Mai Loan - Cali Today
December 16, 2019
Trước khi quí độc giả có thắc mắc hoặc bực mình với
cách dùng chữ có vẻ thiếu văn hoa như tựa đề của bài báo kỳ này, xin hãy dành
cho kẻ viết bài giải thích những chi tiết vì sao đành phải chọn những từ ngữ
cho thật chính xác và thích hợp với nội dung điều mình muốn nói. Và xuyên qua
đó, quý vị có lẽ cũng hiểu được phần nào nỗi khổ của những người làm truyền
thông tiếng Việt ở hại ngoại phải vật lộn để tìm ra những từ ngữ đúng đắn khi
phải trân trọng với chữ nghĩa.
Như đã nhiều lần trên diễn đàn này, kẻ viết bài đã từng
cho thấy có rất nhiều từ ngữ bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp khá đơn giản và được
hầu như mọi người hiểu một cách rõ ràng và đầy đủ. Nhưng đến khi cần phải dịch
nó ra, hoặc diễn giải bằng tiếng Việt, người ta lại không thể nào tìm được những
từ ngữ chuyên môn và đơn giản đúng nghĩa nhất. Nếu như cố gắng để dịch kiểu từng
chữ một (như Google translate) nhiều khi lại trở thành những từ ngữ ngô nghê hoặc
ngu ngốc, không ai hiểu được. Cuối cùng mọi người đành phải công nhận rằng chỉ
có cách giải thích bằng nhiều từ ngữ gộp lại, hoặc cả một câu dài mới dịch đúng
và đầy đủ ý nghĩa của từ ngữ gốc.
Hãy lấy một thí dụ tạm gọi là đơn giản để minh chứng
cho điều này: đó là từ ngữ “road rage”, rất phổ thông trong các bản tin trên
các diễn đàn truyền thông ở Hoa Kỳ. Nó được dùng để nói đến một hiện tượng khi
những người lái xe trên đường phố, mỗi khi bị những tài xế khác lái xe chèn ép
quá đáng khiến bực mình, thậm chí có thể lên cơn tức giận như điên cuồng (vì thế
nên mới có chữ “rage”) và bỗng dưng phản ứng mạnh và quá đáng như chạy rượt
theo để qua mặt đối phương và uy hiếp lại, bất kể đến vấn đề an ninh công cộng.
Điều này đương nhiên dễ dẫn đến những phản ứng và hậu
quả tai hại khôn lường, và trong bối cảnh nhiều người dân ở Mỹ có súng trong
tay vì là một quyền tự do được cho phép khá dễ dàng, những án mạng nổ ra sau đó
là chuyện rất dễ xảy ra trên đường phố, mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì hai bên
“tức khí” lẫn nhau trong lúc đang lái xe trên đường.
Nếu chỉ dịch hai chữ “road rage” ra thành “điên cuồng
trên đường phố” thì cũng chưa đầy đủ và rõ nghĩa. Điều quan trọng là những cách
tạm dịch như vậy không nói lên đầy đủ ý nghĩa của nó, vốn là một việc làm thiếu
suy nghĩ với hậu quả tệ hại mà nguyên nhân chỉ vì một chuyện cỏn con làm mình tức
giận trước hành động lái xe của những người khác mà mình không vừa ý.
Lần này, từ ngữ đơn giản và dễ hiểu của tiếng Anh là
“deal” cũng gặp rất nhiều khó khăn để tìm chữ dịch cho đúng nghĩa và đầy đủ
trong các bản tin hay bài viết bằng tiếng Việt.
Nếu tạm nói một cách đơn giản, chữ “deal”, dù là động
từ hay danh từ, có thể được dịch ra như là một vụ buôn bán, một giao dịch, một
mối làm ăn, kết thúc một công việc v.v. Có vài trường hợp, chữ “deal” được dùng
để nói đến việc chia bài (như trong các sòng cờ bạc). Trong trường hợp của bài
viết lần này, một cái “deal” có thể là một mối làm ăn, và việc “close a deal,
make a deal” có thể được dịch là “trúng mối” xem chừng như cũng rất dễ hiểu, nếu
muốn tránh dùng “trúng mánh” có phần bình dân hơn.
TT Donald Trump của Hoa Kỳ thường hay tự khoe mình
như là một thứ “dealmaker-in-chief”, một cách dùng chữ cũng rất phổ thông với
giới truyền thông nước Mỹ, bắt chước theo thói quen gọi “commander-in-chief” để
nói về vị tổng thống Mỹ, vốn cũng là “tổng tư lệnh tối cao” của quân đội Hoa Kỳ.
“Dealmaker” là chữ dùng để nói đến một người nào đó đã kết thúc được một mối
giao dịch, một vụ buôn bán hay trao đổi nào đó giữa đôi bên.
Lý do của việc dùng từ ngữ này là vì
ông Trump thường muốn khoe với mọi người rằng ông có lợi thế và tài năng đặc biệt
của một tay buôn lão luyện đã thành công trên thương trường, biết dùng đủ mọi
mánh khoé và thủ đoạn để thương lượng hay điều đình với đối phương (dù là mềm dẻo,
mạnh bạo hay lật lọng lời nói) để miễn sao cuối cùng lấy được mối giao dịch làm
ăn đó có lợi nhiều về phía mình. Trong trường hợp không đạt được mục tiêu này,
ông sẵn sàng bỏ rơi nó để đi tìm hay chờ đợi một cơ hội khác thuận lợi hơn, hoặc
để điều đình một mối làm ăn khác miễn là có lợi cho mình.
Đó là lý do
ông dùng để biện minh khi quyết định bất ngờ bỏ ra về sớm trong cuộc họp thượng
đỉnh tay đôi với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn tại Hà Nội vào đầu năm nay.
Khi biết rằng phía Bắc Hàn sẽ không chịu đồng ý ký kết một văn bản về giải giới
vũ khí hạch tâm tại vùng này để ông Trump có thể lấy đó đem khoe với thiên hạ
(dù rằng không ai tin rằng phía Bắc Hàn sẽ tuân thủ theo các điều cam kết trong
tương lai), TT Trump chỉ còn cách đánh bài “tẩu mã” trước để tránh bị bẽ bàng
khi đối phương từ chối.
Vì thích tự khoe là một “dealmaker” ngoại hạng do
tài năng thiên phú, nên ông Trump cũng thường tỏ ý chê bai hoặc xem thường tất
cả những chuyên viên phụ tá bên trong nội các thuộc đủ mọi lãnh vực từ tình báo
đến ngoại giao, quốc phòng và kinh tế tài chính v.v. Những người không đồng ý với
nhận định này thì cho rằng ông Trump chỉ là một thứ “transactional president”,
tức là một tổng thống chỉ biết giải quyết mọi vấn đề theo cái nhìn đơn giản như
là một vụ giao dịch giữa đôi bên, giữa hai nước, trên một hồ sơ nào đó miễn sao
có lợi cho mình là được.
Điều này có thể giải thích được trong trường hợp ông
là một đại thương gia giầu có trong ngành địa ốc, biết tìm hiểu những đối tác để
giao dịch, biết đánh hơi những chỗ nào có thể đầu tư hay mua bán những cơ ngơi
nào đó mà mình nghĩ là sẽ đem lợi về cho mình. Và không cần đếm xỉa gì đến những
vụ giao dịch khác không có lợi hoặc liên can đến mình.
Tuy nhiên khi lên làm một vị nguyên thủ quốc gia,
ông không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nhiều khó khăn trên toàn nước Mỹ. Chẳng
hạn như ông không thể nghĩ một cách đơn giản là chỉ lo thương lượng với một
ngành nghề, một chính quyền thành phố hay tiểu bang nào đó thuận lợi với ông mà
bỏ lơ những nơi khác. Tương tự như vậy, ông không thể nào giải quyết những vấn
nạn to lớn như là một giao dịch giữa Hoa Kỳ và một nước nào đó mà thôi, bởi vì
điều đó có thể tác động đến một nước thứ ba hay nhiều nước khác.
