Chúng tôi có cơ hội đi và đến nhiều quốc gia trên thế
giới, để thấy được một điều này là, người Việt Tỵ Nạn có mặt ở khắp nơi. Họ tỵ
nạn theo đủ mọi dạng mà từ thuở trên trái đất có sự xuất hiện của loài người đến
nay, nhưng con số đông nhất vẫn là Tỵ Nạn Kinh Tế. Trong tổng số hơn 5 triệu
người Việt sống ở các quốc gia trên thế giới hiện nay, có lẽ phải hơn ½ nằm
trong dạng Tỵ Nạn Kinh Tế.
Trước hết là những quốc gia ở quanh vùng như Nhật Bản,
Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong, Macau, Lào, Cambodia, Thái Lan, Mã Lai,
Singapore, Nam Dương, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Myanmar
... thì ở đâu cũng có người Việt Tỵ Nạn Kinh Tế. Ngay cả ở Trung Quốc cũng có đầy
người Việt “tỵ nạn lao động bốc vác” ở những bến cảng lớn, nhất là ở các khu vực
biên giới phía Bắc Việt Nam, trước thì xin đi lao động, sau thì tìm cách trốn ở
lại.
Phần đông, người Việt tìm cách ra nước ngoài "tỵ
nạn" là để tìm cho mình và cho gia đình mình một cuộc sống đỡ khổ hơn, đỡ
vất vả hơn và chắc chắn hơn về mặt tài chánh như trong cuộc sống hiện tại và
"tỵ nạn" kiểu này chỉ có sau thời điểm 1975 mà thôi, trước đó không hề.
Qua Bắc Âu, Trung Âu và Đông Âu cũng không thiếu
bóng người Việt Nam Tỵ Nạn Kinh Tế. Từ Bồ Đào Nha qua Tây Ban Nha, Anh, Pháp,
Ý, Đức, Tiệp Khắc, Poland, Bỉ, Hòa Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, vòng xuống
Hy Lạp, rồi qua Thổ Nhĩ Kỳ cũng có người Việt Nam Tỵ Nạn Kinh Tế, chỉ là ít hay
nhiều mà thôi, từ vài chục đến vài trăm đến vài ngàn và vài chục ngàn, cứ tìm
là thấy. Ở nhiều nơi, lại còn có cả những ngôi làng, những cộng đồng người Việt
hẳn hoi. Và cũng ở nhiều nơi, vẫn còn có vài gia đình người Việt sống xé lẻ, trốn
chui trốn nhủi và chỉ gặp nhau một cách lén lút vì sống bất hợp pháp.
Có những thành phố ở những quốc gia mà cộng đồng người
Việt thành lập ra cả một khu Saigontown, hoặc những ngôi chợ đồ sộ và trù phú
như: Khu phố Việt ở quận 13 bên Pháp, chợ Đồng Xuân ở Đức, chợ SAPA ở Czech, những
trung tâm thương mại Việt Nam khổng lồ ở sân vận động Warsawa ở Poland, chợ Việt
Hoa ở Hòa Lan …
Thử hỏi, trong số những người Việt đang sống ở các
quốc gia bên Đông Âu đó, có bao nhiêu người nằm trong dạng Tỵ Nạn Chính Trị?
Có bao nhiêu người đã làm đơn hẳn hoi theo đúng thủ
tục, trước khi được nhập cư vào các quốc gia này?
Nếu tự nhận mình là những người đi tỵ nạn, nhập cư Hợp
Pháp, thế thì tại sao lại bị trả về, tại sao lại bị các quốc gia quanh khu vực
xua đuổi?
Hay phần đông đều chỉ là, nơi đâu có cơ hội sinh sống
phát triển về kinh tế, là ở đó có người Việt “tìm đủ cách để nhập cư”?
Có nhiều người Việt thành công và đã thoát ra khỏi
cuộc sống cơ cực ở quê nhà, thế là, như những chiếc phà, cứ thế họ chở gia
đình, những người thân quen, bà con, họ hàng qua sông đến những vùng đất màu mỡ.
Người Việt ở Mỹ cũng thế, bắt đầu bằng cuộc di tản khổng lồ vào những ngày cuối
tháng Tư Đen. Sau đó, dẫn đến một cuộc chạy tỵ nạn lớn nhất thế giới trong thời
cận đại của những con người tỵ nạn mang tên “Boat People – Thuyền Nhân”.
Trong số hơn 1 triệu người ra đi trong giai đoạn
1975 - 1990 đó đã lấy sinh mạng ra để đánh đổi cái thứ vô cùng trừu tượng mà
người Việt đặt cho những cái tên hết sức mỹ miều: “Hành Trình Đi Tìm Tự Do” hoặc
“Tỵ Nạn Chính Trị Cộng Sản” vân vân, thì có lẽ có tới hơn nửa là những người đi
vì thấy người ta đi, đi vì nghe nói cuộc sống ở Mỹ, ở Úc, ở Canada sướng lắm,
nhất là sau khi họ đã “được sống với Cộng Sản” sau những năm chết đói 1978-1979
ở Việt Nam.
Con số những người “tỵ nạn không biết vì sao” và “tỵ
nạn kinh tế” này thuở ấy thực không hề nhỏ. Tuy không có thống kê, nhưng bảo đảm
nếu những ai đi vào thời điểm đó, công tâm mà nhìn nhận sự thật, thì sẽ thấy
con số người vượt biên đi “tỵ nạn chính trị đích thực”, không có nhiều.
