Sunday, 1 May 2022

CON ĐƯỜNG DÂN CHỦ (Trần Công Lân / Ngàn Lau)

 



Con Đường Dân Chủ (P1)

Trần Công Lân

05/01/2022 · by nganlau121212

https://nganlau.com/2022/05/01/con-duong-dan-chu-p1/

 

Kể từ sau 1975 những người Việt hải ngoại thường nghĩ rằng để có dân chủ tại Việt Nam thì phải trở về đấu tranh vũ trang. Lối nhìn nay đã tàn theo ngày tháng.


Sau đó xuất hiện khuynh hướng hòa hợp hòa giải cũng đã bị chống đối mạnh mẽ và rút vào bóng tối (ngày nay vẫn còn có người âm thầm mơ ngày 2 bên bắt tay “xây dựng đất nước”).


Khi Liên Xô sụp đổ, Đông Âu thoát ách cộng sản nhưng Trung Cộng và Việt Nam thoát nạn vì thay đổi kịp thời (trừ Bắc Hàn vẫn đóng kín).


Sau hơn 20 năm thống nhất đất nước, Việt cộng bắt tay với Mỹ để các phần tử có liên hệ với Việt Nam Cộng Hòa được định cư nước ngoài theo diện nhân đạo (HO) nhưng các nhân vật bất đồng chính kiến với nhà nước vẫn xuất hiện chỉ trích đảng trong chính sách thân Trung Cộng. Đây là những người đã từng trong đảng, phục vụ đảng hay hoàn toàn lớn lên dưới sự lãnh đạo của cộng sản. Do đó đảng không thể kết tội là tay sai nước ngoài, tay sai Mỹ-Ngụy, phản động…


Sự lấn áp của Trung Cộng khiến cộng sản Việt Nam mất uy tín với dân và từ ngữ “Thoát Trung” xuất hiện. Đó là ngôn ngữ hoàn toàn cộng sản 100% vì chỉ có giao du với Trung Cộng mới bị lệ thuộc và nay phải tìm cách chạy thoát. “Thoát Trung” cũng có thể là chiêu bài của cộng sản Việt Nam để thăm dò phản ứng của khối người Việt hải ngoại. Khi thấy cá chẳng cắn câu thì cộng sản Việt Nam lại tiếp tục lệ thuộc Trung Cộng nhiều hơn. Tuy rằng thỉnh thoảng nhà nước Việt Nam cũng lên tiếng kêu gọi thế giới, Liên Hiệp Quốc, ngăn chặn sự hung hăng của Trung Cộng nhưng chính bản thân cộng sản Việt Nam thì lại tránh né việc xúc phạm đến đàn anh.


Khi Việt Nam ngày càng có nhiều người ra mặt chống đối nhà nước rồi bị bắt, giam tù và đẩy ra nước ngoài thì hoạt động của họ cũng chìm xuồng vì không còn môi trường thích hợp. Các tổ chức chính trị của người Việt hải ngoại đã không có sách lược để đấu tranh lâu dài mà chỉ hành động theo cảm tính.


Sau khi cái bẫy “Thoát Trung” không còn ăn khách nữa thì xuất hiện phong trào các nhóm xã hội dân sự (NGO) tổ chức huấn luyện sinh hoạt “dân sự” cho những người trong nước để thay đổi xã hội. Sự kiện cộng sản Việt Nam cho dân Việt du lịch, ra nước ngoài buôn bán không có nghĩa là nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam không kiểm soát được quần chúng mà phải hiểu là đảng tự tin sẽ ngăn chặn mọi sự chống đối của tôn giáo, cá nhân hay tổ chức chống đối và có thể dập tắt mau chóng (bài học Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn…). Ngay cả vấn đề đi lại, hộ khẩu, biểu tình, chửi bới nhà nước… chỉ là chiêu thức của đảng để cho xã hội và con người được xì hơi, đã cơn giận miễn sao không đe dọa sự độc quyền cai trị (chính trị) của đảng. Ngay cả sự kiện tranh chấp trong nội bộ đảng mỗi mùa đại hội đảng cũng phải hiểu là phe thắng phải là phe có thế lực bảo đảm sự tồn tại của đảng trong vị thế cầm quyền đối với bên ngoài thế giới và trong nước.


