Wednesday, 18 December 2019

PHIÊN XỬ VỤ MOBIFONE MUA AVG NGÀY THỨ 3 : VẪN CHUYỆN "ĐỒNG CHÍ" TỐ NHAU (BTV Tiếng Dân)




NỘI DUNG :

BTV Tiếng Dân
.
.

=================================================


BTV Tiếng Dân
18/12/2019

Trong phiên xử hôm 17/12/2019, kết thúc với màn “quay 360 độ” của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, buổi sáng phản cung, phủ nhận lời khai trước đó với cơ quan điều tra, chiều lại đính chính và phủ nhận những gì ông ta nói lúc sáng. Còn cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì ngược lại, rất kiên định với “lập trường” của mình, liên tục đưa ra các lời khai bất lợi cho người tiền nhiệm. 

Đến phiên xử ngày 18/12/2019, tiếp tục tinh thần “tình nghĩa đôi ta có thế thôi”, ông Tuấn tiếp tục dồn ông Son gần hơn đến “cửa tử” để mở đường sống cho chính mình. Có lẽ ông Son thấy rằng, nếu mình cứ bị động như vậy thì việc “được tiêm” chỉ là vấn đề thời gian, nên ông cũng học tập luôn người tiền nhiệm và tìm cách đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang “đồng chí X”

Báo Dân Trí dẫn lời cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Ông Son chỉ đạo đưa thương vụ AVG vào danh mục “Mật”. Sáng 18/12, trả lời LS Phan Trung Hoài về vụ Bộ TT&TT đề nghị đưa thương vụ Mobifone mua AVG vào danh sách tài liệu mật, bị cáo Tuấn cho biết, “đây là do ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thời điểm đó cho Vụ quản lý doanh nghiệp soạn và giao cho ông ký”.

Về các văn bản trao đổi với Bộ Công an, MobiFone, AVG, Tuấn nói thêm rằng ông ta “không biết mà chỉ được đọc các văn bản đó theo chỉ đạo của Bộ trưởng, có bút phê, còn Bộ trưởng chuyển cho ai thì đó là trách nhiệm của Bộ trưởng”

Báo Tuổi Trẻ có video clip ghi lại lời ông Trương Minh Tuấn trả lời LS Phan Trung Hoài trong phiên xét hỏi sáng 18/12:

Cả cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà cũng “phối hợp” với Tuấn để đẩy Son đến gần hơn “mũi kim tiêm”. VTC dẫn lời bị cáo Lê Nam Trà: ‘Từ lúc Bộ trưởng phát lệnh đến giờ đặt bút ký chỉ đúng một tiếng’. Trà kể: “Ông Son có trao đổi là AVG có nhu cầu bán cổ phần và cậu về cho anh em xem xét, báo cáo”

Trà nói về buổi ký hợp đồng thỏa thuận mua cổ phần AVG vào ngày 25/12/2015: “Tôi đề nghị Bộ trưởng xem xét lại nhưng Bộ trưởng vẫn yêu cầu tôi ký. Xuất phát từ việc không muốn tranh cãi giữa Chủ tịch HĐTV với Tổng Giám đốc trước mặt Bộ trưởng khi có quyết định 236”.

Báo Tuổi Trẻ cũng có video clip ghi lại lời ông Lê Nam Trà khai tại tòa trong phiên xét hỏi sáng 18/12: 

Thấy cấp dưới “cạn tình” với mình như vậy, nên ông Son cũng “cạn nghĩa” luôn với người từng là lãnh đạo của mình. Báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Bắc Son: Chỉ đạo thương vụ MobiFone mua AVG theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Trong phiên xét hỏi chiều 18/12, ông Son khai:

“Bị cáo có bút phê tại văn bản ngày 15-12-2015 giao cho Vụ quản lý doanh nghiệp với nội dung là xây dựng văn bản để chỉ đạo MobiFone thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng trong năm 2015 chứ không phải cá nhân tôi. Văn bản này chỉ tồn tại 8 tiếng và không có văn bản phát hành. Đề nghị tòa cho giám định, tôi chỉ viết trên tờ giấy vàng nhỏ bằng bàn tay, dán vào văn bản 2678; không phải văn bản có tiêu đề, ngày tháng”.

