RFA
20/12/2019
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-justice-through-the-sentences-12202019134823.html
Trong phiên xử vụ
án tham nhũng - Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty cổ phần nghe
nhìn Toàn Cầu – AVG, Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị Viện kiểm sát nhân dân
Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho tội “Đưa hối lộ” là 3-4 năm tù giam, dù ông
này đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ.
Nguyễn Bắc Son, Lê
Nam Trà và Phạm Nhật Vũ đều bị kết án tù trong vụ Mobifone mua AVG. Trong đó
ông Son (phải) bị VKS đề nghị án tử hình. Courtesy of VNMedia -RFA edited
Tính công minh luật pháp tại Việt Nam!
Mức án cao nhất là
tử hình được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị cho Cựu Bộ trưởng
Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ.
Viện kiểm sát cho rằng
số tiền chiếm đoạt ông Son chưa nộp lại, cho nên dù ông có những tình tiết giảm
nhẹ nhưng chưa đủ hưởng mức khoan hồng. Do đó, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông
Son là tử hình.
Còn Cựu Chủ tịch
MobiFone Lê Nam Trà nhận hối lộ 2.5 triệu USD bị đề nghị 23-25 năm tù cho hai tội
danh “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về quản lý & sử dụng vốn đầu tư
công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chỉ trong cùng một
phiên xử, nhưng lại có các mức án quá khác biệt như vậy nên nhiều người đặt vấn
đề đâu là công lý.
Trao đổi với Đài Á
Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng mức án 3-4 năm tù mà Viện Kiểm
sát Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ là một thực tế
cho thấy rõ ràng luật pháp Việt Nam không đảm bảo nguyên tắc công bằng. Ông giải
thích:
“Đối với trường hợp
ông Phạm Nhật Vũ, trước đây khi đưa ra thông tin trong xác lập cáo trạng là ông
Vũ được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Điều này khi đưa ra mọi người rất
bất ngờ, nhất là giới làm trong pháp luật vì khái niệm hình sự đặc biệt không
có trong luật. Theo pháp luật hình sự thì tất cả mọi vấn đề áp dụng thì phải
theo Luật Hình sự chứ không được tùy tiện, Việc đưa ra một khái niệm hết sức
tùy tiện như vậy không thể chấp nhận được. Nguồn cơn của việc này người ta cho
rằng ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm văn bản cho ông hình phạt đặc biệt hơn những
người khác. Thật ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể làm việc này, nhưng dưới
khía cạnh pháp lý thì lẽ ra cơ quan pháp luật không nên chấp nhận điều này vì
làm việc gì hay chấp nhận điều gì phải căn cứ theo pháp lý mà điều này không có
pháp luật nào quy định. Vì vậy cho nên đối với ông Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật
với số tiền hết sức lớn mà đề nghị mức án như vậy rõ ràng không tương xứng.”
Với kinh nghiệm bản
thân, bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động đất đai bị bắt giữ tổng cộng 35
tháng tù giam với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘gây rối trật tự
công cộng’ khi bà thực hiện các quyền công dân để bảo vệ đất Dương Nội, cho rằng
luật pháp Việt Nam là ‘luật rừng’ nếu chỉ tuyên phạt ông Phạm Nhật Vũ 3-4 năm
tù giam. Bà nói:
“Luật pháp Việt Nam
thật sự do các quan chức cộng sản đặt ra và tự quyết. Thế nên tòa án không phải
là tòa án độc lập, mang danh là tòa án nhân dân nhưng lại là tòa án cộng sản.
Những người đấu tranh, lên tiếng về những bất công xã hội thì bị họ khoác cho
những điều luật mơ hồ như chống đối, tuyên truyền, lật đổ. Hoặc có những án
hình sự, có mấy cậu bé chỉ lấy mấy cái bánh mì mà mất hàng bao năm tù. Ngày tôi
đi tù, có người lấy trộm đồ vật đáng giá 1 triệu đồng mà hai mẹ con phải đi tù,
án hai mẹ con đâu mười mấy năm tù. Cho nên thực sự người dân rất bất bình về những
phiên tòa của cộng sản.”
Một số vụ mà người
dân chịu án nặng khiến cộng đồng bức xúc như vụ hai thiếu niên hồi năm 2016 từng
bị đề nghị mức án 3-10 năm tù chỉ vì ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng.
