Sunday, 22 September 2024

CÓ N LÀNG NỦ Ở VIỆT NAM (Nguyễn Nhơn / Blog RFA)

 



Có n làng Nủ ở Việt Nam

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.09.22

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/n-lang-nu-vietnam-deforestation-09222024083029.html

 

Làng Nủ là địa danh gây bàng hoàng và thương tâm những ngày qua ở Việt Nam. Đó là một thôn nhỏ mang tên Làng Nủ, tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. 35 hộ dân Làng Nủ đã bị lũ bùn tràn từ trên núi về vùi lấp dưới nhiều thước đất, đã xác định được 52 người chết, còn 14 người vẫn mất tích. Suốt mấy hôm nay, dày đặc trên báo chí và truyền thông xã hội là mọi thông tin cứu hộ và tìm những người đã tử nạn hoặc mất tích.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/n-lang-nu-vietnam-deforestation-09222024083029.html/@@images/eb3bab93-3326-422d-95cd-1890b9cf1fbb.jpeg

Người dân đang kiểm tra khu vực lở đất ở Làng Nủ, tỉnh Lào Cai hôm 11/9/2024

 (AFP)

 

Cũng dày đặc như thế là các thông tin liên quan đến cứu trợ Nhà nước, từ các lực lượng chính quy như bộ đội, công an cho đến các hoạt động từ thiện xã hội tự phát, mang thực phẩm, hiện kim, hiện vật đến Làng Nủ tặng những người dân sống sót.

 

Nhưng trong mùa mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp ít nhất vài tháng nữa, liệu biến cố Làng Nủ có hoàn toàn không lặp lại?

 

Có bao nhiêu làng Nủ trên khắp đất nước, đặc biệt tại các vùng đồi núi xa xôi?

 

 

Bi kịch Làng Nủ đã được dự báo trước?

 

Câu trả lời chính xác là: Có n làng Nủ. Trong đó n là đại lượng không xác định. Nó có thể dẫn đến vô cùng.

 

Làng Nủ nằm lọt trong một thung lũng nhỏ, nhiều dãy núi lớn nhỏ bao quanh. Nhưng núi nào có còn là núi. Chúng bị cạo nham nhở khắp mọi chỗ như một miếng vải vá víu. Rẫy và vườn cây nằm lọt thỏm khắp nơi trên các dãy núi: trên đỉnh, dưới chân núi, trên triền đồi. Ớ đó, rừng bị chặt trụi, mặt đất lộ ra đỏ lói trơ khấc.

 

Núi Voi, nơi mà từ đó túi bùn khổng lồ đã vỡ ra và ào ào ập xuống vùi lấp một phần Làng Nủ, không biết từ khi nào đã bị sạt một phần dưới chân. Nhưng ngay cạnh lối sạt đó, người dân vẫn phát rẫy, canh tác y như bình thường.

 

Hầu như tất cả báo chí cho đến nay vẫn đang tập trung khai thác khía cạnh tang thương của bi kịch xảy ra tại Làng Nủ. Oái oăm thay, trong khi vét cạn nước mắt của người đọc cho cái chết của những người dân Làng Nủ thì đến trưa 16/9 lại một vụ núi lở xuống vùi lấp tám ngôi nhà và 18 người tại huyện Bắc Hà, cũng vẫn thuộc tỉnh Lào Cai.

 

Còn trước đó, tại tỉnh Cao Bằng, vào sáng 9/9 một chiếc xe khách 29 chỗ chở khoảng 15 người lưu thông trên quốc lộ 34 thì bị đất đá trên đỉnh đồi sạt xuống vùi lấp, sau đó cuốn trôi theo suối đến hơn 1 km mới nằm lại. Cũng là nạn nhân trong vụ sạt lở này còn có hai xe năm chỗ và 10 xe máy.

 

Hai bản nhỏ khác tại tỉnh Cao Bằng cũng bị núi lở khiến tổng cộng 20 người chết.

 

Ở Làng Nủ, tại đoạn nguồn của vết sạt lở từ núi Con Voi, trông thấy rõ những hàng cây trồng đang xanh tốt bị đất trụt kéo gãy đổ nghiêng ngửa.