Báo Tuổi Trẻ có video ghi lại lời khai của ông Nguyễn Bắc Son trong lúc xét hỏi chiều 18/12 (Ông Son nhắc đến “Thủ tướng” vào phút 2:59): 

Bên cạnh lời khai về vai trò của Chính phủ VN thời điểm cuối năm 2015, bị cáo Bắc Son lại khai bất nhất về khoản 3 triệu USD, theo báo Pháp Luật TP HCM. Nhắc lại, trong phiên xử chiều ngày 17/12, Son khai không đưa 3 triệu Mỹ kim cho con gái và chỉ dùng cho mục đích cá nhân, thì đến chiều 18/12, đại diện VKS lưu ý, hồ sơ cho thấy, Son đã khai chuyển số tiền này cho con gái và dặn không được gửi tiết kiệm. 

Trước câu hỏi của VKS, Son lại nói “lời khai trước đó là không đúng”. Khi đại diện VKS tiếp tục truy vấn “vậy cuối cùng thì số tiền trên đã sử dụng vào mục đích gì, ông Son lại nói không nhớ”. Số tiền 3 triệu Mỹ kim tương tương gần 70 tỉ VNĐ theo thời giá hiện tại nhưng bây giờ như “con voi chui lọt lỗ kim”.

Dù không thể nói rõ của số tiền 3 triệu Mỹ kim đang ở đâu, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son hứa sẽ hoàn trả 3 triệu USD trong thời gian sớm nhất, theo trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp. Trước câu hỏi: “Vậy bị cáo nhận thức gì về trách nhiệm của mình?”, Son trả lời: “Tôi sẽ cố gắng hoàn trả trong thời gian sớm nhất”.

Trước mắt, Son đề nghị được sử dụng số tiền 591 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng Ngoại thương VN để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt. Nhưng số tiền đó quá nhỏ, chỉ bằng 1/118 so với con số gần 70 tỷ (đổi từ 3 triệu USD) mà Son đã nhận. Nếu không truy ra số tiền 3 triệu USD kia hiện đang cất giấu ở đâu, thì tới Tết Công-gô, những người thi hành án mới thu hồi được.

***

Về lời khai của các nhân vật khác, báo Thời Đại có bài: Cựu Phó TGĐ MobiFone bật khóc, mong lãnh đạo và cấp dưới khai sự thật. Bài báo dẫn lời bà Phạm Thị Phương Anh, cựu phó TGĐ Mobifone: “Chúng tôi rất mong ban lãnh đạo MobiFone, cấp dưới của tôi từ Trưởng ban trở xuống, từng người hãy nói để thâm tâm mình không bị day dứt, để khi ra khỏi phiên tòa chúng ta còn là bạn của nhau, biết đâu là đồng nghiệp của nhau và biết đâu hoạn nạn lại giúp đỡ nhau”.

Bà Phương Anh nên kêu gọi luôn cả các cựu lãnh đạo Bộ TT&TT và Công ty AVG, chứ chỉ trong nội bộ Mobifone thì chưa đủ. Tình hình đã diễn ra như vậy, tốt nhất là tất cả làm theo Son, cùng gọi tên “đồng chí X”, nếu có, chứ làm “Lê Lai cứu chúa” cũng chẳng được ai ghi công, mà cái án tử lại treo lơ lửng.

Một diễn biến đáng lưu ý khác trong phiên xét xử vụ AVG: Đại diện Mobifone xin giảm nhẹ cho các bị cáo, theo báo Đầu Tư. Bộ Thông tin và Truyền thông là đại diện vốn Nhà nước tại Mobifone. Đại diện bộ 4T đề nghị tòa án xét xử đúng người, đúng tội, nhưng “cũng cần xem xét những đóng góp của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn“, với tư cách cựu Bộ trưởng TT&TT. Còn đại diện AVG cũng kêu gọi cho bị cáo Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng. 

Thay đổi trong quá trình xét xử vụ MobiFone mua AVG: Tạm hoãn để cựu bộ trưởng khắc phục hậu quả, theo báo Giao Thông. Trước đề nghị của ông Nguyễn Bắc Son mong được gặp người thân để bàn cách khắc phục hậu quả, HĐXX đã thông báo: Phiên xử ngày 19/12/2019 sẽ “tạm hoãn để ông Nguyễn Bắc Son khắc phục hậu quả”.

Nhận định về phiên xử đại án Mobifone mua AVG, ngày thứ 3:

Cũng giống như 2 ngày trước, Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo Mobifone tiếp tục đổ trách nhiệm cho Nguyễn Bắc Son. Son cũng không cam chịu nữa mà bắt lên tiếng về vai trò của Chính phủ VN giai đoạn cuối năm 2015, rồi còn hứa sẽ “hoàn trả” số tiền 3 triệu Mỹ kim.

