Friday, 4 August 2017

BẢN TIN NGÀY 5/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin biển Đông
Theo tin từ báo Người Lao Động, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ đi thăm Mỹ lần đầu tiên, bắt đầu từ ngày 7/8-10/8. Chuyến đi của ông Lịch được nhiều người chú ý vì nó diễn ra chỉ hơn 10 ngày sau cuộc gặp giữa ông Ngô Xuân Lịch và Đại sứ Ted Osius tại Hà Nội, trong bối cảnh có thông tin Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa, phải ngưng khoan dầu và rút giàn khoan Repsol.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, gặp Đại sứ Mỹ Ted Osius hôm 26/7. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, báo Sputnik dẫn lời chuyên gia Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Học viện MGIMO cho rằng, “dù có thể ghi nhận những biến động trong quan hệ Trung-Việt, nhưng Hà Nội không bao giờ muốn để căng thẳng gia tăng đáng kể trong quan hệ với Bắc Kinh“.


Báo Tiền Phong có bài: Yêu cầu kỷ luật hiệu trưởng “trù dập” vợ lính Trường Sa. Bà Hoàng Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, bị kỷ luật về mặt chính quyền và mặt Đảng, vì trù dập cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, cựu Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Liên Thủy. Cô Huế là vợ của một người lính Trường Sa bị chuyển trường đến 3 lần vì “đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường, làm ‘mất lòng’ các hiệu trưởng“.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Đức phẫn nộ vì ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, không phải vì họ xem ông Thanh là một nhân vật quan trọng, mà vì các viên chức VN ở Đức hành xử giống như băng đảng mafia, tại đất nước có luật pháp như Đức. BBC đưa tin, Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh. Mặc dù phía Việt Nam phủ nhận chuyện bắt cóc ông Thanh, nhưng Đức khẳng định ông ta bị bắt cóc.

Ông Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức, yêu cầu viên chức tình báo Việt Nam phải rời khỏi Berlin. Ông nói: “Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc. Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn”.

Và ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Tổng cục Tình báo Việt Nam ở Berlin đã bị Chính phủ Đức trục xuất. Trang Thời Báo cho biết: “Cộng đồng người Việt tại Đức đang phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng với cơ quan đại diện của họnhiều người bày tỏ lo lắng khi tình hình an ninh trật tự ở đây đang trở nên xấu đi, bất cứ lúc nào bản thân và gia đình họ cũng có thể bị những đối tượng có vũ trang đột nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Đức để bắt cóc hoặc khủng bố“.


Tác giả Giang Phúc Đông Sơn từ CHLB Đức, có bài viết riêng cho Tiếng Dân: Người Đức nghĩ gì về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh? Tác giả viết: “Ngay cả khi Thanh là một tội phạm đang bị lãnh án tù ở Đức vì một tội nào đó thì việc bắt cóc Thanh vẫn là xâm phạm chủ quyền quốc gia của Đức. Đòi Việt Nam phải trao trả Thanh chẳng phải để chứng tỏ uy quyền hay sự nghiêm minh của nền tư pháp Đức. Tất cả chỉ là nguyên tắc tôn trọng công pháp quốc tế trong quan hệ ngoại giao“.

Về hậu quả trong quan hệ Việt – Đức, Facebooker Le Ngoc Son có bài phân tích cho rằng: “Đức là nước tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt là quyền cá nhân, và phẩm giá con người. Chưa ai được xem là có tội khi chưa qua xét xử“. Do đó, theo tác giả, “những gã tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh không có đất dung thân“, nhưng Đức là nước tôn trọng quy trình và thủ tục, nên “mọi thứ vội vàng và ‘vuốt mặt’ họ là đều là thứ khó được chấp nhận!
Trên trang Sputnik, chuyên gia Anton Tvestov từ Trung tâm hoạch định chiến lược Nga, nêu một số lý do vì sao vụ Trịnh Xuân Thanh quan trọng với chính trị nội bộ Việt Nam. Ông Tvestov nói rằng, do chiến dịch chống tham nhũng ở Việt nam đang vào tâm điểm, cũng như những người đứng đầu chiến dịch này muốn biết, kẻ nào đã tiếp tay, giúp Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài. Tác giả kết luận: Mặc dù chuyện này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Việt – Đức, nhưng Hà Nội “sẵn sàng đương đầu với khả năng xấu hơn nữa…“.

