Hiện
trạng quan chức địa phương giàu nhanh, “tài sản khủng” nhìn từ khía cạnh thể chế
Bài phân tích của TS. Phạm Quý
Thọ
2022.05.22
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-local-leaders-become-rich-so-fast-05222022075446.html
Chính
sách phân quyền cho địa phương là thiết yếu cho chuyển đổi thị trường, nhưng
thiếu cơ chế phù hợp và hiệu quả kiểm soát lạm quyền đã dẫn đến hiện trạng quan
chức địa phương giàu nhanh, “tài sản khủng” bất chính.
Ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch TP Hạ Long .
Báo Quảng Ninh, AFP, RFA edi
Việc ông Phạm Hồng Hà - nguyên Chủ tịch
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị Cơ quan Công An khởi tố bắt giam hôm 14/5
khiến dư luận ‘xôn xao’ không chỉ vì lý do về tội 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ' theo Điều 356 Bộ Luật Hình sự, mà còn vì khối tài sản
khủng của ông này.
Các báo Nhà nước đồng loạt đưa tin rằng ông này có biệt thự sang trọng trên lô
đất rộng khoảng 400 m2 mặt đường bao biển Hạ Long và, nếu ước tính theo thị trường
hiện tại, thì nhà và đất ở đó có giá không dưới 170 tỷ. Ngoài ra, ông còn có bốn
chiếc xe hạng sang có trị giá hàng chục tỷ đồng, là tài sản ‘bề nổi’ cũng bị
thu giữ để phục vụ công tác điều tra…
Đây không
còn là các hiện tượng đơn lẻ khi báo chí đưa tin ngày càng nhiều, công khai, mô
tả đích danh những biệt thự, xe sang - bề nổi tài sản ‘khủng’ của các ông chủ
là các quan chức, thường là sau khi đã ‘hạ cánh an toàn’ nghỉ hưu hay đã và
đang có vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật. Báo chí Nhà nước đã được “bật
đèn xanh” để tham gia, mà trước hết là tạo sức ép từ công luận. Các bài viết đặt
vấn đề “Dàn xe tiền tỉ của nguyên Chủ tịch TP Hạ Long khiến nhiều người
bàn tán” (Báo Vietnamnet.vn, 18/5/2022). Rõ ràng rằng việc một quan chức
hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh, tương đương cấp huyện, nhưng có khối
tài sản ‘khủng’ như vậy là “chuyện động trời”. Con số 170 tỷ mới chỉ là ước
tính giá trị “của nổi”, nhưng đã lớn hơn với mức thu nội địa vào ngân sách của
huyện Đầm Hà (127 tỷ), một huyện ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh có số dân gần
48 nghìn người!
Căn biệt thự
của ông Phạm Hồng Hà ở TP Quảng Ninh. Báo Thanh Tra
Thời gian
đầu khi Đảng thừa nhận tham nhũng trầm trọng và đề ra chính sách phòng chống tham
nhũng (PCTN) , đặc biệt sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN năm 2013,
các nỗ lực dường như tập trung trừng phạt những những quan chức, đối thủ suy
thoái tư tưởng, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” ra khỏi tổ chức, nhất là ở trung
ương. Các tài sản ‘khủng’ bề nổi của quan chức chỉ được biết ‘mập mờ’ trên các
trang mạng ngoài lề, không chính thức, nhưng những thông tin chi tiết về vị trí
các biệt thự, xe sang mà gia đình họ sở hữu, con cái họ học ở nước ngoài nào…
khiến dư luận nghĩ về mức độ giàu có của quan chức. Nay, chiến dịch PCTN mở rộng
xuống các địa phương cấp tỉnh, những vị cựu quan chức cấp tỉnh bị kỷ luật đảng
và truy tố pháp luật nhiều hơn kèm theo đó là thúc đẩy việc thu hồi tài sản
tham nhũng.
Nguyên
nhân nào khiến quan chức cấp tỉnh giàu nhanh và có tài sản ‘khủng’? Đảng nhận định
sự suy thoái tư tưởng đạo đức để phục vụ cho chính sách PCTN, nhưng đây là
nguyên nhân chủ quan. Cũng không thể đổ lỗi cho thị trường được vì nó vận hành
theo những quy luật khách quan, là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng đồng
thời có tác động tiêu cực từ những mặt trái của nó. Bởi vậy, đây là “lỗi hệ thống”,
cụ thể là cơ chế phân cấp phân quyền cho quan chức địa phương nhưng thiếu kiểm
soát tha hoá quyền lực hiệu quả thông qua cơ chế công khai minh bạch và giải
trình trách nhiệm.
Trước hết,
quá trình Trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương, về bản chất là ‘tản
quyền hay phi tập trung quyền lực khi công cụ điều hành và giám sát bằng kế hoạch
hoá tập trung không còn phù hợp, nhưng bị che phủ bởi bề ngoài là sự uỷ quyền
quản lý bởi Chính quyền trung ương, nhằm mục đích đáp ứng chuyển đổi thị trường.
