Doanh
số của nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh tại châu Á
Sinan Tavsan -
Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
11/05/2022
Nhu cầu đang tăng cao đối với máy bay không
người lái, trực thăng, và tàu hộ tống giá rẻ nhưng đã được thử nghiệm tại chiến
trường.
Một tập
tài liệu dày cộp đã được chuyền tay trong nhóm các quan chức đang xếp hàng trên
thảm đỏ tại Căn cứ Không quân Đại tá Jesus Villamor ở Manila.
Bên trong
nhà chứa là hai chiếc trực thăng tấn công T-129 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng sẽ
được sử dụng để chống lại kẻ thù của nhà nước – những kẻ khủng bố đang cố gắng
phá hủy đất nước chúng ta,” Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines,
phát biểu tại buổi lễ bàn giao ngày 06/04.
Đây là những
chiếc trực thăng đầu tiên của dòng này thuộc sở hữu của Không quân Philippines,
Lorenzana, vị tướng quân đội 73 tuổi đã nghỉ hưu cho biết thêm. Theo Cơ quan
Thông tấn nhà nước Philippines, chúng đã được mua với giá khoảng 270 triệu USD.
Cùng tham
dự buổi lễ còn có một quan chức chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ: Ismail Demir, người đứng
đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng của chính phủ, vị trí báo cáo trực tiếp cho
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Demir nói,
“Chúng tôi sẵn sàng đóng góp về trang thiết bị, đào tạo, cũng như cùng phát triển
năng lực bản địa.”
Chiếc
T-129 ATAK được doanh nghiệp nhà nước Turkish Aerospace của Thổ và Leonardo
S.p.A. của Ý hợp tác phát triển cho các nhiệm vụ tấn công và trinh sát,
phù hợp để triển khai ở các vùng địa hình hiểm trở cả ngày lẫn đêm.
Chia sẻ với Nikkei
Asia, CEO của Turkish Aerospace, Temel Kotil, cho biết kế hoạch là cung cấp
thêm hai máy bay trực thăng trong năm nay và hai chiếc khác vào năm sau. Ông
nói thêm, nhà thầu cũng đã bắt đầu đàm phán với Philippines về đơn đặt hàng
T-129 mới.
Bất chấp
những khó khăn do COVID-19, các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đang tăng
cường chi tiêu quốc phòng. Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế
Stockholm công bố tuần trước cho thấy chi tiêu quốc phòng năm 2021 đã tăng 7,3%
ở Nhật Bản, 7,1% ở Singapore, 4,7% ở Hàn Quốc, và 4% ở Úc.
Demir nói
với Nikkei, “Các nước châu Á sẽ tiếp tục là một thị trường ưu tiên
và tầm quan trọng của họ sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai.”
Mô hình mẫu tàu mặt nước không người lái đầu
tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Antalya. Tàu có phạm vi hoạt động 400 km, và có tốc độ
tối đa 65 km/h. (Anadolu Agency)
Sự thành
công của máy bay tấn công không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại chiến trường
Ukraine chắc chắn đã thu hút sự chú ý của các quan chức phụ trách mua sắm vũ
khí trên toàn khu vực. Những người vốn đã quan tâm đến mức giá rẻ giờ đây lại
có thêm một lý do để lựa chọn vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ trưởng
Quốc phòng Philippines, Cardozo Luna, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3,
nói với Nikkei rằng các máy bay trực thăng T-129 được lựa chọn
vì giá cả, hiệu suất, và độ bền của chúng. Ông ẩn ý rằng Philippines cũng quan
tâm đến việc mua tàu ngầm mini và tàu tuần tra xa bờ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng
4, 12 công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng bày các sản phẩm và dịch vụ của họ
ở triển lãm Quốc phòng và An ninh châu Á tổ chức tại Philippines. Sự kiện này
theo sau việc 32 công ty và tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại triển lãm Dịch
vụ Quốc phòng châu Á của Malaysia được tổ chức một tháng trước đó.
Một nguồn
tin làm việc cho nhà thầu quốc phòng ASFAT của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nikkei rằng
công ty hiện đã lọt vào danh sách rút gọn cùng với Hyundai Heavy Industries của
Hàn Quốc, để giành lấy cơ hội cung cấp sáu tàu tuần tra xa bờ cho Philippines với
giá khoảng 600 triệu USD.
Lý do cho
cuộc đấu thầu này là vì Manila đang cân nhắc chấm dứt thỏa thuận với Austal của
Úc do những bất đồng về giá cả.
Tháng trước,
Lorenzana tiết lộ Philippines đã từ chối yêu cầu của Austal về khoản bổ sung trị
giá 12 tỷ peso (tương đương 229 triệu USD) cho 6 tàu, nằm ngoài con số 30 tỷ
peso đã được dự trù.
Nhà thầu
Australia viện dẫn sự gia tăng chi phí vật liệu và nhân công, đồng thời cho biết
lựa chọn thay thế là giảm số lượng tàu xuống còn 5.