Cũng như sự cho phép các tổ chức NGO (xã hội dân sự) sinh hoạt không có nghĩa là nhà nước sẽ ngó lơ cho các phần tử bên ngoài xâm nhập gây rối. Một khi đảng đã đi theo con đường của Trung Cộng, Bắc Hàn cho người ra nước ngoài ám sát, bắt cóc, thủ tiêu các nhân vật chống đối thuộc loại nguy hiểm thì kẻ thù trong nước sẽ được đảng đối xử như thế nào?

Nhưng sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại vẫn mơ mộng các biến cố Thái Bình, Bauxite, Formosa, Covid … hay các cuộc đàn áp tôn giáo (linh mục Lý, hòa thượng Quảng Độ, Nhất Hạnh…) sẽ đưa đến biến chuyển lớn tại VN. Nhưng thực sự (sau một thời gian) cho thấy tất cả chỉ là ảo tưởng.


Cho đến thập niên 201x vẫn còn có các tổ chức, cá nhân mạo hiểm về Việt Nam, Thái, Miên để “hoạt động” mà không biết rằng khi về Việt Nam (du lịch hay làm ăn) thì công an cộng sản sẽ theo dõi bạn 5 năm liền cho đến khi nắm vững các yếu tố chứng tỏ bạn không phải là “phản động” thì bạn mới được “tự do” dưới sự kiểm soát của cộng sản Việt Nam. Như vậy chẳng lẽ cộng sản Việt Nam ngu đến độ để cho quý vị về tận cửa ngõ (Thái, Miên) hoạt động chống nhà nước và đảng sẽ để yên cho quý vị làm việc?


Tại Thái, các hoạt động của phe ta nằm trong tay tình báo Thái. Họ có thể bắt tay với cộng sản Việt Nam để bán người của bạn như họ đã làm trong thập niên 1980s hay thủ tiêu (nếu bạn là cá nhân, đơn độc, đi lạc…) hoặc là ngó lơ để cộng sản Việt Nam gửi người sang thanh toán (như đã làm tại Đức: Trịnh Xuân Thanh).


Tại Miên có hơi khác, bạn có thể sống dưới nhãn hiệu sinh hoạt từ thiện nhưng không thể nhúc nhích hay làm gì khác hơn vì sẽ bị phát hiện và đá đít về Việt Nam, Thái, hay về nơi định cư (Mỹ). Không thể gọi là đấu tranh dân chủ khi những người đi đấu tranh không hiểu “Bạn, Thù” và láng giềng như thế nào. Chẳng lẽ cái ngây thơ về “kháng chiến” của đầu thế kỷ 20 vẫn còn tồn tại?


Có lẽ cộng sản Việt Nam tin rằng chúng ta vẫn còn ngây thơ lắm nên mới có chuyện thăm dò dư luận: nếu Việt Nam có sinh hoạt “dân chủ” đa đảng thì các đảng không cộng sản có chịu sinh hoạt “dân chủ” với đảng cộng sản Việt Nam không? Bằng chứng là bà Angela Merkel là nhân vật của cộng sản Đông Đức đã sinh hoạt với các đảng Dân Chủ Tây Đức và được chọn làm Thủ Tướng Đức.


Khác biệt: sự nói dối, tàn ác, thủ đoạn… là đặc tính của cộng sản Việt Nam, Trung Cộng và Bắc Hàn.