Hãy lấy thí dụ đơn giản cho dễ hiểu là hiệp ước trao
đổi mậu dịch giữa 3 nước vùng Bắc Mỹ là Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Có những
điều thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại tuy có lợi cho đôi bên nhưng lại bất
lợi cho phía Mễ. Và ngược lại có những điều thuận lợi cho cả hai nước Hoa Kỳ và
Mễ nhưng có thể thiệt hại cho Gia Nã Đại v.v. Trong trường hợp đó, đây không
còn là một sự thương lượng giữa hai phía mà là giữa 3 phe, do đó sẽ càng rắc rối
và khó khăn hơn nhiều để tìm một sự điều đình đi đến đồng thuận cho cả 3 bên.
Điều này giải
thích vì sao TT Trump thường không thích tham dự vào những cuộc điều đình đa
phương, và hay lên tiếng bác bỏ các hiệp ước hay thoả thuận
đa-quốc-gia mà Hoa Kỳ đã ký kết trước đây. Bởi lý do đơn giản là ông vốn không
có tính kiên nhẫn để tìm hiểu và học hỏi trên những hồ sơ rắc rối như vậy, khi
phải cân nhắc đến rất nhiều điều lợi hại không ngờ trước. Kế đến, ông vẫn chủ
quan rằng trong một cuộc điều đình tay đôi, ông dễ nắm bắt được “tẩy” của đối
phương, và dùng lợi thế to lớn của mình (khi Hoa Kỳ vốn là quốc gia giầu có và
vững mạnh hơn tất cả các nước khác) để có thể chơi ép các nước khác “dưới cơ”
mình khi phải đối đầu trong một cuộc nói chuyện tay đôi.
Theo nhà báo Ishaan Tharoor, trong một bài phân tích
mới đây trên tờ Washington Post, TT Trump thường tự khoe mình như là một tay điều
đình sư tổ (dealmaker in chief), một doanh gia sáng giá có tài đánh hơi siêu đẳng
để buộc những cường quốc yếu thế hơn phải chìu theo ý mình, và từ đó phục hồi lại
uy tín cho Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Thế nhưng, điều trái khoáy là trong suốt gần 3 năm cầm
quyền đến nay, TT Trump đã hành xử giống như là một “dealbreaker in chief”, tạm
dịch là “một tay tổ chuyên đạp đổ”, với những lời nói và hành động nhằm dẹp bỏ
tất cả những thành quả cố gắng về ngoại giao của các vị tổng thống tiền nhiệm,
rút lui khỏi những thoả ước về giải giới và không phát triển hạch tâm, xé bỏ hiệp
ước chống thay đổi khí hậu toàn cầu, và làm suy sụp những cơ chế quan trọng như
Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) để giải quyết những tranh chấp về mậu dịch, hoặc
là tổ chức NATO (Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương), vốn là những định chế
tạo nền cho một trật tự quốc tế vững bền.
Để rồi khi sắp sửa bước vào năm cuối của nhiệm kỳ,
người ta mới thấy rằng những lời hứa hẹn từ lâu về những thoả ước sẽ đạt được bởi
TT Trump càng ngày càng như khó có cơ may hiện thực.
Đầu tiên là cái thoả thuận được xem là “lớn nhất của
thế kỷ”, một giải pháp ổn thoả lâu dài để thoát khỏi cơn khủng hoảng nhức nhối
giữa hai phe Do Thái và Palestine tại vùng Trung Đông, cho đến giờ này vẫn chưa
được trình làng và có lẽ cũng chẳng bao giờ được thành hiện thực. Còn về viễn
tượng sẽ có một thoả ước (được gọi là ở Giai đoạn Một) về mậu dịch giữa Hoa Kỳ
và Trung Cộng, mới đây TT Trump lại đưa ra những lời tiên đoán bi quan nhất khi
ông trả lời các phóng viên nhân cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Anh-quốc vào thứ
Ba tuần trước: “Một cách nào đó, tôi thích cái ý tưởng chờ đợi cho đến sau cuộc
bầu cử năm 2020 để có thể bàn về một thoả ước về mậu dịch với Trung Cộng; nhưng
phía họ thì mong muốn có thoả ước vào lúc này, và chúng tôi đang chờ xem liệu
có một thoả thuận nào đó thích hợp hay không.” (Thoả ước này mới được tuyên bố
nhưng lại không đưa ra cho mọi người thấy những chi tiết cụ thể và liệu chừng
nào sẽ được thi hành.)