Tuy không được độc lập nhưng chính quyền tỉnh, thành đã được tự chủ tương đối để
điều hành kinh tế xã hội ở địa phương.
Quá trình
này được thực hiện, khởi đầu “từ trên xuống dưới” và, nay những đòi hỏi quyền lớn
hơn “từ dưới lên”, ngày càng nhiều địa phương muốn có “cơ chế đặc thù”, lúc đầu
là “cơ chế thủ đô”, cho Hà Nội, thu chi ngân sách cho trung tâm kinh tế Thành
phố Hồ Chí Minh, nay Nghệ An, Thanh Hoá cũng ‘đòi’ cơ chế riêng cho địa phương
mình. Đã trở nên công khai và nhiều hơn những tít bài kiểu như “TP.Hồ Chí Minh
cần 10 lít xăng, cho 8 lít thì làm sao đi tới nơi” như Báo Tuổi trẻ 17-5-22 đưa
lời phát biểu của một Đại biểu Quốc hội TP.HCM và cho rằng TP cần đột phá hơn.
Quyền đi
đôi với lợi, muốn có lợi phải có quyền. Mối quan hệ trung ương - địa phương
đang thay đổi về nội dung và tính chất, từ đơn thuần hành chính sang thành quyền
lợi, sau đó là tính tự chủ về kinh tế và chính trị, từ phục tùng trung ương
sang thành đòi hỏi và thoả thuận.
Quá trình
‘tản quyền’ ngày càng nhanh khi nhu cầu chuyển đổi thị trường càng lớn và mang
xu hướng tất yếu. Nghĩa là, về cơ bản, không thể dừng lại hay quay lại cơ chế kế
hoạch hoá tập trung trước đây. Tuy nhiên, cải cách thể chế đã không theo kịp thực
tế chuyển đổi.
Các nhà cải
cách, lãnh đạo và điều hành, đã, ‘cố ý hay vô tình’, hiểu ‘sai lệch’ về tính
hai mặt của thị trường, khi coi nó chỉ là công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
như một sự đảm bảo duy trì chế độ, và quan niệm rằng thị trường không phải là
chủ nghĩa tư bản để ‘bảo vệ’ nền tảng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều. Từ
điểm xuất phát kinh tế thấp khi động lực kinh doanh được kích hoạt bởi thị trường,
trước hết đã đánh thức tiềm năng đất đai, tài nguyên và lao động để sản xuất
hàng hoá và tích luỹ tư bản để tăng trưởng nhanh chóng, khiến cho căn bệnh duy
ý chí của chế độ phát tác rằng Đảng CS có thể lãnh đạo kinh tế thị trường bằng
chính sách thực dụng trong bối cảnh toàn cầu hoá tương đối thuận lợi. Tuy
nhiên, cùng với thời gian dư địa tăng trưởng kinh tế đã cạn dần, tỷ lệ tăng giảm
sút, trồi sụt trong bối cảnh kinh tế không còn thuận lợi như trước, cải cách
chính trị không phù hợp, dẫn đến lạm quyền, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” tràn
lan, tự chống tham nhũng đòi hỏi chi phí cao, kém hiệu quả.
Các thể chế
hiện có như Hội đồng nhân dân các cấp và dân chủ cơ sở không phát huy được vai
trò và chức năng giám sát, vẫn mang tính ‘trang trí’, cơ cấu hình thức thay vì
thực quyền, khiến biên chế bộ máy “đông nhưng không mạnh”. Một số ‘sáng kiến’ cải
cách như “lồng thể chế nhốt quyền lực”, “minh bạch tài sản quan chức”, kiểm
soát tài sản là cơ chế hữu hiệu để chống tham nhũng là quan niệm đúng, nhưng đã
bế tắc trong môi trường tập trung quyền lực Đảng.
Quan chức
giàu lên nhanh chóng, lộ rõ không chỉ ở trung ương mà còn ở địa phương, không
thể giải thích được nguồn gốc đang là thực trạng nhức nhối không chỉ trong công
tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) mà còn là thách thức đối với cải
cách thể chế nói chung. Chính sách phân cấp, phân quyền cho địa phương, cho các
đơn vị sự nghiệp công lập là những nội dung lớn, quan trọng của cải cách chính
trị. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, nếu nó không gắn với việc kiểm soát tha
hoá quyền lực phù hợp và hiệu quả thì cải cách thể chế sẽ rơi vào bế tắc. Chống
tham nhũng chỉ là giải pháp cấp bách thay vì cơ chế kiểm soát quyền lực bền vững
lâu dài, cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm đối với quan chức
hệ thống chính trị.
------------------------------------------------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Tin, bài liên quan
·
Phòng
chống tham nhũng vẫn theo cách cũ thì hiệu quả không thể bền vững
·
Những
bất thường trước Hội nghị Trung ương 5
·
Đảng
thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng không hiệu quả
·
Chống
tham nhũng kiểu cụ Tổng khéo quá, tỉa nhánh cho cây sum suê hơn!
·
Vì
sao quan chức thời nay không dám “đột phá”?
No comments:
Post a Comment