Đại diện các bên liên quan gồm Bộ TT&TT, Mobifone và AVG cũng bày tỏ nguyện vọng tòa lượng hình cho các bị cáo. Các diễn biến này cho thấy, khả năng Son không cam chịu “bị tiêm” một mình, mà sẽ tìm mọi cách để giữ mạng, dù có phải bán đứng “đồng chí X”.  





------------------------------------
.


Trích phiên xử ngày 17.12.2019 vụ AVG:

Bị cáo, cựu bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son: Thưa quý tòa, ở cơ quan điều tra tôi khai đúng như thế nhưng mà sau này tôi mới hiểu được điều đó. Chứ còn lúc cái thời điểm mà chúng tôi phê duyệt ấy thì chúng tôi nghĩ là… là chúng tôi đã làm đúng theo quy định rồi. Bởi vì…

Thẩm phán Trương Việt Toàn (cắt lời bị cáo, giọng nhấn nhá đay nghiến): Ai cũng nói nà tại thời điểm ấy tôi chả hiểu cái gì cả. Nhưng mà tôi vẫn chỗm chệ ngồi ở cái ghế bộ trưởng với cả chủ tịch hội đồng thành viên. Ai cũng bảo là tôi chả hiểu gì cả.

Bị cáo, cựu bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son: Vâng.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (cao giọng mắng mỏ): Nhưng mà chả hiểu thì làm bộ trưởng làm gì!

Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: Zing

                                           ***

Với những phát ngôn dẫn trên, ông thẩm phán rất được lòng dư luận. Báo chí thì khoái chá, độc giả thì hả hê. Như thể công lí đã bắt đầu dõng dạc lên tiếng.

Tôi hiểu tâm lí đó, và cái sự chả-hiểu-gì-chả-biết-gì-chả-nhớ-gì của ông cựu bộ trưởng quả thật phát tởm, song luật pháp không sinh ra để phục vụ cái vỗ tay của dư luận.

Thẩm phán thuộc hội đồng xét xử một phiên tòa trước hết phải giữ một thái độ tuyệt đối trung lập. Thái độ này gắn liền với một ngôn ngữ ôn hòa mực thước. Dạy dỗ, đay nghiến, chì chiết, chế giễu, mắng mỏ bị cáo là điều tối kị với người ngồi ghế quan tòa.

Ở Đức, nơi tôi hành nghề phiên dịch từ 25 năm nay và đã trải qua cả ngàn phiên tòa, những phát ngôn như nêu trên là không thể hình dung và không thể chấp nhận. Nếu có, sẽ dẫn ngay đến một yêu cầu bác bỏ thẩm phán hoặc cả hội đồng xét xử từ phía bào chữa. Chỉ cần một biểu lộ rất nhỏ tiết lộ ác cảm của một trong những thành viên hội đồng xét xử đối với bị cáo là đủ cho phía bào chữa đệ đơn cáo buộc hội đồng xét xử định kiến, thiếu khách quan, có thể gây bất lợi cho bị cáo, tức thiên vị, bất công, tức cản trở việc thực thi công lí.

Tôi cũng hiểu rằng những chuẩn mực như vậy ở các nền pháp quyền đã trưởng thành và vững chắc là còn rất xa lạ với Việt Nam. Song từ nhiều năm nay, tư pháp Việt Nam đã có những cố gắng cải cách và một số bước tiến. Tuy cốt lõi gắn liền với thể chế đảng trị và toàn trị hầu như không thay đổi và tiếp tục là lực cản khó vượt qua nhất cho một cải cách tư pháp thực sự, nhưng khá nhiều chi tiết cả trong lý thuyết lẫn thực tế pháp lí đã được cải thiện. Ông thẩm phán Trương Việt Toàn chỉ cần thôi đay nghiến mắng mỏ bị cáo Nguyễn Bắc Son là bộ mặt tư pháp Việt Nam đã văn minh hơn chút ít mà chế độ vẫn chưa bị đe dọa bởi bóng ma tư pháp độc lập ở các nước phương Tây.

Và còn văn minh hơn, nếu các thẩm phán không nói ngọng, nhất là ngọng lờ-nờ, lỗi khó thương nhất trong các lỗi nói ngọng. Nói ngọng thì công lí khó mà dõng dạc.