Từ nói dối ban đầu đi đến thủ đoạn và cuối cùng là tàn bạo. Đó là tiến trình đã xảy ra từ thời Stalin, Mao… và nay chúng ta có Trump. Tiếc thay các nhân vật đấu tranh trong nước lại đi ủng hộ Trump. Sự hiểu lầm của họ có thể tha thứ được nhưng người Mỹ gốc Việt cũng đi ủng hộ Trump (vì Trump chống Trung Cộng) có thể gọi là “chống Cộng” được sao?


Tâm trạng không dấn thân mà chỉ muốn người khác làm giùm thì có gọi là dân chủ được không? Hay gọi là “dân- không- tự chủ”?


Dân chủ là chấp nhận sự khác biệt ý kiến. Khi có khác biệt thì phải có tranh luận. Mà người Việt thì hầu như không có tranh luận. Nếu có ý khác là bị chụp mũ: nếu không ủng hộ Trump thì mày là Dân Chủ? Nếu không bỏ phiếu cho Biden thì mày là Cộng Hòa? Không cần biết Trump là ai, hễ cứ chống Tàu là ủng hộ?


Tại sao chúng ta không nhìn vào vấn đề cần giải quyết để tranh luận thay vì đi nhắm vào lãnh tụ?


Tại sao chúng ta thất bại:

Vì chúng ta không chịu học tập những sai lầm quá khứ.

Vì chúng ta nhắm mắt tìm lãnh tụ và tin lãnh tụ chứ không tìm tư tưởng (đường lối, nguyên tắc, sách lược, lý luận, cơ chế…).

Vì chúng ta ưa “bắt cóc bỏ dĩa” hơn là đào tạo, huấn luyện.

Vì chúng ta không chịu “phê bình và tự phê bình” (đây là từ ngữ cộng sản Việt Nam, tuy chính cộng sản Việt Nam cũng chỉ làm giả dối nhưng nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì rất có ích lợi).

Vì chúng ta muốn có dân chủ cho Việt Nam nhưng khi đang sống tại quốc gia dân chủ nhất thế giới (Mỹ) thì chúng ta lại không học tập dân chủ mà lại sinh hoạt theo hình thức độc tài (ai đã từng tham dự các sinh hoạt hải ngoại đều đã biết).

Vì chúng ta không chịu nhìn vào bàn cờ Quốc-Cộng:


Cộng sản Việt Nam đã cai trị Việt Nam hơn 40 năm, ít nhất là 2 thế hệ tuổi trẻ VN không biết Việt Nam Cộng Hòa là gì, không biết ngôn ngữ tự do của Việt Nam Cộng Hòa đã tạo nền văn hóa không cộng sản là như thế nào, với nhạc vàng bất tử từ đâu có, ai làm. Lớp trẻ này không hiểu dân chủ là gì, lịch sử Việt Nam 4000 năm văn hiến đã bị cộng sản Việt Nam cắt xén sửa đổi ra sao. Họ cũng không còn biết ca dao tục ngữ đã kết nối dân tộc Việt như thế nào. Họ có hiểu rằng họ đang sử dụng ngôn ngữ Việt cộng, một thứ ngôn ngữ mất gốc đang làm mồi cho Trung Cộng đồng hoá dân Việt một cách âm thầm và vững chắc.

Phía người Việt hải ngoại sau thời gian ổn định đời sống đã quên đi sinh hoạt chính trị của cộng đồng cũng như với địa phương đang sinh sống. Tuy ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt tham dự cơ cấu chính quyền địa phương, liên bang nhưng sự hiểu biết và tầm nhìn còn yếu kém.

Chúng ta đều biết Việt Nam Cộng Hòa thua vì nội bộ tham nhũng, ngoại giao yếu kém để cộng sản Việt Nam gây phong trào phản chiến tại Mỹ áp lực chính quyền Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và bắt tay với Trung Cộng.

Vậy thì bây giờ chúng ta sống trên đất Mỹ, có quyền bỏ phiếu, tham dự sinh hoạt chính trị Mỹ thì tại sao chúng ta lại lơ là? Hay là chúng ta chỉ chú ý chuyện xảy ra tại Việt Nam?

