Wednesday, 25 May 2022

BỘ TỨ và TUYÊN BỐ CHỐNG LẠI SỰ THAY ĐỔI NGUYÊN TRẠNG TRÊN BIỂN ĐÔNG (Nguyễn Ngọc Nam, RFA)

 



Bộ tứ và tuyên bố chống lại sự thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông

Bình luận của Nguyễn Ngọc Nam
2022.05.25

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/quad-and-statement-against-status-quo-change-in-the-scs-05252022123241.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/quad-and-statement-against-status-quo-change-in-the-scs-05252022123241.html/@@images/d2fd5202-8971-4143-ba0d-0905c3b81db5.jpeg

Lãnh đạo bốn nước thuộc nhóm Quad chụp hình chung tại Tokyo hôm 24/5/2022: Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.  AFP

 

Sự đe doạ của Trung Quốc là lý do “hồi sinh” Bộ tứ

 

Từ lâu, Trung Quốc đã muốn kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng to lớn đối với an ninh và vận chuyển thương mại của nước này. Để kiềm chế sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng ta đã chứng kiến hai bước phát triển quan trọng trong 15 năm qua. Một là sự ra đời của Đối thoại An ninh Bộ tứ, do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng vào năm 2007 với sự ủng hộ của Thủ tướng Australia lúc đó là John Howard, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney. Hai là việc xây dựng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, còn được gọi là chiến lược FOIP hoặc đơn giản là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2016 và được các bộ ngoại giao Nhật Bản và Mỹ công bố như một khái niệm chính thức vào ngày 4/11/2019.

 

Sau khi thành lập vào năm 2007, các quốc gia thành viên nhóm Bộ tứ đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên Tập trận Malabar. Sau đó, khi Kevin Rudd trở thành Thủ tướng Australia, nước này đã rút khỏi nhóm Bộ tứ trong một thời gian ngắn. Đến năm 2010, khi bà Julia Gillard nhậm chức Thủ tướng Australia, Canberra đã khôi phục quan hệ quân sự với Mỹ, dẫn đến việc triển khai thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin, Australia, nhìn ra Biển Timor và eo biển Lombok.

 

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2017 ở Manila (Philippines), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí khởi động lại nhóm Bộ tứ vì nhiệm vụ cấp bách hiện nay là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.[1] Tháng 3/2021, nhóm Bộ tứ đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm nhìn chung cho một FOIP và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.[2]

 

Các cuộc họp của nhóm Bộ tứ ngày 24/9/2021 (cấp thượng đỉnh) và ngày 11/2/2022 (cấp ngoại trưởng) là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bền chặt đang củng cố liên minh này, trong lúc các cường quốc trên thế giới nhận thức được những nguy cơ mà thế giới phải đối mặt nếu không kiềm chế sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/quad-and-statement-against-status-quo-change-in-the-scs-05252022123241.html/000_9zg9m2.jpg/@@images/c49cf6df-7f44-4bbe-81b8-da8d29130095.jpeg

Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Ddoooj Subrahmanyam Jaishankar, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken chụp hình chung tại cuộc họp các ngoại trưởng nhóm Quad tại Melbourne, Australia hôm 11/2/2022. AFP

 

Trung Quốc phản công

 

Trung Quốc gọi nhóm Bộ tứ là NATO châu Á. Rõ ràng, Bộ tứ khiến Trung Quốc khó chịu vì thách thức kế hoạch kiểm soát Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bắc Kinh. Với các căn cứ hải quân hùng hậu của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, và sự nổi lên của nhóm Bộ tứ như một “cường quốc” trong khu vực, Trung Quốc hiểu rằng họ phải hành động nhanh chóng để chống lại quyền lực tối cao của nhóm Bộ tứ. Và câu chuyện Quần đảo Solomon bắt đầu từ đây. Nằm ở châu Đại Dương, quốc đảo Solomon bao gồm sáu đảo lớn và hơn 900 đảo nhỏ hơn, có diện tích tổng cộng 28.400 km2 và dân số 0,6 triệu người. Thủ đô của Quần đảo Solomon là Honiara. Quần đảo Solomon không có lực lượng vũ trang và an ninh của quốc đảo này do cảnh sát đảm nhiệm. Khoảng cách giữa Solomon và Trung Quốc là 7.731 km, nhưng điều tối quan trọng đối với Trung Quốc là vị trí của quần đảo này. Quần đảo Solomon nằm cách Australia 3.280 km và với tầm vóc ngày càng lớn của nhóm Bộ tứ, việc có quan hệ tốt với Solomon sẽ phục vụ cho hai mục đích của Trung Quốc. Một là, Trung Quốc giành được chỗ đứng ở khu vực châu Đại Dương để phát huy sức mạnh ở Thái Bình Dương bằng cách thiết lập một căn cứ hải quân quan trọng tại đây trong tương lai gần. Hai là, nó hoạt động như một biện pháp răn đe đối với Australia, quốc gia thành viên nhóm Bộ tứ.

 

Hôm 20/4 vừa qua, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare thông báo chính phủ của ông đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.[3] Thông báo này đã gây rúng động thế giới vì giờ đây Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc tại một quốc đảo từng đóng vai trò quyết định trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trung Quốc hiện có thể sử dụng Quần đảo Solomon để chặn các tuyến đường vận chuyển bất cứ lúc nào họ cần. Trung Quốc đã đồng ý bơm hàng triệu USD để thúc đẩy cơ sở hạ tầng ở Solomon. Tất nhiên, không có bữa trưa nào miễn phí. Việc Trung Quốc tiếp quản cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan vì các nước này không trả được các khoản vay từ Trung Quốc là lời nhắc nhở rõ ràng về những gì đang chờ đợi ở Quần đảo Solomon.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/quad-and-statement-against-status-quo-change-in-the-scs-05252022123241.html/000_328r8dy.jpg/@@images/88e9bf8e-8a64-47f9-83ed-03aa4671768e.jpeg

Hình minh họa: Hình chụp hôm 22/4/2022 - Đại sứ Trung Quốc tại Solomon Li Ming (phải) và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) cắt băng khánh thành khu phức hợp sân vận động quốc gia do Trung Quốc tài trợ ở Honiara. AFP

 

Bộ tứ chống lại “sự thay đổi nguyên trạng”

 

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tại Tokyo diễn ra ngày 24/5 có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra ngay sau khi Trung Quốc “nắm quyền kiểm soát” Quần đảo Solomon, và Trung Quốc đang áp dụng lập trường hiếu chiến đối với Đài Loan trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Tokyo có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.        

 

Trong buổi họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Vào thời điểm Nga tiến hành cuộc tấn công Ukraine làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới, lãnh đạo Nhóm “Bộ tứ” nhất trí về việc mọi ý tưởng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.[4]

 

Nỗi lo lắng về những ý đồ của Trung Quốc “gặm nhấm” các đảo tại Thái Bình Dương còn được Nhóm “Bộ tứ” nêu rõ trong tuyên bố chung, khi nhắc đến hiện tượng “quân sự hóa” nhiều khu vực đang có tranh chấp, việc “sử dụng tầu tuần duyên và hải cảnh một cách nguy hiểm, cũng như những nỗ lực nhằm gây xáo trộn các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên biển của nhiều nước khác”,[5] đó cũng chính là các hoạt động mà Trung Quốc bị tố cáo là đang tiến hành trong khu vực.

 

Kết thúc cuộc họp tại Tokyo, nhóm “Bộ tứ” đã đạt được đồng thuận nhằm khởi động một sáng kiến mới nhằm tăng cường giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Mặc dù tuyên bố đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt cá trái phép và phục vụ cứu trợ nhân đạo, nhưng đây cũng có thể là hoạt động tình báo hoặc răn đe nhằm đối phó với lực lượng dân quân biển  của Trung Quốc.

 

Các thành viên Nhóm “Bộ tứ” muốn đầu tư ít nhất 50 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cho khu vực. Mặc dù, tuyên bố chung của Nhóm “Bộ tứ”  không công khai lên án Trung Quốc và Nga, do Ấn Độ đã từ chối chỉ trích Nga về cuộc chiến tại Ukraine.

 

Thái độ của Việt Nam với Bộ tứ

 

Khi thế giới bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19, bốn quốc gia thành viên Bộ Tứ đã cung cấp hơn 505 triệu liều vắc-xin trong tổng số 1,3 tỷ liều vắc-xin mà các nước này đã cam kết trên quy mô toàn cầu. Thực tế, trong thời gian qua, khi toàn thế giới phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với COVID-19 thì Bộ Tứ đã thể hiện vai trò là cơ chế dẫn dắt khu vực khi cung cấp hàng trăm triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cùng nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai tiêm vắc-xin cho các nước trong khu vực. Đây là điều được các nước trong khu vực ghi nhận và đánh giá cao, nó cho thấy sự song hành của Bộ Tứ cùng với khu vực trong lúc ứng phó với những thách thức chung.

 

Chính vì vậy, nhiều người vẫn mong muốn Việt Nam sẽ đóng một vai trò tích cực đối với Bộ tứ này. Cách đây hai năm, Bộ tứ đã có đánh tiếng mời Việt Nam tham gia để tái cấu trúc “chuỗi cung ứng toàn cầu”.[6]

 

Cho đến nay, Việt Nam chưa đưa ra nhận xét đối với tuyên bố chung của các lãnh đạo Bộ tứ mới đây. Hồi tháng 2 năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo thường kỳ có thể hiện quan điểm:

 

"Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình”.[7]

 

Điều mà Việt Nam e ngại nhất trước lời đề nghị tham gia Bộ tứ chính là phản ứng từ Trung Quốc.

 

____________________

 

Tham khảo:

 

[1] https://warontherocks.com/2017/11/rise-fall-rebirth-quad/

 

[2] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/09/24/joint-statement-from-quad-leaders/

 

[3] https://www.afr.com/world/asia/why-china-s-solomon-islands-security-deal-is-just-the-start-20220421-p5af2j

 

[4] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/05/23/remarks-by-president-biden-and-prime-minister-fumio-kishida-of-japan-in-joint-press-conference/

 

[5] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/

 

[6] https://congthuong.vn/my-moi-viet-nam-doi-thoai-voi-bo-tu-kim-cuong-de-tai-cau-truc-chuoi-cung-ung-137260.html

 

[7] https://vov.vn/the-gioi/viet-nam-noi-gi-ve-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-my-post924894.vov

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

.

Tin, bài liên quan

 

Chính sách Biển Đông của Philippines dưới thời Marcos sẽ tác động tới Việt Nam thế nào?

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Mỹ sẽ đưa ra những cam kết gì cho khu vực?

Trung Quốc tung máy bay chiến đấu tối tân tuần tra Biển Đông và nỗi lo cho Việt Nam

Việt Nam chơi vơi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine

Thế giới bận rộn chiến sự Nga - Ukraine, Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông




No comments:

Post a Comment

View My Stats