Vụ 3 người ở Lâm Đồng chỉ ăn cắp 3 con vịt bị tù tổng cộng 13 năm tù hồi năm
2009…
Ngày 20/7, TAND quận
Thủ Đức, TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ cướp bánh mì trị giá 45.000 đồng, tuyên phạt
Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi) 10 tháng tù và Ông Thành Tân (18 tuổi) 8 tháng 20
ngày tù. Courtesy vtc
Vì vậy, mức án 3-4
năm tù giam mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm
Nhật Vũ gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
So sánh mức độ sự
việc giữa một số vụ án và khung hình phạt, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:
“Việc áp dụng luật
pháp ở Việt Nam không đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Trong
khi trong thực tế luật pháp quy định mọi người dân không phân biệt cán bộ hay
dân thường, người lớn tuổi hay trẻ con, người giàu có hay nghèo hèn, tất cả đều
bình đẳng trước pháp luật.”
Hệ lụy
Vẫn theo Luật sư Mạnh,
nếu pháp luật ngày càng nhiều những bản án không có sức thuyết phục người dân
như trên sẽ khiến người dân không còn tin tưởng vào pháp luật, không còn tin cậy
vào hệ thống tư pháp công lý. Đây là điều nguy hiểm nhất vì chính sự tin cậy
vào hệ thống pháp lý thì người ta mới nhờ hệ thống pháp lý can thiệp, bảo vệ
quyền lợi của họ.
Cùng suy nghĩ như
trên, Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại:
“Hệ lụy là người
dân không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Người ta sẽ hành xử
theo hướng tiêu cực, nói đơn giản là có tiền có quyền sẽ mua được pháp luật.”
Do đó, Luật sư Đặng
Đình Mạnh cho rằng khi người dân mất lòng tin thì dẫn đến tình trạng vô trật
tự, hỗn loạn, người dân sẽ tìm cách tự ban phát công lý cho mình. Ông diễn giải:
“Ví dụ như họ bức
xúc vấn đề gì, thay vì nhờ pháp luật, họ sẽ tìm cách tự hành xử. Điều này đưa
loài người trở lại thời kỳ hỗn mang giống thời kỳ không có luật pháp, đây là hệ
lụy nguy hiểm nhất mà chúng ta phải nghĩ đến, thấy điều đó mà lo sợ.”
Giải pháp
Trước những nguy cơ
tiềm tàng do những người được giao trọng trách cầm ‘cán cân công lý’ không công
tâm có thể gây ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh đề ra phương hướng giúp chính
quyền khôi phục niềm tin về tính công minh luật pháp cho người dân mà theo ông,
trước hết là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật.
“Luật pháp Việt Nam
tuy chưa hoàn hảo nhưng trong chừng mực nào đó chỉ cần áp dụng đúng các quy định
đã có thì đã rất đỡ. Ví dụ nguyên tắc bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trước
pháp luật chẳng hạn, là một quy định đã có sẵn. Cơ quan pháp luật chỉ cần bảo đảm
thực hiện điều đó là đủ, trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã không bảo đảm
được điều đó, là chuyện rất đáng tiếc.”
Còn theo Luật sư
Hà Huy Sơn, về cơ bản để có công lý, công bằng trong việc thực thi pháp luật
thì vẫn cần có nhà nước pháp quyền phải tôn trọng sự phản biện trong xã hội,
các ý kiện đa dạng và sự đối trọng trong quyền lực của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, còn trước mắt ông cho rằng giải pháp nằm ở
chính ý thức của mỗi người dân:
“Sự bày tỏ, thái độ,
phản ứng của họ trước các bản án, sự kiện chính trị, sự kiện trong đời sống nhà
nước. Tôi cho rằng không ai có thể thay bằng chính người dân trong nước bằng
trách nhiệm và nghĩa vụ công dân hãy bày tỏ thái độ và trong khả năng có thể
thì thực hiện những hành vi pháp luật không cấm để đẩy lùi, hạn chế những bất
công trong pháp luật hiện nay.”
Lâu nay nhiều người
tại Việt Nam thường hay nói diễu ‘công lý ở Việt Nam là một anh hề’. Trong thực
tế một nghệ sĩ hài ở Hà Nội có tên Công Lý.
No comments:
Post a Comment