Sau hơn 40 năm lớp người thời Việt Nam Cộng Hòa đã hao mòn, lớp trẻ sẽ có bao nhiêu người quan tâm về Việt Nam (ngoại trừ chuyện du lịch). Trong khi lớp người mới từ Việt Nam sang Mỹ du học, làm ăn ngày càng tăng và họ tìm cách ở lại Mỹ qua việc làm, thương mại và hôn nhân. Nhưng trong đó cũng có thành phần do cộng sản Việt Nam gửi sang để thăm dò, xâm nhập và phá hoại cộng đồng Việt (qua các vụ treo cờ Việt cộng).


Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

 

-----------------------------------------------------------

 

Con Đường Dân Chủ (P2)

Trần Công Lân

5/01/2022 · by nganlau121212

https://nganlau.com/2022/05/01/con-duong-dan-chu-p2/

 

Vậy khối người Việt hải ngoại đang gặp 2 vấn đề:


Nhân sự: phải có lớp người mới tham dự sinh hoạt cộng đồng Việt và duy trì chính nghĩa qua việc gìn giữ và bảo vệ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa như biểu tượng của văn hóa Việt Nam, dân chủ, tự do... qua các sinh hoạt cộng đồng đã nói trên. Hiện nay có những trang mạng (website) hay một vài cơ sở, sinh hoạt treo cờ cộng sản Việt Nam như là một hình thức thăm dò phản ứng của cộng đồng Việt Nam. Nếu không thấy phản đối, chúng sẽ làm tới. Đây là cuộc đấu tranh chính trị của người Việt trên đất Mỹ, chi phối bởi luật pháp Mỹ. Do đó chúng ta cần có sự quan tâm đến mối liên hệ với chính quyền địa phương. Về chuyện treo cờ cộng sản ở các trang mạng thì phải tế nhị để tìm hiểu và tìm phương pháp giải quyết vấn đề trong một tinh thần ôn hòa, tôn trọng chứ không thể nào làm như kiểu ngày xưa là chụp mũ, vu cáo để tạo áp lực. Nếu người Mỹ hoặc người trẻ Việt sinh tại Mỹ, không hiểu rõ lịch sử Việt, cho nên khi nói về văn hóa Việt tại nơi họ cư trú và họ treo cờ cộng sản thì phải giải thích để họ hiểu tại sao lá cờ đó không hề là đại diện của cộng đồng Việt hải ngoại thay vì chụp mũ họ, vu cáo họ như chúng ta đã làm trong quá khứ. Phải dùng sự đấu tranh trong “giáo dục” để những ai chưa hiểu rõ sự thật là cờ cộng sản có thể được quốc tế công nhận nhưng đối với đa số cộng đồng người Việt trên thế giới thì lá cờ đó chưa bao giờ là của người Việt không cộng sản bởi chính họ là nạn nhân của lá cờ đó. Ngày nào chúng ta vẫn tiếp tục chụp cho cái mũ cộng sản bởi vì khác biệt chính kiến thì chúng ta có gì khác biệt với cộng sản Việt Nam? Sẽ có người lý luận lá cờ vàng ba sọc đỏ bị ô uế khi lá cờ đó dùng để tham dự vào cuộc đảo chính tại Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021. Vài hình ảnh cá nhân hay tổ chức chính trị cung cấp lá cờ và tham gia vào cuộc đảo chính phản dân chủ đó không thể nào làm mất chính nghĩa của lá cờ tự do dân chủ của người Việt không cộng sản.


Một khi cộng đồng Việt Nam được tổ chức để bảo tồn văn hóa thì sinh hoạt chính trị với địa phương sẽ là điều kiện để góp tiếng nói của người Mỹ gốc Việt trên chính trường Mỹ qua các vấn đề liên quan đến Việt Nam và khối Đông Nam Á.


Các tổ chức chính trị Việt Nam hải ngoại quên rằng chúng ta cần có một hậu cứ vững chắc trên đất Mỹ với nhân lực, kiến thức và tài lực thì lúc đó mới có "Thế" để giải quyết vấn đề Việt Nam và theo "Thời" gian khi "Thế" đã mạnh thì "Cơ" hội không chóng thì muộn cũng phải đến. Cuộc chiến Thiện-Ác không phải chỉ là một vài năm hay thập niên. Nếu chúng ta biết rằng cộng sản Việt Nam không thể chỉ lật đổ bằng một cuộc biểu tình hay một trận chiến thì trên con đường dài đấu tranh chúng ta dựa vào cái gì để nói rằng "chính nghĩa tất thắng"?


Nếu chúng ta không chịu tìm người và huấn luyện trong điều kiện của hải ngoại (Mỹ) mà chỉ chúi đầu vào việc tìm người trong nước để mong thay đổi sự cai trị của cộng sản Việt Nam qua một vài sự tổ chức dân sự (NGO) và bản Hiến Pháp cóp nhặt từ nước ngoài thì quả là hoang đường, mê muội.


Kiến thức và tài chính

Chúng ta có những cá nhân rất xuất sắc trong chuyên môn (xem Vẻ Vang Dân Việt) thành công trong thương trường và ngày nay trong cộng đồng Việt Nam đã hàng trăm nhà tỷ, triệu phú nhưng nếu họ không bắt tay làm ăn với cộng sản Việt Nam thì cũng chẳng giúp gì cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam. Có thể họ muốn làm một việc gì đó có ích lợi nhưng bản thân họ đã bỏ hết thời gian vào việc kiếm tiền và không còn thời gian để biết những chuyện khác. Nhất là sinh hoạt chính trị của cộng đồng Việt Nam đã không được chú trọng vì thiếu những nhân vật uy tín.


Ngoài quán cà phê chúng ta vẫn nghe người Việt chửi cộng sản Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục về Việt Nam du lịch, làm ăn, gửi hàng về Việt Nam đều đều và rầm rộ (2020 Việt Nam thu nhận 18 tỷ mỹ kim từ nước ngoài). Vì sống kiểu "hồn Trương Ba, da hàng thịt", những người này không quan tâm đến sinh hoạt của đất họ đang định cư mà hàng ngày vẫn mơ tưởng những ngày huy hoàng tại Việt Nam. Hình như chúng ta đã quên lời thề khi nhập tịch công dân Mỹ. Cộng sản Việt Nam vẫn coi người Việt hải ngoài là còn quốc tịch Việt Nam để làm tiền. Người Mỹ gốc Việt cứ nghĩ (tưởng) rằng khi về Việt Nam mà cộng sản Việt Nam làm khó thì họ có thể gọi tòa đại sứ Mỹ can thiệp (vì là công dân Mỹ). Nhưng các vị này quên rằng cộng sản Việt Nam có rất nhiều xảo thuật khi giam giữ "Việt kiều" với tội trạng buôn lậu, ma túy, hiếp dâm, xâm phạm an ninh (hay bí mật) quốc gia... thì tòa đại sứ Mỹ cũng chỉ được thông báo và lờ. Trừ khi bạn có đường dây liên hệ đặc biệt với giới chức cao cấp Mỹ thì họ có thể can thiệp, nhất là khi bạn tham dự vào sinh hoạt chính trị (bầu cử).

Vậy bạn có đi bầu không?


Trải qua cơn dịch Covid ở toàn thế giới thì người Mỹ gốc Á Châu đang bị kỳ thị (từ lâu). Trong khi các nhóm sắc tộc (Hàn, Do Thái, Trung Hoa...) đã dựa vào cộng đồng của họ để lên tiếng với nhà cầm quyền địa phương và liên bang thì cộng đồng Việt Nam vẫn "từng bước chân âm thầm" là vì sao? Vì lớp già thì không hiểu sinh hoạt Mỹ, lớp trẻ thì thờ ơ.
Đã đến lúc chúng ta phải củng cố lại cộng đồng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chung vì nền dân chủ Mỹ được xây dựng bởi những con người luôn luôn đấu tranh, tiến tới mở đường khám phá những điều mới lạ để đóng góp cho xã hội.


