Friday, 13 May 2022

CỨU NGƯỜI LÚC HOẠN NẠN (Nguyễn Tuấn Khoa)

 



Cứu người lúc hoạn nạn

Nguyễn Tuấn Khoa

13/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/13/cuu-nguoi-luc-hoan-nan/

 

Năm ngoái, viên đại úy tên Nguyễn Văn Lâm, công an xã Cự Khê, thản nhiên nghe điện thoại để mặc cho một người dân đã bị đâm một nhát dao nhưng vẫn đơn độc vật lộn với tên tội phạm giết người có lệnh truy nã. Chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, anh ta đứng bên cạnh nhưng không có hành động trợ giúp nào cả.

 

Gã này sau đó chỉ bị cảnh cáo và chuyển về huyện làm tại đội thi hành án. Cấp trên liên quan đến xử lý vụ này rõ ràng cũng tồi như tên đại úy Lâm! Lẽ ra Lâm phải đối diện với điểm b, khoản 2, điều 132 Bộ luật Hình Sự, với mức án tù lên đến 5 năm. Đây là trường hợp có nghĩa vụ phải cứu giúp vì là công an và có điều kiện nhưng không cứu người bị nạn.

 

Tôi từng là nạn nhân của trường hợp tương tự, ngồi nghĩ lại tôi thấy đạo đưc xã hội thật đáng lo ngại:

 

.

Chuyện thứ I: Phòng gym tôi tập hàng ngày có tên Star Fitness, tuy xa nhà nhưng lại có đủ mọi thứ bù lại, nhất là hội viên lịch sự. Tây ta có đủ. Một ngày kia, tôi bị chấn thương cột sống do tập nặng nên nằm bất động trong phòng thay đồ. Đau nhức thấu trời xanh. Tôi định nói với người đàn ông, Việt Kiều Mỹ khoảng 60 tuổi, đứng cạnh tôi, rằng dìu tôi lên ghế, chưa nói dứt câu, ông ta thẳng thắn từ chối: No, no, no, no, no! Tôi gắng lấy chút sức tàn để với lấy điện thoại, tìm số điện thoại trên internet, gọi nhân viên vào giúp tôi. 4 tiếng sau, cơn đau giảm nhiều, tôi kêu xe cấp cứu đưa tôi đến bệnh viện.

 

Bình: Các bạn tôi ở Mỹ giải thích rằng ở Mỹ người ta không dám chạm vào cơ thể người khác khi gặp nạn nếu không phải là bác sĩ. Giải thích này cũng… OK, nhưng không thể biện minh cho thái độ bình thản của ông ta tiếp tục thay đồ rồi đi tắm trước sự đau đớn của đồng loại mà không có hành động nào để trợ giúp. Sau ngày đó tôi xem người này như không khí và thường đem chuyện này ra để dạy con cháu về cách ứng xử đối với người gặp nạn.

 

.

Chuyện thứ II: Tôi đi xe gắn máy, một xe taxi ngược chiều ép tôi, xe tôi ngã, đầu tôi trượt trên nền đường khoảng 0.6m. May có nón bảo hộ nên không bị chấn thương vùng đầu. Tuy nhiên chân tay trầy xước và rất đau nhức, không thể tự ngồi dậy mà năm trên nền đường. Con đường này dẫn đến phân hiệu trường đại học, nhiều sinh viên ngang qua vẫn thản nhiên nhìn tôi đau đớn. Có cô sinh viên dừng lại bàng quan nhìn. Hai vợ chồng chủ quán cafe nơi tôi nằm, thản nhiên dọn quán. Gần 5 phút sau, một anh chạy xe ba gác đi ngang dừng xe đỡ tôi dậy. Ngày hôm sau tôi ghé thăm anh ba gác ở vựa củi gần đó…

 

Bình: sinh viên là tương lai của đất nước mà hành xử như thế. Tôi thấy buồn.

 

.

Chuyện thứ III: dân Sài Gòn ai cũng biết cầu Bình Lợi nổi tiếng là nơi lý tưởng để… tự tử. Cầu này chỉ cho xe lửa lưu thông nên khu này rất vắng và nước chảy rất xiết. Sau 1975 những kẻ chán đời vẫn cứ đến đây. Từ khi có thêm cầu Bình Lợi II với 6 làn xe 2 chiều, lưu thông nhộn nhịp người tự tử chia đôi, khi cầu mới, khi cầu cũ. Ở cầu cũ có ông Ba Chúc, 65 tuổi, cất nhà ven sông, chài lưới tại khúc sông này sống qua ngày. Ông nổi tiếng cứu người tự tử và vớt xác người xấu số, cỡ trên 300 xác và cứu hàng chục người trong nhiều năm. Ban đầu vớt xác và cứu người là sự tình cờ khi mưu sinh. Dần dần nổi tiếng, mỗi khi có chuyện là hàng xóm hay gia đình nạn nhân gọi ông.

 

Bạn tôi Nguyễn Thị Thu Thủy biết chuyện Ba Chúc trên YouTube, cảm động, nên nhờ tôi gửi ông ít tiền để sửa lại mấy chỗ dột và trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuần trước, tôi có một buổi chiều tán gẫu với Ba Chúc nơi ông cứu sống được người thứ 12 từ đầu năm đến giờ.

 

Bình: Tôi ước gì hành xử của những người ít học như hai anh ba, Ba Chúc và Ba Gác, trở thành phổ biến trong xã hội của chúng ta. Tôi cũng ước gì sự ích kỷ và không lương tâm của ông Việt Kiều và các sinh viên ở trên sẽ dần biến mất trong xã hội của chúng ta.

 

Kể lại chuyện trên, tôi mong các thầy cô tiểu, trung và đại học vô tình ngang qua đây và đọc bài này sẽ chép về đọc cho các học trò của mình nghe. Quý vị hãy dùng sức ảnh hưởng của mình để làm cho học trò của quý vị có ứng xử với xã hội tốt như hai anh Ba. Tôi nghĩ rằng giáo dục từ bài viết như thế này sẽ tốt hơn nhiều so với các bài viết rất dở trong sách Giáo Dục Công Dân xuất hiện trong vài năm nay.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats