Wednesday, 18 May 2022

CHÍNH TRỊ PHI LUẬT TÂN : XOAY 360 ĐỘ SAU 36 NĂM (Phạm Phú Khải)

 



Chính trị Phi Luật Tân: Xoay 360 độ sau 36 năm

Phạm Phú Khải

18/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-phi-lu%E1%BA%ADt-t%C3%A2n-xoay-360-%C4%91%E1%BB%99-sau-36-n%C4%83m/6579116.html

 

https://gdb.voanews.com/03180000-0aff-0242-297e-08da33da210e_w650_r1_s.jpg

Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr.

 

Những điều trình bày về văn hóa và chính trị Phi ở trên dường như vẫn thật khó hiểu. Có lẽ khi có cơ hội đến nước Phi để sống và cảm nhận về người Phi, trải nghiệm thực tế đó mới giúp cho chúng ta thấu hiểu hơn chăng?

 

Vào cuối tháng Hai năm 1986, nhà độc tài Ferdinand Marcos Snr. phải lánh nạn sang Hawaii sau khi Mỹ, qua lập trường của Tổng thống Ronald Reagan, không còn ủng hộ sự cai trị của Marcos tại Phi Luật Tân. Marcos đã cai trị nước Phi hơn 20 năm, từ năm 1965 đến 1986, trong đó 9 năm, từ 1972 đến 1981, đã nằm dưới thiết quân luật. Thượng Nghị sĩ Paul Laxalt, một chính trị gia thân cận với Reagan, tư vấn cho Marcos là nên “dứt và dứt sạch” (cut and cut cleanly). Marcos mang theo vợ, hai con cùng với tài sản khổng lồ, gồm hàng trăm triệu tiền mặt, vàng bạc châu báu, được phi cơ của Không quân Mỹ chở đi. Một trong hai người con, có cùng tên cha, là Ferdinand Romualdez Marcos Jnr., biệt hiệu Bongbong, lúc đó 28 tuổi. Nước Phi kể từ đó đã bước sang một giai đoạn mới, sáng sủa hơn, bớt tham nhũng và độc tài hơn. Người Phi, nhất là phong trào dân chủ, tin rằng thời đại Marcos đã ra đi vĩnh viễn, nhường chỗ cho sự chuyển tiếp sang nền dân chủ.

 

Nhưng đúng 30 năm sau, vào tháng Năm năm 2016 người Phi đã bầu chọn Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống thứ 16. Về mặt hình thức, nền dân chủ của Phi vẫn còn đó, nhưng về mặt pháp quyền (rule of law), Duterte đã đứng trên luật trong suốt 6 năm qua để cai trị nước Phi. Ngày 9 tháng Năm năm 2022 vừa qua, người con trai đã cùng cha mình chạy trốn khỏi nước Phi 36 năm về trước đã được người Phi bầu chọn làm Tổng thống thứ 17. Con gái của Duterte, Sara Duterte, liên minh với Marcos trong cuộc bầu cử này, sẽ làm Phó Tổng thống. Tuy kết quả bầu cử chưa chính thức công bố, kết quả đăng trên tờ Rappler cho biết, với tổng số phiếu đếm đến nay là 98.35%, Marcos được hơn 31 triệu phiếu, chiếm 58.74%; và Sara Duterte cũng hơn 31 triệu phiếu bầu cho Phó Tổng thống, chiếm 61.29%.

 

Kết quả cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua không có gì lạ. Thật ra nó chỉ phản ánh văn hóa chính trị và tư duy của người Phi về mẫu người lãnh đạo được người dân tại quốc gia này chọn. Một, quyền lực chính trị tại Phi phần lớn bị thao túng bởi những gia đình quyền thế, không nằm trong tay người dân. Hai, truyền thông xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của lá phiếu cử tri tại Phi. Ba, lịch sử đóng vai trò then chốt trong mọi xã hội, do đó không nắm vững lịch sử thì mọi quyết định hiện tại sẽ bị định hình bởi cuộc chiến thông tin gia. Kết quả có khi đi rất xa, và thụt lùi, chứ không nhất thiết là tiến bộ.

 

Trước hết, câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào con của một nhà độc tài từng lánh nạn sang quốc gia khác có thể trở lại Phi để tham chính và bây giờ trở thành tổng thống?

 

Sau khi Marcos chết tại Hawaii năm 1989, vợ và hai con Marcos được cho hồi hương năm 1991, và sau đó cả ba người đều được tham chính.

 

Ngược thời gian, trong lúc Marcos Snr. làm tổng thống hơn hai thập niên, ước đoán khoảng 10 tỷ đô la bị biển thủ. Ngoài tham nhũng cửa quyền, chế độ Marcos đã bỏ tù, tra tấn, giết hại, và thủ tiêu vài chục ngàn người, như Ân xá Quốc tế hay nhiều tổ chức nhân quyền khác ghi nhận. Sáu năm cầm quyền dưới thời Duterte, chính quyền Phi chính thức ghi nhận hơn 6,200 người bị giết hại trong cuộc chiến chống ma tuý (war on drugs). Con số gần với sự thật hơn nằm giữa 8,000 đến 30,000, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Duterte đã từng nói những câu hàm ý khuyến khích lực lượng an ninh, cảnh sát bắn giết càng nhiều càng tốt, và ông sẽ bảo vệ họ. Khi làm thị trưởng Davao, Duterte đã hình hành toán đặc nhiệm có tên Đội Tử thần Davao (Davao Death Squad/DDS) để truy lùng và thủ tiêu những ai nằm trong danh sách của Duterte. Ngay cả khi những người đứng đầu hay từng tham gia DDS, như Arturo Lascañas hay Edgar Matobato ra truy tố Duterte là chủ mưu đằng sau, với nhiều bằng chứng mà chỉ có người tay trong mới biết được, thế mà dân Phi vẫn bầu và vẫn tiếp tục ủng hộ Duterte làm tổng thống. Không những thế, vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra năm 2019, Duterte được sự ủng hộ mạnh mẽ, gần 80% dân Phi, đến độ phía đối lập không có một người thắng ghế thượng viện, một kỷ lục chính trị trong 80 năm. Khi gần hết nhiệm kỳ, với bao nhiêu tai tiếng về cuộc chiến chống ma tuý, Duterte vẫn được 67% dân Phi ủng hộ.

 

Điều này cho thấy một quốc gia chìm đắm trong nhiều vấn nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma tuý, và một nền kinh tế què quặt bị thao túng bởi tập đoàn tài phiệt cấu kết với ngoại bang như Trung Quốc, thì mối lo canh cánh hàng đầu của người dân vẫn là sự sống còn: vật chất và an ninh. Bất chấp lãnh đạo có trực tiếp hay gián tiếp giết ai, có bàn tay nhuốm máu ra sao, phần lớn người Phi không quan tâm, và không thấy quan trọng ưu tiên. Người Phi sẵn sàng bỏ phiếu cho những lãnh đạo họ nghĩ là mạnh mẽ (strongman). Phần lớn tin rằng chỉ có những người mạnh mẽ như Duterte hiện nay, hay Marcos trước đây, mới có thể điều hành lãnh đạo quốc gia để đối phó giải quyết vấn nạn xã hội, đất nước. Thật ra thì một phần vì họ tin, nhưng phần khác họ bị tuyên truyền và định hướng để tin tưởng và ủng hộ như thế. Những Strongmen này cam kết giải quyết vấn nạn ma tuý trong nhiệm kỳ của họ, hay chấm dứt nghèo đói và bất công; họ hứa hẹn chấm dứt quân phiến loạn, khủng bố và cộng sản ở phía Nam của nước Phi (Mindanao). Chỉ có điều khi Strongman còn tại chức, người dân vẫn khốn khổ. Và khi ra đi thì cái gốc vấn đề vẫn còn nguyên. Sau đó khi đến cuộc bầu cử khác thì vẫn chỉ là những sự hứa hẹn khác hoặc mới được ban ra.

 

Những người có thể mang lại thay đổi và dân chủ, như Phó Tổng thống và là ứng viên Maria Leonor Robredo, thì cũng chỉ được gần 15 triệu phiếu, chưa bằng phân nửa của Marcos Jnr.

 

Làm thế nào mà người dân Phi cứ bị các chính trị gia như Duterte hay Marcos qua mặt mãi?

 

Câu trả lời có thể tóm gọn vào hai chữ: thông tin/tuyên truyền. Dưới thời Marcos, khi lẽ ra ông phải ra đi sau hai nhiệm kỳ (nay theo hiến pháp mới chỉ còn một nhiệm kỳ 6 năm), thì Marcos kéo dài sự cai trị của mình bằng cách ban hành thiết quân luật, kéo dài 9 năm. Truyền thông tự do là nạn nhân đầu tiên. Duterte cũng dùng thủ thuật tấn công bất cứ cơ quan truyền thông nào phê bình ông, và tuyển mộ dư luận viên trên mạng truyền thông xã hội để định hướng dư luận. Maria Ressa, người sáng lập và điều hành truyền thông Rappler, được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2021, đóng vai trò trụ cột trong việc thực hiện ba tập phúc trình mang tên “Chiến tranh tuyên truyền: Vũ khí hóa Internet.”

(Propaganda War: Weaponizing the Internet, Phần 12 và 3). Phúc trình này báo cáo chi tiết hành động của Tổng thống Duterte và những người ủng hộ ông đã huy động đội quân troll được trả tiền để bịt miệng những người chỉ trích, đe dọa đối thủ và phát tán thông tin sai lệch trực tuyến. Những cơ quan truyền thông độc lập đưa thông tin về bầu cử Phi năm 2022 bị tấn công mạnh mẽ. Những cuộc tấn công trực tuyến gọi những phóng viên này bằng những ngôn từ thô tục như “bayaran”, tức những người xâm nhập vào tài khoản người khác được trả lương, hay “presstitute”, tức những con điếm truyền thông. Ressa cũng bị tấn công, và mục tiêu là để những người như Ressa và những truyền thông như Rappler im lặng, không dám lên tiếng nữa.

 

Tấn công truyền thông và giới ký giả độc lập thôi vẫn chưa đủ để tạo ảnh hưởng và thuyết phục. Bước kế tiếp của Marcos Jnr., trong vài năm qua, là nhắm vào mục tiêu thay đổi lịch sử để nắm bắt hiện tại và định hướng tương lai.

Hiện nay Phi có 67 triệu người lớn, tức 18 tuổi trở lên, trong dân số 112 triệu. Khoảng một nửa dân số sinh sau năm 1986. Nhắm vào thành phần trẻ, và bằng cách kể câu chuyện khác đi, biến đổi những tự sự (narrative), để thu phục được sự ủng hộ của họ, là bí quyết thành công của Marcos. Marcos Jnr. làm đúng như vậy. Muốn nhắm vào thế hệ trẻ thì không thể bỏ qua truyền thông xã hội. Marcos đã tuyển dụng đội ngũ dư luận viên của mình tôn vinh những thành tựu thời của bố ông, Marcos Snr., người có viễn kiến của một Xã hội Mới, bởi vì Marcos từng tuyên bố sẽ chấm dứt nghèo đói và bất công. Cho nên lịch sử được viết lại rằng kỷ nguyên Marcos là thời đại của sự tiến bộ và thịnh vượng, mang lại một cuộc sống mới. Tự sự mới bỏ qua nạn tham nhũng và xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng thời đó. Nó được lan truyền trên các nền tảng như YouTube, nơi khá phổ biến trong giới trẻ, cũng như những người có thể truy cập miễn phí trên điện thoại của họ. Rappler đã theo dõi kỹ đường đi nước bước này trước khi Duterte lên nắm quyền. Cách đây 2 năm rưỡi, một bài viết trên Rappler nhận định rằng “Một lượng lớn thông tin tuyên truyền và thông tin sai lệch được tạo ra và khuếch đại bởi một mạng lưới rộng lớn gồm các trang web, các trang và nhóm Facebook, các kênh YouTube và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội dường như là một phần của chiến dịch có hệ thống nhằm đánh bóng hình ảnh của giòng họ Marcos và sửa soạn cho họ sự trỗi dậy thêm nữa trong chính trị Phi.” Tuy những nhận định của các ký giả Rappler đúng đắn, cuối cùng đa số người Phi cũng chọn Strongmen như Marcos.

 

Tóm lại, vấn đề chính của nước Phi là các thế tộc quyền lực tiếp tục thao túng nền kinh tế và chính trị tại đây, không mong muốn sự cải tổ nào để bị mất đi quyền lợi của họ. Giáo sư Sheila S. Coronel viết trên Foreign Affairs ngày 5 tháng Năm biện luận rằng thành phần quyền thế này chỉ muốn tiếp tục hưởng lợi (rent-seeking). Rent seeking có nghĩa là bằng cách thực tế hoặc thực hành thao túng chính sách công hoặc các điều kiện kinh tế như một chiến lược để tăng lợi nhuận.

Những điều trình bày về văn hóa và chính trị Phi ở trên dường như vẫn thật khó hiểu. Có lẽ khi có cơ hội đến nước Phi để sống và cảm nhận về người Phi, trải nghiệm thực tế đó mới giúp cho chúng ta thấu hiểu hơn chăng? Người Phi khá thật thà dễ thương và chịu đựng. Có lẽ sẽ mất nhiều thế hệ và hy sinh để chuyển đổi và củng cố nền dân chủ tại đây. Với 6 năm tới khi hai người con của các nhà độc tài nắm quyền tại đây, tiến trình dân chủ hóa của Phi Luật Tân chắc còn nhiều căm go, thử thách hơn nữa.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats