Saturday, 14 December 2019

THE ECONOMIST : MỘT CÂU LẠC BỘ BÓNG ĐÁ VIỆT NAM THÁCH THỨC TRUNG QUỐC (Trọng Nghĩa - RFI)



NỘI DUNG :

.

=======================================




Đăng ngày 14-12-2019 

Trong mục châu Á, tuần báo Anh The Economist số ra ngày 13/12/2019 đã có một bài viết lý thú về một câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam, mang một cái tên kỳ lạ bằng tiếng Anh: “No U FC”. Đối với The Economist, đây là một “câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đang thách thức Trung Quốc”.

Một buổi chơi bóng của Câu lạc bộ No-U tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 09/07/2017.HOANG DINH NAM / AFP

Mở đầu bài viết mang tựa đề đơn giản Thẻ đỏ”, gởi đi từ Hà Nội, phóng viên của The Economist đã tả lại một buổi tập luyện của thành viên câu lạc bộ bóng đá này, mà ngay tên gọi đã được nhà báo Anh cho là một “tiếng kêu xuất phát từ trái tim”, dùng nguyên văn từ ngữ tiếng Pháp “cri de coeur”, một cái tên biểu thị rõ ý muốn bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh đối với Biển Đông.

Về cái tên câu lạc bộ bóng đá “No U FC”, bài báo đã giải thích rõ rằng chữ U trong tên đội bóng chỉ “đường chín đoạn” hình chữ U mà Trung Quốc dùng để yêu sách chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, ăn vào cả một khu vực rộng lớn mà luật pháp quốc tế công nhận là thuộc về Việt Nam.

Điểm lý thú được The Economist ghi nhận là trong tên gọi của câu lạc bộ đó, chữ tắt FC có thể hiểu theo hai cách, cách thông thường là “Football Club” – Câu Lạc Bộ Bóng Đá – nhưng cũng có người giải thích một cách nôm na hơn là “Fuck China”, tức là “đ… m… Trung Quốc”.

Đối với phóng viên của The Economist, câu lạc bộ No-U FC được thành lập vào năm 2011 để phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, chiếm cứ các đảo và rạn san hô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đặt các nơi này vào một khu hành chính mới của Trung Quốc, trong lúc tàu Trung Quốc thì tấn công và giết chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển bị Bắc Kinh tranh chấp.

Theo The Economist, chính vì cho rằng Trung Quốc đang xâm lấn vùng biển Việt Nam mà các nhóm xã hội dân sự non trẻ tại Việt Nam đã tổ chức một số cuộc biểu tình. Chuyên gia Vũ Tường thuộc Đại Học Mỹ Oregon cho biết là vào năm 2018 chẳng hạn, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế bị cho là có hệ quả là bán rẻ đất nước cho Trung Quốc.

Hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng bị nhà chức trách Việt Nam giải tán, nhưng trước đó một nhóm các nhà hoạt động đã nghĩ ra cách để nói lên quan điểm của mình mà không bị bắt giữ. Và thế là No-U FC ra đời.

Công an Việt Nam tuy nhiên không bị lừa lâu, các trận đấu của Câu lạc bộ đã bị đình chỉ, các nhà quản lý sân bóng được khuyến cáo là không được cho câu lạc bộ này vào chơi bóng, và nhiều thành viên Câu lạc bộ thì bị đánh đập và bỏ tù. Cho dù vậy, đội No U FC vẫn không nản lòng và tiếp tục chơi bóng mỗi Chủ Nhật.

Việc chính quyền đối xử khắc nghiệt với câu lạc bộ No-U FC quả là đáng ngạc nhiên vì Câu lạc bộ này được thành lập chỉ để thể hiện tình cảm ủng hộ Việt Nam. Nhưng theo The Economist, có hai lý do giải thích phản ứng đó.

Trước hết, câu lạc bộ này có thể là đã quá yêu nước so với khẩu vị của chế độ. Mặc dù chính quyền Việt Nam phản đối các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng trong thực tế, phản ứng của Việt Nam thường rất nhẹ nhàng. Nhà nghiên cứu Vũ Tường cho rằng trong Đảng Cộng Sản cầm quyền có một phe bảo thủ không muốn xúc phạm đối tác Trung Quốc.

Lý do thứ hai là có một kết nối đang phát triển giữa câu lạc bộ và các hoạt động dân chủ. Vì thái độ thận trọng của chính phủ trong vùng biển tranh chấp, nhiều nhà hoạt động cho rằng Đảng còn yếu đuối trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Trong bài biên khảo về hoạt động chính trị ở Việt Nam mang tựa “Nói thẳng tại Việt Nam – Speaking Out in Vietnam”, nhà nghiên cứu Ben Kerkvliet cho rằng một số người đã “kết luận rằng, để cứu đất nước Việt Nam, hệ thống chính trị phải được thay thế bằng một nền dân chủ mạnh mẽ”.

--------------------------------


*


Mãi đến trưa ngày 30/10/2017, tôi mới nhận được lời mời của đội bóng No-U đến dự sinh nhật lần thứ 6. Thông thường, tôi nhận được lời mời từ nhiều ngày trước. Đã tưởng năm nay, trong hoàn cảnh bị đàn áp gắt gao, No-U FC phải tạm thời bỏ sinh nhật. Kế hoạch tổ chức sinh nhật chỉ được gửi tới từng người trước vài giờ nói lên việc tổ chức sinh nhật No-U FC năm nay được tiến hành hết sức bí mật nhằm tránh sự đánh phá của nhà cầm quyền.

Đã có nhiều lễ kỷ niệm sinh nhật No-U FC bị đánh phá.

Năm 2016, lễ kỷ niệm được tổ chức ở nhà thờ Thái Hà. Nhiều người bị chặn tại nhà. Tôi vừa ra khỏi cửa thì bị một đám an ninh ngăn cản quyết liệt. Khu vực nhà thờ bị phá sóng và bị cắt điện.

Năm 2015, lễ kỷ niệm tổ chức tại nhà hàng. Được một lúc thì riêng nhà hàng này bị cắt điện. Tiếp theo, trong màn đêm tối mò, một nhóm côn đồ xông vào đạp các bàn ăn, ném chai cốc vào phía những người đang tham dự. Không khí căng thẳng đến tột độ. Trước đó, một chiếc xe ô tô chở bốn người đàn ông đến ăn búp-phê tối tại đây, chắc để nghiên cứu cách phá buổi kỷ niệm. Có người còn chụp được hình trong xe có cả mũ công an. Khi nhà hàng bị cắt điện thì bốn người đàn ông ấy đã quỵt tiền ăn lên xe đi mất.

Có năm tổ chức sinh nhật, nhà hàng đặt trước bị ép từ chối phục vụ, chúng tôi phải chuyển đến địa điểm dự phòng. Thực ra đấy mới là địa điểm chính thức do sự khôn khéo đánh lạc hướng của ban tổ chức.

Nhắc đến mấy lần sinh nhật như thế để nói rằng, sự ra đời và hoạt động của No-U nói chung và No-FC nói riêng làm nhà cầm quyền rất khó chịu. Vậy No-U là gì? Phong trào này làm những gì mà bị coi là phản động?

No-U là một phong trào yêu nước trong Mùa Hè đỏ lửa năm 2011. Năm ấy, 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra làm dấy lên phong trào chống Trung Quốc xâm lược. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vạch ra đường lưỡi bò nhằm thôn tính Biển Đông, trực tiếp uy hiếp chủ quyền của Việt Nam và đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Việt Nam yêu nước. Đường lưỡi bò giống chữ U, vì vậy ý nghĩa của chữ No-U là nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc. Nói rộng ra No-U là bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, cho No-U là phản động, đồng nghĩa với việc cho chống xâm lược là phản động. Đây là một điều mà nhà cầm quyền không thể giải thích nổi với nhân dân.

Và vì vậy, những hoạt động nào dính đến No-U đều bị đánh phá.

No-U còn được gọi tên theo các vùng miền như No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, No-U Đà Nẵng… Không thể biết No-U thu hút bao nhiêu người, ai là thủ lĩnh. Chỉ biết Phong trào No-U thu hút tất cả những người chống Trung Quốc, xuất phát từ tinh thần yêu nước. Với sự xuất hiện của Phong trào No-U, những nhóm, hội với các hoạt động, mục tiêu cụ thể ra đời như Câu lạc bộ bóng đá No-U (No-U FC), No-U thiện nguyện cũng ra đời trong năm đó.

6 năm qua, Phong trào No-U đã làm được rất nhiều việc: Khơi dậy và giữ lửa cho tình yêu Tổ quốc của người Việt Nam, kêu gọi và tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tổ chức các lễ tưởng niệm các tử sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh những tù nhân lương tâm vì lý tưởng cao cả mà chịu tù đày, xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai như bão lũ… Đó là những công việc tốt cho đời và đầy nhân bản. Thế nhưng chính những thành viên No-U gặp rất nhiều khó khăn vì những hoạt động này. Nhiều người bị sách nhiễu, bị cấm đi lại, bị ném chất bẩn vào nhà, bị đuổi khỏi nhà trọ, bị gây khó trong mưu sinh. Có những người bị trả thù, đón đường đánh đập như Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng… thậm chí bị đánh, bị cùm ngay trong đồn công an như Trương Văn Dũng, Lê Hồng Phong. Điển hình nhất là Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào trại cải tạo một cách phi pháp. Ở đây tôi không nhắc đến những người bị đàn áp, bị cầm tù vì các hoạt động hợp pháp khác, thuộc các tổ chức xã hội dân sự khác.

Trở lại với Câu lạc bộ bóng đá No-U. Mặc dù rất nhiều lần bị gây khó, phải chạy hết từ sân nọ đến sân kia nhưng đội bóng vẫn ra sân đều đặn. Cho đến ngày kỷ niệm 6 năm thành lập, đội bóng đã ra sân 251 lần (không kể những trận đấu giao hữu). Lễ kỷ niệm tổ chức vào tối 30/10 năm nay, nhờ làm tốt công tác bảo mật nên đã thành công tốt đẹp với sự góp mặt của hơn 40 thành viên. Cuộc gặp mặt diễn ra hết sức cảm động. Đặc biệt, có sự tham gia của chị Bùi Thị Minh Hằng, một thành viên kỳ cựu của No-U, người chiến sĩ đấu tranh gan dạ, dũng cảm nhất trong phong trào chống Trung Quốc xâm lược.

Những bài hát lề dân vang lên: Việt Nam tôi đâu, Anh là ai (Việt Khang), Đáp lời sông núi, Triệu con tim một tiếng nói (Trúc Hồ), Việt Nam quê hương ngạo nghễ (Nguyễn Đức Quang), Con đường Việt Nam (đài SBTN)… Những gương mặt rạng ngời, say sưa vì đã lâu rồi chưa có dịp cất lên những ca từ của lòng mình. Thôi, chẳng được hát công khai cho đồng bào nghe thì chúng ta hát cho nhau nghe để giải tỏa bớt nỗi lòng. Mọi người nhắc lại những kỷ niệm trong 6 năm qua, những gian truân gặp phải, nhắc lại những người không thể có mặt để mà bùi ngùi. Trong buổi gặp gỡ, tôi thấy có nhiều gương mặt mới và trẻ trung bên cạnh những gương mặt đã thành thân quen. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần có dịp họp mặt, tôi hay để ý đến những gương mặt mới để vui, để mừng vì chúng tôi không đơn độc và nghĩ đến ngày mai tươi sáng.

(Xin mời bạn đọc xem những hình ảnh, những video tràn ngập trên mạng facebook trong ngày hôm nay).

Tại sao chúng ta làm những việc tốt cho dân, cho nước lại bị đàn áp?
Tại sao chúng ta đến đây gặp gỡ chỉ nói về những điều lương thiện mà phải bí mật? Có bạn nêu ra bức xúc này và người nói người nghe đều nghẹn ngào, thấy thương nhau vô cùng.
Phải chăng ở xã hội này, sự yên thân chỉ dành cho những người vô cảm? Không phải, đừng tưởng vô cảm, né tránh mà được yên thân. Ngay cả khi họ không có gì để bị cướp nhưng vẫn còn thân xác đó. Ai bảo chỉ có thân xác không mà chắc chắn được yên lành?

1/11/2017








No comments:

Post a Comment

View My Stats