Liên quan đến vụ án ông Trịnh Xuân Thanh, cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật, nhưng bằng hình thức… cảnh cáo và bị “cắt hết các chức vụ đã từng có“. Chức vụ “đã từng có”, nghĩa là hiện “không còn” giữ chức vụ đó, mà đã “không còn” thì lấy gì để “cắt”?

Ngoài ông Vũ Huy Hoàng, còn có 6 lãnh đạo cao cấp khác cũng bị xử lý kỷ luật, chỉ với hình thức “kỷ luật cảnh cáo” và “kỷ luật khiển trách”, cho dù họ “đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội“.

Cũng vụ Trịnh Xuân Thanh, VTC cho biết, trong buổi họp báo Chính phủ, trả lời phóng viên về vấn đề thất lạc hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch Hậu Giang, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: “Hiện nay hồ sơ gốc thì vẫn còn, chỉ thất lạc bộ hồ sơ do tỉnh Hậu Giang chuyển đến. Chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm, khi có kết quả sẽ thông báo”.



Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Tổng Trọng
Báo Người Việt có bài: Nguyễn Văn Bình sẽ là con ‘hổ’ thứ hai bị ‘đả’. Bài viết nói về chuyện cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã không điều hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như là một Thống đốc, mà điều hành nó “như một thủ hạ thực hiện mệnh lệnh của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam“.

Qua những trò phù phép, ông Bình đã giúp ông Trầm Bê sáp nhập SouthernBank với Sacombank để Sacombank phải ôm một đống nợ xấu của Southern Bank. Sự kiện Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” đã đưa Trầm Bê vào tù và sắp tới có khả năng ông Nguyễn Văn Bình sẽ chuyển địa chỉ vào tạm trú dài hạn trong trại giam.

Nhưng tác giả không tin có chuyện “chống tham nhũng” ở VN, cũng như không tin cái gọi là “đả hổ, diệt ruồi” của người đứng đầu đảng, mà “đó chỉ là một cuộc chiến đường phố, một vụ loạn đả giữa các băng du đãng để giành quyền bảo kê… Đó không phải là công đạo mà là thủ đoạn của du đãng. Lẽ nào lại hoan hô, ủng hộ một băng du đãng giữ vai trò “chủ trì công đạo” chỉ vì đã thắng trong cuộc loạn đả?


Những thông tin gây sốc về ông Đinh Thế Huynh
Trang Viet-studies có bài: Vì sao ông Đinh Thế Huynh ngã ngựa? Bài viết cung cấp những thông tin gây sốc về nhân vật từng giữ vị trí số 2 trong Bộ Chính trị, cho đến ngày 1/8/2017, thì ông Huynh bị thay bởi ông Trần Quốc Vượng, với lý do: bệnh!

Bài viết còn cho biết nhiều lý do vì sao ông Huynh ngã ngựa, trong đó có lý do người cùng phe với ông Huynh là Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn “là kẻ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông đặt bút kí vào văn bản cho phép Tổng công ty Mobifone (của nhà nước, tiền nhà nước) mua kênh truyền hình hạng bét AVG của tư nhân với giá 8.900 tỷ đồng, cao gấp mấy chục lần giá trị thực (khoảng 500-600 tỷ VNĐ)“.

Nhân quyền ở VN: An ninh lại bắt người!
Sau vụ bắt bớ 4 nhà hoạt động hôm 30/7, hôm qua, thêm một thành viên của Hội Anh em Dân chủ bị bắt. Facebooker Dạ Thảo đưa tin, ông Nguyễn Trung Trực, phát ngôn viên của Hội Anh em Dân chủ đã bị khám nhà và đọc lệnh bắt theo điều 79. “Xe an ninh chở anh Trực rời khỏi nhà lúc 12h15 phút trưa. An ninh cách ly toàn bộ người dân xung quanh và không cho ai lại gần tiếp cận. Lúc anh Trực bị bắt, có vợ và con anh đang ở nhà“.