Dân chủ không phải là cái bánh làm xong, ăn rồi đi ngủ.


Chúng ta đã thấy bài học A Phú Hãn, Kurds, Iraq, Nga với Ukraine, Trung Cộng với Đài Loan, Bắc Hàn với Nam Hàn .... Nếu phe dân chủ không tiến bộ để vững mạnh thì phe độc tài sẽ qua mặt uy hiếp và có thể chiếm đóng, tiêu diệt nền dân chủ nếu yếu kém. Nếu các nhóm sắc tộc thiểu số không có liên hệ với giới chức cầm quyền tại Quốc Hội Liên Bang (như Do Thái) thì mỗi mùa bầu cử là cơ hội để tham dự. Một khi không bỏ vốn thì làm sao có lời?
Nếu mọi người Việt đều mong ước dân chủ cho Việt Nam thì trước hết chúng ta hãy sinh hoạt dân chủ trong cộng đồng Việt Nam tại địa phương đang sống chứ không phải ngồi nhìn và hy vọng người khác làm giùm rồi đứng ngoài vỗ tay.


Để củng cố và phát triển cộng đồng Việt Nam chúng ta cần tập trung vào 3 mặt:


Kinh tế: giúp đỡ nhau tìm công ăn việc làm, thương mại, tài chính, thuế vụ... nhưng khi có tiền thì hãy củng cố sự thông tin liên lạc với các cộng đồng bạn, với chính quyền địa phương vì sẽ có lúc chúng ta cần tới sự giúp đỡ của họ.


Văn hóa: nước Mỹ luôn luôn khuyến khích sự bảo tồn di sản văn hóa của các nhóm sắc tộc. Nếu là sinh hoạt vô vụ lợi thì được trừ thuế, tại sao không làm? Đừng trách con em sao không biết gì về Việt Nam trong khi chính chúng ta là phụ huynh có bổn phận và trách nhiệm giúp chúng tìm hiểu về Việt Nam. Mặc áo dài, ăn tết, nấu phở, làm chả giò không đủ để duy trì văn hóa Việt Nam. Bỏ mặt trận văn hóa có nghĩa là chúng ta giao cho cộng sản Việt Nam độc quyền bóp méo lịch sử Việt Nam và bán nước cho Trung Cộng. Một khi mất gốc là con cháu chúng ta sẽ làm mồi cho kẻ thù cộng sản Trung Hoa vì cộng sản Việt Nam cũng sẽ bị Trung Cộng tiêu diệt một khi văn hóa Việt suy tàn. Chạy ra khỏi Việt Nam và sống nước ngoài không có nghĩa là thoát nanh vuốt cộng sản.


Chính trị: một khi cộng đồng Việt Nam phát triển thì cần góp mặt trong sinh hoạt với chính quyền địa phương qua các cuộc bầu cử. Từ đó xây dựng tới cấp liên bang thì tiếng nói của cộng đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến chính sách Mỹ tại Việt Nam chứ không phải đợi tới khi Việt Nam xảy ra biến cố thì chúng ta mới đủng đỉnh kéo bầy đàn vào Quốc Hội, Nhà Trắng để dâng kiến nghị đòi hỏi ABC... mà quên rằng chúng ta đã chẳng đóng góp gì vào sinh hoạt chính trị với họ thì thử nghĩ họ sẽ đối xử với chúng ta như thế nào vì "bánh ít đi, bánh quy lại".


Củng cố cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cũng sẽ là bài học cho cộng đồng Việt Nam tại các quốc gia khác. Các nơi khác có thể có tổ chức chu đáo hơn nhưng riêng tại Mỹ vì địa lý, nhân lực, vật lực khác biệt nên cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cần mở đường trước. Một khi các cộng đồng Việt Nam khắp nơi vững mạnh thì với kiến thức, nhân lực, tài lực... chúng ta có thể nói chuyện Việt Nam với tầm vóc quan trọng hơn là những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam như chợ về chiều trong những thập niên qua.


Chúng ta đều biết sinh hoạt chính trị liên quan đến sinh hoạt kinh tế. Đó là trên phạm vi quốc gia thì trong phạm vi của cộng đồng cũng vậy. Hay nói khác đi cộng đồng có vững mạnh thì quốc gia mới mạnh …


Chúng ta thấy mỗi mùa bầu cử là các ứng cử viên chọn mục tiêu (hay đề tài) là kinh tế, việc làm, giáo dục.... Như vậy trong sinh hoạt cộng đồng cũng chẳng khác bao nhiêu. Ngoại trừ số người đi làm công, tư chức thì số còn lại là tiểu thương, lao động.... Nếu các nhóm di dân tập trung vào một khu vực địa lý tạo nên các khu thương mại và nhu cầu thông tin (báo chí, phát thanh, truyền hình) trong sinh hoạt cộng đồng. Muốn phát triển lớn mạnh thì cộng đồng phải có liên hệ với chính quyền địa phương về mặt chính trị vì đó là phương diện luật pháp và an ninh.


Khi luật pháp cho phép người dân được lập những tổ chức vô vụ lợi để giúp xã hội (đặc biệt là các nhóm di dân, thiểu số). Vì điều kiện văn hóa, ngôn ngữ -- chính quyền địa phương sẽ khuyến khích, phối hợp với các tổ chức cộng đồng trong các sinh hoạt giáo dục, văn hóa, an ninh, thương mại.... Nếu chúng ta không làm thì thiệt hại chung cho cả cộng đồng. Nhưng nếu làm thì phải có tổ chức, luật lệ minh bạch đối với đồng hương (đối nội) và với chính quyền (đối ngoại).


Tuy là hoạt động tình nguyện, vô vụ lợi nhưng không có nghĩa "làm theo ý tôi, không chịu thì thôi" (my way or highway) hay thái độ "không làm thì đừng có hỏi lôi thôi". Nên nhớ sinh hoạt cộng đồng nhằm mục đích xây dựng và phục vụ chứ không phải chia bè phái, chiếm đất, giành dân theo kiểu Việt cộng.


Kết luận

Đó là những bước đầu của sinh hoạt dân chủ. Nếu chúng ta không làm được trên đất Mỹ thì khó mà nói chuyện xây dựng dân chủ trên đất Việt trong tương lai.


Sau hơn 40 năm định cư trên đất Mỹ, cộng đồng Việt Nam đang đi vào giai đoạn chuyển hóa. Lớp già mai một và lớp trẻ không quan tâm tiếp nối. Có nơi vẫn còn sinh hoạt nhưng không có trụ sở. Có nơi lập cơ sở sinh hoạt nhưng thiếu truyền thông (dùng mạng xã hội thay thế thì thiếu tính trách nhiệm, độc lập). Có nơi có truyền thông thì lại rơi vào tình trạng phe phái. Có phương tiện truyền thông (media) thì lại gặp vấn đề ngôn ngữ: dùng tiếng Việt thì chỉ có lớp già theo dõi, dùng tiếng Mỹ thì liệu lớp trẻ có tham dự hay không?


Dù sao chúng ta cũng phải vượt qua vì nếu buông xuôi có nghĩa là chúng ta tiếp tục sống nô lệ (chịu chi phối bởi người khác) trên xứ sở dân chủ mà bao nhiêu người mơ ước được sống: sống với tinh thần Tự Do, Dân Chủ.


Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2022 (Việt Lịch 4901)





No comments:

Post a Comment

View My Stats