Hậu quả của lời phát ngôn này là liền sau đó, chỉ số
Dow Jones trên thị trường Wall Street tụt xuống 400 điểm. Thông tin tiêu cực này
xảy ra sau khi thị trường chứng khoán đã bị chao đảo với lời tuyên bố ngày hôm
trước của TT Trump rằng ông sẽ cho áp đặt trở lại thuế quan trên các món hàng sắt
thép và nhôm của hai nước Ba Tây (Brazil) và Á Căn Đình (Argentina). Nhưng TT
Trump đã phớt lờ sự lo ngại khi nói rằng những thiệt hại đó chỉ là “peanuts”
(không đáng kể vì rẻ tiền như đậu phộng) và ông cũng không thèm quan tâm theo
rõi thị trường lên xuống. Dù rằng trong thời gian dài trước đó, TT Trump thường
hay khoe khoang chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng cao vì nhờ vào ông, để rồi sau
đó lại im lặng sau khi chỉ số tụt xuống trở lại trong nhiều tháng trời.
Ngay cả với tham vọng hão huyền về chuyện mở rộng
vòng tay đối với chính quyền Bắc Hàn, với những thành quả ngoại giao được coi
là ngoạn mục nhất theo kiểu “nặng phần trình diễn”, những cố gắng của TT Trump
cũng chẳng đem lại chút kết quả nào có thể được gọi là tích cực, nếu không muốn
nói là ngược lại.
Thật vậy, vào ngày Chủ Nhật vừa qua, phía Bắc Hàn đã
loan báo việc thực hiện “một cuộc thử nghiệm rất quan trọng” ở giàn phóng vệ
tinh Sohae ở Tongchang-ri, một địa điểm gần biên giới với Trung Cộng từ lâu đã
được dùng làm nơi phóng các vệ tinh của Bắc Hàn vào không gian. Từ lâu, Liên Hiệp
Quốc đã cấm không cho Bắc Hàn được phóng các vệ tinh, vì cho rằng đó chỉ là một
hình thức để che giấu việc Bắc Hàn muốn thử nghiệm các kỹ thuật về phóng phi đạn
đạn đạo (ballistic missiles).
Tất cả các chuyên gia đều cho rằng việc thử nghiệm mới
rất quan trọng này có thể là màn giáo đầu cho một cuộc thử nghiệm phóng vệ tinh
hay phi đạn đạn đạo vào cuối năm nay, một sự kiện mà ông Ri Thae Song, phó ngoại
trưởng của chế độ độc tài Bắc Hàn đặc trách về liên lạc với Hoa Kỳ, đã không ngần
ngại cảnh cáo rằng nó có thể là “một món quà Giáng Sinh” không mong ước cho ông
Trump. (Trong một chế độ với lãnh tụ độc tài tàn bạo như Kim Jong Un, chắc chắn
nếu không có lệnh từ lãnh tụ tối cao đưa xuống thì không đời nào một viên chức
như ông phó ngoại trưởng này dám đưa ra lời phát biểu đầy thách thức như vậy.)
Tưởng cũng nên nhắc lại là vào tháng 11/2017, trước
khi có cuộc họp tay đôi với TT Trump tại Tân Gia Ba (Singapore) vào tháng
6/2018, lãnh tụ Kim Jong Un đã tự loan báo việc đình chỉ các thử nghiệm về đầu
đạn hạch tâm và các phi đạn tầm xa, và điều này đã được TT Trump hoan nghênh
như là một bước tiến ngoại giao ngoạn mục.
Thế nhưng lần này, TT Trump đã đưa ra lời cảnh cáo với
lãnh tụ họ Kim rằng anh ta “sẽ có quá nhiều điều để mất mát” nếu như “anh ta có
hành xử một cách thù nghịch”. Và ông Trump đã thúc giục Kim Jong Un là hãy duy
trì một “mối quan hệ đặc biệt” mà hai lãnh tụ này đã thắt chặt được xuyên qua
hai cuộc họp thượng đỉnh cùng với một màn trình diễn ngoạn mục khi họ đã cùng bắt
tay nhau tại một ngôi làng ở Bàn-Môn-Điếm (Panmunjom) thuộc vùng phi quân sự
phân chia hai nước Nam và Bắc Hàn.
Để phụ hoạ cho lời khuyên Kim Jong Un hãy đừng nên
tiếp tục hung hăng thách đố Hoa Kỳ và các đồng minh qua việc cho thử nghiệm mới
về phi đạn, TT Trump nhắc nhở đến một “Thoả Thuận về Giải Giới Hạch Tâm vững chắc”
mà hai lãnh tụ đã cùng nhau ký kết trong kỳ họp thượng đỉnh tại Tân Gia Ba vào
năm 2018. Nhưng thực chất của thoả thuận này cũng chỉ là một văn bản ghi nhớ
(memorandum) ngắn gọn, với nội dung mơ hồ để bắt đầu một giai đoạn lâu dài hơn
về những cuộc thương lượng sau này liên quan đến chương trình phát triển hạch
tâm của Bắc Hàn. (Nói tóm lại, nó cũng chỉ là một tờ giấy hứa hẹn giữa hai lãnh
tụ chuyên “hứa lèo”).
Nên từ đó đến nay, tất cả những cuộc thương thảo giữa
đôi bên đều không diễn ra xuông xẻ hoặc tốt đẹp, và tất cả những cố gắng nhượng
bộ từ phía ông Trump (vốn thường tỏ ra cứng rắn và ỷ thế mạnh với những đồng
minh lâu đời) đều không được đáp lại một cách tương xứng và tốt đẹp.
Trước đây, TT Trump thường khoe rằng ông đã thuyết
phục được Kim Jong Un hãy đóng lại trung tâm phóng hoả tiển Sohae nhân khi hai
người gặp gỡ tại Tân Gia Ba vào năm 2018. Để rồi khi các cơ quan tình báo đều
đưa ra những bằng chứng cho thấy rõ là phía Bắc Hàn, thay vì đóng cửa, lại cho
tân trang trung tâm thử nghiệm này vào tháng Ba năm nay, TT Trump lại biện minh
một cách yếu ớt rằng ông sẽ lấy làm “thất vọng rất lớn” với lãnh tụ họ Kim nếu
như điều đó là sự thật, nhưng ông lại tin rằng điều đó chưa hề xảy ra!
Trong ngày Chủ Nhật vừa qua, TT Trump một lần nữa lại
bầy tỏ sự lạc quan tin tưởng rằng lãnh tụ họ Kim sẽ không phản bội lại lời cam
kết chung giữa hai người, nhưng đồng thời ông cũng đưa ra một lời đe doạ ngầm với
lãnh tụ của Bắc Hàn qua một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter: “Kim Jong Un rất
thông minh và có quá nhiều điều để mất mát, đúng ra ông ta có thể mất tất cả nếu
như ông có hành xử một cách thù nghịch. Ông ta đã ký kết với tôi một bản Thoả
Thuận Giải Giới Hạch Tâm rất mạnh mẽ tại Tân Gia Ba.”
TT Trump viết tiếp để giải thích: “Ông ta sẽ không
muốn huỷ bỏ mối liên hệ đặc biệt mà ông có được với vị Tổng thống của Hoa Kỳ hoặc
là xen lấn vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm tới. Bắc Hàn, dưới sự
lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un, đang có một tiềm năng kinh tế rất lớn, nhưng
quốc gia này phải giải giới hạch tâm như đã hứa hẹn. Hiện nay, khối NATO, Trung
Cộng, Nga Sô, Nhật Bản và cả cộng đồng thế giới đều cùng thống nhất với nhau
trên hồ sơ này!”