Nếu có đến những quốc gia quanh Việt Nam trong khu vực
Đông Nam Á mới thấy sự đau thương, sự tàn nhẫn, và những nỗi đớn đau của những
người Việt tỵ nạn kinh tế, chạy đi tìm cho mình, cho gia đình mình một cuộc sống
khá giả và sung túc hơn so với những ước mơ ở "thiên đường". Hiện có
khoảng chục ngàn người Việt trong hơn 2 ngàn rưởi gia đình sống quanh khu vực
biển hồ Tonle Sap bên Cambodia là một thí dụ. Dân chúng địa phương, chính quyền
sở tại đối xử hà khắc với họ thế nào thì báo chí tin tức chỉ nêu ra được một phần
rất nhỏ.
Chỉ khi nào họ là một người khách du lịch đàn ông Việt
Nam, bị 2 đứa trẻ trai, con của những người Việt sống trên Biển Hồ này, chưa tới
12-13 tuổi, gạ bán tình dục bằng những câu tiếng Anh bẩn thỉu được ai đó dạy
cho, để lấy tiền sinh sống, thì may ra họ mới có chút động tâm.
Chỉ có khi nào người ta nhìn thấy được những giọt nước
mắt ngắn dài của cha mẹ người Việt ở những quốc gia này, khi họ được hỏi đến và
khi họ nghĩ đến tương lai mờ mịt qua những ánh mắt ngây thơ vô tội của con cái
họ, thì may ra người ta mới cảm thông với những nỗi đau khổ của những “thân phận
tỵ nạn kinh tế” …
Chỉ có khi nào người ta mục kích được những cuộc chạy
trốn cảnh sát bố ráp những người Việt ở lậu trên đất Thái, trên đất Nam Hàn,
trên đất Hong Kong hoặc ở Nga, thì may ra họ mới hiểu và thông cảm được với những
nỗi vất vả ở đời của những con người “tỵ nạn kinh tế” ra sao.
Chỉ có khi nào người ta biết đến những câu chuyện của
các cô gái Việt qua Thái, qua Mã Lai, qua Singapore hành nghề massage, làm nữ
tiếp viên bưng bia rót rượu ở các quán bar, làm gái gọi hạng sang hoặc làm điếm
hạng rẻ tiền ở xứ lạ, thì may ra người ta mới thông cảm, mới bố thí cho người
Việt đồng bào mình một chút xót thương cho thân phận của những người “tỵ nạn
kinh tế’ này.
Người ta đã được nghe, được biết qua tin tức, được
biết rất chi tiết về những gian khổ, những cay đắng, những đau thương và ngay cả
những cái chết tức tưởi như của 39 người Thùng Nhân, những người Việt tha
phương cầu thực trên đường sang Anh Quốc hồi tháng rồi, mà vẫn không thể xoay
chuyển được những trái tim gỗ đá của họ, còn nói chi …
Cứ nhìn những lời kết tội, những lời mỉa mai, những
lời thóa mạ, những câu sỉ nhục của họ đối với những người đã khuất, đối với gia
đình những người này là đủ hiểu.
Bởi thế, có gì lạ đâu khi ta mục kích được những người
Việt vênh vang tự hào là mình đã “nhập cư đúng danh nghĩa”, đã “phải làm đầy đủ
thủ tục tỵ nạn trước khi đến Mỹ” hoặc ngạo nghễ nhận mình là người “tỵ nạn
chính trị” chính đáng, nhất là những người kéo đủ bầu đàn thê tử lên máy bay,
bay thẳng sang Mỹ, rồi cùng nhau hoan hỉ, vui sướng, vỗ tay ủng hộ chính sách
di dân tàn bạo, lấy việc chia cách trẻ em tàn nhẫn và vô lương tâm của Donald
Trump nhằm răn đe những người còn mang trong lòng cái hoài bão vượt biên đi “tỵ
nạn kinh tế” từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ?
Đồng bào, đồng hương của chính họ, họ còn không
thương xót, nói chi đến "Bọn chuyên hãm hiếp phụ nữ, bọn súc vật, bọn buôn
bán thuốc phiện - Rapists, animals, drug dealers - lời chụp mũ bịa đặt của
Donald Trump khi nói về những người nhập cư Mễ Tây Cơ'” được ông ta xử dụng như
những con cờ thí cho mục đích chính trị của ông ta, qua hình ảnh đoàn quân xâm
lược kéo nhau đến từ phía Nam biên giới Mỹ.
“Xây những cây cầu – Đừng xây những bức tường!” Pope
Francis.
“Cây cầu được Thiên Chúa tạo ra với đôi cánh của các
thiên thần để con người có thể giao tiếp với nhau”. Ivo Andrich trong cuốn The Bridge
on Drina.
“Tình yêu và lòng trắc ẩn phải là nhu cầu cần thiết,
không thể coi là những thứ xa xỉ. Nếu không có tình yêu, không có lòng trắc ẩn,
loài người không thể tồn tại”. Đức Đạt Lai Lạt Ma.
(Langkawi - Songkhla nhìn lại Dec/10/2019)
No comments:
Post a Comment