Thursday, 26 December 2019

XÉT XỬ LƯU ĐỘNG LÀ THỰC HÀNH TRÁI LUÂN THƯỜNG (Lê Nguyễn Duy Hậu)





Mình xem việc vận động để xoá bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn thực hành xét xử lưu động là một mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp của bản thân. Và mình sẽ không ngừng viết để lên án nó, vì cho dù có thể chưa thay đổi được gì, chính sự nhận thức sẽ giúp chúng ta không xem đây là một thực hành đáng hoan nghênh và chống lại những điều dã man mà nó đem lại. Cộng đồng đáng được hưởng sự công bằng đàng hoàng hơn.

Đối với mình, xét xử lưu động là một thực hành dã man, đi trái lại với luân thường (common sense), và là một sự sỉ nhục lên công lý đàng hoàng mà nạn nhân và xã hội đáng được hưởng.

Không có quá nhiều tài liệu học thuật để tìm hiểu nguyên do, tác động của xét xử lưu động. Điều này cũng trùng khớp với sự thiếu vắng cơ sở pháp lý trầm trọng của thực hành này. Nhưng có lẽ việc tiến hành xét xử lưu động nó xuất phát từ một quan điểm khá đơn sơ là việc đem một "kẻ phạm tội" ra xét xử, ra kiểm điểm trước bàn dân thiên hạ nhằm mục đích răn đe, trừng phạt. Trên thực tế thì việc xét xử lưu động từng xảy ra ở ngay cả các nước Âu - Mỹ và thường đi kèm ngay sau đó là việc thi hành án công khai - thường là chém đầu, treo cổ, hoặc trong trường hợp dị giáo thì là thiêu sống. Sự ghê rợn của hình phạt, cộng với quá trình bị công chúng sỉ vả tạo nên nỗi nhục nhã ghê gớm cho bị cáo, còn chính quyền thì tin rằng (một niềm tin khá mơ hồ) công chúng sẽ khiếp sợ mà phục tùng. Dần dần xã hội phát triển, những phiên xử dị giáo như vậy bị lên án là tàn nhẫn và bị loại bỏ.

Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam là một trong số hiếm các quốc gia (nếu không muốn nói là duy nhất?) còn duy trì hình thức xét xử lưu động này (không thể tìm ra một thuật ngữ tiếng Anh tương xứng để cho thế giới hiểu nên khi thực hiện UPR, mình dịch là outdoor trials). Rất may là hình thức trường bắn công khai không còn tồn tại nữa. Nhưng xét xử lưu động thì tồn tại như một thói quen vốn được cơ quan viện kiểm sát thúc đẩy và toà án chấp thuận như một biện pháp để "giáo dục pháp luật" (từ mỹ hoá của răn đe, trừng phạt công chúng). Cũng xin chớ nhầm lẫn "hiện tượng" xét xử lưu động này với một hiện tượng khá giống với nó là "toà án di động" (mobile court) vốn tồn tại ở một số quốc gia Châu Phi và Nam Á. "Toà án di động" vốn dĩ không nhằm mục tiêu "răn đe, giáo dục, trừng phạt" mà là để đem công lý đến cho những vùng, miền xa xôi, nơi không có toà án lưu trú (ví dụ, một huyện miền núi, nơi cách xa toà án cả trăm km?). Đây là hình thức giúp tiếp cận công lý tốt hơn trong bối cảnh bắt buộc và tuyệt đối không phải là "xét xử lưu động" khi pháp đình chỉ cách nơi xét xử vài bước chân. Trên thực tế thì ngay cả hình thức "toà án di động" cũng đang bị lên án vì thường vi phạm quyền của các bên.

Quay trở lại, sự tàn bạo của xét xử lưu động nằm ở chỗ nó xem việc xét xử như một bước của quá trình trừng phạt bị cáo. Trong rất nhiều vụ việc, chính sự tuỳ tiện trong lựa chọn vụ án đem ra xét xử lưu động (đa số vì mục tiêu chào mừng tháng cao điểm trấn áp cái này cái kia, hoặc trong vụ án ở Điện Biên hay Bình Phước là để thoả mong dư luận quan tâm - tức là mục tiêu chính trị), nhiều vụ án còn đem lại sự phiền hà cho toà (vụ án Bình Phước phải kết thúc trong 1 ngày và toà tuyên án lúc 7h tối trong ánh đèn nhá nhem), sự xấu hổ của gia đình bị cáo, và sự xấu hổ của cả gia đình nạn nhân (vì hành vi tội ác bị đem ra kể lại trong đám đông chứng kiến có khi lên đến hàng vạn người, chỉ trỏ, bàn tán). Hơn nữa, các vụ án xét xử lưu động thường đảm bảo một điều là quyền suy đoán vô tội của bị cáo xem như không tồn tại. Đây là logic rất thông thường vì nếu bị cáo có khả năng vô tội, người ta đã không đem ra xử lưu động để "giáo dục" quần chúng. Phiên toà lúc này chỉ có xử mà không có xét, và biện hộ của luật sư chỉ mang tính hình thức.