Babur, con tàu đầu tiên trong dự án tàu tuần
tra Milgem của Pakistan, tại lễ hạ thủy ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày
15/08/2021. (Anadolu Agency)
Theo giới
truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, phương án mà ASFAT đề xuất khá hấp dẫn. Đề nghị của họ
còn bao gồm hai phương tiện vũ trang mặt nước không người lái, có thể lắp bên
trong các tàu tuần tra. Được gọi là ULAQ – một từ phát xuất từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ,
có nghĩa là “phái viên” – phương tiện không người lái này được hai nhà thầu Thổ
Nhĩ Kỳ khác phát triển cho Hải quân nước này.
Nếu ASFAT
thắng thầu, đây sẽ là lần đầu tiên họ xuất khẩu cả tàu tuần tra xa bờ và phương
tiện vũ trang không người lái.
Các khách
hàng châu Á khác cũng đang đến gõ cửa Thổ Nhĩ Kỳ.
Pakistan,
nước đã mua 4 tàu hộ tống từ ASFAT với giá 1 tỷ USD, trong đó có 2 chiếc sẽ được
đóng ở Karachi, hiện đang xem xét mua thêm các máy bay không người lái của Thổ
Nhĩ Kỳ.
Demir cho
biết nhà xuất khẩu máy bay không người lái hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Baykar
Defense, đang trong “giai đoạn đàm phán sâu hơn” với Pakistan về việc cung cấp
máy bay vũ trang không người lái chủ lực TB-2, cũng như phiên bản nâng cấp của
nó, Akinci, có nghĩa là “bố ráp” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
TB-2, dòng
máy bay đã phá hủy vô số xe tải tiếp tế và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga ở
Ukraine, cho đến nay đã được bán cho 19 quốc gia, bao gồm cả Turkmenistan và
Kyrgyzstan. Dòng Akinci mới hơn có tổng trọng tải lớn hơn TB-2 đến 10 lần và
còn được trang bị đạn dược, cảm biến, và máy ảnh.
Mẫu máy bay tấn công không người lái
“Akinci”, được phát triển bởi Baykar Defense, đang được trưng bày tại triển lãm
TEKNOFEST 2021 tại sân bay Ataturk, Istanbul, Turkey, này 23/09/2021. (Anadolu
Agency)
Ben
Hodges, một vị tướng chỉ huy đã nghỉ hưu của Quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết chất
lượng của các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã được minh chứng rõ ràng
trong các chiến dịch gần đây ở Syria, xung đột Azerbaijan-Armenia, và Ukraine.
“Dường như Thổ Nhĩ Kỳ đang thiết lập tốc độ và tiêu chuẩn cho lĩnh vực máy bay
không người lái trong khu vực của mình,” Hodges, hiện là Giám đốc Nghiên cứu
Chiến lược tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, nhận xét.
Kotil, CEO
của Turkish Aerospace, cho biết tiến bộ công nghệ đang giúp các quốc gia và
công ty mới nổi dễ dàng bắt kịp các cường quốc toàn cầu.
Vị giáo sư
kỹ thuật hàng không nói, “Có một thế giới mới, và nó là một thế giới phẳng, với
các công cụ kỹ thuật mới được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và học máy. Trong quá
khứ, chúng ta thường nói rằng nếu anh không có di sản về hàng không vũ trụ, anh
không thể phát triển máy bay. Bây giờ cả thế giới đều có thể bắt kịp nhanh
hơn”.
Tốc độ
phát triển gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt mà
nước này phải đối mặt. Sau khi mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, họ đã bị
loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Ngành công nghiệp quốc phòng của
Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả người đứng đầu Demir, cũng đã bị trừng phạt.
Không thể
mua máy bay không người lái của Mỹ, và lại gặp vấn đề kỹ thuật với những máy
bay mà họ mua từ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu phát triển chương trình máy bay
không người lái quân sự của riêng mình.
Các nhà thầu
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang cạnh tranh đơn đặt hàng với các công ty Ấn Độ, Trung Quốc,
Hàn Quốc, và Ý. Một lợi thế của Ankara là họ sẵn sàng tham gia vào sản xuất
ngay tại địa phương, vốn là điều thường được các khách hàng châu Á ưa chuộng.
Turkish
Aerospace đang cố gắng thu hút các nhà chức trách Malaysia với lời đề nghị sản
xuất 15 máy bay phản lực sử dụng cho đào tạo, hoặc máy bay chiến đấu hạng nhẹ ở
Malaysia, sau khi đã sản xuất ba chiếc đầu tiên tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Kotil cho
biết công ty của ông đang đặt mục tiêu doanh thu 2,5 tỷ đô la trong năm nay, có
thể tăng gấp 4 lần lên 10 tỷ đô la vào năm 2028, lúc đó 80% doanh thu sẽ do xuất
khẩu. Một nửa doanh thu xuất khẩu đó là từ châu Á, ông nói.
Demir mô tả
nhiều nhà xuất khẩu quốc phòng là những người thường hứa hẹn về sản xuất nội địa
và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn đàm phán, nhưng những cam kết đó sẽ yếu
đi vào thời điểm hợp đồng được ký kết.
Demir cho
biết Thổ Nhĩ Kỳ thì khác, vì họ nhận thấy cơ hội cắt giảm chi phí thông qua sản
xuất nội địa.
Một mẫu Kaplan MT/Harimau ở Bandung,
Indonesia. Mẫu tăng hạng trung được đặt tên theo từ “con hổ” trong tiếng Thổ
(Kaplan) và tiếng Indonesia (Harimau). Đây là sản phẩm đồng sản xuất của FNSS
và PT Pindad. (Anadolu Agency)
Ông nói
thêm, “Chúng tôi thường phản hồi tích cực đối với các yêu cầu hợp tác địa
phương và cung cấp các nội dung nghiêm túc. Chúng tôi tiếp cận điều đó theo một
cách rất rõ ràng và tích cực.” Các cơ sở sản xuất này có thể được tìm thấy ở
Ukraine với trường hợp máy bay không người lái, và ở Indonesia với trường hợp
xe tăng hạng trung.
Thổ Nhĩ Kỳ
đang “cởi mở kêu gọi” các nước như Pakistan, Malaysia, Azerbaijan, và Qatar
tham gia các dự án phát triển quốc phòng lớn, bao gồm cả máy bay chiến đấu
TF-X, đang được phát triển bởi Turkish Aerospace.
Các nhà thầu
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác để mua các thành phần quan trọng mà họ còn thiếu,
chẳng hạn như động cơ. Ví dụ, hiện đang có thảo luận về việc sử dụng động cơ và
hộp số của Hàn Quốc trong xe tăng chiến đấu hạng nặng Altay do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất
trong nước. Lô hàng động cơ đầu tiên đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và đang chờ được thử
nghiệm trong các nguyên mẫu xe tăng vào tháng 5.
Demir nói,
“Châu Á là một trong những khu vực mà chúng tôi có những cuộc tiếp xúc mạnh mẽ
nhất trong lĩnh vực quốc phòng.” Ông lưu ý rằng đối tác tiềm năng bao gồm
Pakistan, Việt Nam, Bangladesh, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng như các
quốc gia gốc Thổ ở Trung Á.
Ceyhun
Suer, giám đốc chương trình quốc tế của FNSS Defense Systems, một công ty liên
doanh giữa BAE Systems của Anh và Nurol Holding của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết thương
vụ chuyển giao 18 xe tăng cho Indonesia của công ty ông là một ví dụ cho thấy
quá trình nội địa hóa đang phát triển như thế nào.
Đầu tiên,
10 bệ xe tăng hạng trung – bệ xe tăng không có tháp pháo – được sản xuất tại Thổ
Nhĩ Kỳ và giao cho Indonesia vào tháng 3.
Thiết bị chiến đấu bộ binh 8 bánh AV8 Gempita
của Malaysia, được đồng phát triển bởi FNSS và DefTech của Malaysia, đang tiến
hành diễn tập (Hình: FNSS)
Các tháp
pháo sẽ được công ty PT Pindad của Indonesia gắn lên xe ngay tại địa phương.
Tám bệ xe tăng tiếp theo đang được sản xuất tại Indonesia, cũng là nơi các tháp
pháo sẽ được lắp đặt.
FNSS đã
cung cấp hơn 500 xe bọc thép khác nhau cho các nước châu Á như Malaysia,
Indonesia, và Philippines.
FNSS và đối
tác PT Pindad cũng đã ký một văn bản thể hiện ý định phát triển và đồng sản xuất
phương tiện tấn công lội nước ZAHA, Suer cho biết.
Tại triển
lãm Dịch vụ Quốc phòng châu Á vào tháng 3, FNSS đã thành công trong việc ký kết
một văn bản khác với DefTech của Malaysia để cùng sản xuất xe bọc thép 4 bánh
và 6 bánh tại Malaysia, cho các nhu cầu trong tương lai từ Quân đội nước này.
Xuất khẩu
của ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức
cao kỷ lục 3,2 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này cao gấp đôi so với mức 1,6 tỷ
đô la của năm 2016. Demir cho biết họ đang đặt mục tiêu đạt 4 tỷ đô la trong
năm nay.
“Chúng tôi
đang phản ánh tiêu chuẩn NATO, kinh nghiệm chống khủng bố trong các sản phẩm đã
được chứng minh khả năng chiến đấu của chúng tôi, vốn là nhu cầu cấp thiết của
nhiều nước châu Á,” Kotil nói. Ông cho biết thêm, Turkish Aerospace đang đàm
phán với các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Pakistan,
Bangladesh trong nhiều dự án khác nhau.
-------------
Nguồn: Sinan Tavsan, “Turkish
defense contractors enjoy sales bonanza in Asia,” Nikkei
Asia, 03/04/2022
No comments:
Post a Comment