07/12/2019
Nguyễn
Tín từng phạm lỗi lầm khi còn là một thanh niên,
tại thời điểm anh đang phải vật lộn với cuộc sống mới trên đất Mỹ. Người thanh
niên đó đã phải thụ án tù 3 năm trước khi có cơ hội làm lại cuộc đời và trở
thành người chồng và người cha với một cuộc sống yên ổn sau gần 30 năm rời bỏ
Việt Nam tới Mỹ tìm tự do. Nhưng ‘giấc mơ Mỹ’ của anh giờ đây đang có nguy cơ bị
tước mất vì một sai lầm mà anh đã phạm phải cách đây gần 2 thập kỷ.
“Tôi
đâu nghĩ những việc mình làm sẽ ảnh hưởng tới tương lai,”
anh Tín, người hiện có gia đình và 2 con gái ở Houston, Texas, nhưng đã nhận lệnh
trục xuất khỏi Mỹ sau khi thụ án vì tham gia một băng nhóm tội phạm.
“Những
người như anh Tín đã có lệnh trục xuất ở Houston cũng nhiều,” Luật sư Khanh Phạm – người có văn phòng
luật ở thành phố nơi cư ngụ của cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ nói. “Nói chung họ đã có cái rễ của họ ở đây rồi –
có gia đình có con cái. Nếu họ bị trục xuất thì những người thân sẽ bị ảnh hưởng.”
Anh Tín và nhiều người Việt bị lệnh trục xuất
như anh được bảo vệ bởi một hiệp định ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008 nhưng
kể từ khi chính phủ của Tổng thống Donald Trump diễn giải lại hiệp định này, họ
đã luôn lo sợ về cuộc sống của mình.
Một dân biểu gốc Việt của tiểu bang
Washington nơi cũng có nhiều người Việt sinh sống, đã mạnh mẽ phản đối việc diễn
giải lại hiệp định để cho phép trục xuất những người di dân Việt đã đến Mỹ trước
năm 1995, như anh Tín, trở lại Việt Nam.
“Họ
đã trả giá cho những tội mà họ đã gây ra,” Mỹ Linh-Thai, nữ dân biểu Washington đầu
tiên từng là người tị nạn Việt nói. “Họ
đã hoàn lương.”
Nhưng sự hoàn lương đó có giúp họ tiếp tục được
thực hiện giấc mơ mà nước Mỹ ban tặng cho họ sau khi rời bỏ Việt Nam?
Lầm lỡ thời trẻ
Nguyễn Tín cùng gia đình tới Mỹ năm 1992, lúc
anh 16 tuổi. Giống như nhiều gia đình người Việt, bố anh từng là một sỹ quan
trong quân đội miền Nam.
Những năm tháng mới đến Mỹ là những ngày
tháng vật lộn với sự hòa nhập vào xã hội của anh Tín.
“Thực
sự lúc đó không có tương lai – tiếng Anh không biết như người câm, nghe không
hiểu như người điếc, ra đường bị kỳ thị,” anh Tín
nói. Gia đình là điểm tựa duy nhất lúc đó đối với anh Tín nhưng “khó khăn cơm
áo gạo tiền cùng với áp lực trong cuộc sống” nên thay vì tìm hiểu con cái thì
cha mẹ lại la mắng anh. “Tôi nghĩ rằng
cha mẹ không thương mình nên chán nản, theo bạn bè ăn nhậu, làm bậy, lầm đường
lạc lối.”
Nguyễn Tín bị bắt vì tội cướp giật và có thời
gian bị sở di trú giam giữ trước khi được thả vào năm 1997.
Giống như anh Tín, Phan Thành cũng từng phải thi hành án tù vì một sai lầm lúc còn trẻ.
Cùng gia đình qua Mỹ năm 1993 lúc 11 tuổi và hiện là một cư dân ở bang Texas,
anh Thành bị án tù 3 năm vì tàng trữ thuốc lắc MDMA và sau đó bị tạm giam ở sở
di trú 90 ngày trước khi được thả ra.
Một người tị nạn Việt Nam cũng từng phạm lỗi
lầm khi còn là vị thành niên là Nguyễn
Triệu. Bố mẹ mất sớm, anh Triệu vướng vào vòng lao lý với 2 lần phạm tội
đánh lộn và ăn cắp ô tô. Anh nhận lệnh trục xuất năm 1997 ở tuổi 17.