Nhưng cái quan trọng hơn cả, các phiên xét xử lưu động biến một trong những sự kiện quan trọng nhất của xã hội loài người để tiệm cận công lý trở thành một show diễn vì mục đích chính trị như kể trên. Điều kỳ lạ ở chỗ, vì mục đích "giáo dục", "răn đe" rất mơ hồ, võ đoán, và thiếu căn cứ, người ta sẵn sàng cho phép tụ tập một đám đông có khi là cả vạn người để cùng uất hận theo từng lời buộc tội đanh thép của công tố viên, như thể tâm lý đám đông sẽ không bao giờ tồn tại (điều này rất khác với những lo ngại kích động của vài trăm người biểu tình ôn hoà). Chẳng phải ngẫu nhiên mà không gian toà án lại quan trọng như vậy, nơi hiện thân của công lý và sự uy nghiêm như kiểu một chánh điện giúp con người ta khiêm nhường. Những hành vi làm ồn hay phá rối trong toà án thường đi kèm với án phạt rất nặng vì đó là hành vi cản trở tiến trình tiếp cận công lý được thực thi. Làm thế nào để ngăn cho đám đông lố nhố trên các sân vận động có được sự tôn trọng như tại một phiên toà tại pháp đình?

Với những người tham dự, thật không thể hình dung được họ sẽ học được gì, sẽ cảm hoá được gì, sẽ hướng thiện ra sao sau mỗi phiên xử lưu động như vậy. Cái gọi là công lý mà đám đông đó chứng kiến trong phiên xử lưu động rốt cuộc là một thứ công lý của đám đông, của sự thù hận, của doạ nạt, hăm doạ. Đám đông không được chứng kiến công lý đích thực với quyền của bị cáo được tôn trọng đầy đủ (mà tôn trọng không có nghĩa là mềm yếu, trái lại là sự cao thượng). Đám đông hiểu rằng chính số lượng, chính sức ép, chính sự nhục mạ, sự sỉ vả như trong các phiên xét xử lưu động sẽ đem lại "công lý".

Những phiên xét xử lưu động do đó đã nuôi nấng và làm thoả mãn cái nhu cầu thù hận hay nhiều chuyện thấp hèn nhất của quần chúng. Phiên xử do đó trở thành một môn thể thao và do vậy, không quá ngạc nhiên khi người ta tiến hành các phiên xử lưu động tại nhà văn hoá (nơi vốn để trình diễn), tại nhà hát (nơi để đóng kịch), tại bãi đất trống (nơi các đoàn lô tô diễn), hay tại sân vận động (nơi thi đấu thể thao). Suy cho cùng, đó là sự sỉ vả vào chính quyền được chứng kiến, trải nghiệm công lý đàng hoàng của người dân. Những tấm gương sáng của công lý không bao giờ viện tới đám đông hay kêu gọi lòng thù hận, mà chỉ bằng lẽ công bằng để khiến bị cáo tâm phục khẩu phục. Đó mới là luần thường đạo lý nếu như thực sự nó tồn tại.

Và khi xã hội không được hưởng công lý đích thực thì cũng là sự sỉ nhục quyền có công lý đích thực của nạn nhân.

Vì thế, xin đừng nói về những mặt lợi của xét xử lưu động, hay những mục đích chính trị vô danh, võ đoán, vô căn cứ mà nó có thể (nhưng chưa bao giờ được chứng minh) sẽ đem lại. Một khi nó đã sai thì có lợi hay không không quan trọng. Sự tồn tại của xét xử lưu động chỉ là một thói quen ấu trĩ, đáng lên án và cần loại bỏ. Nó là sự phỉ báng công lý của xã hội (vì nó biến phiên toà thành một môn thể thao và người đi xem như khán giả chứng kiến giác đấu), là sự coi thường đạo đức (vì tự cho bản thân quyền tàn bạo với người khác), là bất hợp pháp (vì không theo một quy trình, tiêu chuẩn luật định nào cả), là phản nhân quyền (vì quyền xét xử công bằng và suy đoán vô tội không bao giờ được bảo đảm), và do đó là sự khinh xuất với công bằng đàng hoàng mà nạn nhân đáng được hưởng.







No comments:

Post a Comment

View My Stats