BBC Tiếng Việt
8 tháng 12 2019
VN: Có
nên đặt tên đường phố ở Đà Nẵng theo hai Giáo sĩ Công giáo?
Có
những lý do về mặt tâm lý xã hội hay có màu sắc 'chính trị' phía sau cuộc tranh
luận nóng lên trở lại gần đây về nhân vật lịch sử, giáo sỹ Công giáo Alexandre
de Rhodes (1591-1660), và vai trò lịch sử, văn hóa của ông ở Việt Nam, mà tâm
điểm xoay quanh việc Đà Nẵng có nên lấy tên ông đặt cho một đường phố hay
không.
Giáo sỹ Công Giáo Alexandre de Rhodes (1591-1660) là
người đã soạn cuối từ điển Việt - Bồ - La. GETTY IMAGES
Trình bày quan điểm của mình tại cuộc Bàn tròn thứ
Năm, hôm 05/12/2019, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nói:
"Tôi cũng có một sự tình cờ và may mắn là người theo dõi những việc
xung quanh Alexandre de Rhodes, kể cả việc bài bác, cũng như là muốn tôn vinh,
đó là cả một lịch sử dài rồi, chứ không phải là mới xảy ra trong thời gian gần
đây.
"Năm 1993, chúng tôi làm tờ báo Lao Động đổi mới, lúc ấy tôi làm phần
văn hóa, văn nghệ, thì tôi đã nhận được những ý kiến, những bài tôi đoán của một
số trí thức Công giáo đã gửi cho chúng tôi, để mà đòi khôi phục danh dự của
Alexandre de Rhodes.
"Bởi vì trước đó, chúng ta biết rồi ở miền Bắc, cũng như trước khi
thống nhất, quan điểm của Đảng Cộng sản là bác bỏ Alexandre de Rhodes, cho nên
bia tưởng niệm của ông ở Hà Nội, cũng như tên phố Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn
là đã bị bỏ.
"Lý do chính là lý do
chính trị, tại vì theo những nhà nghiên cứu tôn giáo và lịch sử của Đảng Cộng sản
thì coi Alexandre de Rhodes gần như là người tiếp tay hay là khích động sự xâm
lược của thực dân Pháp đến Việt Nam, cái tội rất là to.
"Tôi đã thấy cả một câu dịch của ông Alexandre de Rhodes mà do ông
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam dịch ra và treo ở một chỗ rất
quan trọng ở trong Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội để quy tội cho Alexandre de
Rhodes.
"Thế nhưng đến khoảng năm 1980 - 1990, đã có một số người bác lại
cái đó và nói rằng đó là những câu dịch không đúng. Thứ nhất, ngay cả xuất xứ của
câu đó cũng không chắc của Alexandre de Rhodes, rồi dịch lại theo một thiên kiến
nữa...
"Đã có nhiều ý kiến rồi, nhưng khi báo Lao Động của chúng tôi nhận
được cái đó, chúng tôi mở ra một cuộc thảo luận ở trên báo, bản thân tôi cũng
có viết bài nữa, sau đó chúng tôi có đề nghị Giáo sư Phan Huy Lê - là Chủ tịch
Hội Sử học Việt Nam - viết một bài quan trọng để nói lên quan điểm của ông cũng
như quan điểm của lịch sử.
"Sau bài đó, chúng tôi được chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương của Đảng
Cộng sản Việt Nam cung cấp toàn bộ tư liệu về Alexandre de Rhodes cho các ông ấy
nghiên cứu, tôi không biết nội bộ thỏa luận như thế nào, nhưng sau đó đã có một
hội thảo chính thức của Hội Khoa học Lịch sử về Alexdre de Rhodes. Và hệ quả là trả lại cái bia,
không để ở Hồ Hoàn Kiếm nữa, nhưng đưa vào trong Thư viện Quốc gia và trả lại
tên Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn."
Năm 1919, khoa thi bằng chữ Hán cuối cùng ở Việt Nam
đã được quyết định với một đạo dụ được Vua Khải Định (phải) thuộc Triều Nguyễn
ban hành. GETTY IMAGES
Về các diễn biến gần
đây liên quan tranh luận quan vai trò lịch sử của vị Giáo sĩ này, đồng Chủ biên
Tạp chí mạng Văn Việt, thuộc Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam,
nói tiếp:
"Như vậy nó có cả một lịch sử rồi, thế nhưng mà
gần đây xin nói thật, có một số trí thức, kể cả trí thức mà có tên tuổi ở nước
ngoài, ở Mỹ, ở Pháp thì phản đối lại, lại đưa ra vấn đề phản đối Alexandre de
Rhodes vì nhiều lý do, trong đó có lý do là vì ông ấy có nhận xét không tốt về
Việt Nam, về Đạo Phật.
"Nhưng còn lý do rất quan trọng nữa, cho nên phức
tạp lắm, tức là có rất nhiều vị lại nói là chữ Quốc ngữ này cũng chẳng quan trọng
gì cả, thậm chí có vị còn nói là đặt ra chữ Quốc ngữ này là tội, chứ không phải
là công, đại khái như thế, tức là đây là cuộc tranh luận về học thuật, nhưng đến
gần đây thì nó bị biến thành một vấn đề hơi dở. Tức là nó lại biến thành mà thấy
là sự kỳ thị tôn giáo nữa, giữa Phật Giáo và Công Giáo. Đó là cái dở," từ Sài Gòn, ông Hoàng Hưng nói với Bàn tròn
thứ Năm.
Hình chụp một trang trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La
do ông Alexandre de Rhodes biên soạn. OTHER
Có vấn đề về "di sản tâm lý văn
hóa"?
Khách mời tại
Studio của Chương trình ngay tại London, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên, nêu
quan điểm:
"Xin nói nhanh thế này, sở dĩ có vấn đề định kiến
như nhà thơ Hoàng Hưng vừa nói là vì nó là vấn đề di sản tâm lý văn hóa suốt mấy
chục năm nay, mà Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (một khách mời khác tại Bàn tròn) có
nhắc, bắt đầu từ câu nói dịch từ trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, mà gọi là
trích dẫn từ quyển sách "Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc
và các vương quốc khác ở phương Đông", thì tôi thấy rằng khi tôi đọc lại chính văn của bản 356
trang của cuốn sách này, tôi không thấy câu đó.
"Như vậy vấn đề là quý vị sáng tạo như thế nào?
Cái đó tạo ra một định kiến suốt bao nhiêu năm trời, rồi ở miền Nam lại có một
số định kiến khác ở vùng miền Nam. Rồi bây giờ ở hải ngoại nữa.
"Có một dạo, tờ báo mạng đã có những bài rất nặng
nề về Alexandre de Rhodes, thì đó là cả một định kiến, nó là một di sản tâm lý
rất lâu dài mà đến bây giờ, nếu muốn giải quyết, cần phải chấm dứt những hệ lụy
của quá khứ để mà nhìn tới một cái gì thoáng hơn.
"Tôi thí dụ khi chúng ta nói đến công trạng lớn
của Alexandre de Rhodes và những vị giáo sỹ phương Tây, là chúng ta đã nói đến
những người đặt nền móng cho tài sản mà chúng ta đã phát huy suốt từ thế kỷ XX
đến nay.
"Cái đó là một thành quả lớn lao không ai có thể
phủ nhận được, cho nên giải quyết vấn đề di sản tâm lý mà nó tạo thành định kiến,
định kiến rất nhiều mặt ở trong xã hội chúng ta hiện nay mà vấn đề Alexandre de
Rhodes chỉ là một."
Giáo sỹ Alexandre de Rhodes đã qua đời khoảng hai
trăm năm trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. GETTY IMAGES
Từ Hà Nội, Tiến
sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện Hán - Nôm, thuộc
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nêu quan điểm trước hội luận:
"Vấn đề chữ Quốc ngữ và việc vinh danh ngài
Alexandre de Rhodes đúng là một vấn đề thuộc về lịch sử và đã từng diễn ra rất
là lâu rồi. Tóm lại, tranh cãi liên quan đến Linh mục Alexandre de Rhodes tựu
chung có mấy điểm:
"Điểm
thứ nhất người ta cho rằng ông Alexandre de Rhodes không phải
là sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đầu tiên, thế thì nếu ai đó nói rằng ngài Alexandre
de Rhodes chính là người khai sinh và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thì sẽ bị phản
đối. Tôi thấy đương nhiên là ông Alexandre de Rhodes không phải là người đầu
tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông Alexandre de Rhodes chỉ là người đến sau.
"Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì ông đã soạn ra
cuốn Từ điển Việt - Bồ - La; và khi nào thì có từ điển? Khi chữ đã thành hệ thống,
khi chữ đã thành tất cả mọi thứ rồi.
"Bất cứ một ngôn ngữ nào cũng vậy, không thể
nào mà có thể có một cuốn từ điển ra đời ngay mà khi chữ viết ra đời cả, mà phải
sau một quá trình sử dụng gì đó và nó đã hội đủ tất cả mọi yếu tố, thì bấy giờ
mới có từ điển.
"Và lúc bấy giờ từ điện mới đủ điều kiện để ra
đời, thế thì tự thân cuốn từ điển Việt - Bồ - La đó đã xác nhận rằng ông
Alexandre de Rhodes không phải là người đã sáng tạo ra Quốc ngữ đầu tiên...
"Nhưng công của Cha Alexandre de Rhodes thì rất
là lớn, bởi vì khi tất cả vốn từ vựng đã được hợp thành cuốn từ điển, mà lại là
Việt - Bồ - La nữa, thì điều đó cho thấy một sự so sánh đối chiếu về mặt từ vựng
hay là về mặt ngôn ngữ giữa ba thứ tiếng này.
Cho thấy đó là một công lao rất là lớn và có thể nói
rằng Cha Alexandre de Rhodes là một người có công lao đặc biệt to lớn trong việc
hoàn thiện và gom nhặt, và khiến cho những vốn từ vựng về chữ Quốc ngữ trở
thành một tập đại thành, thì đấy là lý do thứ nhất mà chúng ta không nên tranh
cãi, bởi vì Cha Alexandre de Rhodes cũng không tự nhận mình là một người sáng tạo
ra chữ Quốc ngữ.
"Còn ai nói chuyện sáng tạo ra chữ Quốc ngữ bởi
đức Cha này, thì đó là do sự suy luận của người đời sau thôi, lịch sử thì vẫn
chảy trôi như thế, còn suy luận thế nào là của hậu thế.
"Vấn
đề thứ hai mà tranh cãi là người ta dựa vào một tư liệu lịch sử
xa xưa gì đấy, mà thậm chí cả sách lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội
ngày xưa, đã ghi một vài câu quy kết, rồi từ câu đó người ta mới quy kết ra là
Cha Alexandre de Rhodes là có vai trò trong việc Pháp xâm lược nước ta (Việt
Nam). Thì cái này cũng vô cùng sai lầm.
"Bởi vì ngài đã chết trước khi Pháp nổ súng xâm
lược ở cửa biển Đà Nẵng (vào năm 1858) từ 200 năm trước, thì làm sao mà ngài lại
có thể xúi thực dân Pháp và xâm lược Việt Nam được? Vì vậy cho nên cái đó cũng
không phải.
"Một
vấn đề nữa mà có liên quan đến chuyên môn của chúng tôi, tức
là năm nay là kỷ niệm 100 năm khoa cử chữ Hán chấm dứt bằng lệnh sắc của Vua Khải
Định, năm 1919 là khoa thi chữ Hán cuối cùng. Ngay cả khoa thi cuối cùng có nhiều
Tiến sỹ, trong đó có Tiến sỹ Dương Thiệu Tường, là dòng họ của cụ Dương Lâm,
thì bài thi của cụ cũng là hai thứ chữ.
"Một là bài thi bằng chữ hán và hai là bài thi
bằng chữ Quốc ngữ. Thế như vậy là từ năm 1919, khoa thi cuối cùng của chữ Hán,
khoa thi cuối cùng chấm dứt khoa của chữ Hán, thì trong bài thi làm đã phải có
chữ Quốc ngữ. Thế vậy thì nhiều người cũng ca ngợi rằng chữ Hán chấm dứt, thay
bằng chữ Quốc ngữ xảy ra hai bình luận.
"Bình luận thứ nhất: đấy là một điều kiện vô
cùng thuận lợi và đấy là một điều tiên quyết để cho Việt Nam thóat Trung, tức
là thoát khỏi vòng ảnh hưởng của văn hóa Hán, thoát khỏi văn hóa Trung Hoa, thế
thì cái đó cũng chưa phải là cái đã thuyết phục.