Dù đều nhận lệnh trục xuất khỏi nước Mỹ nhưng
anh Tín, Thành và Triệu vẫn được sống và làm việc trên đất Mỹ, một phần vì
chính phủ Việt Nam không nhận họ trở lại. Nhưng hơn thế họ được bảo vệ bởi một
biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008, trong đó Mỹ
cam kết không trục xuất những người tị nạn Việt Nam sang Mỹ trước ngày
12/7/1995.
Ba người đàn ông này đều đã tu chí làm lại cuộc
đời. Sau khi được thả, giờ đây họ đều có gia đình cùng vợ con, nhà riêng, và
tìm được công việc ổn định thậm chí với một nguồn thu nhập tốt. An Tín, 43 tuổi,
có hai người con gái, và anh Thành, 37 tuổi, cũng có hai người con gái sau 10
năm ra khỏi tù.
Còn anh Triệu, 41 tuổi, thì cảm thấy “may mắn”
khi có được một gia đình với 5 người con.
‘Sống trong sợ hãi’
Giống như anh Tín, anh Thành và Triệu đều tới
Mỹ trước năm 1995, năm mà Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao.
Anh Thành tới Mỹ năm 1993 lúc 11 tuổi sau 3
năm sống trong một trại tị nạn trên đảo Galang của Indonesia trong khi anh Trriệu
tới Mỹ vào năm 1980, lúc mới 2 tuổi.
Với họ nước Mỹ đã trở thành quê hương thứ
hai, dù họ đã từng phạm tội, bởi vì sau đó đã “hoàn lương” để có được công ăn
việc làm và đóng thuế cho nhà nước Mỹ. Họ biết rằng đó là con đường duy nhất để
trở thành một người lương thiện.
“Trong
thời gian thụ án, tôi cố gắng học tiếng Anh,” anh Tín chia sẻ. “Tôi nhận ra sai lầm và cố gắng làm một người
bình thường.”
Anh Tín đã đi học toàn thời gian trong 2 năm
để lấy được bằng cao đẳng chuyên ngành. Gia đình anh Tín từng mở một tiệm làm
nail nhỏ trước khi anh chuyển sang làm cho một hãng xưởng ở Houston.
“Mỗi
năm tôi đi trình diện một lần ở sở di trú,” anh Tín
nói. “Tôi được cấp giấy đi làm. Cuộc sống
khá yên tâm và thoải mái. Họ không đả động gì về trục xuất cả.”
Nhưng đó là trước khi Donald Trump lên làm tổng
thống.
“Họ
siết chặt vấn đề di trú và không còn tôn trọng MoU (hiệp
định ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008)”, anh Tín nói về sự thay đổi trong
chính sách di trú mà ông Trump áp dụng không lâu sau khi lên nhậm chức vào tháng
1/2017. “Họ không cần biết những người đó
đến trước hay sau 1995. Họ bắt đầu trục xuất.”
Số lượng
người có quốc tịch Việt Nam bị trục xuất khỏi Mỹ tăng vọt trong 3 năm trở lại
đây dưới thời chính quyền Trump, với tổng
số 284 người, theo số liệu thống kê của cơ quan thực thi
di trú và hải quan Mỹ (ICE) cung cấp cho VOA. Đây là một sự tăng “chưa từng có”
so với trước đây, theo dân biểu Alan Lowenthal nhận định hồi tháng trước.
Hơn hai năm trở lại đây, anh Tín cho biết anh
“lúc nào cũng sống trong sợ hãi” khi nghĩ rằng “sở di trú có thể đến bắt mình
đi bất cứ lúc nào.”
Sự diễn giải lại hiệp định của chính quyền Tổng
thống Trump cũng đã làm cuộc sống của anh Thành “thay đổi rất nhiều.”
“Trước
đây biết rằng Việt Nam và Mỹ không trục xuất những người qua trước 1995 nên
mình sống như một công dân bình thường và cố gắng tạo cuộc sống cho tương lai
sáng ngời,” anh Thành, người hiện có 1 cửa hàng ăn ở
Texas bên cạnh công việc tốt ở một hãng xưởng.
“Còn
bây giờ tới tháng hàng năm đi trình diện không biết họ sẽ bắt mình luôn hay
không,” anh Thành nói và cho biết sự khủng hoảng của
anh cũng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, tới người thân khi anh “không tập
trung để làm những việc mà trước đó thường làm” cũng như lo sợ mất việc và
không có kế hoạch lâu dài cho tương lai.
Còn anh Triệu đã gây dựng được một công việc
kinh doanh mà anh nói là có thu nhập hàng năm lên đến hơn chục triệu USD. Tuy
nhiên anh “hiện không dám có kế hoạch lâu
dài vì không biết được sống ở đây bao lâu nữa hay phải đi nơi khác.”