 

Huyện Bảo Yên nơi Làng Nủ tọa lạc, là địa phương trồng quế lớn thứ hai toàn quốc, chỉ sau huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái. Đến tháng 5 năm nay, diện tích quế trồng trên toàn huyện là 25.000 ha. Có tổng cộng 20.000 hộ dân trồng quế trên rừng, chiếm hơn 90% dân số toàn huyện.

 

Ngoài quế là mỡ, bồ đề, keo-những loại cây sinh trưởng nhanh, có năng suất cao dùng để khai thác gỗ làm giấy (mỡ, keo) hoặc lấy nhựa (bồ đề).

 

Ngôn ngữ chính trị đặt cho loại cây trồng trên diện tích rừng như thế này một cái tên rất vi diệu là “rừng trồng”. Diện tích “rừng trồng” ở Lào Cai rất lớn: tính đến hết năm 2023, trong hơn 390.000 ha diện tích đất có rừng thì có đến 34% là “rừng trồng” (gần 133.000 ha-theo Công bố hiện trạng rừng Lào Cai năm 2023).

 

So với năm 2022, tỷ lệ rừng trồng ở Lào Cai tăng khoảng gần 2%.

 

Rừng trồng thì cũng tạo màu xanh, cũng che phủ rất đã con mắt, mà tốc độ che phủ vô cùng nhanh so với phát triển rừng tự nhiên. Cho nên trong các báo cáo của tỉnh Lào Cai nhiều năm qua, khi nói về diện tích che phủ rừng đều là thái độ rất lạc quan.

 

Hơn nữa, “rừng trồng” trong khoảng 20 năm trở lại đây chính là cứu tinh về kinh tế cho người dân các tỉnh đồi núi tương tự Lào Cai. Trước kia, bà con người dân tộc thiểu số có tập quán du cư, phát rẫy trồng trọt rồi sau vài mùa lại đi đốt nương rẫy ở nơi khác, bỏ nương rẫy cũ cho rừng tự phục hồi. Nhưng với dân số tăng lên cùng với nhiều nguyên nhân khác về sự ổn định chính trị, kinh tế cùng với phát triển văn hóa giáo dục (theo người Kinh), tập quán này không còn phù hợp. Nhà nước đưa các gia đình du canh du cư về sinh sống tập trung trong một thung lũng, trồng lúa nước (giống người Kinh), và bà con cũng tự thay đổi không ít lối sống, thói quen canh tác của mình ngày càng giống người Kinh hơn. Thế nghĩa là ngoài trồng lúa nước thì bà con trồng rừng (rừng sản xuất) theo chủ trương của Nhà nước. Bù lại, họ được trả công trồng rừng, hoặc được tiền bán gỗ, bán sản phẩm khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/n-lang-nu-vietnam-deforestation-09222024083029.html/000_36fy98y.jpg/@@images/2a3e2d8f-35c2-4fcb-b29b-7e2b0a677463.jpeg

Hình vệ tinh chụp khu vực Làng Nủ, tỉnh Lào Cai hôm 12/9/2024. AFP

 

 

Rừng trồng-những vệt màu xanh không bền vững

 

Khai thác rừng trồng như thế nào? Với rừng keo, rừng gỗ mỡ thì đó là… đốn sạch, thân cây đem bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, ván ép.

 

Đốn cây xong, người dân còn đốt thực bì để tiện cho việc trồng lại lứa cây con mới khiến diện tích “rừng” sau khi khai thác chỉ còn là những khoảnh đất trơ trọi trọc lóc.

 

Các chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng việc khai thác cây keo đã để lại bộ rễ mục trong đất đã khiến chúng biến thành những cái ống hút thẳng nước vào đất, khiến tăng thêm nguy cơ đất ứ nước và sạt lở.

 

“Mấu chốt là chất lượng rừng hiện nay rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt. Xưa trên 1 ha rừng có 250 m3 gỗ nhưng giờ chỉ còn 25 m3 gỗ, nhưng nó vẫn là rừng. Như thế, độ che phủ bằng nhau nhưng chất lượng rừng không bằng một nửa so với trước đây. Chất lượng đó ảnh hưởng đến năng lực phòng hộ của rừng. Trước đây mật độ cây ken đặc, rễ đan nhau dày đặc thì giờ cây ít đi, cây to không có… nên vai trò bảo vệ của rừng bị suy giảm đi nhiều"-GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng từng cảnh báo như thế vào năm 2022, sau những trận lũ quét khủng khiếp ở tỉnh Nghệ An.

