mắn cho dân tộc là bia miệng vẫn còn truyền tụng các sự thật. Lịch sử truyền khẩu sẽ không bao giờ quên được tội ác của Việt Minh và Việt Cộng gây ra, mà việc sát hại Đức Huỳnh Giáo Chủ, đàn áp Phật giáo Hoà Hảo và thảm sát người dân vô tội ở Huế vào dịp Tết Mậu Thân là hai thí dụ chính. Trong thời đại văn minh, các hình thức độc quyền ban phát chân lý lịch sử không phải là tiếng nói của lương tri và đạo đức.

 

Vì sự thật sẽ mãi mãi tồn tại và giải phóng cho chúng ta, nên nhà cầm quyền không còn có lợi gì khi tiếp tục chính sách giáo dục ngu dân bằng cách xoá bỏ sự thật lịch sử. Thời thế đổi thay, mọi nhận thức về quá khứ vinh quang của một đất nước anh hùng cần được xét lại nghiêm chỉnh.

 

Đối với các tồn đọng trong quá khứ, không còn cách nào tốt đẹp hơn cho nhà cầm quyền là phải có trách nhiệm làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử và hàn gắn những chấn thương tâm lý cho toàn dân.

 

Còn trong hiện tại, sự sợ hãi thường trực đang làm cho nhà cầm quyền lo, tạo ra mọi phương tiện cần thiết để duy trì bạo lực độc tài, mà đúng ra là cần trực tiếp và thành tâm đối thoại với các thành phần đối kháng, không nên hoang tưởng xem tất cả là các thế lực thù địch đang chống phá chế độ. Không thể tổng quát hoá rằng ai có quan điểm đối lập chính trị cũng đều là những phần tử suy thoái đạo đức và phản động.

 

Trong chiều hướng này, nhà cầm quyền phải phản tỉnh để tìm lại nguyện vọng trung thực của toàn dân. Ý thức mới này, nếu nhận ra được, trở thành một giải pháp mới cần thực thi.

Các bế tắc về lý thuyết của đảng CSVN cần phải được bổ sung. Thực tế là nền kinh tế thị trường theo XHCH sinh ra một quái thai là tư bản thân tộc, một hình thức giai cấp bóc lột mới và gây bao bất công cho xã hội.

 

Thực thi chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới, nếu được cải cách, có nghĩa là, không hô hào độc tôn đảng quyền và bạo lực sắt máu để bảo vệ cho thân tộc mà là trong tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp và đem phúc lợi cho toàn dân, đó chính là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp dụng thành công.

 

Kết luận

 

Đất nước đang đứng trước các thách thức nghiêm trọng, Việt Nam không thể tiếp tục tìm sự bao che của các cường quốc để duy trì chế độ mà quên đi sức mạnh dân tộc. Ngược lại, chính sức mạnh dân tộc mới là chỗ dựa vững chắc và tinh thần đoàn kết Diên Hồng là một khởi điểm tất yếu cho việc khởi động lại tinh thần hòa giải dân tộc.

 

Thành tâm xoá bỏ hận thù là tìm hiểu và mến yêu người sai phạm. Tha thứ và hiểu nhau là vì đã tìm thấy lại nhau trong một quá khứ chung lầm lạc. Mọi người bắt đầu yêu mến nhau là vì nhận ra rằng có cùng chung số phận và ý chí để lo xây dựng đất nước.

 

Nếu các nỗ lực soi sáng lịch sử và thành tâm khép lại quá khứ của nhà cầm quyền thành công, thì một mạng lưới quang minh chính đại trong mối quan hệ toàn xã hội sẽ dần dà thành hình.

 

Trong triển vọng này, tiến trình hòa giải cho đại gia đình dân tộc có điều kiện khả thi khởi đầu và hợp tác quốc tế để phát huy nội lực là vấn đề hỗ trợ thứ yếu.

______

 

Bài liên quan

 

Hoài niệm và phản tỉnh về ngày 30 tháng 4 năm 1975

 

Chuyện thắng thua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975





No comments:

Post a Comment

View My Stats