ông Nguyễn Trung Trực

Đài VOA cũng đưa tin, công an bắt ông Nguyễn Trung Trực vì tội ‘lật đổ chính quyền’. Anh Nguyễn Quang Trung, con trai của ông Nguyễn Trung Trực cho biết, “khoảng 60 công an, an ninh vây quanh nhà, cách ly toàn bộ người dân xung quanh, sau đó tiến hành lục soát trong nhà và tịch thu một chiếc điện thoại của ông Trực, cho là tang vật để bắt ông“. Mời đọc thêm: Thêm một thành viên Hội Anh em Dân chủ bị bắt (RFA).

Theo Facebook Phong trào Lao động Việt, ngày 1/8 đại diện phong trào này đã đến Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn để trao đổi về việc bốn nhà đấu tranh bị bắt ngày 30/07/2017. Phía Mỹ bày tỏ “quan ngại” về việc nhiều nhà hoạt động liên tục bị bắt bớ trong thời gian qua và cũng “sẽ lên tiếng, quan tâm đến bốn trường hợp này“.

Về vụ Nguyễn Văn Điển bị bắt, LS Hà Huy Sơn cho biết: “Ngày 02/07/2017 là hết thời hạn điều tra 04 tháng, Luật sư Hà Huy Sơn có công văn gửi VKS thành phố Hà Nội và hôm nay (04/08/2017) được trả lời vụ án vẫn đang giai đoạn điều tra“.

Quỹ Lương Tâm hôm 3/8 cho biết, Quỹ sẽ bắt đầu gửi hỗ trợ hàng tháng cho gia đình ông Phạm văn Trội từ tháng 8/2017, dự kiến cho đến khi ông Phạm Văn Trội được trả tự do, “nếu tình hình tài chính của Quỹ khả quan“.

Thảm họa Formosa
Theo Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo, sáng 4/8, Giám mục Nguyễn Thái Hợp cùng Ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã có buổi họp báo tại Quốc hội Đài Loan về vấn đề ô nhiễm do Công ty Formasa Hà Tĩnh gây ra.

GM Nguyễn Thái Hợp nói rằng, chính quyền Việt Nam đã cấu kết với công ty Formosa Hà Tĩnh để đưa ra mức đền bù 500 triệu USD mà không tham khảo ý kiến người dân. Mời xem clip họp báo: https://www.facebook.com/tinmungchonguoingheo/videos/1432548790197874/

Thảm họa Vĩnh Tân
Báo Lao Động đưa tin: Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chậm trễ sẽ bị phạt 620.000 USD/ngày. Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiết lộ “bí mật”, về tiến độ, “bên nào gây ra nguyên nhân chậm trễ sẽ bị phạt đến 620.000 USD/ngày“.

Báo Người Việt: Không đổ bùn xuống biển, mỗi ngày nộp cho Trung Quốc $620,000. “Tuy Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Việt Nam không giải thích gì thêm nhưng thông tin do ông Hà tiết lộ đồng nghĩa với việc, Việt Nam chỉ còn một đường, gật đầu cho ‘chủ đầu tư’ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ xuống biển một triệu tấn bùn. Nếu chần chừ, dự án đầu tư không hoàn tất đúng kế hoạch thì phải nộp tiền phạt vi phạm hợp đồng“.

Trang CafeF có bài: Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi bị sức ép từ cả hai phía, nếu chỉ môi trường không thì có thể làm khác đi! Ông Hà và Bộ TNMT có toàn quyền rút giấy phép của Vĩnh Tân 1, với lý do báo cáo gian dối, mạo danh các nhà khoa học. Ai ép không Hà để ông không dám thu hồi giấy phép và xử phạt doanh nghiệp Trung Quốc này?

Về chuyện các nhà khoa học lên tiếng vì bị mạo danh, ông Trần Hồng Hà cũng ‘nói lại cho rõ’ là: “Việc có nhà khoa học bị ‘mạo danh’ thì thuộc bên tư vấn, không thuộc Bộ“.

Ngoài ra, ông Hà còn đính chính giúp Vĩnh Tân 1: “hiện người dân vẫn nhầm lẫn vật chất nạo vét là chất thải” và ông còn viện dẫn luật về biển để bảo rằng, “vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên, khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng“. Vẫn chưa thấy ông bình luận gì về trách nhiệm của “bên tư vấn” và việc có rút giấy phép “nhận chìm” của Vĩnh Tân 1 hay không.

Trong khi người dân không còn hy vọng gì nữa ở Bộ TN-MT, mà mong những người đứng đầu Chính phủ khẩn trương vào cuộc, thì Chính phủ lại “đá” cho Bộ TN-MT.

Về dự án mỏ sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh
Trước việc Bộ Công thương nhăm nhe không muốn dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, hôm 3/8 VTV cho biết, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ “chưa khởi động lại Dự án” này.

Mặc dù dự án này được coi là dự án trọng điểm của quốc gia, nhưng sau khi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học… đã thống nhất, “chưa nên tái khởi động dự án mỏ sắt này, do tác động môi trường, công nghệ khai thác, các yếu tố về địa chất và xâm lấn của nước biển…

Miền Tây cạn kiệt nguồn cát
Báo Nhân Dân có bài phóng sự nhiều kỳ, nêu lên thực trạng nguồn cát ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị cạn kiệt: Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn! Kỳ 3: Sẽ không còn cát về đồng bằng.

Bài báo cho biết, trong vòng 15 năm qua, khai thác cát trên hai con sông Tiền, sông Hậu đã làm mất đi hơn 200 triệu tấn cát, khiến đáy sông hạ thấp trung bình 1,3m. Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp là do tình trạng “mất cân bằng phù sa, nhất là cát“. Bài báo cũng cảnh báo nguy cơ khi các đập thủy điện trên sông Mê Kông đi vào hoạt động, thì sẽ “không còn hạt cát nào về vùng hạ lưu châu thổ Cửu Long được nữa“.


“Ai đang làm khánh kiệt đất nước?”
Báo VietNamNet đưa tin, 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ: ‘Ông lớn’ Dầu khí, Hóa chất vô địch. Một loạt các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải chịu kỷ luật do những sai phạm liên quan đến những dự án thua lỗ nghìn tỷ, như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai. Tính đến cuối năm 2016, Đạm Ninh Bình là công ty có số lỗ cao nhất, lên tới 3.217 tỉ đồng.


Tổng bí nhóm lò, dân chết sặc!
Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò“, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “nhóm lửa“, thì tại các tỉnh miền núi phía Bắc, lũ quét đã làm 33 người chết và mất tích, hơn 240 nhà bị hư hỏng. Báo VTC cho biết, các địa phương Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, mưa lũ đã làm 33 người chết và mất tích; 240 ngôi nhà bị hư hỏng, cuốn trôi..

Phen này thì không lo thiếu củi nữa rồi cụ Tổng, khi mà ở Mù Cang Chải, lũ quét biến Hồ thủy điện thành hồ củi. VTC cũng cho biết, đến sáng 4/8, mọi thứ ở tâm lũ quét Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái vẫn còn rất “ngổn ngang“. Mời xem clip “trắng đêm khoan đá tìm người mất tích trong mưa lũ”: http://vov.vn/xa-hoi/lu-quet-khien-33-nguoi-. . .655281.vov

Giáo dục xuống giá, côn đồ lên ngôi
Trong khi các phụ huynh gia đình Việt đều có mong muốn con em mình được làm học trò của những thầy cô giáo giỏi nhất, thì với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi, kết quả cho thấy điều ngược lại.

Báo Lao Động cho biết, một số trường đại học sư phạm ở miền Trung công bố điểm chuẩn quá thấp, nhiều bộ môn có điểm chuẩn dưới điểm trung bình (15 điểm).
Trong khi đó, mấy năm gần đây điểm chuẩn khối công an lại cao ngất ngưởng. Dù được tuyển chọn các thành phần có điểm số cao nhất, nhưng cách hành xử của công an trong xã hội VN giống như côn đồ, nên đã bị người dân gọi thành “côn an”, ghép từ 2 cụm từ “côn đồ” và “công an”, thậm chí cụm từ này còn xuất hiện trong tự điển Wiktionary: Côn an.

