Tôi và Adam Bemma nói nhiều chuyện về nghề báo trong chuyến
trở lại Việt Nam lần thứ 3 của nhà báo này. Adam, 37 tuổi, là một nhà báo tự do
người Canada, đi khắp nơi ở Châu Á để hoạt động trong lĩnh vực đào tạo cho
phóng viên các nước như Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia...
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cách làm nghề báo
độc lập như một xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Báo
Sạch trở thành chủ đề chính của chúng tôi, Adam băn khoăn với việc tại
sao chúng tôi có thể lập ra một trang tin công khai trong một đất nước có chính
quyền ưa thích kiểm soát truyền thông như Việt Nam. Tôi chỉ trả lời, chúng tôi
cố gắng duy trì các nguyên tắc cổ xưa của nghề báo cho xu hướng mới - làm báo bằng
mạng xã hội. Các nguyên tắc đó là: Độc lập với nguồn tin - Kiểm chứng thông tin
- Trung lập với chính trị.
Báo
Sạch đang có một tốc độ phát triển nhanh hơn kỳ vọng của
chúng tôi, và cả những người... ghét chúng tôi. Hãy thử lý giải bằng một vụ việc
gần đây nhất. “Đổi trắng thay xanh” là thông tin Báo Sạch đưa đầu tiên trên mạng.
Chiếc xe đứng tên bà vợ ông Tô Huy Rứa bỗng chốc nổi tiếng khắp nơi với đoạn
clip quay cảnh lật bảng số giữa phố. Đoạn clip ấy thu hút gần 700k lượt xem, gần
10k lượt phản ứng và gần 9k lượt chia sẻ chỉ sau 2 ngày. Quả là những con số ấn
tượng. Sau đó, chúng tôi lại tiếp nối thời sự này bằng một đoạn clip khác tương
tự với chiếc Toyota Land Cruiser.
Trong
khoảng thời gian ấy, báo chí “chính thống” đã làm gì? Họ đăng lại clip chiếc xe Mercedes và gỡ sạch chỉ sau một đêm. Rồi tiếp
tục đăng về chiếc Toyota, lần này các tờ báo “lớn” như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên
có vẻ rất tự tin giữ nguyên các bài viết này. Chiếc xe này không có quan hệ nào
với các quan chức Tuyên giáo.
Khi thông tin xuất hiện, tờ báo đưa tin. Khi tờ báo
gỡ tin, tờ báo là tin.
Chính việc tự biến mình thành tin với các tiêu chuẩn
kép đã “giúp” cho mạng xã hội tìm ra được khoảng trống mà báo chí “dòng chính”
tự bỏ lại. Báo Sạch điền vào chỗ ấy với cách làm riêng của chúng tôi, như cách
chúng tôi và các bạn chơi facebook.
Báo chí hiện đại tiến những bước nhanh đến nỗi rất
nhiều toà báo trên thế giới ngơ ngác vì bị bỏ lại. Từ việc mua 5-7 tờ báo in mỗi
sáng, bạn chuyển sang đọc báo mạng. Từ việc gõ tên miền trang tin yêu thích, bạn
đọc theo đường link trên mạng xã hội. Từ đọc theo đường link, bạn đọc thẳng từ
các tài khoản mà bạn cho là có uy tín. Từ đọc riêng lẻ ở những tài khoản, bạn
follow một page thông tin tổng hợp. Từ đọc đủ thứ một ngày, bây giờ bạn chỉ đọc
những gì là “trend” của ngày hôm đó trên mạng xã hội. Và, bạn đã chán ngấy thứ
thông tin na ná nhau trên những trang báo cứ “sáng đăng chiều gỡ”.
Bạn nghĩ gì nếu
Báo Sạch rồi đây sẽ tiếp tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như
Instagram, Youtube, hay thậm chí là Lotus? Chúng tôi hoàn
toàn không nghĩ rằng mình đang thay thế các trang báo nhà nước với đội ngũ lão
luyện về nghề và bản lĩnh chính trị son sắt. Chúng tôi chỉ nghĩ mình như một sự
tiếp nối của nghề báo để trằn trọc tìm ra cách hữu hiệu chuyển tải thông tin.
Một câu chuyện làm chúng tôi rất bị kích thích đó là
sự hình thành và phát triển của tờ Rappler ở Philippines. Chỉ mất 7 năm, từ một
trang tin trên facebook đến nay Rappler là tờ báo lớn nhất nước này, qua mặt những
tờ báo có tuổi đời hơn 100 năm. Dĩ nhiên, họ được đặt trong một xã hội quyền tự
do báo chí có khác biệt so với các “đặc thù” như ở Việt Nam.
Báo
Sạch, bắt đầu bằng một sự thể nghiệm cách làm báo trên mạng
xã hội nhưng lại khiến chúng tôi nhìn thấy rằng chúng tôi hoàn toàn có thể làm
báo theo cách mình muốn miễn là tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp và luật pháp.
Biết đâu, như một kẻ mơ mộng, chúng tôi sẽ do something big với trò chơi của
mình.
Trung
Bảo
No comments:
Post a Comment