*
Thực ra ở phiên tòa này , hội đồng xét xử đã được quán triệt và chỉ đạo của bề trên rồi , Được chủ suỵt rồi , nên thái độ của hội đồng xét xử mới như thế. Còn những phiên tòa xét xử dân thường chuyện mắng mỏ , mạt sát diễn ra là bình thường ở VN. Có vụ xử hiếp dâm, thẩm phán còn đay nghiến bị cáo : " Anh hiếp dâm song bây giờ anh thấy có sướng không"
*
 Quy trình của lịch sử-văn hóa- văn minh. Sau hồi phong cách đấu tố thì đến đay đót xỉ vả....
Nhìn chung thì vẫn là văn minh ngọng

---------------------------------
.

Anh Trà, Chủ tịch Mobifone khai là nhận 2 triệu đô la từ cư sỹ Phạm Nhật Vũ, sau đó biếu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 700 ngàn đô la, tỷ lệ 35%.

Anh Hải, TGĐ Mobifone, khai là nhận 500 ngàn đô la từ cư sỹ Vũ, sau đó biếu Bộ trưởng Son là 200 ngàn đô la, tỷ lệ là 40%.

Anh Son khai nhận 3 triệu đô la từ cư sỹ Vũ, gấp 1,5 lần số tiền đưa anh Trà, nhưng già rồi nên quên mất là tiền đó dùng để làm gì, trước có nhớ nhầm là đưa con gái, nhưng con gái ảnh chối, nên mới nhớ ra là nhớ nhầm.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, có thể nhớ lại hộ anh Son là anh cũng phải biếu sếp khoảng 40% số đó, tương đương với 1,2 triệu đô. Sếp anh Son thì có 2 anh, một là Phó thủ tướng phụ trách 4T và Thủ tướng. Cũng có thể suy diễn số tiền cư sỹ Vũ đưa Thủ tướng ít nhất gấp 1,5 lần số tiền đưa anh Son, tức là khoảng 4,5 triệu đô la. Cộng với số tiền anh Son đưa thì Thủ tướng có thể nhận tối thiểu là 5,7 triệu đô la, cứ làm tròn là 6 triệu đô la đi.

Theo quy trình trên, cư sỹ Vũ cũng phải đưa hộp hoa quả cho Phó thủ tướng phụ trách 4T, vị trí bây giờ do anh Vũ Đức Đam nắm, Phó thủ tướng đó cũng phải đưa lại cho anh Ba khoảng 40% chỗ đó. Nên con số 6 triệu đô la là tối thiểu.

Nhưng mà sáng hôm nay sóng điện thoại ở tòa bị mất, TV truyền hình trực tiếp ra chỗ báo chí bị đứt cáp, có thể do chuột cắn. Nên con số đó chắc chưa được công bố chính thức cho báo chí, có thể sợ vỡ cmn trận (thế mới phải tập trận hôm trước).

Chuyện này có thể liên tưởng đến vụ xử anh Dương Chí Dũng, đến đoạn anh khai là có đến gặp Bộ trưởng Trần Đại Quang, thì tòa bị mất điện, micro tịt!

Trong 1 diễn biến khác, tôi phê bình các anh Vũ, Son. Anh Son tuy phụ trách bộ 4T mà quá lowtech, ai lại đi dùng điện thoại để trao đổi bằng cách gọi và nhắn tin với anh Vũ. Lẽ ra các anh nên dùng Viber hay WhatsApp để trao đổi cho bảo mật cao hơn. Khả năng CA đã lưu được thông tin các anh trao đổi, làm giá… nên các anh rất khó cãi. Hơn nữa, CA chắc chắn cũng sẽ tính được số lần trao đổi điện thoại giữa anh Son, anh Vũ với anh Ba, vì chắc anh 3X cũng lowtech thế thôi.

Đây là bài học cho các anh em quan lại khác nữa, đã dấn thân làm đầy tớ nhân dân là xác định là phải chấp nhận hi sinh thân mình vào vòng lao lý, thậm chí cả tính mạng. Bởi số phận đưa anh em làm quan, đồng nghĩa với việc trở thành tù nhân dự khuyết đến mãn kiếp. Bất cứ lúc nào cũng có khả năng đi tù, nếu số đen.

--------------------
Báo Giao Thông   -   18/12/2019 09:09







No comments:

Post a Comment

View My Stats