Một điều bất thường nữa là công tác tuyển chọn giáo viên sư phạm. Trong khi giáo viên cho lứa tuổi nhỏ cần được ưu tiên tuyển lựa kỹ càng về chuyên môn và phương pháp sư phạm, thì ở Việt nam đang làm ngược lại, việc tuyển chọn giáo viên tiểu học rất sơ sài.

Cũng chuyện giáo dục, báo Zing cho biết, ĐH Fulbright Việt Nam sẽ dạy chủ nghĩa Marx-Lenin. Tại hội thảo về Giáo dục Khai phóng ở Sài Gòn ngày 4/8, Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy nói rằng, “trường sẽ dạy các môn tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng với phương pháp khác các cách dạy hiện tại“.

Báo Văn nghệ TP. HCM “cắn” GS Ngô Bảo Châu
Facebooker Phùng Hoài Ngọc có bài viết đặt câu hỏi, rằng “vì sao TP.HCM lại xài một chiêu thức quá cũ thời thực dân nửa phong kiến…” để viết bài “cắn” GS Châu? Tác giả viết: “Cái bút danh ‘An Chiến’ nửa hán nửa nôm lôm côm về từ pháp thực ra phải ký tên ‘GÂY CHIẾN’ như cốt cách của cây bút này xưa nay“.

Tác giả cũng dẫn lại câu chuyện Bá Kiến thời xưa để liên hệ với tác giả An Chiến ngày nay: “5 đồng Bá Kiến ‘bo’ cho Chí Phèo cũng như nhuận bút báo Văn nghệ TPHCM trả hậu cho tác giả An Chiến để nuôi hắn vậy“.


Vụ tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67/CP bị hỏng
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS cho biết: “Nếu 30.8 không xong chúng tôi trả lại tàu cho Công ty Nam Triệu“. Ông Thãi cũng cho biết thêm: “Ngân hàng thì lại liên tục thông báo nợ quá hạn, mà tàu của chúng tôi vẫn phải nằm bờ chờ nhà máy sửa chữa đến khi nào? Kiểu này thì ngư dân chúng tôi nếu không chết vì đói thì cũng phải vào “nhà đá” nằm“.

Ông Nguyễn Công Quý, chủ tàu vỏ thép BĐ 99888 TS, cũng tuyên bố sẽ “trả lại tàu vỏ thép nếu Công ty Nam Triệu không hoàn thành việc khắc phục sự cố trước ngày 30/8“.

Tin quốc tế

Căng thẳng Ấn – Trung
Căng thẳng gia tăng ở biên giới hai nước Trung – Ấn, phía TQ đòi các binh sĩ Ấn Độ phải rút khỏi khu vực tranh chấp ở Cao nguyên Doklam. RFA đưa tin, TQ cảnh báo quân đội Ấn phải rút khỏi khu vực tranh chấp. Trong khi đó, Ấn Độ kêu gọi cảnh giác chiến lược bành trướng của Trung Quốc. VOA cho biết, báo chí Ấn Độ kêu gọi các lãnh đạo thế giới nên đoàn kết, chống lại mưu đồ bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Người dân Ấn cũng đã xuống đường biểu tình chống Trung quốc. Hôm 3/8, các thương gia Ấn Độ ở thành phố Kanpur biểu tình, đốt và tẩy chay hàng Trung Quốc. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ và đổ ra đường, đốt hàng điện tử Made in China, đòi chính phủ Ấn hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc. Mời xem clip, dân Ấn biểu tình đốt hàng Trung Quốc:

Chính trường Mỹ: Thượng viện đối phó với Trump
Báo The Hill đưa tin, Thượng viện Mỹ đã thống nhất biện pháp ngăn chặn ông Trump sa thải ông Jeff Sessions. Lo ngại Tổng thống Trump sẽ sa thải Bộ trưởng Tư pháp trong thời gian Thượng viện vắng mặt kỳ nghỉ hè tháng 8, Thượng viện đối phó bằng cách phân công những người ở lại tổ chức họp mỗi 3 ngày/ lần, cho dù cuộc họp chỉ kéo dài… 1 phút, cho tới khi các thượng nghị sĩ trở lại làm việc sau ngày lễ Lao Động 4/9/2017.

Ông Trump đang hăm he sa thải ông Sessions. Nhiều người lo ngại, Trump thừa lúc các thượng nghị sĩ vắng mặt vào mùa Hè này để sa thải ông Sessions, rồi ngay lập tức bổ nhiệm một người khác vào chức Bộ trưởng Tư pháp, mà không cần Thượng viện phê chuẩn với lý do Thượng viện ngưng làm việc, nên Thượng viện Mỹ phải đối phó bằng cách nói trên.

Theo nguyên tắc, tổng thống bổ nhiệm một người vào chức Bộ trưởng Tư pháp, nhưng người này phải ra điều trần trước Thượng viện và phải được Thượng viện phê chuẩn. Trường hợp Thượng viện ngưng làm việc thì không cần sự đồng ý của các thượng nghị sĩ. Vào tháng 8 hàng năm, Thượng viện ngưng làm việc vì các thượng nghị sĩ trở về tiểu bang nhà để làm việc, hoặc có những người đi nghỉ hè (năm nay các thượng nghị sĩ đi nghỉ hè từ ngày 3/7 đến 4/9).

Thường Thượng viện sử dụng biện pháp này để đối phó với tổng thống khác đảng phái, nhưng lần này, Thượng viện do đảng Cộng Hòa nắm đa số đã phải dùng chiêu này đối phó với vị tổng thống cùng đảng của họ là Donald Trump, vì nước Mỹ đang có một tổng thống không bình thường!


Chính quyền Trump siết chặt visa và hạn chế di dân vào Mỹ
Hãng tin Reuters có bài nói về việc chính quyền Trump áp dụng biện pháp siết chặt visa vào Mỹ. Những người nộp hồ sơ xin visa vào nước này, phải trả lời những câu hỏi bắt buộccủa mẫu đơn dài 3 trang, cung cấp tất cả các số hộ chiếu đã sử dụng từ trước tới nay, cung cấp tên các website trên mạng xã hội mà đương đơn từng chia sẻ hình ảnh, video và nội dung trong trong 5 năm gần nhất, cung cấp địa chỉ email, số điện thoại, lý lịch cá nhân trong suốt 15 năm, và cung cấp một số thông tin cá nhân khác.

Dưới thời Trump, có quá nhiều điều bất thường đang diễn ra ở Mỹ. Mỹ là đất nước của di dân, là nơi định cư của tất cả các sắc dân trên thế giới, như tên gọi của nó “Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ”, nhưng Trump lại nhân danh chống khủng bố để hạn chế di dân.

Mặc dù mẹ và ông bà nội, ngoại của Trump đều là những di dân đến từ châu Âu, và 2 trong số 3 bà vợ của Trump cũng là di dân, nhưng ông ta không chào đón di dân. Nhiều người nói rằng, nếu Trump làm tổng thống Mỹ hồi thập niên 1930s, có lẽ mẹ ông, bà Mary Anne MacLeod đã không được vào Mỹ.

Hơn nữa, Mỹ là đất nước mà mọi người biết đến qua tượng Nữ Thần Tự Do, là nơi có khắc một bài thơ nổi tiếng, chào đón tất cả mọi người, với những câu như sau: “Hãy trao ta những kẻ mệt mỏi, nghèo đói của các ngươi/ Những đám đông chen chúc của các ngươi đang mong ước hít thở tự do/ Những rác rưởi khốn cùng trên bờ biển đông đúc của các ngươi/ Hãy trao ta, những người vô gia cư, dập vùi trong bão tố/ Ta sẽ nâng đèn rọi bên cạnh cánh cửa vàng”.


*
*
Bài Mới Nhất









No comments:

Post a Comment

View My Stats