Sunday 29 September 2024

CẦN NHIỀU HAY MỘT BỘ SÁCH? (Thái Hạo / Facebook)

 



CẦN NHIỀU HAY MỘT BỘ SÁCH?

Thái Hạo

29-9-2024   02:01    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02Vp2AMKQjHhdKUuHv4qpzFMTrZwntZ395tDvNGxMPG2eKicjXT4HnKamCcbvCPKXYl&id=100059910855657

 

Cũng trong đợt bão lụt vừa qua, dư luận lại rộ lên ý kiến đòi trở về với một bộ sách giáo khoa duy nhất. Mấy hôm nay cũng có một số bạn bè hỏi quan điểm của tôi về vấn đề này. Thực ra, tôi đã nói về nó suốt mấy năm nay, nói quá nhiều rồi, giờ chỉ sơ lược lại mấy ý.

 

1.

 “Một chương trình nhiều bộ sách”, đó là một một hướng đi đúng và theo chiều tiến bộ. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đều làm thế. Như tôi được biết thì sgk “ngữ văn” của Hàn Quốc có tới trên 20 bộ, ai chọn bộ nào thì chọn, không bắt buộc tất cả vào một cái khuôn.

 

2.

Một chương trình nhiều bộ sách, sở dĩ là hướng làm đúng vì có nhiều cơ sở biện minh. Đầu tiên là tạo nền tảng để phá thế độc quyền của các cơ quan hoặc nhóm lợi ích. Thứ đến là huy động được trí tuệ của xã hội một cách rộng rãi. Hãy hình dung thế này, với tinh thần “xã hội hóa sách giáo khoa”, thì tôi nếu có ham thích và đủ năng lực thì cứ tự mình soạn ra một bộ sách giáo khoa Việt văn, in ra và bán trên thị trường. Bộ Giáo dục sẽ chỉ là người thẩm định xem sách của tôi có đủ tiêu chuẩn để làm tài liệu học tập với tư cách là “sách giáo khoa” hay không; việc còn lại là của học sinh, thầy cô giáo, nhà trường; họ sẽ tự mình mua lấy bộ nào phù hợp nhất để dạy và học. Một xã hội có cả trăm cả ngàn người/ nhóm soạn ra cả trăm bộ sgk như thế, mua bán bình đẳng trên thị trường, thì nó chính là một sự cạnh tranh lành mạnh, cả về giá cả lẫn chất lượng. Người được lợi nhất tất nhiên là người tiêu dùng (thầy cô, học sinh, nhà trường...).

 

3.

Nhiều bộ sách giáo khoa là một bước đi để tự cởi trói. Trước một vấn đề tri thức, ngay cả tri thức của khoa học tự nhiên với tính chính xác của nó, thì vẫn luôn có nhiều cách tiếp cận, giải quyết và diễn giải. Việc có nhiều bộ sách sẽ làm phong phú cho tri thức và cách thức tiếp cận tri thức. Nó cũng góp phần phá đi sự học phiệt và đồng phục tư duy, kích thích sáng tạo và tự do suy nghĩ.

 

4.

Ý nghĩa của một chương trình nhiều bộ sách thì còn nhiều, nhưng giờ nói đến cái cơ sở của nó. Chương trình giáo dục 2018 đặt trên nền tảng của Chương Trình chứ không phải trên sách giáo khoa; lúc này chương trình là “pháp lệnh”, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập, dù là một tài liệu quan trọng. Nó có nghĩa là dựa trên cấu trúc, mục tiêu, tiêu chuẩn mà chương trình đòi hỏi, về mặt lý thuyết nếu giáo viên nào không thích dùng các bộ sách giáo khoa đang có trên thị trường thì có quyền tự soạn lấy sách mà dạy. Nó giúp giải phóng giáo viên, cho họ cơ hội cởi trói và phát huy cao nhất thế mạnh cũng như sở trưởng, và có cơ hội theo đuổi tôn chỉ, mục đích giáo dục của bản thân. Một viễn kiến như thế, há chẳng đáng ủng hộ sao? Một cách cơ bản, tinh thần của nó giúp đáp ứng nhu cầu tiến bộ của dạy và học theo hướng cá nhân hóa/ cá thể hóa. Đó là hạt mầm của tự do.

 

5.

Tuy nhiên! Quan sát việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục 2018 mấy năm nay, tôi cho rằng nó đã không đạt gì nhiều nhặn như kỳ vọng tự đặt ra. Lý do có nhiều, nhưng có lẽ quan trọng nhất là do khâu chuẩn bị chưa tốt (cả về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên...), lợi ích cá nhân/nhóm vẫn chi phối. Ngắn gọn là thiếu trách nhiệm. Nó dẫn đến tình trạng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, khẩu hiệu thì lớn lao tốt đẹp mà thực hiện thì rối rắm, bị động, lếch thếch lôi thôi. Nó khiến thầy cô giáo mệt mỏi, phụ huynh hoang mang, xã hội chia rẽ và bất bình.

 

Bài học rút ra là, không phải cứ có chủ trương và tinh thần tốt là đủ; mà quan trọng nhất là điều đó phải song hành với một giải pháp, hành động, sự triển khai và cách thức quản lý khoa học, chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm. Bằng không, chỉ gây lãng phí và rối loạn thêm cho giáo dục và xã hội. Trước tình thế ấy, buồn thảm thay, nhiều người lại khởi lên cái ham muốn chui trở lại vào lồng - cái lồng của một bộ sách, tức cái lồng của sự chăn dắt và đồng phục.

 

Thái Hạo

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=919608496712837&set=a.225469346126759n

Tác phẩm Cuốc Sách, nghệ sĩ Nang Yen làm tặng tôi năm ngoái.

 

.

177 BÌNH LUẬN  

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats