Cá
đuối khổng lồ vừa được thả về tự nhiên và thông điệp bảo tồn đa dạng sinh học
RFA
2022.05.20
Ngư dân Campuchia
thả cá đuối khổng lồ về sông. Stimson
center
Chị
Chea Seila, nhân viên dự án
“Kỳ quan Sông Mekong”, nhận được cuộc điện thoại của ngư dân về việc họ bắt được
một con cá đuối khổng lồ ở khu vực tỉnh Stung Treng (Campuchia), vào
nửa đêm 4/5, rạng sáng ngày 5/5.
Nhận biết
đây là loài nguy cấp cần được bảo tồn, ngay lập tức, chị Seila bắt xe trong
đêm, đi tám tiếng để tới tỉnh Stung Treng, rồi ngồi thuyền từ bờ sông ra làng
chài ngoài đảo, nơi con cá đuối này bị mắc lưới. Đến nơi, chị đã tập hợp nhiều
người dân địa phương cùng với các thiết bị để phóng thích con cá đuối dài 4m, nặng
182 kg này về sông một cách an toàn.
Chị Chea
Seila kể lại câu chuyện mình cùng với các ngư dân sống ở lưu vực sông Mekong thả
con cá đuối khổng lồ về với thiên nhiên, trong buổi hội thảo trực tuyến do
Trung tâm Stimson ở Washington DC, Hoa Kỳ, tổ chức hôm 20/5. Chị cho biết mình
đã vô cùng xúc động và ngạc nhiên vì không nghĩ rằng vẫn còn một con cá đuối to
đến như vậy tồn tại ngay giữa lòng sông Mekong, đoạn chảy qua Campuchia.
“Con cá đuối
khổng lồ này nặng đến 182kg. Tôi ở khu vực này từ năm 2005 nhưng tôi chưa bao
giờ thấy một con cá đuối nào lớn như vậy mà còn sống. Lúc đó tôi vô cùng xúc động.
Cộng đồng
người dân ở đây nói rằng đây là vùng sâu vùng xa, ở đó người ta không chỉ thấy
và bắt được con cá đuối khổng lồ, mà còn có cá heo Sông Mekong, rồi còn có loại
cá lăng khổng lồ và các cá khổng lồ khác cũng sống ở đó nữa.
Đó là lý
do mà người dân ở đó đã quyết định quây lại thành một cái vùng gọi là vùng bảo
tồn để giữ gìn các loài cá to và hiếm như vậy.” - Chea Seila nói trong buổi
hội thảo.
Cá đuối khổng lồ được thả lại sông Mekong hôm
10/5/2022 ở Campuchia. AFP
Thông điệp bảo tồn đa dạng sinh học
Phát biểu
trong hội thảo này, ông Zeb Hogan,
giám đốc dự án “Kỳ quan Sông Mekong” do USAID tài trợ, nêu lên tầm quan trọng của
đoạn sông Mekong thuộc tỉnh Stung Treng rằng khu vực này đã sản sinh ra khoảng
200 tỷ cá con các loại, và đây là nguồn đảm bảo thực phẩm và an ninh lương thực
cho biết bao nhiêu hộ gia đình ở vùng hạ du Sông Mekong, trong đó có cả Lào và
Việt Nam.
Theo ông
Zeb Hogancho, đây là đoạn có lòng sông sâu nhất trên toàn tuyến Mekong, và nó
cũng là nhà của nhiều loài thuỷ sản nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao:
“Đây là
điểm nước sâu nhất trong toàn tuyến sông Mekong, có thể sâu đến 80m ở khu vực gần
biên giới với Lào.
Có thể
nói rằng đây là nơi mà các loài thủy sinh có thể có nguy cơ bị diệt chủng tìm về.
Ví dụ như các loài cá heo nước ngọt ở Sông Mê Kông chẳng hạn.
Nửa đêm
khi chúng tôi ngủ ở gần sông thì có thể nghe tiếng khác con cá này quẫy đuôi.
Đây là môi trường cực kỳ quan trọng cho các loài cá nguy cấp.”
Trong một
bài viết được đăng tải trên mạng báo The Guardian hồi năm 2019, ông Zeb Hogan
cho biết Sông Mekong là nơi sinh sống của loài cá da trơn lớn nhất thế giới, có
thể nặng gần 300kg, các loài cá chép và cá đuối nước ngọt lớn nhất. Tất cả hiện
được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, gần tuyệt chủng. Số lượng cá thể đã giảm xuống
gần như bằng không do dân số con người tăng nhanh trong năm thập niên qua.
Sự suy giảm
đa dạng sinh học là một trong những thách thức lớn nhất đối với hành tinh, dẫn
đến sự xói mòn các hệ sinh thái, thiếu thực phẩm và nước sạch và đe dọa sức khỏe
của con người…
Nguy hại từ các con đập thuỷ điện
Tiến sỹ
này cho biết thêm rằng sự bùng nổ trong vấn đề xây dựng các đập thuỷ điện làm
tăng nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài cá nước ngọt khổng lồ trên Sông
Mekong. Động vật lớn cần phạm vi lớn để sinh sống, và đập thủy điện ngăn chặn
các tuyến đường di cư của cá cũng như khả năng tiếp cận với khu vực kiếm ăn.
Nói về các
con đập thuỷ điện, chị Chea Seila cho biết sẽ cố gắng kết hợp với các nhà
nghiên cứu, cũng như chính phủ Campuchia để thu thập những thông tin cho thấy
khúc Sông Mekong này quan trọng như thế nào đối với các loài thuỷ sản, và các
công trình hạ tầng xây dựng ở trên thượng nguồn sẽ có tác động nguy hại ra sao
đối với môi sinh của các loài sinh sống ở đây, đặc biệt là các loài nguy cấp.
“Tôi
cũng mong khi xem xét chuyện tăng trưởng kinh tế và phát triển ở phía thượng
nguồn sông Mekong, chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng một cách có trách nhiệm ở
toàn Sông Mekong và đặc biệt là ở vùng Stung Treng này. Chuyện đó rất là quan
trọng đối với việc bảo tồn được đa dạng sinh học ở sông Mekong.
Tôi
cũng muốn tiến hành nghiên cứu, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như làm
sao để hệ sinh thái bền vững.
Khi
phát triển các hoạt động du lịch thì đó cũng phải là du lịch bền vững. Khu vực ở
Sông Mekong phải được coi là vùng lõi về bảo tồn đa dạng sinh học và chúng ta cần
phải bảo tồn nó. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi mọi người.”
Năm 2010,
Uỷ hội Sông Mekong (MRC) từng đưa ra bản báo báo, cảnh báo rằng việc xây dựng
các con đập thuỷ điện trên thượng nguồn Sông Mekong có sẽ làm hệ sinh thái xuống
cấp trầm trọng, đe dọa kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân sống ở khu
vực hạ du, chất lượng nước xấu đi, lũ lụt và hạn hán ngày càng xảy ra thường
xuyên hơn, thủy sản cạn kiệt, sạt lở ven sông ở mức báo động và biến đổi khí hậu…
---------------------------------------
Tin,
bài liên quan
Thượng
đỉnh Mỹ-ASEAN có thể thúc đẩy sự tham gia của Hoa Kỳ ở tiểu vùng Mekong
Mực
nước sông Mekong cao vào mùa khô, đừng vội mừng!
Đồng
bằng VN đối phó thế nào với nguy cơ bị ngập khi nước biển dâng?
Phụ
nữ tham gia chống rác thải nhựa ở Việt Nam
Nguồn
nước Mekong mùa khô 2022 tiếp tục là vấn đề nóng cho khu vực
No comments:
Post a Comment