"Bởi vì nếu nói về vấn đề thoát Hán, hay là
thoát Trung, thì việc sử dụng ngôn ngữ không phải là cái tiên quyết. Đài Loan
bây giờ vẫn đọc chữ Hán, chữ Hán của Đài Loan hiện nay còn hơn cả chữ Hán của
Trung Quốc vì họ sử dụng chữ phồn thể. Thế thì Đài Loan bây giờ muốn thoát
Trung rồi. Nên vấn đề gọi là tạo điều kiện để thoát Trung cũng không phải là
cái tiên quyết.
"Hai nữa, một phía bình luận nữa nói rằng chữ
Hán chấm dứt thay bằng chữ Quốc ngữ như vậy làm đứt đoạn về văn hóa truyền thống,
tức là nó làm cho con cháu từ năm 1919 đến bây giờ không còn đọc được những chữ
ở trong gia phả hay là hoành phi, câu đối trong các đền chùa, hay là những lời
di huấn của tổ tiên.
"Thì cái đó cũng chưa phải là cái đích đáng,
nhưng mà có một điều ai cũng phải thừa nhận là chữ Quốc ngữ là một thứ chữ dựa
trên các ký tự La-tinh, ghi âm tiếng Việt rất trung thực và ghi rất đầy đủ và
phản ánh đầy đủ, toàn vẹn nhất ngôn ngữ, tiếng của chúng ta hiện nay và việc học
nó rất là nhanh chóng, chỉ có hai mấy chữ cái và chỉ có 3 tháng là có thể xóa
ra khỏi mù chữ.
"Thì đấy chính là tất cả vấn đề mà tôi cho là
nó nổi cộm hay là cái toàn cảnh việc gây ra tranh cãi lớn hiện nay trong vấn đề
Đà Nẵng định tôn vinh Cha Alexandre de Rhodes bằng việc đặt tên đường mà có 12
nhà trí thức, có những người rất nổi tiếng như là ông Nguyễn Đắc Xuân chẳng hạn
cũng gửi thư cho chính quyền Đà Nẵng phản đối cái đó."
Chữ Quốc ngữ mở ra một kỷ nguyên mới ở Việt Nam,
trong đó có báo chí và giáo dục. OTHER
Tranh cãi và giải pháp?
Từ Paris, liên quan
đến cuộc tranh cãi đề có nên lấy tên hai vị Giáo sỹ Công giáo, trong đó có
Alexandre de Rhodes, để đặt tên cho hai đường phố ở Đà Nẵng, nhà báo Tường
An chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình:
"Tôi nghĩ rằng họ chống đối là vì nó chưa có,
những gì có rồi thì họ để yên đấy, ở Sài Gòn cũng đã có con đường mang tên ông
Alexandre de Rhodes, thì có ai nói gì đâu?
"Ở Đà Nẵng tại vì chưa có, cho nên họ phản đối.
Ngay ở Pháp đây cũng có rất là nhiều tên đường, mang tên là Đông Dương, có cả
đường mang tên Hồ Chí Minh nữa, nhưng trong một xứ xã hội dân chủ thì chúng ta
tôn trọng quyền của người dân, nếu mà đa số đồng ý.
"Theo
tôi, tại sao chúng ta (Việt Nam) không làm một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định
vấn đề này, còn hơn là chúng ta tranh cãi rất là dài và không đi đến một kết quả
nào cả."
Từ Sài Gòn, nhà
thơ Hoàng Hưng nói thêm:
"Sự khác nhau của các địa phương cũng là tất yếu
thôi, bởi vì mỗi một nơi người ta có quyền quyết định trong phạm vi hiểu biết
và trong nhận thức của họ, cũng như nguyện vọng của người dân của họ.
"Chúng ta cũng đã thấy là như ca sỹ Khánh Ly được
Bộ Văn hóa cho phép về Hà Nội biểu diễn, nhưng đến Sài Gòn thì còn bị cấm. Nên
chuyện đó khó nói. Chuyện đó tôi tôn trọng quyết định của các địa phương, nhưng
vẫn dựa trên lòng dân, ý dân và những sự nghiên cứu, hiểu biết nhất định, chứ
không nên phụ thuộc định kiến chính trị, tôn giáo. Cái đó theo tôi rất dở, tối
kỵ.
"Nhưng mà điểm thứ hai tôi nghĩ chúng ta không
chịu đặt tên cho hai vị có công với chữ Quốc ngữ, tôi không nói là công đầu hay
công gì gì cả, nhưng rõ ràng là có công lớn. Thực ra Alexandre de Rhodes thì
không phải là không có nhiều người tôn vinh ông quá đáng đâu, giới học giả,
nghiên cứu đã xác định từ lâu vai trò của ông như thế nào rồi. Nhưng mà rất xứng
đáng.
"Thế còn như ông Francisco De Pina, thì ông
Pina có tội gì? Ông Francisco De Pina lâu nay rất thiệt thòi. Tức là lâu nay đối
với đại chúng, ở Việt Nam người ta chỉ biết ông Alexandre de Rhodes nhiều hơn.
Có người nói đây cũng chính là do Thực dân Pháp áp đặt như thế, vì về sau
Alexandre de Rhodes được coi là người Pháp; đây gọi là thiên vị, mọi người hầu
như không biết đến Francisco De Pina.
"Bây giờ rất nhiều người nói ông ấy là người đầu
tiên biết tiếng Việt, giỏi tiếng Việt, dạy cho Alexandre de Rhodes và các giáo
sỹ khác tiếng Việt. Thì ông ấy tại sao lại bị liên lụy lây và không đặt tên đường
được? Chuyện đó tôi nghĩ là phi lý và trong vụ này, tôi thấy có điều gì đó định
kiến quá, còn bây giờ chúng ta thử xem những tên đường đã đặt ở Hà Nội, Sài
Gòn, thiếu gì tên những nhân vật mà không biết, bản thân tôi ở Sài Gòn mà đặt
tên những nhân vật mà tôi chẳng hiểu những nhân vật đó là gì!"
Vua Bảo Đại, Hoàng đế cuối cùng ở Việt Nam, trong Âu
phục thế kỷ XIX. GETTY IMAGES
Từ Hà Nội, Tiến
sỹ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ thêm quan điểm của mình, ông nói:
"Thứ nhất, chữ Quốc ngữ là thứ chữ là đến bây
giờ không thể phủ nhận, không thể bài bác được, bởi vì Quốc hội Việt Nam đã quy
định rằng chữ của Việt Nam dùng hiện nay là chữ Quốc ngữ, vì vậy chữ Quốc ngữ đương
nhiên là được thừa nhận.
"Thứ hai là theo quy định về đặt tên đường, việc
đặt tên đường của các thành phố là do một Ủy ban tư vấn về việc đặt tên đường của
thành phố đó người ta tư vấn. Vì vậy cho nên tất cả những học giả, 12 học giả ở
Huế hay là 100 học giả ở nước ngoài hay là TP Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, có gửi
thư đến Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng, thì đấy cũng chỉ là một kênh tham khảo.
"Việc quyết định đặt tên cha Alexandre de
Rhodes và cha Francisco De Pina hay không là do Ủy ban tư vấn, Hội đồng tư vấn
về việc đặt tên đường của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định.
"Không thể nào mà đặt tên một con đường mà người
ở tận tỉnh nào gửi thư đến mà cũng phải xem xét cân đi nhắc lại, tôi cho rằng
đó là không thuyết phục, bởi vì thành phố Hà Nội, cũng như Thành phố Hồ Chí
Minh, hay là thành phố Đà Nẵng có hẳn cả một hội đồng đặt tên đường và họ làm
việc có lớp lang, có trình tự và có quy định chặt chẽ của họ.
"Thì ủy ban đó làm việc, còn thư của các ông Lê
Cung, ông Nguyễn Đắc Xuân, chỉ là một kênh để tham khảo và có thể xếp lại đó và
tôi khuyên Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phải làm như thế, bởi vì nếu không
anh phủ nhận toàn bộ Hội đồng tư vấn đặt tên đường đó à?
"Tất cả ý kiến của người khác, của các nơi
khác, công dân ở các tỉnh khác, thậm chí ở nước ngoài, chỉ là một kênh tham khảo
và thích tham khảo thì tham khảo, không thích tham khảo thì xếp riêng ra, nghe
là nghe Hội đồng đó và tôi khuyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và Hội đồng
tư vấn sẽ tự chọn cho mình việc cuối cùng có đặt tên cho cha Alexandre de
Rhodes và cha Francisco de Pina hay không...," nhà nghiên cứu thuộc Viện Hán Nôm từ Hà Nội nói với
BBC.
---------------------------
Mời quý vị bấm
vào đường dẫn ngày để theo dõi nội dung cuộc hội luận về chủ đề
trên tại Bàn tròn thứ
Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 06/12/2019.
No comments:
Post a Comment