Tuy nhiên, theo ông Harry Kazianis, một viên chức kỳ
cựu đặc trách về Đại Hàn thuộc viện nghiên cứu Center for the National Interest,
cho biết có lẽ Bắc Hàn sẽ không hài lòng trước lời bình phẩm của ông Trump rằng
Bắc Hàn có “mọi điều để mất mát”. Và cuộc thử nghiệm mới nhất của Bắc Hàn vào
cuối tuần qua cho thấy là mối giao thiệp song phương này đã tụt dốc rất nhiều kể
từ sau khi hai lãnh tụ chia tay sau cuộc họp tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay, và
điều này cũng có thể báo hiệu cho một đợt những thử nghiệm mới về vũ khí và những
lời lẽ tranh cãi và chỉ trích gay gắt sẽ diễn ra vào đầu năm tới.
Trong một bản thông báo được phát đi bởi hãng thông
tấn chính thức của nhà nước Bắc Hàn, một phát ngôn viên nói rằng kết quả cuộc
thử nghiệm lần này “sẽ có một ảnh hưởng quan trọng trong việc thay đổi vị thế
chiến lược của DPRK” (Cộng Hoà Nhân Dân Dân Chủ Triều Tiên). Và ông Kim Song, đặc
sứ của Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, cũng bác bỏ lời kêu gọi của chính quyền Mỹ về
đối thoại và coi đó như là “một thủ thuật câu giờ” nhằm mục đích phục vụ cho
nhu cầu chính trị nội địa nước Mỹ: “Giờ đây, chúng tôi không cần phải
có những cuộc thương thảo kéo dài với phía Hoa Kỳ, và vấn đề giải giới hạch tâm
coi như đã không còn nằm trên bàn thương thuyết nữa.”
Rõ ràng đây là một lời phủ nhận mạnh mẽ chẳng khác
gì gáo nước lạnh tạt vào mặt đối phương, vì chủ đích chính của TT Trump (cũng
như của tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm) đều là buộc Bắc Hàn phải chịu giải
giới tất cả vũ khí hạch tâm trong vùng bán đảo Triều Tiên.
Điều
nhiều người lo ngại là giờ đây TT Trump sẽ bị “quê xệ” khá nặng vì sự từ chối của
Bắc Hàn không chịu thi hành giải pháp giải giới hạch tâm sẽ được coi như là một
điều sỉ nhục, và do đó ông có thể “nổi quạu” để trở lại với chủ trương hăm he
và hiếu chiến như lúc ban đầu. Theo nhận định của
ông Daniel DePetris, một chuyên gia về hồ sơ Bắc Hàn, được đăng trên tạp chí
The National Interest, những lời lẽ hăm doạ của TT Trump kiểu như “cái nút bấm
nguyên tử trên bàn của tôi lớn hơn cái nút bấm của anh” có thể thoả mãn những
đòi hỏi về tâm lý của một khối cử tri khi họ thích vỗ tay trước những lời lẽ
“đao to búa lớn” đối với những quốc gia thù nghịch với Hoa Kỳ, nhất là trong thời
gian vận động tranh cử. Tuy nhiên, điều đó chẳng giúp ích gì được trong thực tế
để giải quyết những vấn đề nhức nhối.
Ngoài vấn nạn với Bắc Hàn ra, TT Trump cũng sẽ khó
tìm được những thành quả khả quan trên nhiều mặt trận khác. Trong cuộc so găng
với Trung Cộng về vấn đề áp đặt thuế quan, cho đến nay TT Trump cũng chỉ nhận
được một số những nhượng bộ lẻ tẻ từ nhà cầm quyền Bắc Kinh. Các phụ tá của ông
Trump vẫn cố gắng đưa ra một cái nhìn lạc quan và nói rằng các cuộc thương lượng
đang diễn ra tốt đẹp và một thoả thuận đang rất “gần kề”. Thế nhưng chuyện cù
cưa này, với những thiệt hại đã xảy ra cho một số ngành nghề (như giới nhà nông
ở Mỹ xuất cảng sang Tầu) và giới tiêu thụ nói chung trên toàn quốc phải trả tiền
nhiều hơn khi mua hàng hoá, coi như là một câu trả lời đầy trớ trêu đối với lời
hô hào như đinh đóng cột của TT Trump rằng “các cuộc chiến tranh thương mại đều
rất tốt, và rất dễ dàng chiến thắng”.