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE)
thường bắt trước rồi trục xuất sau, theo anh Triệu. Do đó, “kể từ khi Tổng thống Trump diễn giải lại MoU, giờ đây tôi không ngủ được,”
người đàn ông hiện đang sống ở Florida nói và cho biết anh đã “già hơn 10 tuổi kể từ khi ông Trump lên làm
tổng thống.”
BIỂU
ĐỒ NGƯỜI VIỆT NAM BỊ TRỤC XUẤT KHỎI HOA KỲ
Nguồn:
Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ
Giấc mơ Mỹ sẽ tan?
Theo diễn giải của chính quyền Tổng thống
Trump đối với hiệp định ký kết năm 2008, những người di dân Việt Nam dù sang Mỹ
trước ngày 12/7/1995 mà bị lệnh trục xuất do có tiền án tiền sự thì vẫn bị đưa
về Việt Nam. Do đó, những người đã từng thụ án tù từ cách đây hàng vài chục năm
như anh Tín, Thành và Triệu, đều lo sợ mình sẽ bị trục xuất vì sự thay đổi
chính sách này.
ICE đã
trục xuất 77 người mang quốc tịch Việt Nam trong năm tài chính 2019,
giảm hơn so với con số 122
vào năm 2018, theo thống kê của cơ quan này. Số lượng người Việt Nam bị
trục xuất trong 3 năm, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống vào năm 2017, nhiều
hơn bất kỳ năm nào trước đó, tính từ khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra thống kê
cách đây 16 năm.
Chính phủ Việt Nam, dưới sức ép của chính quyền
Tổng thống Trump, đã nhận lại một số người. Nhưng theo tài liệu tòa án từ một vụ
kiện chống lại ICE hồi tháng 1/2018, Việt Nam sau đó dường như đã ngừng tiếp nhận
những người Việt đến Mỹ trước 1995 và bị lệnh trục xuất. Tuy nhiên, phát ngôn
viên của ICE cho biết “cơ quan này sẽ tiếp tục thương thảo với chính quyền Việt
Nam” về việc này.
Trục xuất những người mang quốc tịch Việt Nam
bị kết án là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền đương nhiệm, theo phát ngôn
viên của Bộ An ninh Nội địa Katie Waldman. Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa
Việt Nam và 8 nước khác vào danh sách các nước “ngoan cố” vì không sẵn sàng chấp
nhận công dân của mình bị Mỹ trục xuất.
“Nếu
chính phủ Việt Nam chấp nhận có nghĩa là những người này phải đi vì nước Mỹ đã
ra lệnh trục xuất cuối cùng rồi,” LS Khanh Phạm nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu
bình luận của VOA về việc liệu họ có nhận lại những người tị nạn Việt đã tới Mỹ
trước năm 1995 hay không. Nhà Trắng cũng không trả lời liệu chính quyền Trump
có đang thương thảo với phía Việt Nam về việc này hay không.
Người phát ngôn của ICE, Page Hughes, cho biết
rằng cơ quan này không còn miễn trừ những người đã nhận lệnh trục xuất khỏi bị
trục xuất trong tương lai. “Tất cả các cá
nhân vi phạm luật di trú của Mỹ có thể bị bắt giữ, bị giam giữ và, nếu nhận lệnh
trục xuất cuối cùng, sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ,” bà Hughes nói.
Cơ hội thứ 2
Vì đều đã phạm tội ở tuổi vị thành niên, anh
Tín, Thành và Triệu đều không thể trở thành công dân của nước Mỹ và họ đều đã
nhận lệnh trục xuất cuối cùng.
Hàng năm họ trình diện với sở di trú về việc
tuân thủ luật pháp sau khi được thả và được gia hạn giấy phép làm việc cho mỗi
năm. Họ đều đã có cuộc sống yên ổn với những gia đình hạnh phúc và những đứa
con của họ là những công dân Mỹ và đang có một tương lai tươi sáng ở phía trước.
“Làm
sao mà con minh còn nhỏ có thể trưởng thành nếu một ngày mình bị bắt và bị trục
xuất,” anh Tính, người có một đứa con gái tuổi 13
và một sắp lên 3, nói và mong rằng các con của anh sẽ không “mắc phải những sai
lầm như cha của chúng đã mắc phải cách đây hơn 20 năm.”
“Những
chuyện mình làm thời trẻ lúc mười mấy tuổi mà hậu quả lại tàn nhẫn đến như vậy,”
anh Tính nói. “Nạn nhân trước hết lại là
chính những đứa trẻ mang dòng máu Việt nhưng có quốc tịch Mỹ và sinh ra ở Mỹ.”
“Nước
Mỹ là ‘Land of Opportunity’ (Miền đất hứa) và ai cũng có những lỗi lầm”,
anh Thành nói và “cám ơn” nước Mỹ đã cho gia đình anh làm lại từ đầu sau khi rời
khỏi Việt Nam. “Sẽ không công bằng khi
cho tôi làm lại từ đầu rồi bây giờ lại tước đi cái mà họ đã ban cho tôi.”
“Tôi
đã từ bỏ Việt Nam và tìm được quê hương mới,” anh Triệu
nói với vốn liếng tiếng Việt ít ỏi vì chưa một lần trở về Việt Nam kể từ khi đặt
chân tới Mỹ lúc anh còn chưa biết nói. “Nhưng
giờ đây tôi có nguy cơ phải bị trục xuất khỏi nơi đã là quê hương mới của
mình.”
Giống như anh Tín và Thành, anh Triệu lo lắng
nếu bị trục xuất thì gia đình anh sẽ bị chia rẽ trong khi anh là người lo thu
nhập chính nuôi toàn bộ gia đình.
Theo LS Khanh Phạm, những người như anh Tín,
Thành và Triệu đã “xin tị nạn để được nước Mỹ bảo vệ mà bây giờ bị trục xuất
thì cái đó không công bằng đối với họ. Những người, cho dù có lệnh trục xuất
nhưng vẫn đi làm, đóng thuế và an sinh xã hội thì vẫn có ích cho nền tảng của
nước Mỹ.”
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến cho hàng
triệu người dân Việt Nam phải rời bỏ đất nước khi quân đội miền Bắc tràn vào
“giải phóng” miền Nam đồng thời thiết lập chế độ Cộng sản trên toàn nước Việt
Nam từ năm 1975.
Hàng trăm nghìn người trong số đó đã rời bỏ
Việt Nam trước khi chiến tranh chính thức kết thúc ngày 30/4/1975 và hàng trăm
nghìn người khác tiếp tục tới “miền đất hứa này” để tìm “giấc mơ Mỹ” trong những
năm tiếp theo của thập niên 1980, 1990 vì không thể sống dưới chế độ Cộng sản.
Đại sứ Mỹ ở Hà Nội Ted Osius đã xin
thôi việc sớm hơn dự kiến vì phản đối việc trục xuất di dân Việt của chính quyền
Trump. Tháng
12 năm ngoái, 26 dân biểu Mỹ đã đồng ký tên vào một bức thư gửi Tổng thống
Trump để phản đối việc thỏa thuận lại MoU 2008 vì cho rằng việc trục xuất hàng
nghìn di dân Việt sẽ “làm tan nát các gia đình cũng như phá vỡ các cộng đồng di
dân và người tị nạn ở Mỹ.”
Mỹ-Linh Thai, người đấu tranh cho việc chống
trục xuất người tị nạn Việt, cũng cho rằng những người như anh Tín, Thành và
Triệu có thể sẽ “bị chấn thương một lần nữa” nếu bị trục xuất khỏi nước Mỹ.
“Họ
giờ đây đã có gia đình và con cái,” Mỹ-Linh Thai nói.
“Và những đứa con của họ là tương lai của
nước Mỹ. Những đứa trẻ đó có tiềm năng để trở thành những người đóng góp nhiều
nhất cho đất nước này.”
Mai
Quyền, một người cũng đối mặt với lệnh trục xuất mới
được thống đốc bang California ân xá, nói rằng sẽ là “một nỗi đau cho những người
này và những đứa trẻ cũng như vợ chồng họ khi thấy họ bị trục xuất.” Người đàn
ông 36 tuổi, từng được vinh danh “anh hùng cộng đồng” vì những đóng góp cho tiểu
bang California, cho rằng “họ xứng đáng có được cơ hội thứ 2”. Và anh Quyền
đang nỗ lực hết mình để giúp những người đang đối mặt trục xuất sẽ có cơ hội được
ân xá như anh.
Ở Houston, anh Tín hy vọng cộng đồng người Việt
đồng lòng lên tiếng tới các dân biểu nhằm gây ảnh hưởng để chính quyền Trump
tôn trọng MoU đã ký năm 2008 và gia đình anh cũng như những gia đình khác không
bị chia lìa.
(Trừ Nguyễn Tín, các tên nhân vật khác đã được
thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn)
No comments:
Post a Comment