Tháng Mười Hai
18th, 2019
Mấy tuần lễ nay nước
Mỹ sôi sục về vụ Donald J. Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, bị Hạ Viện
“impeached”. Báo chí khắp nơi đang theo dõi sát sự kiện lịch sử này. Bài viết
dưới đây hy vọng sẽ giúp độc giả hiểu thêm về khái niệm “impeachment” qua các
thời đại.
Vụ xử đàn hặc Tổng
thống Andrew Johnson tại Thượng Viện Hoa Kỳ, tháng 3/1868. nguồn:
wikimedia
Chữ “impeach” là một
thuật ngữ chính trị có từ xa xưa. Các nhà ngữ học phỏng đoán nó đến từ chữ
“empeechier” trong tiếng Pháp cổ, bắt nguồn từ chữ “impedire” trong tiếng
La-tinh có nghĩa là dùng chân (ped) để chặn hay giữ lại – tiếng Việt ta nói là
“ngáng chân”. Trong tiếng Pháp hiện đại từ tương đương là “empêcher”; trong tiếng
Anh là “impede” – nghĩa là cản trở.
Như một công cụ
pháp lý, impeachment đã được áp dụng ít nhất từ thời Hy Lạp và La Mã. Dần dà nó
du nhập sang Âu Châu. Lần đầu tiên chữ “impeachment” xuất hiện trong sử sách
Anh là vào năm 1376 dưới triều Edward III, nổi tiếng là một nhà vua nhũng nhiễu,
dân chúng vô cùng oán thán. Là một vị vua độc tài, Edward ra lệnh bãi bỏ Nghị
Viện (Parliament) vài năm trước đó. Nhưng vì áp lực kinh tế và chính trị,
Edward buộc phải tái lập Parliament. Một trong những việc đầu tiên người Chủ Tịch
Nghị Viện (Speaker of the House) làm ngay lập tức là bắt nhốt viên quan giữ kho
bạc Richard Lyons và … “impeach Lord Baron Latimer” – một thành viên của House
of Lords (Thượng Viện) bị tình nghi đã vơ vét ngân quỹ, ăn hối lộ, lạm dụng quyền
lực và một số tội danh khác.
Sau một cuộc xét xử
công khai, những bằng cớ đưa ra đã chứng minh Baron Latimer có tội, do đó ông bị
trục xuất khỏi House of Lords. Dựa trên chuyện này ta có thể đoán rằng thủ tục
impeach đã có từ trước và sẵn sàng được mang ra dùng để ngăn chặn hành vi lạm
quyền của quan chức trong triều (trừ nhà vua).
Năm 1388 một nhân vật
khác cũng bị “impeached” và truất quyền, đó là công tước Earl of Suffolk. Trong
vụ này lần đầu ta thấy xuất hiện cụm từ “high crimes and misdemeanors” mà bốn
trăm năm sau các nhà Quốc Phụ (Founding Fathers) của Mỹ sẽ dùng cho Hiến Pháp
Hoa Kỳ. “High crimes” ở đây phải được hiểu là những hành vi bất chính mang tính
nghiêm trọng về mặt chính trị, chứ không phải là trọng tội theo nghĩa hình sự.
Cùng trong ngữ cảnh đó, “misdemeanor” cũng là những hành vi bất chính, tuy
không nghiêm trọng bằng “high crimes” nhưng vẫn cần phải được ngăn chặn để bảo
vệ niềm tin của công chúng vào chế độ, vào chính quyền.
Nói cách khác,
“impeachment” là một giải pháp chính trị để đối phó với tình huống người nắm
quyền lạm dụng vị thế của mình để làm những điều có khả năng gây nguy hại đến đất
nước. Điều cần nhấn mạnh ở đây là người bị hạch tội không nhất thiết đã làm việc
gì phi pháp, họ chỉ cần “có âm mưu làm bậy” thôi là cũng đủ cơ sở để hạch tội rồi.
Tuy nhiên, người bị hạch vẫn phải được xét xử công bằng và công khai để xem có
cần phải truất phế hay không.
Khác với toà án hình sự hay dân sự, impeachment là một vụ xử chính trị được tiến hành theo những quy tắc riêng biệt của nó. Đây là nền tảng của quy trình “impeachment” trong Hiến Pháp Hoa Kỳ mà các nhà Quốc Phụ đã vay mượn từ hệ thống Đại Nghị của Anh Quốc để áp dụng cho hệ thống Tổng Thống Chế họ vừa đặt ra cho tân quốc gia của mình. Ngày nay hiến pháp các nước dân chủ trên thế giới hầu hết đều có những quy định về impeachment.
Dân Mỹ biểu tình
trước Tòa Bạch Ốc kêu gọi Hạ Viện đàn hặc Tổng thống Nixon. nguồn:
internet
Thế còn bên phương
Đông thì sao? Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu và nhiều vị học giả đáng tin
cậy khác, “impeachment” được gọi là “đàn hặc” có người còn viết là “đàn hạch”
(hạch là do hặc nói trại ra, như hạch hỏi, hạch tội v.v.) Cuối thời Bắc Tống
bên Tàu, khoảng thế kỷ thứ 12, có viên quan tên Trần Hoà từng “dâng sớ đàn hặc”
lên vua Tống Huy Tông để hạch tội Đồng Quán, một vị tướng tài ba nhưng cậy quyền
ỷ thế làm nhiều điều xằng bậy. Truyện Thủy Hử cũng có nhắc đến nhân vật Đồng
Quán này.
