Monday, 23 December 2019

SÔNG CỬU (S.T.T.D Tưởng Năng Tiến)




S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
December 23, 2019

Cuối năm, chính xác là vào ngày 18 Tháng Mười Hai, năm 2019, FB Thanh Hieu Bui (hốt hoảng) báo động về một chuyện buồn… đã hơi bị cũ: “Cái tin này mới đáng sợ này, đồng bằng Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước, chuyện này liên quan khủng khiếp đến đời sống nhân dân. Một trong những nguyên nhân là bọn Tàu Khựa nó lấy nước nguồn sông, khiến mực nước sông xuống thấp, nước mặn tràn vào.”

Nạn ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu không phải là hiện tượng mới mẻ gì đâu, ông Gió ạ: “Mười ngày trước Giáng Sinh, ngư phủ Nguyễn Văn Chơn và vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò Tỉnh Đồng Tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký.”

Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn (cartilaginous fishes) gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền… Cho xẻ thịt bán ngay tại bến số tiền thu được lên tới ngót 2 triệu đồng tính ra khoảng 140 đô la như món quà Giáng Sinh mà cả hai vợ chồng anh đã không thể nào ngờ tới. Nhưng “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng.

Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình xây đập ngăn nước của các quốc gia thượng nguồn Thái-Lào và nhất là chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, Trung Hoa, mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn không hề lên tiếng phản đối…

Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì đó là báo hiệu nạn ngập mặn (salt intrusion) đã vào rất sâu trong vùng châu thổ, nơi vốn là đất của “sữa và mật ngọt” hay đúng hơn vùng đất của “phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng…” (Ngô Thế Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Westminster, CA: Văn Nghệ, 2000).

Cùng vào thời điểm này, trong một cuộc phỏng vấn do Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện – vào Tháng Mười Một, năm 2000, tác giả của tác phẩm thượng dẫn cũng bày tỏ sự lo ngại về “giai đoạn toàn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã ô nhiễm, hoàn toàn ngập mặn thì vĩnh viễn chẳng còn đâu một nền Văn Minh Miệt Vườn và cũng không còn đâu Vựa Lúa để nuôi sống ngót 100 triệu dân của cả nước.”

Nỗi bận tâm và bi quan của Bùi Thanh Hiếu và Ngô Thế Vinh, tiếc thay, không được bộ trưởng Tài Nguyên & Môi Trường (kiêm chủ tịch Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam) hiện nay đồng tình hay chia sẻ. Nhân vật này vốn rất lạc quan. Mọi “sự cố” về môi sinh đều được đương sự lấp liếm rằng sự việc “chưa đáng quan ngại,” vẫn ở ngưỡng “an toàn” hay “vẫn trong qui chuẩn.”

Tại Hội Nghị Toàn Thể Ủy Ban Sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất của năm 2018, Trần Hồng Hà “đánh giá cao chương trình hành động của ủy ban” do… chính ông ta làm chủ tịch! Cái ủy ban này hoạt động ra sao? Câu trả lời có thể tìm được trong nhiều mẩu tin, đọc được trong năm 2019:

• Drought, saltwater intrusion loom in the Mekong Delta
• Mekong Delta needs urgent measures to prevent drought
• Drought, saltwater intrusion double whammy for Mekong delta
• Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện khô hạn, ngập mặn
• Đồng Tháp: Xuất hiện tình trạng khô hạn
• Đồng bằng sông Cửu Long oằn mình từng ngày đối phó nguy cơ xóa sổ.

Nhà nước VN đã chủ động “đối phó với nguy cơ xóa sổ” này bằng… nghị quyết: N.Q 20/NQ-CP, ban hành ngày 17 Tháng Mười Một, năm 2017: “Đưa ra những chiến lược có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL.”

Qua năm 2018, VTC NEWS (đọc được vào hôm 20 Tháng Sáu) ái ngại cho hay: “1.7 triệu người đã rời khỏi đồng bằng Sông Cửu Long.” Thế là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký thêm cái Quyết Định 417/QĐ-TTg để ban hành chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Thiệt là “quyền biến” và “linh động” hết biết luôn!

Chỉ có điều đáng phàn nàn là những khẩu hiệu của ông bộ trưởng, cũng như những nghị quyết (và quyết định) quyết liệt của ông thủ tướng – xem ra – không có tác dụng gì ráo trọi đến vấn đề sống còn của 18 triệu dân nơi ĐBSCL!

Thế còn Quốc Hội? Nếu tôi nhớ không lầm thì thảm trạng của ĐBSCL, dù đã được nhiều vị thức giả đề cập đến từ cuối thế kỷ trước, chưa bao giờ được đưa vào nghị trình để bàn thảo một cách nghiêm trang và thấu đáo ở Quốc Hội Việt Nam cả. Cứ như thể đây là nơi hội tụ của những người đui và điếc vậy. Tôi còn e rằng không vị dân biểu nào biết đến cái cơ quan chính phủ “chuyên trách” về vấn đề này nữa.

Trụ sở Ủy Ban Sông Mêkong của nước Lào nằm sát cạnh bờ sông. Đôi khi, đi ngang qua toà nhà này – vào mùa nước lớn – tôi vẫn nghĩ vui rằng: Nếu đứng từ ban công mà quăng cần dám câu được cá lắm nha. Còn trụ sở Ủy Ban Sông Mêkong của nước ta thì nằm ở số 23 phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – cách dòng sông Cửu đâu cỡ ngàn cây số. Cũng còn may là nó chưa bị đưa lên đến tận Hà Giang để tránh lụt, cho nó chắc ăn.

TS Nguyễn Thái Nguyên cho rằng: “Không thể đổ hết lỗi cho El Nino hay cho bọn ‘cướp nước’ Trung Quốc được, mặc dù đó là hai nhân tố khách quan rất lớn.” Trong viễn ảnh ĐBSCL bị xóa sổ thì tôi e rằng yếu tố chủ quan còn lớn hơn nhiều. Đó là cái thái độ hoàn toàn vô trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo VN hiện nay trước mọi vấn đề (lớn/nhỏ) của đất nước. Khi giới người này đủ nhẫn tâm để có thể tháo cạn nước của một dòng sông, và đốt cháy nguyên một khu rừng (chỉ vì cần có vài con cá nướng trui để nhậu chơi) thì hiểm họa về môi sinh đang đe dọa dòng sinh mệnh của cả dân tộc, chứ nào có riêng chi chỉ dòng sông Cửu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats