Sunday, 22 December 2019

KINH TẾ HOA KỲ DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG TRUMP (Nguyễn Quốc Khải)





Nhiều nông dân Mỹ là nạn nhân của chiến tranh thương mại , khai phá sản, bán nông trại để trả nợ. Nhiều nhà đầu tư ngoại quốc nhảy vào mua vì giá đất đi xuống

Chỉ còn chưa tới ba tuần nữa là chúng ta bước sang năm mới 2020, đánh dấu ba năm Tổng Thống Trump nhậm chức. Đây là lúc thuận lợi để kiểm điểm kinh tế Hoa Kỳ một cách khách quan và trung thực. Cuối năm tới sẽ lại có cuộc bầu cử tổng thống, kinh tế sẽ là một trong những đề tài quan trọng của cuộc bầu cử này. Tổng Thống Trump xem kinh tế là một động cơ có thể giúp ông thắng cử nhiệm kỳ II nếu ông không bị Quốc Hội truất phế.

Chúng ta sẽ bàn về những lãnh vực căn bản của kinh tế như mức độ phát triển, việc làm, thuế và ngân sách, nợ công và sau cùng là thương mại. Trong một dịp khác, chúng ta sẽ bàn đến thị trường chứng khoán vì đề tài này khá phức tạp, thị trường dao động bất thường và thời gian giới hạn của một bài thảo luận.

Hoa Kỳ : Tổng Sản Phẩm Nội Địa

Thông thường kinh tế được đo lường bằng tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP). Trong hai năm 2017-2018 kinh tế phát triển 2.4% và 2.9% một phần nhờ vào chính sách giảm thuế của Tổng Thống Trump. Qua đến 2019, kinh tế phát triển chậm lại vì chiến tranh thương mại và việc giảm thuế đã kém hiệu nghiệm. Tam cá nguyệt (1) của 2019 đạt được 3.1%, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 2.0% và 2.1% trong hai tam cá nguyệt tiếp theo. Với kết quả này chính quyền Trump sẽ không thể đạt được mục tiêu 3.1% cho toàn năm 2019.

Phân tách kỹ hơn, chúng ta thấy khu vực công nghệ, một phần quan trọng của kinh tế Hoa Kỳ đã chính thức đi vào giai đoạn thụt lùi. Ít người để ý đến vấn đề này vì cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump đã lấn áp các màn truyền hình và các trang báo. Khu vực công nghệ trước đây rất lớn, ngày nay chỉ còn chiếm khoảng 19% của nền kinh tế so với nông nghiệp 1% và dịch vụ 80%. Theo báo cáo của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm liên tục trong sáu tháng vừa qua xuống tới mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Một trong những nguyên nhân chính làm cho khu vực công nghệ đi xuống là thuế quan của Tổng Thống Trump làm giá vật liệu như thép và nhôm và giá hàng hóa sản xuất tại Mỹ tăng khiến ít người mua. Ngoài ra, tình trạng bất ổn do chiến tranh thương mại làm các công ty trì hoãn đầu tư.

Khu vực nông nghiệp đang thật sự ở trong thời kỳ khủng hoảng. Nông dân không bán được nông sản vì chiến tranh thương mại. Theo một báo cáo của American Farm Bureau Federation, tình trạng phá sản của nông dân tăng 24% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 9 vừa qua.

Cũng theo tổ chức này, trị giá nông phẩm xuất cảng qua Trung Quốc là $19.5 tỉ vào 2017, $9.1 tỉ vào 2018, $1.3 tỉ trong sáu tháng đầu của 2019 và hiện nay không đáng kể. Trung Quốc trước đây là thị trường xuất khẩu nông phẩm đứng hạng thứ năm của Hoa Kỳ sau Canada, Mexico, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản.

Chính quyền Trump cho tới nay đã phải trợ cấp làm hai lần tổng cộng $28 tỉ tiền mặt cho nông dân Hoa Kỳ lấy từ tiền thuế áp đặt trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc mà các công ty nhập cảng Mỹ phải trả trước khi nhận hàng.

Toàn bộ nền kinh tế của Hoa Kỳ còn đứng vững được nhờ vào khu vực dịch vụ và sức tiêu thụ của dân chúng. Đây chính là một điểm son của nền kinh tế.

Trong thời gian tranh cử ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng khi làm tổng thống, ông sẽ làm cho kinh tế phát triển từ 4% đến 6%. Ông kỳ vọng chương trình cắt giảm thuế sẽ khuyến khích đầu tư và làm kinh tế tự phát triển mạnh. Nhưng trên thực tế phần lớn các công ty lợi dụng cơ hội này dùng tiền không phải trả thuế để mua lại cổ phần và trả tiền lời cổ phiếu.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Hoa Kỳ (2007-2019)  -   Tỷ lệ thất nghiệp

Một tin vui cho Tổng Thống Trump là tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tháng 11 vừa qua giảm xuống còn 3.5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua kể từ 1969 so với tổng số lực lượng nhân công là 164.4 triệu người. Trung bình trong khoảng thời gian ba tháng vừa qua, mỗi tháng có thêm 205,000 việc làm. Riêng trong tháng 11, kinh tế có thêm 266,000 việc làm.

Những con số của thị trường lao động chứng tỏ kinh tế đang tốt đẹp, trái ngược với những con số co cụm của tổng sản phẩm nội địa đã được trình bầy ở phần trên. Một số công ty cho biết rằng họ tạm hoãn những dự án đầu tư lớn cho đến khi cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc được giải quyết. Trong khi đó, mướn thêm nhân công không phải là một đầu tư lâu dài và tốn kém như xây thêm nhà máy, mua thêm máy móc sản xuất. Mới đây Tổng Thống Trump lên tiếng đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế quan trên khoảng $160 tỉ trị giá hàng nhập cảng từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được một thỏa hiệp nào từ nay đến ngày 15-12-2019.

Nếu phân tách kỹ hơn, người ta thấy thị trường lao động dù vẫn tiến triển, nhưng số việc làm trong 2019 không tăng nhanh bằng 2018 vì nhu cầu về nhân công đã giảm, đặc biệt trong khu vực công nghệ và khai mỏ. Mặc dù, số việc làm vẫn tăng, nhưng lương bổng tăng ít hơn là dự đoán vì tỉ lệ lạm phát thấp và vai trò nghiệp đoàn yếu.

Tính đến cuối 2018, tổng số việc làm của Hoa Kỳ là 161 triệu, bao gồm 20.7 triệu trong khu vực công nghệ, 129.1 triệu trong khu vực dịch vụ, 2.3 triệu trong nông nghiệp và 8.9 triệu trong khu vực tự làm chủ – phi nông nghiệp.

NGÂN SÁCH QUỐC GIA THIẾU HỤT VÀ NỢ CÔNG

Ngân Sách Quốc Gia (1019-2020)

Khi nhà nước tiêu nhiều hơn là lợi tức thu vào từ thuế và lệ phí, ngân sách quốc gia bị thiếu hụt. Theo Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách (Office of Management and Budget – OMB) của Tòa Bạch Ốc, ngân sách Liên Bang Hoa Kỳ trong tài khóa 2018 và 2019 lần lượt thiếu hụt $779 tỉ và $1,109 tỉ. Theo dự đoán của OMB con số này sẽ giảm bớt xuống $1,103 tỉ trong tài khóa 2020.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng và các chương trình an sinh xã hội chiếm những tỉ lệ khá cao trong ngân sách quốc gia dưới nhiều đời tổng thống, nhưng nguyên nhân chính khiến cho thiếu hụt của ngân sách quốc gia dưới thời Tổng Thống Trump tăng vọt là chính sách giảm thuế tổng cộng lên đến $1.5 ngàn tỉ của ông bắt đầu có hiệu quả vào 1-1-2018.

Theo dự phóng của chính quyền Trump, chính sách giảm thuế sẽ làm cho các công ty gia tăng đầu tư và công chúng tiêu thụ nhiều hơn và sẽ làm cho kinh tế tăng trưởng 2.9% mỗi năm trong 10 năm tới. Kết quả là ngân sách quốc gia sẽ thu về thêm khoảng $1.8 ngàn tỉ lợi tức mới bù vào số thuế mất đi. Trên thực tế cả hai điều này đã không xẩy ra.

Một cuộc điều nghiên vào 2017 cho thấy nhiều công ty đã dùng tiền miễn thuế để trả tiền lãi cổ phần hay mua lại cổ phần thay vì đầu tư thêm. Kết quả là giá chứng khoán tăng đáng kể nhưng kinh tế phát triển không nhiều đủ để bù vào số lợi tức mất vì giảm thuế.

Cắt giảm thuế xem ra chỉ có hiệu lực trong trường hợp kinh tế đang trì trệ, thuế suất cao, và các cơ sở kinh doanh đang cần tiền để phát triển công ty. Cả ba điều kiện này đều không có dưới thời Tổng Thống Trump. Chính sách cắt giảm thuế dưới thời Tổng Thống Reagan (1981-1989) có hiệu quả vì khi đó kinh tế đang giảm sút, thuế suất cao tới 70% gắp đôi thuế suất 2017.

Hoa Kỳ : Nợ Công / GDP (%)   -    2009-2020

Chính sách cắt giảm thuế của Tổng Thống Trump đã không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế mong muốn mà còn làm tăng nợ công. Khi ra tranh cử, ông Trump hứa sẽ xóa nợ công trong tám năm. Thực tế đã chứng minh ông đã làm trái ngược. Khi Tổng Thống Trump nhậm chức vào ngày 20-1-2017, nợ công là $19.8 ngàn tỉ. Đến 30-9-2019, ngày chót của tài khóa 2019, nợ công tăng lên đến $22.8 ngàn tỉ.

Trong chưa tới 3 năm Tổng Thống Trump đã tăng thêm $2.8 ngàn tỉ vào nợ công. Theo ngân sách của tài khóa 2020, Tổng Thống Trump sẽ làm nợ công tăng thêm tổng cộng là $5 ngàn tỉ trong nhiệm kỳ I.

Một cuôc nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy rằng khi tỉ lệ nợ công so với GDP lên quá 77% trong một thời gian dài, nó sẽ làm kinh tế phát triển chậm lại. Cứ mỗi phần trăm trên mức tối đa này sẽ làm mức phát triển giảm 1.7%. Tỉ lệ nợ công / GDP của Hoa Kỳ trước khi cắt giảm thuế đã là 104% và đến tháng 9/2019 là 106%. Vào cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump tỉ lệ này sẽ là 110% theo dự phóng của Trading Economics.

Trong ngắn hạn, ít người để ý đến nợ công vì chi tiêu của chính phủ kích động kinh tế tăng trưởng. Nhưng trong dài hạn, nợ công và thiếu hụt ngân sách sẽ làm tăng lãi suất và làm giảm phát triển kinh tế. Theo một bài tường thuật của The Hill, riêng trong tài khóa 2019, Hoa Kỳ đã phải trả $376 tỉ tiền lời trên số nợ công, tương đương với một nửa ngân sách quốc phòng và hơn cả ngân sách của các Bộ Giáo Dục, Nông Nghiệp, Chuyên Chở và Gia Cư cộng lại.

THƯƠNG MẠI

Trong lãnh vực buôn bán với nước ngoài không may là không có nhiều tin tốt đẹp cho Tổng Thống Trump. Trong thời gian tranh cử và ngay cả sau khi đã dọn vào Nhà Trắng, Tổng Thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện những hiệp định thương mại tốt hơn cho nước Mỹ, bảo đảm các công ty Mỹ được đối xử công bằng và sẽ cân bằng cán cân mậu dịch. Rất tiếc ông đã không đạt được một mục tiêu nào cả. Tổng Thống Trump chủ trương sử dụng tối đa võ khí thuế quan trong chính sách thương mại. Ông từng viết trên Twitter “Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng.” Ông đã sai lầm về cả hai điểm này.

Trong thời gian ba năm qua, Tổng Thống Trump chỉ đạt được một thỏa hiệp mới với Nam Hàn mà không cần sự phê chuẩn của Quốc Hội. Tuy nhiên, thỏa hiệp mới không khác thỏa hiệp cũ bao nhiêu ngoại trừ có nhiều hạn chế hơn.

Thỏa hiệp mới với Canada và Mexico (USMCA) thay thế thỏa hiệp cũ (NAFTA) chưa được Quốc Hội phê chuẩn có một vài cải tổ như Canada mở rộng thị trường bơ sữa, giới hạn xí nghiệp quốc doanh, đặt thêm luật lệ về nguồn sản xuất xe hơi và các bộ phận rời. Nhưng nói chung USMCA không khác với NAFTA bao nhiều đối với các công ty và người tiêu thụ Mỹ.

Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO) đã gặp phải một vài khó khăn do phía Hoa Kỳ gây ra như dùng lý do an ninh quốc gia để áp đặt thuế trên hàng nhập cảng thép và nhôm và đe dọa sẽ áp dụng cho cả xe hơi. Điều này trái với luật của WTO. Hoa Kỳ cũng đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa án WTO để có đủ nhân lực giải quyết những vụ tranh tụng thương mại. WTO có một số vần đề cần được cải tổ nhưng vẫn là một tổ chức hữu ích.

Chế độ bảo hộ thương mại vào đầu Thế Kỷ XX đã gây thiệt hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ và cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã phần nào tạo dựng lên chế độ tư bản phát xít và đưa đến Đệ Nhị Thế Chiến. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ là một trong nhiều quốc gia đã hăng hái vận động thành lập hệ thống thương mại toàn cầu bao gồm Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và General Agreement on Tariif and Trade (GATTS) ngay sau Thế Chiến II chấm dứt 75 năm về trước. GATTS là tiền thân của WTO.

Liên Hiệp Âu Châu (European Union – EU) và Canada đã phải thành lập một cơ chế khác để giải quyết tranh tụng giữa đôi bên và mời những nước khác tham gia. EU cũng đã đạt được những thỏa hiệp thương mại với Nhật, Canada và Mexico và đang thương thuyết với khối các nước Nam Mỹ MERCOSUR gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela. Nhật Bản cũng đã cùng với 10 nước khác thành lập Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Phấn và Cấp Tiến (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership – CPTPP) để thay thế TPP sau khi Hoa Kỳ rút lui. Hàng chục quốc gia cùng với Ý đã tham gia vào chương trình Một Vòng Đai Một Con Đường (Nhất Đái Nhất Lộ) của Trung Quốc.
Sau cùng, không thể không nhắc tới chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kéo dài gần hai năm. Cho đến giờ phút này triển vọng hai bên đạt được một thỏa hiệp, ngay cả một thỏa hiệp cho “giai đoạn I”, còn xa vời. Mới đây Tổng Thống Trump đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế trên hàng hóa tiêu thụ như đồ chơi, điện thoại, quần áo, máy điện toán sản xuất tại Trung Quốc trị giá $156 tỉ vào ngày 15-12-2019 nếu cuộc thương thuyết bế tắc.

Trái với lời hứa của ông, từ ngày Tổng Thống Trump nhậm chức, cán cân mậu dịch với thế giới ngày càng thâm thủng thêm. Theo thống kê của U.S. Census Bureau, Nhập siêu của Hoa Kỳ đối với thế giới vào 2016, năm cuối cùng của Tổng Thống Obama, là $735.3 tỉ và hai năm kế tiếp là $793.4 tỉ và $874.8 tỉ.

Nhập siêu hàng hóa của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc vào 2016 là $346.8 tỉ. Nhập siêu tăng đều đặn trong hai năm kế tiếp là $375.4 tỉ và $419.5 tỉ, bất kể thuế quan của Tổng Thống Trump.

Riêng trong 10 tháng đầu của 2019, nhập siêu của Hoa Kỳ với thế giới giảm 14.6% so với 10 tháng đầu của 2018. Nhập siêu của Hoa Kỳ với Trung Quốc giảm chỉ giảm 0.8% trong cùng một thời gian.

Vào ngày 2-3-2018, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Fox Business Network đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ có biện pháp chống lại thuế quan hay không, Cố Vấn Kinh Tế Peter Navarro của Tổng Thống Trump đã trả lời rằng “Tôi không tin bất cứ một quốc gia nào trên thế giới sẽ trả đũa vì một lý do giản dị là chúng ta là một thị trường sinh lời và lớn nhất thế giới.”

Ông Navarro đã sai lầm. Không những Trung Quốc mà tất cả mọi nước đều chống trả lại thuế của Hoa Kỳ. Một nghiên cứu chung mới đây của Quỹ Dự Trữ Liên Bang, Princeton University và Columbia University cho thấy các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc đã áp đặt thuế nhập cảng vào hàng của Hoa Kỳ trung bình 16% trên hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá $121 tỉ. Không những vậy, một mặt Trung Quốc tăng thuế nhập cảng đánh vào hàng sản xuất tại Hoa Kỳ. Mặt khác, Trung Quốc hạ thuế nhập cảng từ các quốc gia khác.

Tổng Thống Trump từng nói “Thuế là một cách mạnh mẽ để làm cho các công ty trở về Mỹ.” Ông đã không đạt được kết quả như ông mong đợi mặc dù đã thi hành một vài biện pháp cần thiết như cắt giảm thuế lợi tức cho các công ty, tăng thuế nhập cảng, đồng thời bớt luật lệ ràng buộc các công ty. Chi phí nhân công ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn cho nên đã giúp một số công ty quay trở về Mỹ. Nhưng những con số thông kê cho thấy kết quả không được như mong muốn vì chi phí nhân công ở Mỹ vẫn còn cao so với những nước khác. Một số công ty chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc qua những nước như Việt Nam và Thái Lan mà không trở về Mỹ.

Theo thống kê của Reshoring Initiative, một tổ chức theo rõi, nghiên cứu và vận động các công ty trở về Mỹ, trong hai năm đầu của Tổng Thống Trump, khoảng 145,000 việc làm công nghiệp đã được chuyển về Mỹ, bao gồm 82,000 việc làm đã được dự trù trong 2017 trước khi luật thuế mới áp dụng. Mặt khác, thuế nhập cảng làm cho giá thép và nhôm tăng vọt khiến cho một số công ty không chuyển được khoảng 30,000 việc làm về Mỹ. Trái lại một số công ty lại thuyên chuyển một số hoạt động của họ ra nước người như công ty chế tạo xe mô tô Harvey Davidson, Carrier, IBM, Lowe’s, GE, AT&T, Verizon, Microsoft và Morgan Stanley.

Trong bẩy thập niên vừa qua, thế giới đã dần dần xóa bỏ các hàng rào quan thuế, mở rộng cửa để buôn bán với nhau. Nay áp dụng thuế quan, một biện pháp của chế độ bảo hộ công nghệ nội địa, chống đối các thương ước toàn cầu, là quay trở lại thời kỳ trước Đệ Nhị Thế Chiến. Các nước buôn bán với Hoa Kỳ sẽ trả đũa lại cũng bằng thuế quan hay một hàng rào quan thuế khác. Cuối cùng kinh tế mọi nước sẽ co cụm lại và sẽ không có lối thoát.

Danh từ chuyên môn gọi đây là chính sách trọng thương (mercantilism). Mục tiêu của chính sách này là xuất cảng tối đa và hạn chế nhập cảng tối đa để đạt được tài khoản hiện hành (current account balance) cân bằng hoặc thặng dư. Chính sách trọng thương bành trướng ở Âu Châu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII trong thời kỳ công nghiệp hóa. Chủ nghĩa này đã thường xuyên đưa tới chiến tranh và là nguyên nhân sinh ra chế độ thực dân. Mục tiêu của chế độ thực dân là xâm lăng các nước nhỏ để chiếm nguyên liệu và tạo thị trường tiêu thụ. Thuế quan cao, đặc biệt đánh vào những hàng hóa công nghệ, là một công cụ phổ thông của chính sách trọng thương.

Tổng Thống Trump xem ra muốn quay trở lại thời kỳ trước Đệ Nhị Thế Chiến, theo đuổi chính sách trọng thương, đã và đang gây ra những xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

KẾT LUẬN

Kinh tế Hoa Kỳ đang ở giai đoạn phát triển lâu dài nhất trong lịch sử từ 2010 đến bây giờ. Vào đầu năm nay nhiều nhà phân tách đã lo sợ kinh tế có thể bắt đầu co cụm vào cuối năm, Tuy nhiên kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù chậm lại một cách đáng kể và tình trạng này có thể kéo dài qua 2020. Xem ra giai đoạn cuối của một chu kỳ kinh tế đã bắt đầu.

Trong lịch sử, không một tổng thống nào thất cử nhiệm kỳ II khi tỉ lệ thất nghiệp dưới 7%. Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp chỉ bằng nửa con số này. Trường hợp Tổng Thống Trump có thể khác. Trong khi cử tri có thể cho ông điểm cao về nạn thất nghiệp thấp, nhưng kinh tế không phải chỉ có thị trường lao động mà gồm nhiều khu vực khác như thương mại, thuế vụ, ngân sách, nợ công. Tổng Thống Trump đạt được điểm thấp trong những lãnh vực này.

Ngoài ra, cử tri không chỉ chú ý đến thành tích của ông trong lãnh vực kinh tế mà cón ở những lãnh vực khác như an sinh xã hội, ngoại giao, quốc phòng và chính trị, đặc biệt là ông đang bị Quốc Hội luận tội về vụ Ukraine.

Nguyễn Quốc Khải
10-12-2019







No comments:

Post a Comment

View My Stats