 

Nói rõ hơn về tác dụng của rừng trồng, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói: “Rừng trồng mới, dù 10 năm cũng không có tác dụng. Phải mất 50 năm lá rừng rụng xuống, mục ra, hình thành thảm thực vật dày 1 mét thì mới ngấm được nước. Dòng chảy mặt là dòng nguy hiểm nhất, rừng mất lớp mùn thì sẽ chẳng giữ được nước, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ".

 

Nhưng lợi thế của việc cây chịu được đất cằn và sinh trưởng nhanh, bám tốt đã khiến nhiều tỉnh đồi núi chọn cây keo là cây xóa đói giảm nghèo, cho đến khi tần suất lặp lại của nạn xói lở, lũ quét trên những cánh rừng đó khiến họ phải nghĩ lại.

 

Đó cũng là tình trạng chung của các “rừng trồng” độc canh chỉ một loại cây đã và vẫn còn được khuyến khích phát triển ở rất nhiều địa phương.

 

“Cứ như thể một người dọn dẹp chuyên nghiệp đã được đưa vào khu rừng nhiệt đới. Tiếng chim hót và tiếng ếch nhái vắng lặng, những mái vòm lộn xộn được dọn sạch bong. Nơi từng là những đám dây leo và cây non hỗn độn nằm chen chúc dưới những dưới tán cây râm mát, giờ được thay thế bằng những cây có cùng chiều cao đứng ngăn nắp và xếp thành từng hàng ngay ngắn dưới cái nắng như thiêu đốt.

 

Đây là một dự án trồng rừng. Nhưng có điều gì đó rất sai”-một bài báo vào năm 2021 trên Mongabay viết.

 

Bài báo trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà khoa học trên thế giới về tác hại của “rừng” độc canh, như chúng không tạo ra được hệ sinh thái phong phú gồm nhiều loại động thực vật và côn trùng như rừng tự nhiên. Pedro Brancalion, Giáo sư tại Đại học São Paulo nói: “Nhiều nhà bảo tồn coi rừng trồng là “sa mạc xanh” vì chúng không có khả năng tái sinh tự nhiên”.

 

Về lâu dài, những vùng rừng sản xuất, rừng độc canh để khai thác gỗ và nhựa .v.v sẽ phải trả giá rất đắt cả về sinh thái lẫn tài chính. Và như đã xảy ra ở Làng Nủ, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, rất nhiều địa phương Việt Nam những năm gần đây, cái giá đó là sinh mạng.

__________

Tham khảo:

 

http://xuangiao.baothang.laocai.gov.vn/quan-ly-dat-dai/cong-bo-hien-trang-rung-tinh-lao-cai-nam-2023-1238389

 

https://baoquangngai.vn/channel/2025/201406/mat-trai-cua-nhung-rung-keo-ky-2-bai-toan-moi-truong-cho-trong-rung-nguyen-lieu-2318860/\

 

https://www.baoyenbai.com.vn/12/284113/Yen-Bai-phat-trien-rung-ben-vung.aspx

 

https://tuoitre.vn/giat-minh-thay-so-cay-keo-20201108081648006.htm

 

https://tuoitre.vn/rung-keo-lam-tang-nguy-co-sat-lo-20201108082556409.htm

 

https://vtv.vn/xa-hoi/trong-keo-gia-tang-nguy-co-sat-lo-dat-20220317184522806.htm

 

https://nongnghiep.vn/at-chu-bai-rung-trong-yen-bai-d153979.html

 

https://vov.vn/kinh-te/nguoi-dan-yen-bai-dang-song-khoe-nho-go-rung-trong-891391.vov

 

https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/rung-suy-giam-bao-dong-loi-song-cua-con-nguoi-voi-thien-nhien-646450.html

 

https://thanhnien.vn/thoat-chet-than-ky-trong-tran-lu-lang-nu-me-oi-con-chay-khong-185240913064119465.htm

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

 

------------------------------------------

Tin, bài liên quan

Blog

 

Muốn nhổ là nhổ

Cây đổ giòn vang như tiếng pháo

Con gì cũng chết

Hoàng Anh Gia Lai: “Đã từng điêu đứng, sao chưa tỉnh ngộ?”

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats