Thụy My – RFI
Đăng ngày 02-12-2019
Tác
giả David Hutt trên Asia Times qua bài viết về mang tựa đề «
Việt Nam tấn công vào một
nhà báo » đã nhận định, mong muốn của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm
trấn áp những tiếng nói mà ông cho là « dũng cảm và đàng hoàng nhất
» chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Nhà báo Phạm Chí Dũng và giấy triệu tập của công an.
Ảnh chụp ngày 03/03/2015. RFI/Capdevielle
Theo tổ chức Human Rights Watch, số tù nhân chính trị ở Việt
Nam lên tới trên 130 người. Project 88 - một tổ chức lấy tên theo Điều 88 Luật
Hình sự khắc nghiệt của Việt Nam - thì ước lượng con số các nhà hoạt động bị
cầm tù 269, và 143 người khác có nguy cơ bị bắt.
Giờ đây người đã được thêm vào « bảng phong thần » vẫn
đang tăng lên là Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập không sợ hãi. Vào cuối
tháng 11, ông Dũng đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vì cáo buộc «
làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống
Nhà nước Việt Nam » theo Điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.
« Đảng nay đứng về phía người giàu »
Thông báo của Công an TP HCM nói rằng ông Phạm Chí
Dũng « có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất
nguy hiểm, tác động xấu đến ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật
tự thành phố ». Ông Dũng có nguy cơ phải lãnh án từ 5 đến 20 năm tù giam.
Ông đã bị bắt theo Điều 79 và Điều 88 Luật Hình sự vào năm 2012 nhưng chỉ ở tù
sáu tháng. Tuy nhiên, với sự trấn áp của Đảng Cộng sản qua những phiên tòa gần
đây, tác giả cho rằng Viện Kiểm sát sẽ đề nghị những bản án nặng nề cho ông Phạm
Chí Dũng.
David Hutt viết : « Ông Dũng là người đầu
tiên tôi gặp khi tôi bắt đầu viết về chính trị Việt Nam vào năm 2014. Cuộc gặp
mặt của chúng tôi bắt đầu không mấy tốt đẹp, khi người phiên dịch tỏ ra lúng
túng khi dịch những câu hỏi mà tôi đã viết ra. Chúng tôi phải xoay sở qua việc
phối hợp giữa tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp ».
Tác giả mô tả « Với bộ ria mép mỏng, dáng
người dong dỏng cao và mái tóc bù xù », trong lần đầu tiên gặp gỡ ông có cảm
giác Phạm Chí Dũng giống như một bức ảnh của George Orwell đã từng thấy. Và
tinh thần của ông Dũng cũng giống như Orwell, trong một chế độ toàn trị mà
Orwell đã mô tả.
Các bài viết của ông về kinh tế, như người ta có thể
chờ đợi nơi một tiến sĩ kinh tế, mang tính dự báo và chua cay. Những bài viết
này cố gắng trả lời những câu hỏi mà chẳng mấy ai còn bận tâm đặt ra. Chẳng hạn,
trong một bài viết gần đây, ông đã đặt nghi vấn về tỉ lệ tăng trưởng GDP chính
thức của Việt Nam, và phê phán khoản nợ công nguy hại mà Đảng Cộng sản đang làm
cho nhà nước thêm nặng gánh.
Cái nhìn của ông về chính sách đối ngoại luôn chất
chứa nhiều thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực thường nhập nhằng, khó hiểu là
quan hệ Việt -Trung. Khả năng của Phạm Chí Dũng về việc bóc trần những sự việc
phức tạp trong nội bộ Đảng Cộng sản là không thể thay thế được. Điều quan trọng
nhất là ông không sợ hãi. Chỉ cần lướt qua một loạt những bài báo gần đây của
ông Dũng, sẽ thấy sự đa dạng và khôn khéo trong các vấn đề mà ông đặt ra một
cách thông minh.
David Hutt nhận định, có lẽ vinh dự lớn lao nhất đối
với một nhà báo làm việc trong một chế độ độc tài khi được gọi là mối đe dọa
cho nhà nước, nhưng các bài báo của ông Dũng không phải là nổi loạn, cũng chẳng
phải là không yêu nước. Quan điểm của ông là Đảng Cộng sản phải nhận lấy trách
nhiệm. Phạm Chí Dũng nói : « Đảng đang trong ngõ cụt. Đảng nay đứng về
phía những người giàu; chẳng còn chủ nghĩa xã hội nữa, và bất bình đẳng đang
tăng lên ».
« Tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết… »
Phạm Chí Dũng đã thoát khỏi tư tưởng của đảng Cộng Sản,
nhưng giữ nguyên lý tưởng về tự do, bình đẳng mà đảng này cho là được thành lập
để xúc tiến. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông vào đảng năm 25
tuổi và làm việc cho Ban Nội chính Thành ủy trong suốt 16 năm. Trong những năm
cuối còn làm việc tại đây, ông Dũng đã bí mật viết bài với một bút danh.
Sau khi bị bắt khẩn cấp và tống giam năm 2012, ông
Dũng đã theo chân ông Lê Hiếu Đằng từ bỏ Đảng Cộng sản năm 2013. Ông Đằng là một
luật gia có đến 40 năm tuổi đảng.
Trong « Tâm thư từ bỏ đảng » ngày
05/11/2013, ông Dũng viết: « Tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp
cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái…Song tất cả những gì mà Đảng
Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ
qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt
vọng về lý trí lẫn tình cảm ».
Sau đó ông đã góp phần thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức không
bao giờ được Đảng Cộng Sản cho phép hoạt động, nhưng vẫn cứ hoạt động. David
Hutt cho rằng cũng như Vaclav Havel, cựu tổng thống Tiệp Khắc, Phạm Chí Dũng
cùng với nhiều nhà báo, nhà đấu tranh khác sống như thể Việt Nam đang được tự
do, các quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là điều
đương nhiên.
Tháng 8/2019, Phạm Chí Dũng bị đưa lên một chương
trình Đối Diện của truyền thông nhà nước, mang tên « Mặt trái của mạng xã hội
», mô tả các nhà báo độc lập và nhà hoạt động như những kẻ âm mưu. Ông Dũng
tuyên bố : « Tôi thách bất kỳ tổ chức đảng, đài phát thanh hoặc đài
truyền hình nào có thể chỉ ra một sự kiện nào không chính xác trong các bài viết
hoặc bài trả lời phỏng vấn của tôi, hoặc nêu rõ bất kỳ câu nào sai lạc hoặc
kích động ».
Ông nói thêm là ông có quyền đi kiện. « Tôi
biết là rất khó thắng kiện tại một tòa án Việt Nam, nhưng tôi có thể kiện được
họ sau này, chứ không phải bây giờ ».
Mỹ nuông chiều đảng Cộng Sản, Việt Nam khó cải thiện nhân
quyền
Tác giả nhận định, việc bắt giữ Phạm Chí Dũng diễn
ra trong bối cảnh Đảng Cộng Sản ra tay trấn áp, bắt bớ nhiều hơn từ năm 2016 ;
và đặt câu hỏi, liệu cộng đồng quốc tế, cụ thể là Hoa Kỳ, ít ra cũng cố gắng
làm được một điều gì ? Có lẽ là không.
Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã được các chính quyền Mỹ liên tiếp nuông chiều, đặc biệt là tổng thống
Barack Obama, cho rằng Hoa Kỳ phải duy trì liên minh chiến lược với Hà Nội vì
Việt Nam chống đối lại sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên, điều mà các nhà hoạch định chính sách đối
ngoại của Mỹ ít quan tâm, là Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể tự hủy diệt mình nếu
hoàn toàn đứng về phía Bắc Kinh. Đó là vì tinh thần dân tộc và chống Trung Quốc
hiện phổ biến trong xã hội Việt Nam, đảng bị coi là con rối của Bắc Kinh. Theo
David Hutt, thật ra Washington có thể hành động nhiều hơn là họ nghĩ, khi đòi hỏi
cải thiện nhân quyền.
Dân
biểu Christopher Smith trong phiên điều trần của Tiểu
ban Châu Phi, Y tế và Nhân quyền Toàn cầu, Các tổ chức Quốc tế thuộc Hạ Viện Mỹ
vào tháng 6 năm 2018 đã phê phán : « Chính sách của Hoa Kỳ đã làm người dân Việt Nam thất bại
». Ông Smith chỉ trích cả hai đảng đã giúp các nhà lãnh đạo Cộng
sản Việt Nam làm giàu, gây thiệt hại cho khát vọng người dân Việt Nam về tự do
và nhân quyền.
Không chỉ thế, mà các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã
kết liễu nỗ lực của Quốc Hội nhằm thông qua các biện pháp trừng phạt Việt Nam.
Theo tác giả, trong phiên điều trần trên đây, dân biểu Smith còn tiết lộ,
Vietnam Human Rights Act, dự luật về nhân quyền Việt Nam đã bị Thượng Viện bác
bỏ bốn lần, và cựu ngoại trưởng John Kerry là người luôn phản bác dự luật này.
Ông Christopher Smith nói thêm, tập đoàn Podesta và các tổ chức vận động hành
lang khác luôn cố gắng xếp lại dự luật trên.
Theo tác giả David Hutt, đại sứ quán Việt Nam tại
Washington đã chi trả nhiều tiền cho Podesta Group, một công ty vận động hành
lang do anh em Podesta điều hành. Ông John Podesta là giám đốc chiến dịch tranh
cử của bà Hillary Clinton, từng là chánh văn phòng của tổng thống Bill Clinton.
Còn Tony Podesta là thành viên hội đồng quản trị của casino Hồ Tràm tại Việt
Nam, mà sở hữu chủ là tỉ phú Mỹ Philip Falcone – người được cho là đã giúp Marc
Kasowitz, luật sư của Donald Trump dàn xếp một cuộc điện đàm giữa tổng thống
tân cử Trump và thủ tướng Việt Nam vào tháng 12 năm 2016.
No comments:
Post a Comment