Có lẽ trong niềm hy vọng mong manh để duy trì những
cuộc thương thảo về mậu dịch với Trung Cộng, TT Trump đã cố gắng giữ im lặng
khá lâu trước những hành động đàn áp nhân quyền của người dân tại vùng Tân
Cương, cũng như đã rất dè xẻn những lời cổ động cho phong trào tranh đấu của
sinh viên và người dân tại Hương Cảng đòi hỏi tự do và dân chủ đã nổ ra cách
nay 6 tháng. Ngay cả đến khi lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật ủng
hộ người dân tại Hương Cảng với tỉ lệ đa số gần như tuyệt đối, ông Trump cũng
còn chần chừ đến nhiều ngày sau mới chịu ký, khi biết rằng ông không còn có lựa
chọn nào khác hơn. Có lẽ chưa bao giờ xảy ra một sự kiện nào mà các vị dân biểu
và nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, tuy đối chọi nhau rất gay gắt
trên hầu hết các hồ sơ trong nhiều năm qua, nhưng lần này lại cùng đồng lòng hợp
tác một cách chặt chẽ để thông qua các đạo luật nhằm lên án các chính sách của
Trung Cộng.
Sau cùng trên hồ sơ tranh chấp và chiến tranh triền
miên tại vùng Trung Đông, mọi người đều đã thấy rõ là các cố gắng của chính phủ
Mỹ dưới thời TT Trump về một giải pháp hoà bình lâu dài giữa hai phe Do Thái và
Palestine coi như không thể nào thành tựu được, nhất là kể từ sau khi ông đã
giao phó nó cho cậu con rể là Jared Kushner, xem thường sự đóng góp của các vị
ngoại trưởng như Rex Tillerson hoặc Mike Pompeo. Anh chàng Kushner này, từ trước
tới nay chưa hề có chút kinh nghiệm gì về lãnh vực ngoại giao cũng như chưa từng
nắm giữ chức vụ công quyền nào, nhưng lại có một lợi thế rất to lớn là nhờ vào
khối tài sản to lớn về đầu tư địa ốc không khác gì ông bố vợ. Hơn thế nữa,
Jared Kushner lại được coi là rất thân thiện với Thái tử MBS của Vương quốc
Saudi Arabia, với chủ trương đồng minh gắn bó với Do Thái, bỏ mặc quyền lợi của
phe Palestine.
Tuy chính quyền Trump từ đó đến nay chưa hề đưa ra bất
cứ một chi tiết nào về kế hoạch của mình trên hồ sơ này, nhưng mọi người đều đã
thấy rõ là nó sẽ không đi đến đâu khi mà phía Palestine đã gần như bị cho ra
rìa, khiến họ càng cay đắng hơn nữa trước chủ trương thiên vị quá lố của Hoa Kỳ
về phía Do Thái dưới thời của TT Trump. Và thêm một điều trái khoáy hơn nữa là
tình hình chính trị nội bộ của Do Thái cũng rất rắc rối, khi mà đương kim Thủ
tướng Benjamin Netanyahu cũng đang bị cáo buộc nhiều tội danh hối lộ và tham
nhũng, và người dân tại quốc gia này sắp sửa phải đi bỏ phiếu lần thứ ba trong
một năm để mong hy vọng bầu ra một chính phủ mới. Với lý do đó, chính quyền
Trump càng có cớ để trì hoãn và tạm gác sang bên hồ sơ hoà bình tại Trung Đông.
MAI
LOAN
No comments:
Post a Comment