Đời nhà Trần và Hậu
Lê ở nước ta có Ngự Sử Đài gồm những vị quan cương trực, họ có nhiệm vụ hặc tấu
lên vua những tên quan lại tham nhũng lạm quyền. Từ những chuyện trên ta có thể
kết luận impeachment, hay đàn hặc, là những quy tắc chính trị có tự lâu đời.
Tuy về mặt hình thức mỗi nơi mỗi khác, nhưng tựu trung nó vẫn là những biện
pháp ngăn chặn sự lạm quyền.
Có người cho rằng
chữ đàn hặc ít ai biết, dùng chữ luận tội dễ hiểu hơn. Lập luận này không phải
không có lý. Tuy nhiên, xét về mặt ngữ pháp thì đàn hặc là một thuật ngữ xưa
nay được dùng cho trường hợp đặc biệt liên quan đến giới cầm quyền, không nhầm
lẫn với thủ tục buộc tội người dân thường. Do đó khi dùng chữ đàn hặc người hiểu
chuyện sẽ biết ta đang bàn về một quy trình chính trị có thể dẫn đến việc truất
phế một vị quan chức nào đó, nhưng nó không là một vụ án hình sự hay dân sự.
Trong bối cảnh đó, luận tội là một bước trong tiến trình đàn hặc – khi các nhà
Lập Pháp “thảo luận” (debate) và “biểu quyết” (vote) các “hặc trạng” (articles
of impeachment).
Hiến Pháp Hoa Kỳ
chia chính quyền ra ba nhánh riêng biệt để kiểm soát và kềm chế lẫn nhau, gọi
là “checks and balance”. Tổng thống thuộc bên Hành Pháp tuy có nhiều quyền lực
nhưng vẫn có thể bị Lập Pháp là Quốc Hội khống chế và truất phế. Các nhà Quốc
Phụ đã bàn thảo khá kỹ về thủ tục đàn hặc tổng thống trước khi đặt nó vào trong
Hiến Pháp. Vào thời đó nước Mỹ vừa mới thành hình và còn trong giai đoạn phôi
thai nên có hai điều họ rất quan tâm, như George Mason từng viết trong
Federalist Papers.
Thứ nhất là họ sợ tổng
thống bị ảnh hưởng bởi, hoặc cấu kết với ngoại bang làm lũng đoạn đất nước (cho
nên mới có điều kiện tổng thống phải là người sinh ra ở Mỹ). Thứ nhì là họ sợ hệ
thống bầu cử bị phá hoại khiến lá phiếu của người dân không còn hiệu lực. Có thể
nói đây là hai hành vi nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến việc đàn hặc tổng thống
– một chức vụ mới mẻ chưa nước nào có.
Hiến Pháp Hoa Kỳ
ghi rằng tổng thống có thể bị Hạ Viện đàn hặc nếu phạm những tội như hối lộ, phản
quốc, hoặc “high crimes and misdemeanors…” Hạ Viện là cơ quan duy nhất có thẩm
quyền hạch tội tổng thống. Sau khi điều tra xong, Hạ Viện phải biểu quyết và
thông qua một bản hạch trạng, tiếng Anh gọi là Articles of Impeachment, xong
chuyển sang Thượng Viện để xét xử (tương tợ như “dâng sớ đàn hặc”). Tại Thượng
Viện các Thượng Nghị Sĩ sẽ đóng vai Bồi Thẩm Đoàn, và cuộc xử án được chủ toạ bởi
Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện.
Tổng thống Richard
Nixon đón tiếp tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh
tại Tòa Bạch Ốc tháng Tư, 1973, một năm trước khi ông Nixon bị luận tội và từ
chức sớm. nguồn: Internet
Trong lịch sử nước
Mỹ trước đây chỉ có hai tổng thống bị Hạ Viện đàn hặc là Andrew Johnson (1868)
và Bill Clinton (1999). Nay có thêm Donald Trump (2019) nữa là ba. Ngoài ra Tổng
thống Nixon có bị luận tội năm 1974 nhưng đã từ chức trước khi bị đàn hặc. Từ
đó tới giờ chưa có tổng thống Mỹ nào bị truất phế, vì phải cần đến 2/3 Thượng
Viện bỏ phiếu thuận – một điều kiện khá khó khăn được các nhà Quốc Phụ đặt ra để
phòng ngừa việc Lập Pháp lạm quyền.
Theo lịch trình, vụ
xử Tổng thống Trump sẽ diễn ra vào tháng Giêng 2020, do Thẩm phán John Roberts
làm chủ toạ. Các Thượng Nghị Sĩ sẽ xét hai hạch trạng: 1) Lạm dụng quyền lực;
2) Cản trở Quốc Hội.
Dù kết quả sẽ như
thế nào chăng nữa, đây vẫn là cơ hội hy hữu cho những ai quan tâm đến đời sống
chính trị trong một xã hội văn minh tự do. Theo dõi diễn biến hiếm có này ta sẽ
hiểu sâu hơn cách vận hành của một chính thể tam quyền phân lập và dân chủ pháp
trị, nơi không một ai hay một đảng phái nào có thể đứng trên pháp luật.
Ta sẽ thấy vì sao,
trải qua bao nhiêu phong ba bão tố, nước Mỹ vẫn vững vàng và lớn mạnh, vẫn là
“cuộc thí nghiệm vĩ đại và táo bạo” của thể chế dân chủ đầu tiên trên quả địa cầu.
IB
Dallas
Dallas
Người dân San
Antonio (TX) tham gia cuộc xuống đường toàn quốc ngày 17/12/2019 ủng hộ việc
đàn hặc Tổng thống của Hạ Viện. Anh: Beth Devillier/TPR
No comments:
Post a Comment